TTCT - Ngoài hệ hô hấp và sức khỏe tinh thần, bàn chân con người cũng là một nạn nhân của COVID-19. Đại dịch không chỉ khiến chân ta đau vì va phải bàn ghế, giường tủ do suốt ngày chỉ quẩn quanh trong nhà mà còn gây ra những thương tổn nghiêm trọng hơn. Ảnh: ShutterstockChân dễ bị tổn thương khi ở nhà. Còn khi hết dịch, cuộc sống trở lại, số người bị đau chân vẫn tiếp tục tăng do lẽ nhiều người quá háo hức tung tăng trở lại khiến bàn chân bị… quá tải.Đôi chân trầnTháng 3-2020, Krista Fahs bắt đầu làm việc ở nhà và từ đó có thói quen mới - đi chân trần. Dù là giặt đồ, chơi với mèo hay đi thăm hàng xóm, Fahs chẳng thèm mang giày dép suốt cả ngày. Sau vài tháng, cô bắt đầu cảm thấy đau nhói ở gót chân. Tuy nhiên, Fahs không để tâm cho đến tháng 3-2022, khi cơn đau trở nên quá dữ dội và không thể phớt lờ. Lúc này, ngay cả khi nằm nghỉ trên giường, cơn đau nhói ở gót chân vẫn không dừng lại, cô phải trằn trọc rất lâu mới có thể đi vào giấc ngủ.Theo bác sĩ Robert K. Lee, trưởng khoa phẫu thuật chân và mắt cá chân tại Trung tâm Y tế Đại học California, Los Angeles (UCLA), khi COVID-19 mới bắt đầu, số ca chấn thương bàn chân và đau chân ở Mỹ giảm rõ rệt. Nhưng gần đây, số ca bệnh với triệu chứng đau chân như chị Fahs bắt đầu tăng. “Đây có thể là tác động của đại dịch lên bàn chân khắp nước Mỹ” - bác sĩ Lee nói với báo New York Times ngày 18-4.Hiện nay, dù không có các số liệu chính thức, James Christina, giám đốc điều hành của Hiệp hội Y khoa về chân của Mỹ, cho biết nhiều bác sĩ trong số 12.000 thành viên của hiệp hội nhận thấy số ca đau chân tăng rõ ràng. Bác sĩ Rock Positano, thành viên hiệp hội và là đồng giám đốc khoa chăm sóc chân và mắt cá không phẫu thuật tại một bệnh viện ở New York, cho biết số ca đau chân tăng khoảng 20 - 30% và ông gọi hiện tượng này là “bàn chân đại dịch”.Theo bác sĩ Positano, các nguyên nhân phổ biến nhất gây đau chân là chân phải “làm việc” nhiều hơn trong đại dịch. Chẳng hạn, một số người chọn đi bộ quãng đường dài thay vì sử dụng phương tiện giao thông công cộng, hoặc đi chân trần ở nhà suốt ngày. Fahs chính là một trường hợp như thế. Cô được chẩn đoán là bị viêm cân gan chân do chân bị quá tải.Cân gan chân là một dải gân cơ bám từ các chỏm xương bàn đến xương gót, giúp bàn chân duy trì độ cong sinh lý và có độ nhún. Nó giúp giảm trọng lực dồn xuống bàn chân khi vận động, từ đó giúp chúng ta đi lại dễ dàng hơn... Cân gan chân bị tổn thương sẽ gây đau nhức gót chân. Fahs cho biết anh trai, em gái và một người bạn thân của cô gần đây cũng bị vấn đề này.Ngoài viêm cân gan chân, các bác sĩ chỉ ra các vấn đề đau chân phổ biến khác gồm đau ụ ngón chân và viêm gân Achilles (viêm gân gót chân).Đau ụ ngón chân là tình trạng đau đớn ở vùng đệm thịt ở lòng bàn chân - nơi chịu áp lực cao nhất khi chúng ta đứng và di chuyển. Đau thường xuất hiện ở khớp bàn ngón chân (khớp nối các ngón chân và bàn chân). Chúng ta có thể có cảm giác đau nhói, tê và đau mỗi khi gập các ngón chân. Đau giảm khi thư giãn chân và trở lại khi tiếp tục các hoạt động bình thường. Gân Achilles là gân lớn nhất cơ thể kéo dài từ bắp chân đến bám vào xương gót. Gân Achilles giúp cơ thể đứng trên các đầu mũi chân, đi bộ, chạy, nhảy. Nó được sử dụng trong hầu hết các hoạt động nên cũng là nơi chịu nhiều áp lực và dễ bị tổn thương. Ảnh: HealioNhững bàn chân chưa sẵn sàng trở lạiJames Hanna, bác sĩ chuyên về chân và là chủ tịch Hiệp hội Y khoa về chân của bang New York, chỉ ra một nguyên nhân gây đau chân khác khi chuyện ở nhà tránh dịch đã hết: nhiều người háo hức tập luyện để lấy lại cơ thể thon gọn như trước dịch, hoặc quay lại với những hoạt động mình không có điều kiện thực hiện trong mùa đông hay khi còn các lệnh hạn chế.Có thể việc tập luyện, đi lại nhiều là những yếu tố làm trầm trọng thêm các vết thương đã có hoặc gây ra những chấn thương mới ở chân. Theo ông Hanna, dù chúng ta nghĩ mình có thể lập tức quay lại tập thể dục thể thao sau thời gian thiếu vận động dài, chân và cơ thể chúng ta không sẵn sàng cho lắm. Chẳng hạn với những người vội trở lại thói quen chạy bộ khi cuộc sống trở lại bình thường, họ thường bị viêm gân Achilles. Triệu chứng chính là đau phía sau gót chân. Ban đầu đau nhiều hơn khi bắt đầu tập thể dục, nhưng thường giảm dần ngay cả khi chúng ta vẫn tiếp tục tập.Tương tự, theo Jacquelyn M. Dylla, phó giáo sư vật lý trị liệu lâm sàng tại Đại học Nam California, một trong những yếu tố gây đau chân phổ biến nhất khi cuộc sống trở lại bình thường là mọi người lao vào tập quá nhiều, quá nhanh. Trong khi đó, nhiều người có thể bị teo và giảm mật độ xương do không hoạt động trong một thời gian dài mà không biết. Khi đó, họ gặp khó khăn nhiều hơn khi phải giữ thăng bằng trên các bề mặt gồ ghề.Bà Dylla cho biết mình có những bệnh nhân trông giống như bị tai nạn xe hơi nhưng thật ra họ chỉ bị lật mắt cá chân khi đi bộ đường dài. Với học sinh, sau 1-2 năm học trực tuyến, không tập thể thao nhiều, các em cũng gặp nhiều vấn đề khi phải đột ngột lao vào tập luyện để đi thi các giải thể thao quốc gia. Tư thế lunge là bài tập tốt cho lòng bàn chân: đứng với chân trước, chân sau trên một đường thẳng. Chân trước khụy vuông góc với mặt sàn, chân sau khụy gối chạm sàn và nhón gót rồi trở về tư thế đứng thẳng. Có thể tập động tác này nhiều lần trong ngày.Nâng niu bàn chânTheo các chuyên gia, đau chân không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe bàn chân. Nếu không được chữa trị sớm, chúng có thể lan rộng, gây đau đầu gối, đau hông và lưng. Bằng một số cách đơn giản, chúng ta có thể tránh bị đau chân hoặc làm giảm đau chân.Một trong những cách chữa đau chân đơn giản mà hiệu quả là mang giày. Đế giày phải tốt, mũi giày rộng, đủ không gian cho các ngón chân, phần gót hơi cao để nâng đỡ gót. Nên mua giày vừa chân. Nếu không muốn mang giày đi ngoài đường khi ở trong nhà, hãy có riêng một đôi giày mang trong nhà. Chúng ta cũng có thể dán thêm miếng lót ở phần lòng bàn chân và gót chân để tăng thêm sự hỗ trợ. Thay giày khi đế giày quá mòn, vì nếu mòn vẹt, đế giày không thể hỗ trợ chân đáng kể.Bác sĩ Dylla khuyên cần chuẩn bị cho cơ thể trước khi trở lại các hoạt động thể thao bằng các bài tập co duỗi các ngón chân và bàn chân. Quan trọng là hãy bắt đầu theo kiểu chậm mà chắc. Chẳng hạn, nếu muốn đi bộ trở lại, hãy đi chặng ngắn với nhịp độ vừa phải và tăng dần độ dài đoạn đường cũng như nhịp độ đi.Các bác sĩ chuyên về chân nhấn mạnh khởi động đầy đủ, co và duỗi chân, bàn chân thường xuyên giúp phòng tránh đau chân. Chẳng hạn, buổi sáng, trước khi vào nhà vệ sinh, hãy làm vài động tác như kéo các ngón chân về gần đầu nhất có thể hoặc tưởng tượng chân mình là cây bút và dùng chân để viết chữ vào không khí. Cách này giúp chúng ta đánh thức các khớp chân và giảm rủi ro làm mình bị thương.Xoa bóp vùng lòng bàn chân để lòng bàn chân mềm mại cũng có thể giúp phòng chấn thương. Cách đơn giản là dùng chân giữ một quả bóng tennis và lăn bàn chân trên quả bóng. Động tác này sẽ tác động vào các sợi gân ở lòng bàn chân.Tuy nhiên, nếu bị đau gót, đau chân dai dẳng, cần đi khám trước khi tập các bài tập giãn cơ. Theo bác sĩ Positano, có một số trường hợp chúng ta có thể bị rách ở gân và việc kéo căng cơ có thể làm tình trạng xấu đi.■Chứng "ngón chân COVID" bí ẩnCác chuyên gia về da liễu ở Mỹ và nhiều nơi khác ghi nhận tình trạng da ngón chân của nhiều người bị đổi màu thành hồng, đỏ, tím kèm theo ngứa, rát, đau, sưng. Tình trạng này kéo dài từ 10 ngày đến vài tháng, nhẹ thì chỉ ngứa, nặng thì sưng to đến mức không thể mang giày.Đây là biểu hiện của tình trạng viêm mao mạch (rối loạn da dạng pernio), còn gọi là bệnh cước (chilblains). Bệnh thường gặp ở trẻ em và trong mùa đông. Dó có sự gia tăng số bệnh nhân bị sưng và đổi màu ngón chân trong đại dịch COVID-19, các bác sĩ da liễu và các nhà nghiên cứu suy đoán rằng có thể bệnh có mối liên quan với virus SARS-CoV-2 và gọi hiện tượng này là chứng “ngón chân COVID”. Ngón chân COVID Tuy nhiên, sự liên hệ với COVID-19 của bệnh rất mong manh do nhiều nghiên cứu chỉ ra nhiều người bị chứng “ngón chân COVID” không có triệu chứng nhiễm COVID-19 và cũng âm tính với virus trong xét nghiệm PCR.Một nghiên cứu ở Bắc California cho thấy chỉ 17 trong 456 bệnh nhân bị “ngón chân COVID” trong giai đoạn từ tháng 4 đến tháng 12-2020 dương tính với COVID-19 qua xét nghiệm PCR, dù số ca bị chứng “ngón chân COVID” năm 2020 tăng đột biến so với số ca ghi nhận trong khu vực từ năm 2016 - 2019.Một số nhà nghiên cứu cho rằng sự gia tăng các trường hợp bị “ngón chân COVID” có thể là do tiếp xúc với không khí lạnh ẩm, như đi chân trần hoặc vớ mỏng khi ở nhà. Nhiều nhà nghiên cứu nghi ngờ chứng “ngón chân COVID” xảy ra muộn trong quá trình tiến triển của bệnh. Có thể các bệnh nhân bị chứng “ngón chân COVID” có kết quả xét nghiệm âm tính vì virus đã được đào thải đến mức không thể phát hiện được. Tags: Sức khỏeĐại dịchCOVID-19Đau chânChân đau
Kẹt xe kéo dài trên cao tốc TP.HCM - Phan Thiết từ 3h sáng, phân luồng xuống quốc lộ 1 MINH HÒA 24/01/2025 Rạng sáng 24-1, người dân tiếp tục cuộc hành trình về quê các tỉnh miền Trung, miền Bắc, cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây - Phan Thiết lại kẹt xe kéo dài. Nhiều người đi từ 3h sáng cũng không thoát cảnh gian nan.
Xe không vào được bãi rác Đa Phước, nguy cơ rác TP.HCM hôm nay không được xử lý LÊ PHAN 23/01/2025 Tối 23-1, cả trăm xe rác không vào bãi rác Đa Phước được, gây ra ùn ứ kéo dài, nguy cơ rác thải TP.HCM hôm nay không được xử lý.
Bầu bổ sung ông Nguyễn Duy Ngọc vào Bộ Chính trị, làm chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương THÀNH CHUNG 23/01/2025 Ban Chấp hành Trung ương đã bầu bổ sung ông Nguyễn Duy Ngọc giữ chức ủy viên Bộ Chính trị, chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương.
Bầu bổ sung ông Trần Lưu Quang vào Ban Bí thư khóa XIII THÀNH CHUNG 23/01/2025 Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã bầu ông Trần Lưu Quang, ủy viên Trung ương Đảng, trưởng Ban Kinh tế Trung ương, giữ chức ủy viên Ban Bí thư khóa XIII.