31/03/2025 17:04 GMT+7

Nếu sáp nhập, giao thông kết nối tỉnh Bình Thuận với Lâm Đồng ra sao?

Lâm Đồng nằm sâu trong nội địa, Bình Thuận giáp ranh và có 192km bờ biển. Giao thông kết nối hai tỉnh hiện ra sao?

Nếu sáp nhập, giao thông kết nối tỉnh Bình Thuận với Lâm Đồng ra sao? - Ảnh 1.

Bộ Xây dựng đang nâng cấp, mở rộng quốc lộ 28B, trong đó có đèo Đại Ninh để kết nối hai tỉnh Bình Thuận và Lâm Đồng - Ảnh: ĐỨC TRONG

Như Tuổi Trẻ Online đã thông tin, Bộ Tư pháp đang thẩm định dự thảo và tờ trình về nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sắp xếp đơn vị hành chính. Trong đó có tiêu chí “Ưu tiên sắp xếp các đơn vị miền núi, đồng bằng với các đơn vị hành chính có biển; kết hợp hài hòa, hợp lý các đơn vị có vị trí liền kề gắn với yêu cầu định hướng phát triển để hỗ trợ lẫn nhau”.

Theo phân tích và đề xuất của các chuyên gia, với tiêu chí này, hai tỉnh Lâm Đồng và Bình Thuận có rất nhiều yếu tố để sáp nhập. Đây là hai tỉnh giáp ranh, một bên là miền núi, một bên là biển và đồng bằng, liền kề bổ trợ cho nhau.

Và nếu sáp nhập, giao thông nối liền hai tỉnh đang và sẽ ra sao?

Bình Thuận là tỉnh duyên hải cực nam Trung Bộ, có khoảng 192km đường bờ biển. Còn Lâm Đồng thuộc vùng Tây Nguyên, địa hình chủ yếu là cao nguyên và đồi núi. Hai tỉnh tiếp giáp nhau bởi những cao nguyên, đồi núi, rừng già… Hiện tất cả các con đường kết nối với hai tỉnh đều qua những cung đèo ngoằn ngoèo, quanh co, dưới tán rừng già…

Cung đường nối “hoa và biển”

Theo trục giao thông, hiện nay Bình Thuận có quốc lộ 1 và cao tốc, Lâm Đồng có quốc lộ 20 chạy dọc theo hai tỉnh. Để đi lại giữa hai tỉnh, hiện có nhiều tuyến quốc lộ “xương cá” nối cao tốc, quốc lộ 1 và quốc lộ 20.

Nếu tính từ các huyện phía nam tỉnh Bình Thuận như Đức Linh, Tánh Linh, Hàm Tân, Hàm Thuận Nam, thị xã La Gi… sẽ có quốc lộ 55 kết nối đến quốc lộ 20, tỉnh Lâm Đồng.

Đi trên quốc lộ 55 phải trải qua đoạn đèo Đa Mi để đến trung tâm TP Bảo Lộc, các huyện Bảo Lâm, Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng.

Cùng hướng này, từ tỉnh Bình Thuận còn có tỉnh lộ 717 giao với quốc lộ 20, qua đèo Tà Pứa để đến trung tâm huyện Đạ Huoai, tỉnh Lâm Đồng.

Còn tại các địa phương trung tâm tỉnh lỵ Bình Thuận có quốc lộ 28 kết nối với tỉnh Lâm Đồng. Đây còn là quốc lộ duy nhất từ trung tâm Bình Thuận kết nối với Lâm Đồng và Đắc Nông.

Đi trên quốc lộ 28 từ TP Phan Thiết, qua huyện Hàm Thuận Bắc, vượt đèo Gia Bắc để đến với trung tâm huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng. Và xa hơn là đến TP Gia Nghĩa, tỉnh Đắk Nông.

Riêng các huyện phía bắc tỉnh Bình Thuận như Bắc Bình, Tuy Phong đến với Lâm Đồng có quốc lộ 28B.

Quốc lộ 28B có điểm đầu tại thị trấn Lương Sơn, huyện Bắc Bình, tỉnh Bình Thuận và giáp với quốc lộ 20 tại xã Tà Hine, huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng. Đèo tiếp giáp với hai tỉnh qua quốc lộ này là Đại Ninh.

Nếu sáp nhập, giao thông kết nối tỉnh Bình Thuận với Lâm Đồng ra sao? - Ảnh 2.

Bộ Xây dựng đang nâng cấp, mở rộng quốc lộ 28B, trong đó có đèo Đại Ninh để kết nối hai tỉnh Bình Thuận và Lâm Đồng - Ảnh: ĐỨC TRONG

Đặc biệt, từ khi các đoạn cao tốc Bắc - Nam nối liền từ TP.HCM đến Vĩnh Hảo, nhiều người đã chọn lộ trình qua đèo Đại Ninh đến với Đà Lạt.

Và đây còn là cung đường ngắn nhất để kết nối 2 trung tâm tỉnh lỵ là thành phố biển Phan Thiết với thành phố ngàn hoa Đà Lạt.

Đường sá hiểm trở, hàng ngàn tỉ đang được đầu tư mở rộng

Phần lớn các trục giao thông kết nối hai tỉnh Bình Thuận và Lâm Đồng nhỏ hẹp, mặt đường xuống cấp, qua những cung đường đèo cong cua và hay xảy ra sạt lở.

Trong các tuyến kết nối hai tỉnh, hiện quốc lộ 28B được kỳ vọng nhất khi Bộ Xây dựng (trước đây là Bộ GTVT) đang nâng cấp mở rộng, với tổng mức đầu tư hơn 1.400 tỉ đồng.

Theo chủ đầu tư, dự án cải tạo, nâng cấp quốc lộ 28B qua các tỉnh Bình Thuận và Lâm Đồng dài khoảng 68km, đặc biệt đèo Đại Ninh hiện có ý nghĩa quan trọng để liên kết vùng, tạo thành tam giác du lịch “TP.HCM - Phan Thiết - Đà Lạt”.

Mục tiêu dự án nhằm từng bước hoàn thiện hệ thống giao thông vận tải trên địa bàn hai tỉnh, giảm thiểu nguy cơ tai nạn giao thông, tăng cường liên kết vùng, đáp ứng nhu cầu vận tải trên hành lang Đông - Tây kết nối khu vực Tây Nguyên đến các tỉnh miền Trung. Dự kiến năm 2026 dự án sẽ hoàn thành.

Còn tỉnh lộ 717, Hội đồng nhân dân tỉnh Bình Thuận khóa XI đã thông qua dự thảo nghị quyết phê duyệt chủ trương đầu tư nâng cấp, mở rộng đoạn từ ngã ba P’Lao (Tánh Linh) đến giáp tỉnh Lâm Đồng. Đây là đoạn có đèo Tà Pứa.

Theo tỉnh Bình Thuận, việc đầu tư nâng cấp mở rộng đoạn đường trên là để đồng bộ, đảm bảo an toàn, đáp ứng nhu cầu đi lại, tăng thêm hướng kết nối với tỉnh Lâm Đồng.

Nếu sáp nhập, giao thông kết nối tỉnh Bình Thuận với Lâm Đồng ra sao? - Ảnh 3.

Đoạn qua đèo Gia Bắc, quốc lộ 28 nối hai tỉnh Bình Thuận và Lâm Đồng nhỏ hẹp, nhiều khúc cua nguy hiểm nên người dân ít chọn lộ trình qua đây - Ảnh: ĐỨC TRONG

Riêng quốc lộ 28 đến nay vẫn chưa nâng cấp, mở rộng. Đoạn qua trung tâm huyện Hàm Thuận Bắc thường xuyên đông đúc, quá tải. Còn đoạn qua đèo Gia Bắc nhỏ hẹp, nhiều khúc cua nguy hiểm nên người dân ít chọn lộ trình qua đây.

Với quốc lộ 55, đoạn đèo Đa Mi cơ bản hoàn thiện. Tuy nhiên, mặt đường đoạn thuộc địa phận tỉnh Lâm Đồng xuống cấp, nhỏ hẹp.

Nếu sáp nhập, giao thông kết nối tỉnh Bình Thuận với Lâm Đồng ra sao? - Ảnh 4.Chi tiết về 52 tỉnh, thành trong diện đề xuất sáp nhập

Trong số 52 tỉnh thành thuộc diện đề xuất sáp nhập, nếu chia theo 3 miền thì miền Bắc và miền Nam 38 tỉnh, thành; còn lại miền Trung có 14 tỉnh, thành.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên