![Vụ 'Bà giáo khánh kiệt vì 17 năm chờ sổ đỏ': Luật thông nửa năm, chuyện buồn vẫn đeo đuổi - Ảnh 1. Vụ 'Bà giáo khánh kiệt vì 17 năm chờ sổ đỏ': Luật thông nửa năm, chuyện buồn vẫn đeo đuổi - Ảnh 1.](https://cdn.tuoitre.vn/thumb_w/730/471584752817336320/2025/2/10/chi-em-ba-lan-10-2-read-only-1739201375892497330976.jpg)
Cả hai chị em bà Nguyễn Thị Phương Lan đều đau bệnh, lâm cảnh khánh kiệt mòn mỏi chờ được cấp sổ đỏ để bán hoặc thế chấp nhà lấy tiền trả nợ và chữa bệnh - Ảnh: C.NƯƠNG
Tháng 9-2024, báo Tuổi Trẻ có bài viết "Bà giáo khánh kiệt vì 17 năm chờ sổ đỏ: Cơ hội chỉ nằm trên... luật?". Lúc đó có trả lời từ UBND quận 8 (TP.HCM) là trường hợp này chưa có quy định trong Luật Đất đai 2013 và chờ hướng dẫn của Sở Tài nguyên và Môi trường TP về việc cấp sổ.
Đến nay Luật Đất đai 2024 đã có hiệu lực, có điều khoản cho phép cấp sổ đỏ với các trường hợp mua bán bằng giấy tay (trong đó có mua bán suất tái định cư), nhưng hồ sơ của bà Nguyễn Thị Phương Lan (76 tuổi, ngụ quận 8, TP.HCM), một cô giáo nghỉ hưu từ năm 2006, vẫn chưa được giải quyết.
Bà Lan và chị mình đang lâm cảnh khánh kiệt, bệnh tật nhưng không tiền chữa trị vì ngôi nhà tiền tỉ không có giấy tờ.
Ở nhà tiền tỉ nhưng... không có đồng nào
Đến căn hộ nhỏ chật hẹp của bà Lan đang ở (chung cư Đồng Diều, quận 8) sau Tết Ất Tỵ, chúng tôi cảm nhận căn nhà này chưa từng có không khí Tết. Đồ đạc chất lộn xộn trong tủ và trên bàn. Gần một tháng qua, cả hai chị em bà Lan người nằm một chỗ, người đi lại khó khăn.
Bà Lan cho biết chị bà lâu nay mang nhiều bệnh trong người, không may trước Tết bị té và không còn nhận thức, mọi sinh hoạt ăn uống đều phải do bà Lan một tay chăm lo.
Chưa được bao lâu thì bà Lan gặp phải sự cố khiến chân bị gãy xương và bó bột. Không còn cách nào khác, bà Lan lại phải trích một khoản tiền lương hưu ít ỏi, cũng là tiền tiết kiệm cả đời giáo viên, để thuê một người phụ chăm sóc cho chị mình.
Thế là cả dịp Tết thay vì rộn ràng vui xuân, căn nhà nhỏ của bà Lan, bà Trang ngập trong bao lo toan, gánh nặng sức khỏe lẫn kinh tế. Trò chuyện với chúng tôi, bà Lan nhìn về phía chị và nghẹn ngào kể trước đây bà sống cùng chị ở một chung cư cũ khác. Ước mơ của hai chị em là khi về già được sống ở căn nhà trệt, dẫu không ai chăm sóc cũng đi lại thuận tiện, không làm phiền ai.
Vì thế năm 2007, qua môi giới, bà được giới thiệu mua nền đất từ ông P.V.H. (được cấp tái định cư khi bị thu hồi đất nhưng không có nhu cầu sử dụng). Đó cũng là gần như toàn bộ tiền lương hưu tích góp của bà. Nền đất bà Lan mua nằm trong tổng thể dự án nhà ở thương mại do Công ty Địa ốc quận 8 làm chủ đầu tư.
Sau mua bán, bà Lan được thông báo phải xây dựng nhà theo đúng kết cấu quy hoạch 1 trệt 3 lầu mới được cấp sổ. Sống một mình và phải nuôi dưỡng người chị gái hơn 80 tuổi bệnh tật nhưng bà Lan vẫn chạy vạy vay tiền để xây căn nhà đúng chuẩn với mong muốn sẽ được cấp sổ.
Trớ trêu khi hoàn thành công trình vào năm 2021, bà được thông báo chưa được cấp sổ đỏ vì không thuộc đối tượng cấp sổ cho nền tái định cư này, mà đối tượng đúng phải là ông H..
Vẫn chờ hướng dẫn...?
Trao đổi với Tuổi Trẻ, phía UBND quận 8 cho biết vẫn tiếp tục có văn bản gửi Văn phòng Đăng ký đất đai TP.HCM (thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường TP) hỏi nhưng chưa có văn bản phản hồi nên chưa xem xét hướng giải quyết cấp sổ cho bà Lan.
Trước đó vào tháng 7-2024, sau khi nhận được văn bản hỏi của UBND quận 8 (tháng 4-2024), Văn phòng Đăng ký đất đai TP.HCM đã có văn bản phản hồi cho biết về việc cấp sổ đỏ cho các trường hợp chuyển nhượng suất tái định cư bằng giấy tay, Sở Tài nguyên và Môi trường TP đã có công văn 3626 (ngày 22-4-2024) kiến nghị UBND TP giao UBND các quận, huyện và TP Thủ Đức căn cứ quy định Luật Đất đai 2013 và các văn bản hướng dẫn để xem xét giải quyết cấp sổ đỏ cho các trường hợp mua bán nhà đất bằng giấy tay, bao gồm cả suất tái định cư, theo đúng quy định.
Khi Luật Đất đai 2024 có hiệu lực sẽ thực hiện xem xét giải quyết cấp sổ đỏ theo quy định mới.
Văn phòng Đăng ký đất đai TP cũng đề nghị UBND quận 8 nghiên cứu nội dung tại công văn 3626 của Sở Tài nguyên và Môi trường TP và căn cứ tình tiết cụ thể từng hồ sơ để xem xét giải quyết cấp sổ đỏ cho hộ gia đình, cá nhân chuyển nhượng suất tái định cư.
Theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ, công văn 3626 được Sở Tài nguyên và Môi trường TP trình UBND TP sau khi có chỉ đạo của UBND TP về việc giao cho sở này tham mưu giải quyết các trường hợp mua bán, chuyển nhượng suất tái định cư theo đề nghị của Thường trực HĐND TP (tháng 11-2016).
Qua văn bản này, Sở Tài nguyên và Môi trường TP phân tích các quy định của Luật Đất đai 2013 và các văn bản hướng dẫn để đi đến nhận định chưa có cơ sở quy định để sở tham mưu giải quyết hồ sơ cấp sổ đỏ cho các trường hợp mua bán, chuyển nhượng suất tái định cư bằng giấy tay sau ngày 1-7-2004 theo luật cũ.
Tuy nhiên khi dẫn các điều luật trong Luật Đất đai 2024 (có hiệu lực từ 1-8-2024), Sở Tài nguyên và Môi trường TP đã nhận định luật mới có quy định về việc cấp sổ đỏ cho hộ gia đình, cá nhân không có giấy tờ về quyền sử dụng đất hoặc có vi phạm pháp luật đất đai trước thời điểm 1-7-2014 (sau 1-7-2004).
Do đó khi Luật Đất đai 2024 có hiệu lực, việc xem xét giải quyết cấp sổ đỏ cho các trường hợp mua bán, chuyển nhượng bằng giấy tay (trong đó có mua bán suất tái định cư) thực hiện theo quy định luật này.
Sở cũng kiến nghị UBND TP trong trường hợp UBND các quận, huyện và TP Thủ Đức có đề nghị hướng dẫn việc cấp sổ đỏ với các trường hợp này thì giao sở (cụ thể là Văn phòng Đăng ký đất đai TP) hướng dẫn. Vậy nhưng khi luật mới đã có hiệu lực nửa năm, những trường hợp như bà Lan vẫn mỏi mòn chờ hướng dẫn…
Câu hỏi xót xa, ai phải trả lời cho dân?
"Mười mấy năm qua đôi lúc cứ trằn trọc cả đêm không ngủ được, không hiểu tại sao mình mua đất đúng thủ tục, không làm gì phạm pháp, người bán cho mình cũng không sai, mà mãi đến tận giờ không thể cầm trên tay sổ đỏ" - bà giáo Lan nghẹn lời.
Từ năm 2021 đến nay, căn nhà 1 trệt 3 lầu từ đó đến nay không ai ở, cửa chốt then cài, khoản nợ vẫn đeo bám gia đình. Từ mong muốn giản đơn có một mái nhà mặt đất để về già chị em thủ thỉ có nhau, nay thì một trong hai đã không còn nhận thức được và mảnh đất họ mua, căn nhà họ xây dựng vẫn chưa được đứng tên mình.
* Luật sư TRẦN ĐỨC PHƯƠNG (TP.HCM):
Có cơ sở pháp lý để xem xét cấp sổ đỏ cho người dân
![Vụ 'Bà giáo khánh kiệt vì 17 năm chờ sổ đỏ': Luật thông nửa năm, chuyện buồn vẫn đeo đuổi - Ảnh 2. Vụ 'Bà giáo khánh kiệt vì 17 năm chờ sổ đỏ': Luật thông nửa năm, chuyện buồn vẫn đeo đuổi - Ảnh 2.](https://cdn.tuoitre.vn/thumb_w/730/471584752817336320/2025/2/10/can-nha-cua-ba-lan-10-2-read-only-1739201375889458083686.jpg)
Căn nhà của bà Lan mãi chưa được cấp sổ, không thể bán nên chị em bà ngập trong nợ nần - đã được Tuổi Trẻ phản ánh ngày 10-9-2024 đến nay vẫn chưa được giải quyết, khiến tình hình của chị em bà càng bi đát hơn
Nhận định của Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM trong công văn 3626 gửi UBND TP hồi tháng 4-2024 cho thấy Luật Đất đai 2024 đã mở ra cơ sở pháp lý để các cơ quan quản lý xem xét giải quyết cấp sổ đỏ cho bà Lan.
Trong trường hợp này, bà Lan được coi như mua bán giấy tay suất tái định cư trước ngày 1-7-2014 và được xem xét cấp sổ đỏ theo điều 138, 139 Luật Đất đai 2024.
Đọc hồ sơ của bà Lan, có một điểm gây lúng túng cho cơ quan quản lý là sau khi thỏa thuận mua bán bằng giấy tay, ông H. lại làm văn bản xin chuyển tên trong hợp đồng mua nền đất cho bà Lan và Công ty Địa ốc quận 8 lại đi hủy bỏ hợp đồng, biên bản chuyển giao nền đất giữa công ty và ông H. trước đó để ký mới hợp đồng cho bà Lan.
Việc này dẫn đến nhận định ông H. mới là đối tượng tái định cư, còn bà Lan không đủ điều kiện nhận suất tái định cư.
Vướng mắc này có thể giải quyết bởi việc Công ty Địa ốc quận 8 hủy hợp đồng, biên bản chuyển giao nền đất và ký hợp đồng, biên bản bàn giao mới cho bà Lan thời điểm 2007 không đúng và không có giá trị pháp lý. Các văn bản này cần xem xét không có giá trị để khôi phục lại hợp đồng và biên bản bàn giao giữa Công ty Địa ốc quận 8 với ông H..
Từ đó tạo cơ sở giải quyết giao dịch giữa ông H. và bà Lan là mua bán suất tái định cư bằng giấy tay để xem xét cấp sổ đỏ cho bà Lan theo quy định Luật Đất đai 2024.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận