TTCT - Không giống với chuyện viết review giả cho món hàng không hề mua, nay một chiêu trò mới xuất hiện: Món hàng mua là thật, nhưng người mua đã bị mua chuộc để nói bất cứ lời có cánh nào cho món hàng ấy. Đánh giá sản phẩm dù có dấu "verified purchase" (chứng nhận mua hàng) cũng có thể là giả, sai sự thật. Ảnh: mompact.com Nỗ lực chống nạn đánh giá sản phẩm giả (fake review) của các sàn thương mại điện tử đang bị đe dọa khi các nhà buôn trực tuyến đã có chiêu mới để lừa người dùng: “huy động” những người thực sự bỏ tiền mua sắm, nhưng bất kể chất lượng thế nào cũng để lại những lời “có cánh” trong phần nhận xét món hàng. Thuê người tạo tài khoản trên các trang mua sắm trực tuyến để viết nhận xét, ca ngợi sản phẩm tận mây xanh dù chẳng hề mua hàng là chiêu trò quen thuộc của người bán hàng qua mạng. Vì thế mà Amazon và một số trang thương mại điện tử ở Việt Nam đã tự bảo vệ mình khỏi mang tiếng là nơi dung dưỡng gian thương bằng cách thêm dòng ghi chú “chứng nhận đã mua hàng” (verified purchase) hoặc “Đã mua sản phẩm này” vào dưới tên người đánh giá đối với khách hàng đã thật sự mua sản phẩm. Các sàn thương mại trực tuyến cũng khuyến khích người đã mua hàng chụp ảnh sản phẩm thật và đăng kèm nhận xét để tăng độ khả tín. Điều này giúp phân biệt đâu là nhận xét của tài khoản ảo, đâu là ý kiến của người thật việc thật, để người đang băn khoăn yên tâm tham khảo. Đánh giá 5 sao kèm lời nhận xét khen sản phẩm tốt đi cùng hình ảnh thật và có “chứng nhận đã mua hàng” rõ ràng là đáng tin hơn ý kiến của một người không mua hàng mà “khen như đúng rồi”. Nhưng nhìn vậy mà không phải vậy. Theo một phóng sự đăng trên trang BuzzFeed News hôm 20-11, nhận xét tích cực từ một người mua với “chứng nhận đã mua hàng” có thể là không trung thực, vì người này đã bị nhà bán hàng “mua chuộc”. Theo BuzzFeed News, Jessica (tên giả), một phụ nữ trẻ tuổi sống ở Mỹ, tính tới tháng 11 đã chi đến 15.000 USD (gần 350 triệu đồng) mua sắm từ các nhà cung cấp khác nhau trên Amazon, “tha” về nhà hơn 700 sản phẩm đủ loại. Dù toàn bộ là hàng rẻ tiền, không phải của các hãng tên tuổi, Jessica đều đánh giá 5 sao cho từng thứ đã mua. Đơn giản là vì cô sẽ được người bán trả lại số tiền đã bỏ ra, và còn được giữ luôn số sản phẩm đó. Amazon từ năm 2016 đã có quy định cấm người bán hàng trả tiền hay gửi tặng phẩm cho người đánh giá. Song cách làm mà Jessica đều đặn thực hiện suốt năm qua có vẻ không có gì sai luật. Cô này dùng thẻ tín dụng đứng tên mình, mua bằng tài khoản hợp lệ, tức thỏa điều kiện được đánh dấu “chứng nhận đã mua hàng” trên bình luận. Chuyện người bán chuyển tiền cho cô (qua PayPal) hoàn toàn nằm ngoài kiểm soát của Amazon. Đây là “điểm mù” trong cơ chế chống nạn review gian dối của Amazon. Trên Facebook có nhiều nhóm để những người bán thiếu trung thực tìm và “tuyển mộ” những người như Jessica. Chi phí bỏ ra cho hành vi này để đổi lại cái lớn hơn: sản phẩm nào càng được nhiều đánh giá tốt thì sẽ được ưu tiên xuất hiện trên trang tìm kiếm của Amazon, đồng nghĩa có khả năng tiếp cận thêm nhiều người mua, tăng doanh số. Jessica nói với BuzzFeed News cô chỉ muốn giúp các nhà bán hàng, bởi dẫu gì đây cũng là một cách marketing của họ, và nhiều sản phẩm - đa số đến từ Trung Quốc và không có thương hiệu gì - dù rẻ tiền nhưng chất lượng không đến nỗi nào. Nhưng ngay cả khi cô biết chắc sản phẩm rất tệ và thậm chí không dám dùng, nhất là đồ điện tử và mỹ phẩm, Jessica vẫn chấm cho các món hàng đó 5 sao trên Amazon. Đây là điều tai hại cho những người dùng Amazon khác, vì khó có cách nào biết được nhận xét 5 sao nào thuộc dạng “người mua thật nhưng review giả” như Jessica và rất nhiều người khác “hành nghề” này. Kể từ khi bước vào nghiệp “review gian”, Jessica đã viết hàng trăm đánh giá sản phẩm, và các món hàng cứ thế đổ về nhà cô liên tục. “Tôi thích nhận đồ, giống như ngày nào cũng là Giáng sinh vậy” - cô giải thích. Cô thường xuyên mang các món hàng đó cho người khác hoặc rao bán lại trên mạng, còn quần áo thì đem cho từ thiện. “Công việc” này giúp cô thoải mái cho đi mà không mất gì, và cả năm không phải tốn tiền mua quà sinh nhật. Ngoài ra, cô còn có thêm thu nhập từ chính sách hoàn tiền trên mỗi giao dịch (mà thực chất cô chẳng tốn gì) của Amazon. Điều này khá cay đắng cho gã khổng lồ bán lẻ trực tuyến: họ phải trả tiền cho người chuyên viết fake review! Jessica cũng “công tư phân minh” khi có một tài khoản khác, ngoài tài khoản “làm ăn”. Cô đăng ký gói thành viên Amazon Prime để mua đồ mình thật sự cần. Khỏi nói cũng biết, khi mua sắm cho bản thân, Jessica đủ kinh nghiệm để không tin vào các review. Còn người dùng bình thường vốn tin vào ý kiến của “người mua được chứng nhận”, nay biết thêm sự thật đằng sau những lời khen ngợi sản phẩm này, thật không còn biết tin vào đâu khi mua hàng qua mạng.■ Tags: AmazonGiao dịch trực tuyếnReview hàngChứng nhận hàng hóaReview giả
200 y bác sĩ ở TP.HCM xuyên đêm ghép tạng cứu 4 người TTXVN 26/01/2025 Những ngày cận Tết bận rộn, hơn 200 y bác sĩ của Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM đã chạy đua lấy và ghép tạng cho 4 bệnh nhân từ một người hiến chết não.
VietinBank rao bán những khoản nợ xấu 'lạ lùng' BÌNH KHÁNH 26/01/2025 Cuối năm, VietinBank bỗng rao bán nhiều khoản nợ “lạ”. Một khách hàng của VietinBank vay tiêu dùng với giá trị ghi nợ gồm cả gốc, lãi, lãi phạt hơn 260.000 đồng nhưng không thanh toán, để trở thành nợ xấu.
Vụ sầu riêng gặp khó xuất khẩu sang Trung Quốc: Tuyệt đối không sử dụng vàng O để sơ chế CHÍ TUỆ 26/01/2025 Dù có 7 trung tâm xét nghiệm chất vàng O được Trung Quốc công nhận nhưng để xuất khẩu sầu riêng được thuận lợi thì các doanh nghiệp tuyệt đối không sử dụng chất vàng O để sơ chế, đóng gói.
Vụ nam thanh niên hít xà đơn trên metro số 1: Công ty Đường sắt đô thị đề nghị công an vào cuộc CHÂU TUẤN 26/01/2025 Những ngày qua mạng xã hội lan truyền clip ghi lại cảnh một nam thanh niên hít xà đơn phản cảm trên chuyến tàu metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên. Ngày 26-1, công ty vận hành đề nghị công an vào cuộc.