Rút tiền hộ: trò lừa đảo nhằm vào học sinh, sinh viên, người cần tiền gấp…
‘Rút tiền từ ví trả sau’, ‘Rút nhanh 3 triệu nhận 2,7 triệu’, ‘Hỗ trợ đóng học phí’…là những lời mời hấp dẫn, đánh trúng tâm lý những người đang cần tiền gấp. Gọi là ‘rút tiền hộ’ nhưng thật ra lại là lừa đảo, khiến nạn nhân mắc nợ mà không hay biết.
1. “Rút tiền hộ” là gì? Vì sao bạn bỗng dưng thành người đi vay?
“Rút tiền hộ” là chiêu lừa đánh vào các ứng dụng có tính năng mua trước trả sau. Trên các hội nhóm ở Facebook, Zalo…, kẻ xấu đăng tải các thông tin như: “rút 3, nhận 2 triệu 7, không thủ tục rườm rà, giải ngân không cần gặp mặt"… Nạn nhân chỉ cần quét mã QR do đối tượng cung cấp và đọc mã OTP xác nhận là có tiền ngay.
Tuy nhiên, điều nạn nhân không biết là mã QR đó thực chất dẫn tới một giao dịch nào đó (ví dụ mua hàng điện tử, thẻ game...), và mã OTP chính là bước xác thực cuối cùng để hoàn tất thanh toán.
Chiêu lừa tinh vi ở chỗ hiện nay, nhiều nền tảng tài chính đều có cung cấp tính năng "mua trước - trả sau". Tuy nhiên, đây không phải là công cụ để rút tiền mặt. Việc chuyển hạn mức thành tiền hay "rút hộ" rất có thể là một biến tướng, 1 kẽ hở để kẻ xấu lợi dụng lừa đảo.
Sau khi đã quét mã QR và đọc mã OTP hoàn tất giao dịch cho kẻ lừa đảo, nạn nhân chính thức gánh nợ, còn đối tượng lừa đảo biến mất cùng toàn bộ khoản giải ngân. Chỉ khi app gửi nhắc tới hạn thanh toán, hoặc tra lịch sử chi tiêu, nạn nhân mới tá hỏa khi biết mình đã “tự tay” đồng ý cho 1 giao dịch lừa đảo.
2. Hậu quả khôn lường
Hậu quả của các giao dịch dạng này không chỉ là mất vài triệu đồng mà còn bị ảnh hưởng điểm tín dụng, mất cơ hội vay vốn chính thống, hoặc bị gọi đòi nợ do khoản chi tiêu không được thanh toán đúng hạn.
Một số người còn bị cuốn vào vòng xoáy pháp lý, khi các giao dịch được hệ thống ghi nhận hợp lệ do chính người dùng xác nhận.
3. Cần làm gì để không trở thành nạn nhân?
Để đảm bảo an toàn, giảm thiểu rủi ro, bạn chú ý:
- Không chia sẻ mã OTP, không quét mã QR từ nguồn không rõ ràng, kể cả từ người quen trên mạng xã hội;
- Tránh tham gia các dịch vụ "rút tiền hộ", "giải ngân nhanh" không minh bạch;
- Tài khoản trả sau chỉ nên dùng đúng mục đích tiêu dùng thiết yếu, theo đúng quy định từ các nền tảng tài chính;
- Đọc kỹ điều khoản giao dịch, thông báo từ ứng dụng trước khi xác nhận bất kỳ thao tác nào liên quan đến mã OTP, mã QR;
- Thường xuyên kiểm tra lịch sử giao dịch, khoản vay trên các app tài chính để phát hiện sớm bất thường;
- Nâng cao cảnh giác, tỉnh táo trước những dấu hiệu lừa đảo tinh vi.
Xem thêm: Người đóng BHXH tự nguyện đủ 20 năm có thể yên tâm nghỉ hưu sớm?
Xem thêm: Bâng khuâng đi 'tìm lại ký ức' với Google Maps, bạn đã thử chưa?
Xem thêm: Những việc cán bộ công chức không được làm từ tháng 7
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận