
Phương án sáp nhập được nhiều người thảo luận: đưa Long Thành, Nhơn Trạch về TP.HCM; đưa Xuyên Mộc, Bắc Tân Uyên, Phú Giáo về Đồng Nai nhằm tạo thuận lợi cho giao thông, tránh phải "mượn đường" sau khi sáp nhập - Đồ họa: N.KH
PGS.TS Võ Trí Hảo - trọng tài viên Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC) - cho rằng giống như phương án dự kiến sáp nhập TP.HCM với Bà Rịa - Vũng Tàu, phương án dự kiến sáp nhập Đồng Nai với Bình Phước hiện cũng có vướng mắc khi hai tỉnh này không có sự kết nối giao thông liền mạch trên đất liền.
Đồng Nai - Bình Phước nếu sáp nhập mong đừng bị chia cắt
* Ông có thể phân tích sâu hơn hạn chế về kết nối giao thông nếu hai tỉnh Đồng Nai và Bình Phước sáp nhập?
- Bình Phước và Đồng Nai giáp nhau tại vùng biên giới kéo dài khoảng 160km. Dù vậy đường ranh giới này chủ yếu là rừng và chia cắt bởi con sông Mã Đà. Hai địa phương này đến nay chưa có tuyến đường kết nối trực tiếp với nhau.
Hôm qua (2-4), Đồng Nai kiến nghị Thủ tướng xem xét chấp thuận phương án đầu tư xây dựng cầu Mã Đà và đường kết nối Bình Phước.
Trong hai phương án Đồng Nai đề xuất đều phải thu hồi đất rừng đặc dụng khoảng 45ha hoặc 85,5ha.
Ngoài ra, cầu Mã Đà và tuyến đường kết nối từ cầu Mã Đà đến giao với đường vành đai 4 TP.HCM chưa có trong quy hoạch tỉnh Đồng Nai, cho nên muốn làm phải điều chỉnh quy hoạch, phương án phát triển mạng lưới giao thông.
Như vậy, thực tế hiện nay để đi từ Bình Phước sang Đồng Nai phải đi mượn đường qua huyện Phú Giáo, Bắc Tân Uyên (Bình Dương) hoặc đi đường qua Lâm Đồng vòng lại.
* Nhiều chuyên gia và người dân bàn luận giải pháp đưa Nhơn Trạch, Long Thành về TP.HCM để giải quyết hạn chế cho phương án sáp nhập TP.HCM với Bà Rịa - Vũng Tàu. Vậy hạn chế ở phương án dự kiến sáp nhập Đồng Nai và Bình Phước theo ông giải quyết thế nào?
- Nhìn trên bản đồ và xem xét dự kiến phương án sắp xếp các tỉnh khu vực phía Nam và Tây Nguyên cho thấy khó có thể cắt một số huyện giáp ranh của Lâm Đồng vào phương án sáp nhập Bình Phước với Đồng Nai.
Một phương án tối ưu hơn có thể cắt hai huyện Phú Giáo và Bắc Tân Uyên (Bình Dương) sáp nhập với Đồng Nai và Bình Phước sau sáp nhập. Có thể thấy hai huyện này nằm ở phía đông và đông bắc của Bình Dương, nếu cắt đi cũng không ảnh hưởng cấu trúc của việc sáp nhập Bình Dương vào TP.HCM và Bà Rịa - Vũng Tàu.
Ngược lại đưa về sáp nhập với Đồng Nai và Bình Phước sẽ mở ra không gian kết nối đất liền giữa hai địa phương, giống như đề xuất đưa Nhơn Trạch và một phần Long Thành (Đồng Nai) về TP.HCM.
Đồng thời phương án này có thể giúp tạo thêm một trục đường kết nối từ Tây Nguyên xuống cảng Cái Mép - Thị Vải (Bà Rịa - Vũng Tàu) chia lửa cho trục quốc lộ 14, quốc lộ 13, vành đai 3 TP.HCM.

Cầu Mã Đà nối đường ĐT 753 (Bình Phước) với đường ĐT 761 (Đồng Nai) bị đánh sập trong chiến tranh. Đây là tuyến đường duy nhất kết nối trực tiếp hai tỉnh, nhưng đã bị chia cắt bởi con sông Mã Đà và những cánh rừng - Ảnh: A LỘC
Chia tải cho các tuyến đường về TP.HCM
* Trục giao thông kết nối thứ hai từ Tây Nguyên xuống cảng Cái Mép - Thị Vải và ngược lại cụ thể như thế nào, thưa ông?
- Bên cạnh vùng công nghiệp Bình Dương, một số ngành dệt may phát triển mạnh tại các vùng Đồng Xoài, Hớn Quản, Chơn Thành, Đồng Phú (Bình Phước) tương lai sẽ hình thành vùng công nghiệp. Rõ ràng nhu cầu vận chuyển hàng hóa từ vùng công nghiệp này xuống các cảng biển như Cái Mép - Thị Vải và ngược lại sẽ rất lớn.
Hiện nay hàng hóa từ Tây Nguyên thường sẽ đi qua Đồng Xoài, Đồng Phú dọc theo quốc lộ 14, quốc lộ 13 qua địa bàn Bình Dương sau đó qua đất TP.HCM để tới cảng Cái Mép - Thị Vải, Cát Lái…
Còn nếu sáp nhập hai huyện Phú Giáo, Bắc Tân Uyên vào Đồng Nai - Bình Phước, có thể quy hoạch tạo một trục giao thông thứ 2 từ Tây Nguyên đi qua Bắc Tân Uyên, xuống Cẩm Mỹ đến Xuyên Mộc (Bà Rịa - Vũng Tàu) vòng qua cảng Cái Mép - Thị Vải.
Như vậy hàng hóa từ Tây Nguyên đi xuống cảng biển và ngược lại sẽ có thể vận chuyển bằng hai trục đường nằm phía bắc và phía nam của sân bay Long Thành. Một trục đường vận chuyển hàng hóa hình thành kéo theo đó là hệ thống kho bãi phát triển dọc tuyến đường.
Khi hàng hóa vận chuyển được dàn đều sang cho thêm một trục đường sẽ giúp giảm áp lực kẹt xe cho các tuyến đường huyết mạch của TP.HCM.
Xuyên Mộc về Đồng Nai tạo trục giao thông từ Tây Nguyên xuống cảng biển

PGS.TS Võ Trí Hảo - Ảnh: TIẾN LONG
* Ông có nhắc đến huyện Xuyên Mộc trong sự hình thành trục giao thông thứ hai. Cũng có nhiều ý kiến cho rằng nên để huyện này sáp nhập luôn vào Đồng Nai để địa phương mới này có biển?
- Tôi không nhìn góc độ sáp nhập huyện Xuyên Mộc để Đồng Nai có biển theo kiểu chia đều địa phương nào cũng có núi, có biển. Ngược lại, việc đề xuất sáp nhập một huyện của địa phương này vào địa phương khác phải lý giải dựa trên lợi ích quốc gia.
Nói cách khác có thể cắt huyện Xuyên Mộc sáp nhập về Đồng Nai nhằm tạo ra sự thuận lợi trong việc phát triển thêm một trục giao thông kết nối từ Tây Nguyên xuống cảng biển Cái Mép - Thị Vải trong khu vực tỉnh Đồng Nai như phân tích ở trên.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận