TTCT - “Sự chết là con lạc đà đen quỳ đợi ngay trước cổng nhà của tất cả mọi người” (Abe-el-Kader). Không ai tránh khỏi cái chết, không ai không nghĩ đến nó nhưng vấn đề là nghĩ nhiều hay ít và bộc lộ ra dưới hình thức nào? Với Xuân Quỳnh (1942-1988) và Lưu Quang Vũ (1948-1988), cái chết của hai người dường như đã được báo trước trong những tác phẩm của họ. Phóng toTTCT - “Sự chết là con lạc đà đen quỳ đợi ngay trước cổng nhà của tất cả mọi người” (Abe-el-Kader). Không ai tránh khỏi cái chết, không ai không nghĩ đến nó nhưng vấn đề là nghĩ nhiều hay ít và bộc lộ ra dưới hình thức nào? Với Xuân Quỳnh (1942-1988) và Lưu Quang Vũ (1948-1988), cái chết của hai người dường như đã được báo trước trong những tác phẩm của họ. Đa số thơ của Xuân Quỳnh đều mang nặng nỗi ám ảnh về cái chết, sự chia lìa, tàn tạ. Ở sáu tập thơ mà chị công bố lúc sinh thời, số lượng và tỉ lệ bài đề cập nội dung này chiếm áp đảo, bình quân: Chồi biếc (in năm 1963):9 bài (50%), Hoa dọc chiến hào (1968): 21 bài (75%), Gió Lào cát trắng (1974): 31 bài (86%), Lời ru trên mặt đất (1978): 24 bài (75%), Sân ga chiều em đi (1983): 44 bài (71%), Tự hát (1984): 31 bài (89%). Tỉ lệ chung là 76%. Đó là hiện tượng hi hữu trong thơ ca cách mạng Việt Nam. Và đó cũng là bản lĩnh của Xuân Quỳnh vì trong bối cảnh thời đó đề tài về nỗi buồn và cái chết ít được khuyến khích, bởi tình cảm ủy mị có thể ảnh hưởng đến lòng tin và sức chiến đấu của mọi người. Nhưng vốn là người đa cảm, Xuân Quỳnh không thể thờ ơ trước cái chết của đồng bào mình sau Mười hai ngày gánh chịu những trận mưa bom B.52 của giặc Mỹ: “Mười hai ngày cùng tận của lòng đau/Cô Ngọc Tường chết ở Bạch Mai/Chiếc áo cưới thay cho vải liệm/Gió đông bắc thổi qua nền gạch vụn/Trên máu người bị giết ở Khâm Thiên”. Những câu thơ đó gợi lên lòng căm thù giặc hơn là bi lụy. Riêng Vết đạn trên tường cứ ám ảnh chị, bởi nó hiện thân cho sự chết chóc: “Nhiều việc quá, khó ai mà nhớ hết. Riêng vết đạn trên tường không dễ nào quên”. Trong “ngàn cái chết” mà Xuân Quỳnh gặp, có nhiều đồng đội vừa mới kề vai sát cánh với chị: “Các anh nằm bên những ngã ba/Nơi bom giội không còn ngọn cỏ”, “Dòng nước lợ mang máu anh về bể”, “Máu của cô nhuộm đỏ bờ lau”... Xuân Quỳnh không hề dùng thủ pháp nhã ngữ để giảm bớt tính khốc liệt của cuộc chiến. Chị cứ nói thật những nỗi đau mà chính chị cũng từng trải: “Máu đồng đội và máu tôi đã đổ/Trên cát này mà gió quạt vừa se” (Gió Lào cát trắng); “Máu của em, máu của anh/Thấm bên góc phố, chân thành ngày xưa” (Lai lịch một tình yêu). Thơ Xuân Quỳnh đề cập quá nhiều đến cái chết, mặc dù chị vẫn biết rằng “Người chết sẽ chẳng bằng lòng nếu chúng tôi quá đau thương”. Bởi vậy, chị cũng biết Hát với con tàu nhưng tiếng hát ấy không xua tan được nỗi ám ảnh về cái chết vì chính chị cũng đang xông xáo lao vào cái chết: “Tôi sẵn sàng đem hiến cả đời tôi/Cho cát trắng và gió Lào quạt lửa”, “Sống đất này, chết cũng đất này thôi”... Mặc dù sống trong bom đạn suốt 30 năm, nhưng may thay chị đã không chết vì bom đạn. Xuân Quỳnh và Lưu Quang Vũ có nhiều điểm tương đồng: từng một lần hôn nhân dang dở và mỗi người có một con riêng. Từng đứng trên trận tuyến chiến tranh và đối diện thường xuyên với cái chết. Thơ của hai người đều thể hiện sự ám ảnh về cái chết và mang âm hưởng buồn. Từ khi hai người đến với nhau, hai nỗi buồn được cộng lại tạo ra nỗi buồn lớn hơn, và cũng từ đây sự nghiệp của họ đạt tới đỉnh cao. Nói như thi sĩ Pháp Afred Musset: “Không có gì làm ta lớn bằng một nỗi đau lớn. Tiếng hát tuyệt vọng là tiếng hát tuyệt vời nhất”. Chiến tranh không phải là nguyên nhân duy nhất làm Xuân Quỳnh luôn bị ám ảnh về cái chết. Thơ Xuân Quỳnh tràn ngập những suy tư, trăn trở về việc sống - chết. Vì sao hình thành một cái tôi Xuân Quỳnh mang nhiều ám ảnh về cái chết như vậy? Hãy ngược dòng thời gian tìm về thời thơ ấu của chị. Mẹ mất khi chị còn quá nhỏ, cha liền lấy vợ khác rồi vào Nam sinh sống. Suốt đời Xuân Quỳnh thiếu thốn tình cảm của cha mẹ, vì thế ở chị đã sớm hình thành nỗi đau của một đứa trẻ bơ vơ côi cút giữa dòng đời: “Tuổi thơ tôi lạc lõng giữa đời/Như một cánh chim bơ vơ mất tổ” (Tiếngmẹ). Mới Mười bảy tuổi, Xuân Quỳnh đã sớm lo âu trăn trở về lẽ sinh - diệt của vạn vật. Trong bài Chồi biếc, cô thiếu nữ Xuân Quỳnh đã dự cảm về cái chết: “Này anh, em biết/Rồi sẽ có ngày/Dưới hàng cây đây/Ta không còn bước/Như người lính gác/ Đã hết phiên mình/ Như lá vàng rụng/ Cho trời thêm xanh”. Tiêu biểu cho nỗi ám ảnh tàn phai trong thơ Xuân Quỳnh là bài Thơ tình cuối mùa thu. Bài thơ được phổ nhạc và giới trẻ yêu thích: “Cuối trời mây trắng bay/ Lá vàng thưa thớt quá/ Phải chăng lá về rừng/ Mùa thu đi cùng lá”... Trong số bảy tập thơ của chị đã công bố, nỗi buồn thể hiện rõ nhất ở hai tập cuối: Tự hát (1984) và Hoa cỏ may (1989). Trong tập Hoa cỏ may (Giải thưởng văn học 1990 của Hội Nhà văn), trái sầu đã đạt đến độ chín muồi, khi nỗi “nhức nhối đắng cay” đã “đến tận cùng đau đớn”. Ở ngoài đời chị càng lặng lẽ thì trong thơ chị “bão táp ở từng trang”. Chị như con “Chuồn chuồn báo bão” sắp ập đến, và nạn nhân sẽ là nó nhưng cánh chuồn yếu ớt, bơ vơ làm sao chạy trốn khỏi định mệnh. Thần chết thường là bạn đồng hành với thời gian. Những người đa tình, ham sống thường rất ghét thời gian. Nữ sĩ Xuân Hương than thở “ngán nỗi xuân đi, xuân lại lại”, Xuân Diệu cũng chua chát thốt lên: “Mà xuân hết, nghĩa là tôi cũng mất”. Vốn cũng mang trong mình chữ “Xuân” nên Xuân Quỳnh cũng không khỏi lo âu và tự hỏi: “Mùa xuân sẽ về đâu/Khi nơi này xuân hết?” (Mười bảy tuổi). Lo lắng và ám ảnh quá nhiều đã làm trái tim Xuân Quỳnh mệt mỏi. Trong bài Tự hát (“Em lo âu trước xa tắp đường mình/Trái tim đập những điều không thể nói/Trái tim đập cồn cào cơn đói/Ngọn lửa nào le lói giữa cô đơn”) chị đã biết trước đời mình như một ngọn đèn le lói sắp tắt. Tháng 6-1988, Xuân Quỳnh bị đau tim nặng phải vào bệnh viện. Trên giường bệnh, chị làm bài thơ Thời gian trắng (“Em ở đây không sớm không chiều/Thời gian trắng, không gian toàn màu trắng/Trái tim đập sau làn áo mỏng/Từng đập vì anh, vì những trang thơ/Trái tim nay mỗi phút mỗi giờ/Chỉ có đập cho mình em đau đớn/ Trái tim này chẳng còn có ích/Cho anh yêu, cho công việc, bạn bè”). Dự báo rõ ràng thần chết đang đợi mình nhưng chị đã không chết vì bệnh tim. Lưu Quang Vũ cũng giống Xuân Quỳnh ở chỗ có một giọng thơ buồn ám ảnh và nhìn chung là lạc điệu giữa môi trường văn học thời ấy. Trong cảnh chiến tranh, mối quan tâm hàng đầu của anh vẫn là cái chết. Trong Nói với con cuối năm anh viết: “Thành phố vừa trải qua/Những trận bom hủy diệt/Lòng cha giờ giập nát/Những xác người máu loang”. Bên cạnh nỗi đau chung của thời đại, anh cũng có nỗi buồn cá nhân: “Anh là con ong bay giữa trời lận đận”, “Đã chết rồi ơi chú ong nâu” (Bầy ong trong đêm sâu). Vào những năm 1980, Lưu Quang Vũ là ngôi sao sáng trên sân khấu kịch trường Việt Nam. Anh đã thổi một luồng gió mới vào đời sống nghệ thuật nước nhà và nhiều vở kịch của anh có ảnh hưởng rất lớn đến xã hội Việt Nam lúc đó. Nổi tiếng như vậy lẽ anh phải vui nhưng: “Hầu như ít vở kịch nào của Lưu Quang Vũ cái chết không được nhắc đến” - nhà phê bình Phan Trọng Thưởng nhận xét. Tác phẩm cuối cùng mà anh đang viết dở dang cũng nói về cái chết (Chim sâm cầm đã chết). Theo Lưu Quang Định, thời còn học phổ thông Lưu Quang Vũ đã ghi nhật ký (ngày 8-11-1964) như sau: “Thần chết ơi, ta chẳng cần nhiều đâu. Độ 20 năm nữa, khi ta đã trả nợ xong, khi có thể coi là đã làm được chút gì đó cho đời, ta sẽ chẳng ân hận gì khi nhắm mắt. Đấy, chỉ tiêu của ta có ngắn ngủi không?”. Sự ra đi đột ngột của một nhà thơ và một nhà soạn kịch nổi tiếng đã gây chấn động cả nước. Họa sĩ Doãn Châu, người chứng kiến cái chết của họ, kể lại như sau: Hôm ấy là ngày 29-8-1988, tức tháng bảy âm lịch, sau ngày rằm xá tội vong nhân mấy hôm. Chiếc Commăngca chở sáu người: Vũ, Quỳnh và cháu Lưu Quỳnh Thơ (13 tuổi), Doãn Châu cùng vợ và con nhỏ. Xe đang đi từ Hải Phòng về Hà Nội, ngang qua địa phận Hải Dương thì bị ôtô chở than phóng với tốc độ lớn đâm vào phía sau. Điều lạ thường là gia đình họa sĩ Doãn Châu đều bình yên vô sự, còn Vũ, Quỳnh và cháu Mí thì vĩnh viễn ra đi.
Đường nối Trần Quốc Hoàn cùng hai công trình lớn ở TP.HCM đã thông xe đón Tết CHÂU TUẤN 27/01/2025 Đường nối Trần Quốc Hoàn, đường Dương Quảng Hàm, cầu Bà Hom đã lần lượt được thông xe, giúp người dân có thêm sự lựa chọn đi lại dịp Tết.
Trụ sở UBND tỉnh Sóc Trăng mở cửa 7 ngày Tết cho người dân vào tham quan KHẮC TÂM 27/01/2025 Đây là Tết Nguyên đán thứ ba liên tiếp, trụ sở UBND tỉnh Sóc Trăng được trang trí đẹp với nhiều tiểu cảnh bắt mắt để người dân vào tham quan, chụp hình.
Ô tô tông liên hoàn trước cổng chợ hoa Tết, xe máy bị cuốn vào gầm, 4 người nhập viện HỒNG QUANG 27/01/2025 Chiếc ô tô hiệu Toyota tông liên hoàn vào 2 xe máy rồi lao tiếp vào chiếc ô tô màu đỏ đi cùng chiều phía trước trước cổng chợ hoa Quảng An.
Đôi nam nữ bị đâm chết trong đêm 27 Tết TRÀ PHƯƠNG 27/01/2025 Vụ án mạng nghiêm trọng xảy ra tại huyện Diễn Châu, Nghệ An. Một đôi nam nữ bị người bạn cũ đâm chết trong đêm 27 Tết.