
Ông Trần Đình Long - chủ tịch Hòa Phát - Ảnh: HPG
Đại hội đồng cổ đông thường niên 2025 của Tập đoàn Hòa Phát (HPG) diễn ra vào sáng nay (17-4). Tập đoàn này có 194.000 cổ đông, số lượng lớn nhất sàn chứng khoán hiện nay.
Tới dự đại hội năm nay của HPG có 1.000 cổ đông, đại diện hơn 4 tỉ cổ phiếu có quyền biểu quyết, cũng là mức đông nhất từ trước tới nay.
Siêu dự án thép 100.000 tỉ xuất hiện, Hòa Phát nói gì?
Phiên thảo luận diễn ra rất sôi nổi với gần 2 tiếng đồng hồ cùng hàng chục câu hỏi từ phía cổ đông.
Một cổ đông chia sẻ với ban chủ tọa về sự xuất hiện của một số dự án thép mới, trong đó đáng chú ý có dự án Xuân Thiện ở Nam Định quy mô đầu tư cả 100.000 tỉ đồng, liệu có tạo ra sức ép cạnh tranh lớn cho Hòa Phát?
Trả lời, ông Trần Đình Long - chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát, cho biết "không sợ gì cạnh tranh cả". Vị tỉ phú cho rằng thị trường tự do sản xuất và cạnh tranh, nếu không có nhà máy Thép xanh ở Nam Định, sẽ có nhà máy khác ở Ninh Bình chẳng hạn...
"Tôi nói như vậy không có nghĩa là chủ quan. Mình cứ làm bình thường, không có gì quan ngại cả", ông Long nói. Đồng thời ông chia sẻ thêm: "Nhưng cạnh tranh với Hòa Phát cũng khó đấy".
Trước quan ngại của một số cổ đông khác về việc thép nước ngoài tràn vào Việt Nam, ông Long cho rằng xu hướng chung không có nước nào không bảo vệ sản xuất trong nước.
Ông Long tâm đắc bài phát biểu của Tổng Bí thư Tô Lâm, trong đó khẳng định quyền lợi dân tộc là trên hết. Ông Long thông tin thêm về "lệnh" chống bán phá giá cùng các cơ chế bảo vệ sản xuất trong nước.
Trước nhiều biến động của bối cảnh quốc tế, năm nay Hòa Phát vẫn trình cổ đông thông qua kế hoạch doanh thu năm 2025 khá lạc quan.
Theo đó, doanh thu dự kiến 170.000 tỉ đồng, tăng 21% so với năm 2024, còn kế hoạch lợi nhuận sau thuế là 15.000 tỉ đồng, tăng gần 25%. Nếu hoàn thành kế hoạch, đây sẽ là mức doanh thu kỷ lục và là mức lợi nhuận cao thứ hai trong lịch sử của tập đoàn.
Hết quý 1-2025, Hòa Phát đạt 37.000 tỉ đồng doanh thu và 3.300 tỉ đồng lợi nhuận sau thuế. "Ba quý còn lại cần phải nỗ lực với chỉ tiêu cao. Đây là thách thức cũng là cơ hội, chúng ta sẽ tiếp tục làm chứ không điều chỉnh", lãnh đạo Hòa Phát khẳng định.
Thông tin mới về dự án làm đường ray đường sắt cao tốc
Tại đại hội, ông Long đề cập đến việc tập đoàn sẽ tham gia các dự án trọng điểm quốc gia như đường sắt cao tốc Bắc Nam, đường sắt đô thị, đường sắt ở các tỉnh…
Trong cuộc họp tháng 9-2024, Thủ tướng Chính phủ mời doanh nghiệp lớn tham gia đóng góp cho nền kinh tế đất nước. "Chúng tôi đã nhận lời sản xuất đường ray tàu, gồm cả đường sắt thông thường, đường sắt cao tốc…", ông Long cho biết.
Ông Long tiết lộ HPG có dự án mới sản xuất ray đặt tại liên hợp gang thép Dung Quất 2 với tổng vốn đầu tư 14.000 tỉ đồng. Đây là dự án mới và khó, thép ray chưa sản xuất ở Việt Nam nhưng ông Long tự tin sản xuất thành công đường ray.
"Hòa Phát cam kết với Chính phủ cung cấp được như thép đường ray, thép dự ứng lực, thép xây dựng… làm hầm, làm cầu và làm dự án đường ray", chủ tịch HPG cho hay.
Về câu hỏi đóng góp doanh thu, lợi nhuận của thép đường ray, lãnh đạo HPG cho biết việc bán thép xe lửa đường ray thể hiện sức mạnh và chất lượng thép Hòa Phát, còn trọng số là rất rất nhỏ trong cơ cấu kết quả kinh doanh.
Liên quan tới việc Mỹ ra thuế đối ứng gây sốc cho toàn thế giới, ảnh hưởng của mức thuế này ngay lập tức biến động tới thị trường chứng khoán.
Mặc dù hoãn thuế đối ứng 90 ngày nhưng lãnh đạo HPG cho biết về cơ bản nền kinh tế thế giới sẽ có rất nhiều biến động, khó dự đoán có thể lạc quan hoặc tiêu cực quá khi áp mức thuế này.
Riêng với Hòa Phát, ông Long khẳng định với tinh thần phòng thủ, bài bản cẩn thận, thậm chí có sự bảo thủ, sẽ đề phòng ứng phó các diễn biến xảy ra.
Ông Long có niềm tin rằng nếu kết quả đàm phán tốt, nền kinh tế thích ứng tốt với thuế đối ứng sẽ là cơ hội tốt cho đất nước, doanh nghiệp...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận