
Đường tỉnh 825 đoạn ranh giới giữa Long An và Tây Ninh - Ảnh: SƠN LÂM
Như Tuổi Trẻ Online thông tin, tờ trình dự thảo tờ trình về nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sắp xếp đơn vị hành chính nêu: “Ưu tiên sắp xếp các đơn vị miền núi, đồng bằng với các đơn vị hành chính có biển; kết hợp hài hòa, hợp lý các đơn vị có vị trí liền kề gắn với yêu cầu định hướng phát triển để hỗ trợ lẫn nhau”.
Tây Ninh và Long An nằm liền kề, Tây Ninh nằm sâu trong nội địa không có biển, trong khi Long An lại có đường ra biển.
Và với tiêu chí trên thì theo phân tích của các chuyên gia, khả năng Long An và Tây Ninh “về một nhà” là có nhiều cơ sở, bổ trợ cho nhau phát triển.
Dưới bài viết "Uống chung dòng nước Vàm Cỏ Đông, Tây Ninh có sáp nhập Long An để nối đường ra biển?”, nhiều bạn đọc có ý kiến khác nhau.
Lấy tên Vàm Cỏ Đông cho tỉnh mới?
Bạn đọc Thien Chi nhận định về sự tương đồng giữa Tây Ninh và Long An: “Lịch sử, văn hóa, con người từ xưa vốn là một phần của nhau, phong thổ tự nhiên cũng ủng hộ nhau, không bị thiên nhiên ngăn cách bởi sông lớn”.
Vì thế, một số bạn đọc đề nghị “nếu sáp nhập, lấy luôn tên Vàm Cỏ Đông” đặt cho tỉnh mới.
Theo bạn đọc Quang: “Như vậy tỉnh Vàm Cỏ Đông sẽ có hai thành phố ở hai đầu, đó là Tây Ninh và Long An!”.
Còn bạn đọc BP đề xuất: “Nếu Long An sáp nhập với Tây Ninh thì đề nghị lấy tên tỉnh mới là Tây An (miền Tây an bình)".
Bạn đọc Nguyễn Minh Khôi góp ý thêm: “Sau khi sáp nhập, có thể đề xuất làm hai con đường chạy dọc hai bờ sông, nối dài ra biển, nơi có cảng nước sâu Cần Giuộc… thì miền đầu sông sẽ phát triển mạnh, miền hạ lại có cơ hội về cửa khẩu với Campuchia”.
"Đây là cơ hội cho Long An có thêm nhiều tuyến đường được nhựa hóa" - tài khoản tuhu****@gmail.com bày tỏ.
Bạn đọc Vuong Nguyen chia sẻ: "Sáp nhập tỉnh thành nên tính toán đặt trung tâm hành chính thuận tiện cho người dân.
Khoảng cách từ nơi xa nhất về đến trung tâm hành chính không dưới 50km, nhiều nhất khoảng 100km".
Cùng quan điểm, bạn đọc Dân Tây Ninh có ý kiến: "Đã sáp nhập tỉnh thành thì phải có khu trung tâm của đơn vị sau sáp nhập, và từ đó đi các nơi trong khu theo bán kính phải gần tương đương thì người dân, doanh nghiệp, công ty... mới thuận lợi và phát triển".
Tranh luận nhiều phương án sáp nhập
Ngoài các ý kiến trên, bạn đọc cũng cho rằng có thể sắp xếp lại để Long An nhập vào TP.HCM, Tây Ninh nhập vào một tỉnh Đông Nam Bộ khác.
Bạn đọc 0937******59 đề xuất: “Long An chỉ gần biển thôi chứ thật ra không giáp biển.
Long An nên sáp nhập vào TP.HCM để tạo dư địa phát triển cho thành phố, thực hiện việc sắp xếp dân cư và các cơ sở kinh tế để thành phố thông thoáng hơn.
Nếu không sáp nhập vào TP.HCM, có thể xem xét nhập Long An vào Tiền Giang sẽ thuận lợi hơn cho hai địa phương trong phát triển.
Còn tỉnh Tây Ninh ở phía tây bắc nên xem xét sáp nhập vào Bình Dương hay Bình Phước sẽ tốt hơn”.
Một số bạn đọc khác cho rằng để có thể phát triển hơn về phía biển, nên tách luôn Gò Công của Tiền Giang nhập vào Long An và Tây Ninh để “có biển”.
Bên cạnh đó, phương án “tách Long An” ra từng phần cũng được nhiều bạn đọc đề xuất.
Theo tài khoản Chinh Pham Duy, "một phần Long An giáp TP.HCM nên nhập vào TP.HCM, còn lại thì nhập vào Tây Ninh và Tiền Giang".
Trong khi đó, bạn đọc Lê An đề xuất: “Có thể chia Long An ra làm ba phần: lấy sông Vàm Cỏ Đông làm ranh giới tự nhiên, phần bên kia sông giáp TP.HCM thì sáp nhập về TP.HCM, phần bên đây sông thì sáp nhập về Tiền Giang, phần Đồng Tháp Mười thì sáp nhập về Đồng Tháp”.
Cần nâng cấp đường sá kết nối Bình Thuận với Lâm Đồng nếu sáp nhập
Liên quan đến bài viết “Nếu sáp nhập, giao thông kết nối tỉnh Bình Thuận với Lâm Đồng ra sao?”, nhiều bạn đọc cho rằng cần đầu tư nâng cấp hạ tầng mạnh hơn.
Theo đó, hiện giao thông kết nối hai tỉnh Bình Thuận với Lâm Đồng chủ yếu bằng các quốc lộ 55, 28 và 28B đang nhỏ hẹp, đường đèo cong cua, ngoằn ngoèo…
Trong đó, quốc lộ 28B đang được Bộ Xây dựng nâng cấp, mở rộng với kinh phí hơn 1.400 tỉ đồng. Đây là quốc lộ được kỳ vọng nhất trong việc liên kết hai tỉnh bởi khoảng cách ngắn nhất giữa hai trung tâm tỉnh lỵ.
Bạn đọc Hồ Trinh kỳ vọng: “Quốc lộ 28B đang được đầu tư mở rộng, nếu quốc lộ 28 được nâng cấp nữa thì tuyệt vời”.
Tương tự, bạn đọc có địa chỉ email haim…@gamil.com góp ý phải ưu tiên đẩy mạnh cơ sở hạ tầng giao thông nối liền hai tỉnh cho thông thoáng.
Bạn đọc này cho rằng hạ tầng tốc độ cao mới phát triển đồng bộ hai vùng biển và núi.
Còn theo bạn đọc có địa chỉ email Dn03…@gmail.com: “Nếu sáp nhập, Đà Lạt sẽ là nơi nghỉ dưỡng bởi khí hậu rất tốt. Còn vùng biển là nơi tiếp nhận hàng hóa”.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận