10 vạn quả trứng mất trộm và 'khủng hoảng ốp la'

TỊNH ANH 21/02/2025 03:13 GMT+7

TTCT - Tới trứng mà còn bị ăn trộm thì biết cuộc khủng hoảng trứng gà ở Mỹ đã trầm trọng tới đâu.

10 vạn quả trứng mất trộm và 'khủng hoảng ốp la' - Ảnh 1.

Kệ trứng hết sạch tại một cửa hàng ở California. Ảnh: AFP

Theo cảnh sát bang Pennsylvania, khoảng 100.000 quả trứng đã bị trộm từ xe phân phối của Công ty Pete & Gerry's Organics vào sáng 1-2. Số trứng gà hữu cơ cao cấp này ước tính trị giá khoảng 40.000 USD (1 tỉ VND), khiến vụ việc bị xem là trọng tội hình sự.

Cảnh sát vẫn đang ráo riết tìm kiếm manh mối các tay đạo chích. Chưa rõ động cơ của những kẻ trộm có liên quan đến việc giá trứng leo thang do dịch cúm gia cầm tàn phá nguồn cung trong nước hay không, song sự trùng hợp về thời điểm là không thể phủ nhận.

"Chúng tôi chưa rõ mục đích của việc lấy cắp 100.000 quả trứng là gì vào thời điểm này. Với mức giá trứng tăng vọt hiện nay, có thể nghĩ bọn trộm sẽ kiếm lời từ việc bán chúng" - Megan Frazer, phát ngôn viên sở cảnh sát bang, nói.

Vụ trộm gây chú ý không phải vì những con số 100.000 quả trứng hay 40.000 USD. "Cái đáng chú ý hơn cả là sự thật rằng trứng trở nên khó tìm và đắt đỏ đến mức có người sẵn sàng đánh cắp chúng" - Karyn Rispoli, phụ trách ngành trứng tại trang theo dõi giá cả Expana, nói với The New York Times.

Khổ vì trứng

Chỗ trứng "bốc hơi" khi người tiêu dùng trên khắp nước Mỹ đang phải đối mặt với các kệ hàng trống trơn, các nhà hàng và hiệu bánh đau đầu vì giá trứng tăng cao. Giá trứng biến động một phần do lạm phát, nhưng cũng vì dịch cúm gia cầm do vi rút H5N1.

Từ tháng 1-2022 đến ngày 3-2-2025, vi rút cúm gia cầm đã lây nhiễm cho hơn 153,64 triệu con gia cầm trên khắp 50 bang của Mỹ, theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC). Theo The New York Times, hơn 30 triệu con gà đẻ trứng (chiếm 10% tổng đàn) đã bị tiêu hủy trong quý 4-2024.

Các chuỗi bán lẻ bị ảnh hưởng đầu tiên vì các trang trại trứng chủ yếu cung cấp cho nhóm khách hàng này. Nhưng khủng hoảng đã lan sang cả ngành dịch vụ ăn uống. Một số nhà hàng phải đổi menu, điều chỉnh công thức hoặc tăng giá. 

Chẳng hạn, chuỗi nhà hàng Biscuit Belly, với 14 chi nhánh tại 6 bang ở miền nam nước Mỹ, chấp nhận đổi qua phân khúc chất lượng thấp hơn để có giá rẻ hơn. Tuy nhiên, chi phí vẫn cao gấp đôi so với năm ngoái, vì vậy chuỗi nhà hàng này dự định chuyển sang sử dụng trứng lỏng cho các món như trứng tráng, trứng bác và bột bánh. Đối với các món cần trứng nguyên quả như trứng ốp la, họ gần như không có nhiều lựa chọn thay thế.

Chuỗi cửa hàng ăn sáng Waffle House - với nhu cầu hơn 272 triệu quả trứng mỗi năm - buộc phải chuyển phần chi phí trứng tăng cao sang cho khách hàng bằng cách áp dụng phụ phí 50 cent cho các món ăn có trứng. Các nhà hàng nhỏ vốn đã làm điều này khi giá trứng bắt đầu tăng, nhưng Wafle House là một trong những chuỗi lớn đầu tiên gia nhập làn sóng thu "phụ phí trứng".

Trong khi đó, nhiều người đã chuyển sang tự nuôi gà để lấy trứng. Quản lý một cửa hàng chuyên bán gà con Palmer's Feed & Seed ở Florida nói với kênh FOX 35 Orlando ngày 8-2, trước khi giá trứng tăng, họ bán từ 50 đến 100 con mỗi tuần. Giờ thì con số là khoảng 200 con/tuần. Cửa hàng cũng bán trứng, và "9h mở cửa thì 10h đã hết sạch".

Theo FOX 35 Orlando, người muốn mua gà con và nuôi gà sân vườn cần tìm hiểu kỹ về các quy định pháp lý địa phương liên quan đến việc chăn nuôi gia cầm. Ngoài ra, việc tự nuôi gà có thể không tiết kiệm như nhiều người nghĩ. 

Chi phí đầu tư ban đầu vào khoảng 200 USD, cùng chi phí thức ăn và vật dụng khoảng 50 USD mỗi tháng. Tưởng là mỗi ngày có trứng miễn phí, nhưng bù qua đắp lại chi phí thì cùng lắm là huề vốn.

10 vạn quả trứng mất trộm và 'khủng hoảng ốp la' - Ảnh 2.

Ảnh: Reuters

Theo báo cáo của USDA công bố ngày 24-1, giá trứng bán lẻ đã tăng 8,4% trong tháng 12-2024 và tiếp tục biến động mạnh theo từng tháng.

Dữ liệu mới nhất từ Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Cục Thống kê lao động Mỹ cho thấy giá trứng đã tăng 65,1% trên toàn quốc từ tháng 12-2023 đến tháng 12-2024 (từ 2,51 USD lên 4,15 USD/tá trứng loại A).

Tại vùng Trung Tây, giá bán buôn trung bình của một tá trứng loại lớn hiện là 7,08 USD, cao gấp 7 lần so với hai năm trước, theo USDA. Tại thành phố New York, giá trứng lên tới 11,99 USD cho một tá trứng nuôi thả tự nhiên tại các cửa hàng của Whole Foods Inc. Nhà bán lẻ này đã áp dụng giới hạn mua tối đa ba hộp trứng mỗi khách hàng tại một số địa điểm trong thành phố.

Theo Bloomberg, giá trứng liên tục lập kỷ lục mới khi dịch cúm gia cầm lan rộng và số gà bị tiêu hủy tăng. Trong khi Việt Nam đón Tết Nguyên đán, Mỹ đã ghi nhận thêm 14 triệu con gia cầm bị tiêu hủy do bùng phát dịch ở 7 bang: Arizona, California, North Carolina, Ohio, Missouri, Indiana và Washington.

Vòng luẩn quẩn

Tâm lý người tiêu dùng cũng góp phần làm trầm trọng thêm khủng hoảng trứng ở Mỹ. Theo Saloni Vastani, phó giáo sư marketing tại Đại học Emory, nguồn cung bị hạn chế không chỉ vì dịch cúm gia cầm khiến nhiều lô trứng bị tiêu hủy trước khi kịp lên kệ mà còn do tâm lý mua tích trữ của người tiêu dùng. 

Có người trước đây chỉ mua một tá trứng nay mua đến bốn tá cùng lúc. "Và khi các kệ hàng trống trơn, tâm lý hoảng loạn càng lan rộng, thúc đẩy làn sóng mua trứng nhiều hơn nữa" - bà nói với báo USA Today.

Người tiêu dùng Mỹ, vì thế, đang vô tình tạo ra tình trạng khan hiếm trứng vì yếu tố tâm lý, tương tự hiện tượng khan hiếm giấy vệ sinh từng xảy ra trước đây. Neil Saunders, nhà phân tích bán lẻ tại công ty nghiên cứu và phân tích GlobalData, cho rằng tâm lý này sẽ tạo ra một vòng luẩn quẩn và "sẽ mất khá nhiều thời gian để thị trường trở lại trạng thái bình thường".

Dù trứng ngày càng khó tìm thấy trên các kệ siêu thị, Emily Metz, chủ tịch kiêm giám đốc điều hành của tổ chức American Egg Board, trấn an người tiêu dùng "có thể yên tâm rằng trứng vẫn đang được chuyển đến các cửa hàng". "Các nhà chăn nuôi dân đang làm việc hết công suất với các nhà bán lẻ để lấp đầy các kệ trống, thường chỉ trong vòng 24 giờ" - bà nói với USA Today.

Tuy nhiên, thời điểm giá trứng giảm trở lại vẫn chưa rõ ràng và có thể sẽ phải chờ sau năm 2025. Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) dự báo giá trứng sẽ tiếp tục tăng thêm 20% trong năm nay, trong khi giá thực phẩm nói chung chỉ tăng khoảng 2,2%.

Một trong những yếu tố quyết định giá trứng sẽ là tốc độ phục hồi đàn gà đẻ khỏe mạnh của các nông trại và nhà sản xuất. USDA dự báo sản lượng trứng tiêu thụ sẽ giảm vào năm 2025 do quy mô đàn gà đẻ nhỏ hơn, hậu quả từ dịch cúm gia cầm độc lực cao (HPAI), cũng như tỉ lệ đẻ trứng giảm.

Trong kịch bản lạc quan nhất, nếu không có thêm trường hợp gà bị nhiễm cúm gia cầm, cũng phải mất hơn 9 tháng mới bổ sung lại được số gà đẻ đã mất và chúng bắt đầu cho trứng, Matt Sutton-Vermeulen, chuyên gia của công ty tư vấn chiến lược toàn cầu Kearney, cho biết.

Trong khi giá trứng tăng vọt thì cánh gà - món khoái khẩu của dân Mỹ - hầu như không hề hấn gì. Đài NPR tếu táo gọi đây là "câu đố kinh tế", và đưa đáp án: giá cánh gà không ảnh hưởng vì gà nuôi lấy trứng và gà lấy thịt ảnh hưởng khác nhau trong cúm gia cầm. 

Gà "lớn tuổi" dễ nhiễm vi rút hơn, trong khi gà nuôi lấy thịt chủ yếu "còn non". Một đàn gà lấy thịt chỉ sống khoảng 7 tuần ở trang trại, nghĩa là nếu chết hoặc bị tiêu hủy vì nhiễm cúm, chúng có thể được thay thế khá nhanh chóng.

10 vạn quả trứng mất trộm và 'khủng hoảng ốp la' - Ảnh 2.

Ảnh chụp màn hình

Tính đến 9-2, trong khi tăm tích của những kẻ trộm trứng ở Pennsylvania còn chưa rõ thì lại có một vụ tương tự lên báo: hai người đàn ông bị camera an ninh ghi hình đột nhập vào cửa sau một quán cà phê ở Seattle (bang Washington) vào 4h42 sáng 5-2, cuỗm gọn 540 quả trứng, một ít thịt xông khói, bò băm và cả trứng lỏng, lên xe minivan và ung dung rời hiện trường. Cảnh sát Seattle đang kêu gọi quần chúng đóng góp manh mối để truy tìm thủ phạm.

Trứng và Trump

Giáo sư Vastani cho rằng một số người tiêu dùng đang nhầm lẫn giữa việc tăng giá trứng và nỗi lo về giá cả các mặt hàng tiêu dùng khác có thể tăng do các biện pháp áp thuế nhập khẩu mà chính quyền Tổng thống Donald Trump đe dọa áp dụng lên Canada, Trung Quốc và Mexico.

Các mức thuế mà ông Trump dự kiến đánh lên Mexico và Canada đều đang được tạm hoãn, nên trước mắt chưa ảnh hưởng. Tuy nhiên, Vastani lưu ý "đây cũng là thời điểm một số ngành hàng tranh thủ tăng giá vì biết rằng khách hàng sẽ nghĩ đó là do thuế".

Ông Trump từng lấy việc giảm giá thực phẩm làm trọng tâm trong chiến dịch tranh cử của mình, nhưng khi đã làm tổng thống, ông có vẻ đã "quên" những gì từng hứa.

Trong một chuyến vận động cử tri hồi tháng 8-2024, ông Trump cam kết sẽ "lập tức giảm giá cả, bắt đầu từ ngày đầu tiên" nếu tái đắc cử. Tuy nhiên, sau khi giành chiến thắng, ông lại nói với tạp chí Time: "Giá đã tăng rồi thì khó mà kéo xuống".

Tổng thống tuyên bố có thể giảm lạm phát giá thực phẩm bằng cách thúc đẩy sản xuất năng lượng, nới lỏng quy định và gây áp lực buộc Cục Dự trữ liên bang hạ lãi suất. Tuy vậy, các nhà kinh tế đã giội gáo nước lạnh vào kế hoạch này, cảnh báo rằng chính phủ không có nhiều công cụ để kéo giảm giá cả trên diện rộng.

"Trong khi giá trứng, một vấn đề tưởng chừng nhỏ nhặt, đang là điều khiến các cử tri ủng hộ ông quan tâm nhất, tổng thống lại bận rộn với các kế hoạch đình đám như trục xuất hàng triệu người nhập cư, áp thuế lên các đồng minh của Mỹ và cải tổ chính phủ liên bang" - tờ The Telegraph bình luận.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận