04/04/2025 15:40 GMT+7

Xuất khẩu gạo tăng, dịch chuyển tích cực sang gạo thơm, gạo đặc sản

Xuất khẩu gạo của Việt Nam trong ba tháng đầu năm 2025 tăng so với cùng kỳ năm ngoái, đặc biệt có sự dịch chuyển tích cực sang gạo thơm, gạo đặc sản và các sản phẩm gạo có giá trị gia tăng.

Xuất khẩu gạo - Ảnh 1.

Gạo vừa được đóng gói, chuẩn bị đưa đi xuất khẩu tại một doanh nghiệp ở quận Thốt Nốt, Cần Thơ - Ảnh: CHÍ QUỐC

Ngày 4-4, tại TP Cần Thơ diễn ra hội thảo “Định vị giá trị hạt gạo trong kỷ nguyên mới”. Hội thảo do Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) phối hợp tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ và Trang Việt Nam đầu tư phối hợp tổ chức.

Tại hội thảo, ông Đỗ Hà Nam - chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) - cho biết ước tính tổng lượng gạo xuất khẩu trong quý 1-2025 đạt hơn 2,2 triệu tấn, tăng 2% so với cùng kỳ năm 2024.

Đáng chú ý, cơ cấu chủng loại gạo xuất khẩu đang có sự chuyển dịch tích cực, với xu hướng tăng tỉ trọng gạo thơm, Japonica, gạo đặc sản và các sản phẩm gạo có giá trị gia tăng cao. Về thị trường, Việt Nam đang dần chiếm lĩnh các thị trường truyền thống như Philippines, châu Phi nhờ sự khác biệt về chất lượng và giá cả so với các nước khác.

Theo ông Đỗ Hà Nam, Việt Nam đặt mục tiêu tiếp tục nâng cao chất lượng và giá trị gạo xuất khẩu, hướng tới việc giảm tỉ trọng gạo trắng phẩm cấp thấp và trung bình, đồng thời tăng tỉ trọng gạo thơm, Japonica, gạo đặc sản.

Cụ thể đến năm 2025, tỉ trọng gạo trắng phẩm cấp thấp và trung bình sẽ giảm xuống không quá 15%, trong khi tỉ trọng gạo thơm, Japonica, gạo đặc sản sẽ tăng lên khoảng 40%. 

Đến năm 2030, các mục tiêu này còn tham vọng hơn, với tỉ trọng gạo trắng phẩm cấp thấp và trung bình không quá 10% và tỉ trọng gạo thơm, Japonica, gạo đặc sản khoảng 45%.

“Việt Nam cần tiếp tục nâng cao chất lượng, đa dạng hóa sản phẩm lúa gạo để tạo ra sự khác biệt trên thị trường thế giới; xây dựng chuỗi giá trị lúa gạo hiệu quả, từ sản xuất đến tiêu thụ, nhằm gia tăng giá trị gia tăng cho nông dân và doanh nghiệp; phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan quản lý, doanh nghiệp và nông dân để đảm bảo lợi ích của tất cả các bên liên quan”, ông Nam khuyến nghị.

Về khâu giống, ông Trần Ngọc Thạch - viện trưởng Viện Lúa Đồng bằng sông Cửu Long - cho biết hiện nay công tác nghiên cứu chọn tạo giống vẫn lựa chọn những giống đang phổ biến, tiếp tục cải thiện thêm khả năng chống chịu sâu bệnh bằng cách lai tạo nhưng vẫn giữ được chất lượng gạo và những đặc tính cơ bản của giống đó.

"Chúng ta đã làm chủ công nghệ rồi, vì vậy tiếp tục ứng dụng những kỹ thuật, công nghệ mới để làm sao tạo ra những chủng loại giống theo các phân khúc để không bị động, cần gạo gì có giống gạo đó.

Giống thì không bị động, tuy nhiên giống phải phù hợp với từng vùng đất và mùa vụ. Vì vậy chúng tôi rất mong muốn doanh nghiệp và bà con nông dân chúng ta xây dựng thành vùng nguyên liệu cho từng giống, đảm bảo được sản lượng và chất lượng thì uy tín gạo của chúng ta trong thời gian tới sẽ được nâng cao hơn", ông Thạch đề xuất.

Xuất khẩu gạo tăng, dịch chuyển sang gạo thơm, gạo đặc sản - Ảnh 2.Ấn Độ mở cửa xuất khẩu gạo 100% tấm: Gạo Việt không bị ảnh hưởng nhiều?

Theo một số doanh nghiệp chế biến xuất khẩu gạo, còn khoảng một tuần nữa sẽ thu hoạch rộ tại các vùng An Giang, Đồng Tháp và Kiên Giang.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên