
Việc quản lý các sản phẩm sữa bổ sung vi chất dinh dưỡng, thực phẩm chức năng không thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ Công Thương - Ảnh: Báo CAND
Trả lời Tuổi Trẻ Online, ông Trần Hữu Linh - cục trưởng Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước (Bộ Công Thương) - khẳng định Bộ Công Thương không thực hiện việc cấp phép, quản lý các sản phẩm do Công ty cổ phần dược quốc tế Rance Pharma và Công ty cổ phần dược dinh dưỡng Hacofood Group đang sản xuất, kinh doanh.
Sữa có vi chất dinh dưỡng do ai quản lý?
Trước đó, Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an đã khởi tố, bắt tạm giam Vũ Mạnh Cường, Hoàng Mạnh Hà và 6 người khác liên quan đường dây sản xuất gần 600 loại sữa bột giả.
Vì vậy để làm rõ vai trò của các cơ quan quản lý liên quan, báo Tuổi Trẻ Online đã liên hệ trực tiếp với Bộ Công Thương - là một trong những đơn vị được giao quản lý liên quan đến sản phẩm sữa.
Ông Linh cho hay căn cứ theo nghị định số 15/2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm, thẩm quyền quản lý nhà nước đối với các sản phẩm sữa được phân định rõ theo từng nhóm sản phẩm và cơ quan chuyên ngành.
"Bộ Công Thương có trách nhiệm quản lý đối với nhóm sản phẩm sữa chế biến thông thường, không bao gồm các sản phẩm bổ sung vi chất dinh dưỡng, thực phẩm chức năng, hay dược phẩm có thành phần dinh dưỡng đặc biệt. Các sản phẩm này hiện nay do Bộ Y tế quản lý" - ông Linh khẳng định.
Bên cạnh đó, ông Linh khẳng định Bộ Công Thương không có thẩm quyền để cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh cho doanh nghiệp.
Việc thành lập và đăng ký hoạt động của doanh nghiệp do sở kế hoạch và đầu tư các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện theo quy định của Luật Doanh nghiệp.
Liên quan tới việc tại sao doanh nghiệp này hoạt động trong suốt 4 năm qua nhưng không bị phát hiện, kiểm tra kiểm soát hoạt động sản xuất, cung ứng sản phẩm sữa của các doanh nghiệp này ra thị trường để kịp thời ngăn chặn hàng giả, hàng kém chất lượng, ông Linh cho rằng lực lượng quản lý thị trường luôn "theo dõi, giám sát và phối hợp với các cơ quan, ban ngành liên quan trong công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường hàng hóa nói chung, bao gồm cả mặt hàng sữa và thực phẩm chức năng nói riêng".
Tuy vậy, đối với Công ty cổ phần dược dinh dưỡng Hacofood Group và Công ty cổ phần dược quốc tế Rance Pharma, lãnh đạo Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước cho hay do đây là các doanh nghiệp không thuộc thẩm quyền quản lý chuyên ngành của Bộ Công Thương.
Theo quy định của pháp luật hiện hành, Bộ Công Thương không được thực hiện thanh tra chuyên ngành, kiểm tra định kỳ hay hậu kiểm đối với hoạt động sản xuất và cung ứng sữa của hai doanh nghiệp này.
Bộ Công Thương chỉ có thể tiến hành kiểm tra đối với các doanh nghiệp này khi phát hiện dấu hiệu vi phạm trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ được giao.

Lô sữa được cho là sữa giả đang được đóng gói, Bộ Công Thương cho biết không cấp phép cho sản phẩm này, mà thuộc bộ ngành khác - Ảnh: Báo CAND
Thường xuyên kiểm tra, xử phạt liên quan mặt hàng sữa?
Theo số liệu của Bộ Công Thương, từ năm 2021 - 2024 các lực lượng thuộc bộ này đã kiểm tra, xử lý 783 vụ sai phạm liên quan mặt hàng sữa; số tiền xử phạt là 2,2 tỉ đồng.
Trong năm 2024, Bộ Công Thương cho biết Cục Quản lý thị trường Hà Nội đã chuyển 2 vụ tới cơ quan cảnh sát điều tra. Vụ việc phát hiện 3.000 lon sữa bột không nhãn mác, không rõ nguồn gốc xuất xứ và thành phần chưa đạt chỉ tiêu chất lượng của hộ kinh doanh Trần Thị Kim Cúc tại Gia Lâm (Hà Nội).
Kiểm tra Công ty cổ phần sản xuất thực phẩm công nghệ cao NCT3 Food tại Đông Anh, Hà Nội phát hiện số lượng hơn 123.600 là hộp, túi, gói… liên quan đến sữa và các chế phẩm từ sữa có dấu hiệu tẩy xóa, sửa chữ thời hạn sử dụng và có chỉ tiêu chất lượng dưới 70% chỉ tiêu đã công bố.
Từ các vụ việc trên, lãnh đạo Bộ Công Thương khẳng định sẽ "chỉ đạo sát sao các chi cục quản lý thị trường tại địa phương, tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động lưu thông, phân phối các sản phẩm sữa".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận