TTCT - Những người tập luyện võ thuật ở TP.HCM, đặc biệt là các môn võ Nhật Bản, có nhu cầu tìm mua dụng cụ tập luyện như kiếm gỗ (bokken), gậy gỗ (jo), kiếm thép (katana) có thể hài lòng với sản phẩm “made in Vietnam” của những người thợ đam mê với nghề, trong số đó có thể nhắc đến anh Trần Nguyễn Phi Vũ và kiến trúc sư Hoàng Phùng Võ. Anh Phi Vũ trong xưởng sản xuất dụng cụ tập luyện ở quận 4 - Ảnh: Minh DũngNhững năm 1980, kể từ khi các môn phái võ thuật được phép hoạt động trở lại, một số võ sư có điều kiện đi nước ngoài hoặc có mối quan hệ với các võ sư Nhật Bản đã nhờ mua hoặc được tặng các loại dụng cụ tập luyện nói trên đã đem các vật phẩm này về thuê thợ mộc, thợ sắt có tay nghề làm lại để các môn sinh có dụng cụ tập luyện. Theo thời gian, nghề sản xuất dụng cụ tập luyện phát triển theo các môn võ.Trong số các lò sản xuất dụng cụ tập luyện võ thuật tại TP.HCM, lò của anh Trần Nguyễn Phi Vũ trong con hẻm nhỏ ở quận 4 là một trong số ít địa chỉ tin cậy. Học nghề từ dượng rể, người chuyên chế tác các loại binh khí cho các đoàn hát cải lương tuồng cổ và các lò võ cổ truyền, anh Vũ tiếp nối công việc sau khi người dượng rể qua đời và phát triển thành “Cơ sở gia công dụng cụ luyện tập võ thuật Phi Vũ” hiện nay.Giấc mơ katanaVới 22 năm trong nghề, hiện anh Vũ có thể chế tác được tất cả các loại binh khí của “thập bát ban võ nghệ” theo đúng yêu cầu của võ sư các môn. Anh “khoe” thêm rằng kể từ khi bộ môn vovinam phát triển thành Liên đoàn Vovinam thế giới, anh liên tục nhận đơn hàng xuất khẩu sản phẩm. Tuy nhiên, sản phẩm thách thức tay nghề anh nhiều nhất chính là kiếm Nhật.Anh Vũ tiếp cận và chế tác các loại kiếm Nhật từ năm 1998, từ kiếm gỗ (bokken) tới kiếm thép (katana) theo yêu cầu của một ông thầy dạy aikido cùng một tập tài liệu mỏng. Với anh, katana đòi hỏi tay nghề rất cao về nhiều mặt: rèn, trui, mài, bao kiếm...Anh Vũ làm được rất nhiều cây bokken, nhưng đến nay mới làm được khoảng 30 cây katana và thừa nhận chỉ tiếp cận cái “vỏ” ngoài của nó mà thôi. Anh rất muốn làm được một cây katana hoàn chỉnh như là sản phẩm nghệ thuật cao cấp, chứ không phải là “bản sao chép không hoàn chỉnh” hiện nay. Đó là một đam mê và cũng là thử thách đời làm kiếm của anh. “Tôi sẽ cố gắng làm được một cái gì đó ghi dấu ấn nghề nghiệp cho riêng mình” - anh tâm sự.Các sản phẩm của Nhật Bản nói chung và các sản phẩm làm bằng tay nói riêng hầu như đều đạt đến độ tinh xảo đáng kinh ngạc. Đặc biệt với cây kiếm Nhật, nó không chỉ nổi tiếng trên toàn thế giới về độ bén và độ bền của thép, mà còn thể hiện tinh thần văn hóa Nhật, một sản phẩm nghệ thuật đích thực. Do vậy, rất nhiều người muốn sở hữu “tác phẩm nghệ thuật” này để thỏa niềm yêu thích của mình.Tuy nhiên, katana thứ thiệt rất đắt. Tùy theo tên tuổi của người làm mà nó có giá nhiều ngàn đôla Mỹ, thậm chí một katana năm 1845 đã có giá 500.000 euro (theo ông Karl-Heinz Peuker - một người Đức sưu tầm và mua bán kiếm Nhật).Trong số người yêu thích văn hóa Nhật và đam mê katana vì dáng vẻ thanh thoát, nghệ thuật tối giản, cùng với những thách thức ẩn chứa trong việc rèn kiếm, có một người muốn hiện thực hóa đam mê của mình dù không có nhiều tiền.Kiến trúc sư Hoàng Phùng Võ thử kiếm - Ảnh: Minh DũngMất bảy năm cho nhát búa đầu tiênNếu anh Vũ đam mê và sản xuất kiếm theo kiểu thị trường thì kiến trúc sư Hoàng Phùng Võ mê theo kiểu khác. “Ba tôi mê nghề cơ khí và rất khéo tay. Ở nhà có một xưởng cơ khí nhỏ nên tôi hay luẩn quẩn chơi ở đó từ bé, làm quen với các dụng cụ cơ khí của ông già. Có lẽ có chút ít gen di truyền này mà tôi khá khéo tay. Đặc biệt tôi rất có năng khiếu với những gì liên quan đến hình ảnh và chuyển động” - kiến trúc sư Võ vui vẻ cho biết.Từ nhỏ, Võ rất ghét võ thuật nhưng lại thích nghiên cứu về sự vận động của con người, về sự phối hợp cơ, gân, xương... “Tôi mê sự hợp lý. Tôi tìm thấy điều ấy qua văn hóa và kiếm Nhật” - anh Võ giải thích.Theo anh, katana có hình dáng khí động học chuẩn mực, từ góc mài, độ vát, độ cong, độ xước, chiều dài kiếm... đều phù hợp với sự vận động của cơ thể con người. Võ cũng mê sự tối giản và tinh xảo trong cách rèn và mài kiếm. Từ nguồn thông tin trên Internet, anh đã tiếp cận khá sâu về những điều kiện để có thể rèn được một cây katana cho riêng mình.Nhưng khi bắt tay vào thực tế, Võ mới thấy không suôn sẻ như anh nghĩ. Tính từ lúc quyết tâm làm katana đến lúc đập nhát búa đầu tiên trên thanh thép trui từ lò rèn tự làm, anh mất gần bảy năm. Ngoài giờ làm việc, cứ rảnh là anh lang thang từ chợ thép Hà Tôn Quyền, Lý Nam Đế (Q.5) để tìm nguồn thép, đồng tốt; chợ Soái Kình Lâm tìm nguồn dây thắt chuôi kiếm, da cá đuối, tìm nguồn gỗ làm bao kiếm, đá mài kiếm...Có nguồn nguyên liệu rồi, Võ phải thu xếp việc nhà và tìm cho ra người cộng sự bởi vì một mình anh không thể đảm nhận hết các khâu, trong lúc vẫn phải làm việc kiếm tiền nuôi gia đình. Phải in hơn hai ram giấy A4 tất cả tài liệu tải trên Internet Võ mới thuyết phục được ông cậu có tay nghề mộc giúp làm bao kiếm, rồi thuyết phục người em út chưa có việc làm tham gia rèn kiếm theo hướng dẫn kỹ thuật của anh.Với người chưa từng làm kiếm, việc làm một cây katana theo kiểu luyện thép truyền thống của Nhật là điều không tưởng (một lưỡi kiếm truyền thống gồm nhiều loại thép cứng mềm khác nhau, rồi rèn dập nhiều lớp để lưỡi kiếm thành một thể thống nhất). Võ đành bắt đầu với loại katana hiện đại, lưỡi kiếm làm từ thép SWD của Hàn Quốc vì theo anh được biết, nhiều người trong nghề không đánh giá cao phôi thép Nhật trên thị trường.Thấy mặt, đặt tênBộ đồ nghề làm katana của kiến trúc sư Võ - Ảnh: Minh DũngLò rèn của anh Võ được đặt trên khoảng đất trống của gia đình nằm cạnh nghĩa địa ở Biên Hòa. Anh cùng người thân bắt tay vào rèn cây katana đầu tiên vào mùa hè 2005. Sau hai tháng “trầy vi tróc vảy” chạy lên chạy xuống Sài Gòn - Biên Hòa, họ đã có cây katana đầu tiên tương đối hoàn chỉnh với 22 chi tiết khác nhau.Có hai phần anh Võ cho là khó nhất khi chế tác katana. Một là khi tôi lưỡi kiếm, người ta đắp lên lưỡi kiếm một hỗn hợp đất sét để tạo hoa văn, sau đó đem nung trong lò lửa trong bóng tối để dễ dàng theo dõi độ sáng của thép. Khi người chế tác thấy đủ độ nóng, mang lưỡi kiếm ra nhúng vào nước để làm nguội.Sau khi tôi xong, trên lưỡi kiếm có hình hoa văn mờ, chỉ khi nhìn nghiêng ánh sáng mới thấy thì khi đó mới đạt yêu cầu. Và thứ hai là mài kiếm, nhất là mũi kiếm vát nhọn hai cạnh theo đường cong thật đều nhau. Đây là thao tác rất khó, đòi hỏi sự tập trung và độ cảm nhận của người mài. Có khi hư cả cây kiếm vì chỗ mài này.Vui mừng với “đứa con đầu lòng” này, Võ đã chụp hình đưa lên mạng để chứng tỏ “nói được làm được”. Gần như cộng đồng mạng võ thuật đều ngạc nhiên. Nhiều người mê kiếm Nhật liên lạc với anh để đặt hàng, nhưng Võ tỏ ra rất dè dặt và bắt đầu có những suy nghĩ nghiêm túc về những đơn hàng này.“Đối với người ác tâm, chiếc đũa cũng có thể thành hung khí, huống chi mình đang làm một thứ vũ khí chính hiệu. Cho dù tôi làm katana vì đam mê cái đẹp, cái tinh xảo. Nó đối với tôi trước hết là một tác phẩm nghệ thuật, nhưng ẩn sâu bên trong là một cách tôi tự rèn mình. Không thể tùy tiện trao vào tay bất cứ ai, cho dù họ có nhiều tiền chăng nữa” - anh phân tích sự dè dặt của mình.Bằng trực giác, anh Võ chọn khách hàng và hẹn gặp offline để quyết định làm kiếm hay không. Và nếu làm thì tùy theo người, để thô hoặc mài bén hoàn chỉnh, nếu đồng ý thì anh mới làm. “Kiếm là cánh tay nối dài. Nó tượng trưng cho tinh thần cao thượng của võ sĩ đạo và tính thiện trong con người. Do vậy người cầm kiếm trách nhiệm đã nặng nề, người trao kiếm trách nhiệm còn nặng nề hơn” - anh Võ khẳng định.Từ năm 2005-2011, nhóm của anh Võ đã làm tổng cộng 13 cây katana. Mỗi cây đều có chạm tên anh ở chuôi kiếm và đều có “lý lịch” của chủ nhân từng cây, không cây nào giống cây nào. Rất tiếc là đến năm 2011 anh phải dừng đam mê vì người em lập gia đình, cần có chỗ an cư nên “lò rèn” của nhóm giờ là tổ ấm của đứa em. Không còn lò rèn, công việc ở cơ quan bận rộn nên kiến trúc sư Võ tạm gác lại đam mê để chờ có thời gian và kinh phí để nối lại.Cậu của anh Võ tháo kiếm để bảo trì - Ảnh: Minh DũngKatana đã định hình từ thế kỷ 8 tại Nhật Bản. Thời kỳ đó có nhiều nghệ nhân rèn kiếm rất giỏi. Một cây katana chuẩn có thể tháo rời từng bộ phận và lắp lại. Katana gồm có các bộ phận như lưỡi kiếm, bao kiếm, cán kiếm, nút giữ các nút thắt, các miếng chặn tay kiếm... Nói chung, tất cả chi tiết của các bộ phận đều đòi hỏi sự tập trung cao độ của người chế tác.Theo anh Võ, nếu trong lòng không thanh thản thì tốt nhất là không làm bởi vì chỉ sơ suất nhỏ, sản phẩm sẽ bị hư hỏng và không thể sửa chữa. Tags: Kiếm NhậtKatanaLò luyện kiếm Nhật
Khách đông kín sân bay Tân Sơn Nhất, đứng nằm ngồi vật vã, xếp hàng dài vô tận CÔNG TRUNG 24/01/2025 Chen chúc, nhích từng chút để chờ làm thủ tục tại sân bay Tân Sơn Nhất. Bên trong nhà ga khan ghế ngồi, khách nằm vật vạ dưới đất để chờ hãng thông báo giờ bay mới sau nhiều giờ chậm chuyến (delay).
Vợ nam shipper xấu số ở Đà Nẵng: Quẫn trí, suy sụp nhưng muốn cảm ơn cả xã hội đã quan tâm THÁI BÁ DŨNG 25/01/2025 Vợ nam shipper xấu số ở Đà Nẵng nói tới thời điểm này, cả gia đình vẫn không ai tưởng tượng lại được quan tâm, giúp đỡ và chia sẻ như vậy.
Nguyên bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Quốc Triệu qua đời chiều 24-1 HỒNG HÀ 24/01/2025 Thông tin từ Bộ Y tế cho hay nguyên bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Quốc Triệu đã qua đời lúc hơn 17h chiều 24-1 tại Hà Nội.
Ùn ứ trên quốc lộ 1, xe cộ nhích từng chút thành vệt sáng dài giữa đêm NGUYỄN HOÀNG 24/01/2025 Khuya 24-1, tuyến quốc lộ 1 (đoạn qua thị xã Ninh Hòa, Khánh Hòa) ùn ứ kéo dài, xe cộ khó khăn nhích từng chút một.