
Những loại sữa giả được các công ty sản xuất và đưa ra thị trường vừa được Bộ Công an triệt phá với số lượng cực lớn tại Hà Nội - Ảnh tư liệu
Ngày 5-5, Sở Y tế TP.HCM cho biết đã có văn bản gửi UBND TP.HCM về việc rà soát tình hình kinh doanh sữa giả tại các cơ sở khám, chữa bệnh, cơ sở buôn, bán lẻ thuốc.
Cụ thể, đối với các cơ sở khám, chữa bệnh qua kiểm tra từ các đơn vị, tất cả cơ sở khám, chữa bệnh công lập và ngoài công lập trên địa bàn TP không kinh doanh và sử dụng sữa giả trong khuôn viên cơ sở.
Tại các phòng y tế quận, huyện, TP Thủ Đức đã kiểm tra, khảo sát 4.641 nhà thuốc trên địa bàn (chiếm khoảng 60% tổng số nhà thuốc đang hoạt động).
Bước đầu ghi nhận có 21/22 quận, huyện, TP Thủ Đức chưa phát hiện cơ sở kinh doanh sữa giả trên địa bàn.
Riêng Phòng Y tế quận Bình Thạnh phát hiện một cơ sở kinh doanh sữa giả, tuy nhiên công ty phân phối đã thu hồi sản phẩm.
Cụ thể hộ kinh doanh nhà thuốc M.A.6 địa chỉ phường 3, quận Bình Thạnh kinh doanh sữa giả Bold Milk cơ xương khớp Clostrum với số lượng 6 hộp mua từ Công ty TNHH We United. Tuy nhiên cơ sở này chưa bán, công ty đã thu hồi lại 6 hộp sữa giả.
Sở Y tế sẽ tiếp tục ghi nhận và báo cáo về UBND TP.HCM nếu phát hiện việc kinh doanh sữa giả tại các cơ quan quản lý.
Cùng ngày, UBND TP.HCM cũng đã có văn bản gửi các đơn vị về việc áp dụng biện pháp phòng ngừa tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến sản xuất, buôn bán thuốc chữa bệnh giả.
Theo đó, UBND TP chỉ đạo Sở Công Thương tăng cường chỉ đạo việc phối hợp giữa các cơ quan và các lực lượng chức năng có liên quan thực hiện đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ thuộc nhóm dược phẩm, dược liệu, vị thuốc y học cổ truyền trên địa bàn TP.
Chủ trì, phối hợp Sở Y tế, các cơ quan chức năng và UBND quận, huyện, TP Thủ Đức tăng cường công tác quản lý thị trường, phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi sản xuất, buôn bán thuốc giả, thuốc không rõ nguồn gốc xuất xứ.
Đồng thời, thường xuyên rà soát hoạt động kinh doanh thuốc trên mạng xã hội, sàn thương mại điện tử, phối hợp xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm.
Sở Y tế TP phải tăng cường hoạt động thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về dược tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh, đặc biệt tại các địa bàn trọng điểm.
Quản lý chặt chẽ các cơ sở bán buôn, bán lẻ thuốc, chỉ mua bán thuốc có giấy đăng ký lưu hành, hóa đơn chứng từ đầy đủ, nguồn gốc rõ ràng. Xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
Trước đó, Bộ Công an đã triệt phá một đường dây sản xuất, buôn bán, tiêu thụ sữa bột giả với số lượng cực lớn tại Hà Nội và các tỉnh lân cận khiến người tiêu dùng hoang mang.
Bước đầu cơ quan công an xác định từ tháng 8-2021 đến nay, Công ty cổ phần dược quốc tế Rance Pharma và Công ty cổ phần dược dinh dưỡng Hacofood Group sản xuất kinh doanh sữa bột. Đến nay đã sản xuất 573 nhãn hiệu sữa bột các loại.
Chủ các công ty này còn góp vốn với nhiều người lập thêm "hệ sinh thái" gồm chín công ty con để sản xuất, phân phối sữa bột giả. Trong đó, có cả sản xuất các loại sữa dành cho những người bị tiểu đường, suy thận, trẻ sinh non, thiếu tháng và phụ nữ có thai.
Cơ quan công an xác định sữa bột có chỉ tiêu chất lượng một số chất đạt dưới 70% so với mức công bố, đủ điều kiện để xác định là hàng giả.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận