Mua 2 chỉ vàng phải chuyển khoản, cho phép nhập vàng và nhiều đề xuất mới cho thị trường vàng
Theo dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 24 về quản lý hoạt động kinh doanh vàng do Ngân hàng Nhà nước xây dựng, khách hàng có giao dịch vàng từ 20 triệu đồng trở lên trong ngày sẽ phải thực hiện chuyển khoản thay vì tiền mặt
Vì sao giao dịch vàng trên 20 triệu/ngày phải chuyển khoản?
Trong dự thảo nghị định mới vừa được đưa ra lấy ý kiến góp ý, Ngân hàng Nhà nước đề nghị thanh toán mua, bán vàng có giá trị từ 20 triệu đồng trong ngày trở lên của một khách hàng phải được thực hiện thông qua tài khoản thanh toán của khách hàng và tài khoản thanh toán của doanh nghiệp kinh doanh vàng mở tại ngân hàng thương mại hoặc chi nhánh ngân hàng nước ngoài.
Nội dung này mới hoàn toàn so với quy định hiện hành, nhằm xác thực thông tin, tăng công khai và minh bạch, không làm phát sinh nghĩa vụ mới cho khách hàng và không ảnh hưởng quyền sở hữu vàng của người dân..
Đồng thời việc quy định rõ giá trị mua, bán vàng từ 20 triệu đồng/ngày trở lên của một khách hàng để tránh tình trạng "lách luật" qua việc chia nhỏ các giao dịch (dưới 20 triệu đồng)
Đề xuất mới về việc sản xuất vàng miếng
Ngân hàng Nhà nước cũng đã có đề xuất xóa bỏ quy định Nhà nước độc quyền sản xuất vàng miếng, xuất khẩu vàng nguyên liệu và nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng miếng.
Đồng thời mở rộng quyền nhập khẩu có kiểm soát để tăng cung vàng; bảo đảm nguyên tắc tôn trọng quyền sở hữu, quyền tài sản, quyền tự do kinh doanh của người dân và doanh nghiệp; bảo đảm sự minh bạch trên thị trường.
Ngân hàng Nhà nước cũng kiến nghị hoạt động sản xuất vàng miếng; kinh doanh mua, bán vàng miếng phải được Ngân hàng Nhà nước cấp giấy phép.
Điều kiện để doanh nghiệp và ngân hàng được sản xuất, xuất nhập khẩu vàng
Ngân hàng Nhà nước dự kiến cấp hạn mức hàng năm và giấy phép từng lần cho doanh nghiệp, ngân hàng thương mại thỏa điều kiện để xuất khẩu, nhập khẩu vàng miếng và giấy phép từng lần để nhập khẩu vàng nguyên liệu. Theo đó:
- Doanh nghiệp muốn sản xuất vàng miếng phải có vốn điều lệ tối thiểu 1.000 tỷ đồng, còn đối với ngân hàng thì phải có vốn điều lệ tối thiểu 50.000 tỷ đồng.
- Các đơn vị này phải nằm trong danh sách được Ngân hàng Nhà nước cấp phép kinh doanh vàng, không bị xử phạt hoặc đã khắc phục xong vi phạm.
- Trên cơ sở tổng hạn mức hàng năm, Ngân hàng Nhà nước sẽ cấp hạn mức theo quy mô vốn điều lệ; tình hình xuất khẩu, nhập khẩu vàng miếng, vàng nguyên liệu của các năm trước (nếu có) và nhu cầu của doanh nghiệp và ngân hàng.
Cơ chế mới cho vàng nguyên liệu để sản xuất trang sức mỹ nghệ
Cũng trong dự thảo nghị định bổ sung lần này, NHNN cũng bổ sung cơ chế tăng nguồn cung cho sản xuất vàng trang sức mỹ nghệ. Theo đó, doanh nghiệp sẽ được cấp phép nhập khẩu vàng miếng, vàng nguyên liệu để sản xuất vàng miếng và trang sức mỹ nghệ. Họ cũng có thể bán lại nguyên liệu này cho đơn vị khác có giấy phép sản xuất vàng miếng hoặc kinh doanh trang sức, mỹ nghệ.
Tuy nhiên, doanh nghiệp chỉ được nhập khẩu vàng miếng, vàng nguyên liệu của nhà sản xuất được chứng nhận bởi Hiệp hội Thị trường vàng London (LMBA). Các đơn vị phải công bố tiêu chuẩn, hàm lượng vàng và có quy định nội bộ về xuất nhập khẩu, sản xuất vàng...
Xem thêm: Đu trend 'bị lập biên bản xử phạt giao thông' bằng AI, coi chừng bị phạt nặng
Xem thêm: Theo quy định mới, sổ đỏ bị sai thông tin thì cần làm gì?
Xem thêm: 6 dấu hiệu thầm lặng cảnh báo đột quỵ trước 1 tháng
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận