
Triển vọng hòa bình đang rõ nét hơn khi Malaysia thông báo Thủ tướng Campuchia Hun Manet (trái) và quyền Thủ tướng Thái Lan Phumtham Wechayachai sẽ đến Kuala Lumpur để đàm phán vào tối 28-7 - Ảnh: AFP
Xung đột ở biên giới Thái Lan - Campuchia bước sang ngày thứ tư mà vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Theo phóng viên AFP đưa tin từ thị trấn Samraong của Campuchia (cách biên giới khoảng 20km), tiếng pháo kích lại vang lên từ mờ sáng 27-7 và kéo dài đến chiều cùng ngày.
Cả Bangkok và Phnom Penh đều tuyên bố ủng hộ lệnh ngừng bắn do ông Trump đề xuất, song cũng tố cáo nhau không thành thật và cố tình duy trì giao tranh.
Giao tranh chưa dừng
Hai bên tiếp tục cáo buộc nhau về việc nổ súng trước. Bộ Quốc phòng Campuchia khẳng định quân đội Thái Lan bắt đầu pháo kích từ 2h sáng vào nhiều khu nhà dân gần đền Preah Vihear. Xe tăng và bộ binh Thái Lan cũng bị tố vượt biên giới theo quy mô lớn lúc 6h30 nhưng bị phía Campuchia đẩy lùi và chịu nhiều thiệt hại.
Ngược lại, Quân khu 2 của quân đội Thái Lan cáo buộc Campuchia nã 10 quả rocket BM-21 Grad vào nhà dân ở huyện Prasat, tỉnh Surin, gây thiệt hại nhiều nhà cửa và làm chết gia súc.
Đặc biệt, Bangkok còn tố Phnom Penh pháo kích trực tiếp vào di tích đền Prasat Ta Muen Thom, tuy nhiên cáo buộc này đã bị người phát ngôn Bộ Quốc phòng Campuchia bác bỏ.
Hai bên tiếp tục sử dụng khí tài hạng nặng khi Không quân Thái Lan triển khai bốn tiêm kích F-16 tấn công các vị trí Campuchia gần biên giới và tuyên bố "vô hiệu hóa mối đe dọa" từ hệ thống rocket BM-21.
Tình hình giao tranh dữ dội buộc cả hai nước phải sơ tán dân thường khẩn cấp. Thái Lan báo cáo 88.038 người đã được di dời khỏi bốn tỉnh biên giới, trong đó riêng hai tỉnh Surin và Si Sa Ket phải sơ tán mỗi nơi trên 32.000 người.
Nhiều trường học và bệnh viện cũng đóng cửa, sơ tán bệnh nhân khẩn cấp. Đồng thời, phía Campuchia chuẩn bị đón hàng vạn lao động hồi hương từ Thái Lan qua cửa khẩu Doung, theo Khmer Times.
Triển vọng hòa bình
Những diễn biến căng thẳng này diễn ra trong bối cảnh quốc tế đang tăng cường sức ép kêu gọi hai nước chấm dứt xung đột. Tối 26-7, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã lần lượt điện đàm với Thủ tướng Campuchia Hun Manet và quyền Thủ tướng Thái Lan Phumtham Wechayachai. Trong cả hai cuộc gọi, ông Trump cảnh báo đình chỉ tiến trình đàm phán thương mại với cả hai nước nếu xung đột tiếp tục.
Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres cũng bày tỏ "mối quan ngại sâu sắc" về xung đột, lên án "sự mất mát bi thảm và không cần thiết về sinh mạng" và kêu gọi cả hai bên "ngay lập tức đồng ý ngừng bắn".
Phản hồi nhanh chóng, thủ tướng Campuchia tuyên bố "ủng hộ hoàn toàn việc ngừng bắn ngay lập tức và vô điều kiện" theo lời ông Trump, trong khi phía Thái Lan "đồng ý về nguyên tắc" với đề xuất này.
Tuy nhiên, khi thị sát tỉnh Trat ngày 27-7, ông Phumtham khẳng định: "Chính phủ Thái Lan sẽ không đồng ý ngừng bắn trừ khi Campuchia thể hiện cam kết thành thật hướng đến hòa bình và đưa hết lực lượng ra khỏi các khu vực giao tranh".
Hai bên tiếp tục tố cáo nhau vi phạm cam kết ngừng bắn. Người phát ngôn Thủ tướng Thái Lan Jirayu Huangsab cáo buộc ông Hun Manet "nói dối hằng ngày" khi vừa cam kết ngừng bắn lúc 23h đêm thì 2h sáng "tiếp tục nã pháo". Ngược lại, phía Campuchia cũng cáo buộc Thái Lan "không có chút chân thành nào" và khẳng định có "bằng chứng không thể phủ nhận" rằng Thái Lan là bên nổ súng trước.
Trước sức ép thời gian khi hạn chót đàm phán thương mại với Mỹ sắp kết thúc, ít nhất một bên đã tỏ dấu hiệu lo ngại. Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Tài chính Thái Lan Pichai Chunhavajira ngày 27-7 kêu gọi Campuchia "ngừng sử dụng bạo lực ngay lập tức", tạo điều kiện cho các cuộc đàm phán ngoại giao nhằm thúc đẩy hợp tác kinh tế và thương mại bền vững giữa hai nước. Ông Pichai chính là trưởng đoàn đàm phán thương mại với Washington của Thái Lan.
Triển vọng hòa bình bắt đầu được thắp lên vào chiều tối 27-7, khi Ngoại trưởng Malaysia Mohamad Hasan thông báo Thái Lan và Campuchia đã đồng ý để Malaysia đóng vai trò trung gian hòa giải. Dự kiến ngay ngày 28-7, ông Hun Manet và ông Phumtham sẽ đến Malaysia đàm phán. Chính phủ Thái Lan cũng đã xác nhận việc ông Phumtham sẽ dẫn đầu phái đoàn đàm phán đến Kuala Lumpur trong ngày 28-7.
Ngoại trưởng Malaysia tuyên bố: "Họ hoàn toàn tin tưởng vào Malaysia và yêu cầu tôi làm trung gian hòa giải", đồng thời cho biết ông đã trao đổi với các đồng cấp Campuchia và Thái Lan và họ đồng ý không nên có quốc gia nào khác can thiệp vào vấn đề này.
Nếu làm trung gian đàm phán thành công và thúc đẩy chấm dứt xung đột, đây sẽ là chiến thắng lớn của Malaysia trong vai trò Chủ tịch ASEAN năm 2025.
"Ngoại giao con thoi" của ông Trump
Tối 26-7, Tổng thống Mỹ Donald Trump thực hiện "ngoại giao con thoi" khi liên tiếp cập nhật diễn biến ba cuộc điện đàm với lãnh đạo Thái Lan và Campuchia.
Trong bài đăng đầu tiên, ông Trump khẳng định đã nói chuyện với thủ tướng Campuchia về việc chấm dứt xung đột với Thái Lan và đang gọi cho quyền thủ tướng Thái Lan để yêu cầu ngừng bắn. Ông cảnh báo: "Chúng tôi đang đàm phán thương mại với cả hai nước, nhưng không muốn ký kết bất kỳ thỏa thuận nào nếu họ đang chiến đấu".
Chưa đầy một tiếng sau, ông Trump thông báo đã điện đàm lại với ông Hun Manet để báo kết quả trao đổi với ông Phumtham: "Cả hai bên đều mong muốn ngừng bắn và hòa bình ngay lập tức".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận