![]() |
Giá sách cao, bạn đọc chỉ có thể xem...bìa hoặc chấp nhận bị móc túi...hợp pháp (!) |
Giá sách cao do... tiêu cực phí, hoa hồng cao!
Ông Trần Tấn Ngô, Tổng Giám đốc Công ty Phát hành sách VN, nhận xét: “Với thu nhập hiện nay của đa số bạn đọc, giá sách cao quả là quá tầm tay của họ.
Theo tôi, có 4 nguyên nhân đẩy giá sách lên cao: Một là, sách giao cho các thành phần kinh tế liên kết tư nhân, nhưng không có biện pháp chế tài để khống chế khung giá, do đó người làm sách tự ý “quyết” giá sách. Hai là, trong chi phí của sách có các loại phí như: giao dịch, chiêu đãi, tiêu cực phí... Ba là, số lượng sách in ít nên đẩy phí sản xuất lên cao. Bốn là, sách in phục vụ hoạt động của các thư viện, miễn sao phần chiết khấu cho người mua được hưởng lợi nhuận cao. Theo tôi, Cục Xuất bản nên có văn bản dưới luật tạm quy định khung giá sách (mức chuẩn) để giải quyết tình trạng giá sách quá cao như hiện nay”.
Ông Nguyễn Đình Nhã, Cục trưởng Cục Xuất bản, cho biết: “Bộ VHTT đã có chỉ đạo Cục Xuất bản nghiên cứu để định ra mức giá sàn cho việc sản xuất và phát hành sách hiện nay. Sắp tới, Cục Xuất bản sẽ tổ chức những cuộc hội thảo về vấn đề này tại TPHCM để tìm kiếm những giải pháp thích hợp cho việc quy định và khống chế giá sàn của các loại sách”.
Liên kết quá dễ dãi
Nhà xuất bản và đơn vị tư nhân liên kết cùng chịu trách nhiệm! Đây là ý tưởng được các đại biểu tham dự Hội thảo về phát hành sách tư nhân (ngày 7-10) tại Hà Nội ủng hộ khá tích cực.
Theo thống kê của Cục Xuất bản, hiện có khoảng 10.504 điểm mua bán, cho thuê sách, 14 trung tâm sách - siêu thị sách. Việc liên kết giữa nhà xuất bản - cơ sở in và đối tác liên doanh được thực hiện trong thời gian qua, số lượng sách liên kết chiếm tới 70% số lượng sách xuất bản hằng năm. Nhưng thực tế đã có sự liên kết quá dễ dãi, phổ biến tình trạng bán giấy phép, tư nhân tác động về lợi nhuận và giá sách được đẩy cao.
Theo ông Phan Khắc Hải, chủ tịch Hội Xuất bản VN, lượng sách bán ra từ hệ thống phát hành sách tư nhân lên đến trên 10 triệu bản/ năm, chiếm hơn 2/3 đầu sách ấn bản trên toàn quốc hiện nay. Trong đó, nhiều đơn vị đã cho in số lượng sách lớn gấp 5-10 lần số được ghi trong giấy phép xuất bản.
Hiện, VN có khoảng 80 doanh nghiệp tư nhân kinh doanh sách. Trung bình, mỗi doanh nghiệp này sở hữu từ 500 đến 1.000 đầu sách. Bên cạnh việc tạo ra thị trường sách đa dạng, phong phú, khai thác nguồn bản thảo từ các tác giả trong và ngoài nước, các doanh nghiệp phát hành sách tư nhân giờ đã công khai là đối tác của các nhà xuất bản. Nhiều nhà xuất bản lập ra gần như chỉ làm một chức năng: bán giấy phép cho tư nhân.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận