
Người mến mộ tranh Công Quốc Hà chụp ảnh kỷ niệm với tác phẩm Phố thời mở cửa - Ảnh: DANH KHANG
Tranh đang được bày tại Không gian Văn hóa Disa (Almaz Vinhomes Riverside, Hà Nội), thuộc khuôn khổ Tuần lễ Văn hóa Disa diễn ra từ nay tới 24-4 để kỷ niệm Ngày Di sản Việt Nam (18-4), mở cửa miễn phí cho công chúng.
Phố thời mở cửa, tâm tư cuối đời của Công Quốc Hà
Các bức tranh được lựa chọn theo chủ đề “Việt Nam - Quốc gia của Tình thương”, cũng là chủ đề của Dự án Văn hóa Disa, mà Tuần lễ Văn hóa Disa là một trong các hoạt động của dự án.
Các tác phẩm sử dụng chất liệu đa dạng như acrylic, sơn dầu và sơn mài, và có điểm chung là đều thể hiện tinh thần nhân văn sâu sắc. Trong số 20 bức tranh của họa sĩ Công Quốc Hà, có 2 tác phẩm đặc biệt là Phố mùa thu Hà Nội và Phố thời mở cửa.
Chị Hoàng Anh, con gái của họa sĩ Công Quốc Hà cho biết bố mình sáng tác bức tranh Phố thời mở cửa trong thời gian cuối của cuộc đời khi ông về nước, chứng kiến sự đổi thay không ngừng của thủ đô Hà Nội, bao gồm cả khu phố cổ nơi ông sinh ra và gắn bó, yêu thương.
Tranh vương vấn suy tư về sự đổi dời của dòng chảy đời sống, của phố.

Người hâm mộ xem bức tranh Phố mùa thu Hà Nội của Công Quốc Hà - Ảnh: DANH KHANG
Còn bức tranh Phố mùa thu Hà Nội là điển hình trong dòng sáng tác về chủ đề phố của họa sĩ Công Quốc Hà, chứa đựng nhiều tình cảm về phố cũ Hà Nội, với màu sắc tươi sáng, được vẽ trên khổ lớn.
100 bức tranh trừu tượng của thiền sư Pháp Hạnh (tên thật là Nguyễn Quang Thịnh) lại mang đến một nguồn năng lượng mạnh mẽ của tình thương, như mạch nguồn của thiên nhiên vĩ đại.
Thiền sư Pháp Hạnh sinh năm 1965 tại Thừa Thiên Huế, hoạt động hội họa tự do và có nhiều tác phẩm sơn dầu theo trường phái trừu tượng.

Một bức tranh của thiền sư Pháp Hạnh
Tình thương là di sản văn hóa của Việt Nam
Trưng bày tranh là một hoạt động của Dự án Văn hóa Disa với chủ đề “Việt Nam - Quốc gia của Tình thương”.
Dự án hướng đến việc xây dựng một hệ sinh thái văn hóa bền vững, kết nối nghệ thuật, hội họa và cộng đồng thông qua các hoạt động triển lãm, hội thảo, sự kiện nghệ thuật, sản phẩm văn hóa và chương trình cộng đồng.
Sẽ có giao lưu, thảo luận về nghệ thuật, chương trình biểu diễn âm nhạc, cuộc thi sáng tác hội họa chủ đề “Việt Nam - Quốc gia của Tình thương”, trình diễn tôn vinh áo dài…
“Dự án không chỉ hướng đến việc bảo tồn di sản mà còn mong muốn kiến tạo những giá trị mới, biến tình thương thành biểu tượng văn hóa của Việt Nam trong thời đại toàn cầu hóa. Tình thương chính là một di sản văn hóa của dân tộc Việt Nam”, ông Hà Thuy Thanh, điều hành dự án, tác giả của cuốn sách Tình thương nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận