
Mâm cỗ Tết Đoan Ngọ - Ảnh minh họa
Liệu những món ăn mang hương vị này có đem lại lợi ích cho sức khỏe?
"Chua để giết sâu bọ"
Theo truyền thống, Tết Đoan ngọ diễn ra vào mùng 5 tháng 5 âm lịch - thời điểm giao mùa giữa xuân và hạ, khi thời tiết nắng nóng, độ ẩm cao, vi khuẩn và ký sinh trùng dễ phát triển mạnh trong cơ thể.
Từ xa xưa, người Việt đã quan niệm rằng, sáng sớm hôm đó ăn một số món đặc biệt có thể "giết sâu bọ", thanh lọc cơ thể.
Không phải ngẫu nhiên mà mâm cỗ Đoan ngọ lại có nhiều món vị chua. Mận chín, vải hay dưa muối đều có vị chua ngọt đặc trưng, vừa hấp dẫn vị giác, vừa được cho là có tác dụng "diệt sâu bọ" trong bụng - cách gọi dân gian cho các vi sinh vật có hại.
Cùng với đó, cơm rượu nếp - món ăn đặc trưng không thể thiếu trong mâm cỗ Đoan ngọ được làm từ gạo nếp lên men, có vị ngọt nhẹ, cay nồng, dễ gây cảm giác "say" khi bụng đói. Theo truyền thống, "sâu bọ" sẽ bị cơm rượu làm cho say và bị tiêu diệt.
Theo bác sĩ Nguyễn Trọng Hưng, Viện Dinh dưỡng quốc gia, quan niệm 'giết sâu bọ' trong dân gian phần nào phản ánh việc thanh lọc hệ tiêu hóa, giải độc cơ thể trong giai đoạn giao mùa. Các món như cơm rượu, trái cây chua giàu vitamin, enzyme và vi khuẩn có lợi, thực sự tốt cho hệ tiêu hóa.
Thậm chí đã có những nghiên cứu mới đây cho thấy rượu nếp giúp phòng ngừa tim mạch, đột quỵ, tăng huyết áp. Các nhà nghiên cứu đã tiến hành nghiên cứu trên những người bệnh mắc chứng dị ứng với các loại thuốc hạ huyết áp thì thấy rằng cơm rượu nếp cẩm có thể làm hạ được nồng độ cholesterol có hại trong máu.
Tuy nhiên, bác sĩ Hưng cũng khuyến cáo không nên ăn các loại trái cây chua khi bụng đang đói vì axit trong trái cây có thể kích ứng niêm mạc dạ dày, gây đầy hơi hoặc đau bụng. Nên ăn cơm rượu hoặc một món nhẹ trước, sau đó mới dùng đến trái cây.
"Ngoài ra, người dân không nên lạm dụng rượu nếp hay trái cây chua quá mức. Những người có tiền sử bệnh dạ dày, tiểu đường hoặc men gan cao nên cân nhắc và điều chỉnh khẩu phần phù hợp", bác sĩ Hưng cho hay.
Phối hợp món ăn ra sao trong Tết Đoan ngọ?
Tùy vùng miền, mâm cỗ Đoan ngọ có thể khác nhau, nhưng phổ biến nhất vẫn là cơm rượu nếp, thường ăn vào buổi sáng, hỗ trợ hệ vi sinh đường ruột.
Trái cây mùa hè như mận, vải, đào, dưa hấu… giúp bổ sung vitamin, thanh nhiệt.
Bánh tro (bánh ú tro), được làm bằng gạo nếp ngâm nước tro lấy từ thảo mộc, vị thanh mát, giải nhiệt.
Ở miền Trung và miền Nam, Tết Đoan ngọ hay có món từ vịt, được cho là "tính hàn", thích hợp để cân bằng cơ thể trong tiết trời nóng nực.
Bác sĩ Hưng cho hay một bữa ăn hài hòa giữa cơm rượu, trái cây, bánh tro và thịt vịt sẽ đảm bảo cung cấp đầy đủ năng lượng, vitamin và dưỡng chất thiết yếu. Riêng người lớn tuổi, trẻ em và người có bệnh nền cần điều chỉnh sao cho phù hợp thể trạng.
Mâm cỗ Tết Đoan ngọ với vị chua từ mận, vị nồng của rượu nếp, vị thanh mát của bánh tro… không chỉ là truyền thống, mà còn là cách người Việt xưa chăm sóc sức khỏe.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận