Chuyện đùa sau đây chúng tôi chép được ở bên trời Tây khi đã đi qua cả Anh, Đức, Pháp, Ý và Thụy Sĩ: Thế giới này sẽ trở thành thiên đường hạ giới nếu người Anh làm cảnh sát, người Pháp làm đầu bếp, người Đức làm công nhân, người Ý là tình nhân và được người Thụy Sĩ sắp đặt mọi thứ. Bằng như ngược lại, nếu cảnh sát là người Đức, thợ máy là người Pháp, vào bếp là người Anh, lên giường là dân Thụy Sĩ và mọi việc do người Ý điều hành thì thế giới thật sự là một địa ngục trần gian! Đúng là một thí dụ thú vị về tính cách các dân tộc châu Âu! Tranh: Lê Thiết Cương Chúng ta thường nghe nhau, kiểu như “bà ấy hà tiện đúng cách người Scotland”, “tất cả người Mỹ đều thực dụng như vậy”, “một sự dí dỏm mang đậm phong cách Gaulois”... Và trong tâm trí chúng ta thường có sẵn một kho “những hình ảnh” mà Walter Lippman - một nhà báo, nhà bình luận quốc tế người Mỹ - gọi là “sự rập khuôn mang tính dân tộc”: người Anh thì phớt tỉnh, người Đức thì tỉ mỉ, người Pháp thì ga lăng, người Ý thì lãng mạn, còn người Thụy Sĩ thì chính xác như cái đồng hồ... Một trong những nghiên cứu sớm nhất về đề tài này, được tiến hành vào năm 1932, do Daniel Katz và Kenneth Braly thực hiện tại Đại học (ĐH) Princeton (Mỹ). Mỗi sinh viên được trao cho hai danh sách, bên này liệt kê những tính cách và bên kia liệt kê những quốc tịch. Nhiệm vụ của mỗi người là gán năm tính cách mà mình tin là đặc trưng cho một dân tộc. Kết quả cho thấy một sự nhất trí rất cao: cứ 100 sinh viên thì có 79 người cho là người Do Thái khôn ngoan, 78 cho là người Đức trí tuệ/ khoa học, 65 cho là người Đức cần cù, 54 nhận định người Thổ Nhĩ Kỳ dữ dằn, 53 miêu tả người Ý có chất nghệ sĩ... Còn đối với người da đen, 84 sinh viên cho rằng đó là những kẻ mê tín, 75 cho là lười biếng, và thêm nữa là những tính từ như ngu dốt, không biết tính toán... Một nghiên cứu tương tự tại ĐH Tự do Berlin của Sodhi và Bergius, dành cho sinh viên Đức, cũng cho kết quả tương đồng về những quan niệm “đóng khung” trong đánh giá tính cách các dân tộc: người Đức yêu nước, thông minh, có ý thức trách nhiệm; người Anh thích thể thao, coi trọng truyền thống, tự hào dân tộc; người Mỹ thực dụng, dân chủ, yêu thể thao; người Ý nóng tính, vô tư, yêu hội họa... Nhớ mãi năm 1993, trong lớp học dành cho các nhân viên phát triển cộng đồng tại Manila (Philippines), cứ khi nghe tôi cho biết mình là người Việt Nam, bạn bè nước khác thường giơ tay làm động tác cầm súng và miệng kêu “pằng, pằng”. Thậm chí có người còn nói: Việt Nam not good, vì... “chỉ biết đánh nhau!”. “Chúng là một kiểu dễ dãi của hầu hết chúng ta khi nhận xét về các dân tộc, vì thường không bao giờ nghĩ xem những thông tin như vậy có từ đâu và liệu thông tin ấy là sự thật, sự thật một trăm phần trăm hay chỉ là điều gì đó na ná sự thật” - nhà xã hội học Otto Klineberg, một trong những đại diện chính của nền tâm lý học Mỹ - tác giả Chủng tộc và tâm lý (1951), Tình trạng căng thẳng và hiểu biết quốc tế (1952) - đã viết như thế trong Điều mà chúng ta nghĩ về người khác. Tiểu luận này bàn về việc con người hiếm khi dựa trên những chứng cứ tin cậy để phán xét người khác. Thay vào đó, người ta có sẵn những hình ảnh trong đầu, hầu hết dựa trên thành kiến và sự tưởng tượng, và sử dụng chúng tưởng như là những nhìn nhận khách quan! Thậm chí, “Cái mà chúng ta nhìn thấy, bị chi phối phần nào bởi cái mà chúng ta mong đợi được chứng kiến”. Otto Klineberg đã dẫn ra một nghiên cứu rất có ý nghĩa của G. Allport và J. Postman tại ĐH Harvard (Mỹ). Họ cho một sinh viên xem một bức tranh. Sinh viên này sẽ miêu tả cho sinh viên thứ hai những gì mà mình đã thấy. Đến lượt mình, sinh viên thứ hai sẽ kể cho sinh viên thứ ba những điều sinh viên thứ nhất đã nói. Cứ như thế, thông qua “sự sao chép hàng loạt” đến lượt thứ tám, thứ mười, người ta sẽ đem so sánh lời kể cuối cùng với bức tranh nguyên mẫu. Một trong những bức tranh được dùng cho thí nghiệm này là cảnh tại một nhà ga tàu điện ngầm, bên cạnh một số người đang ngồi có hai người đàn ông đang đứng, một người da trắng và một người da đen. Người đàn ông da trắng mặc quần áo bảo hộ lao động, có một con dao cạo đang mở ra và đính trên dây lưng. Kết quả là hơn 50% đối tượng dự vào thí nghiệm này, sau khi kết thúc chuỗi miêu tả bức tranh, đã “chuyển” con dao cạo sang người da đen, thậm chí có người còn kể rằng tên da đen đã giận dữ vung dao trước mặt người đàn ông da trắng! Điều đặc biệt thú vị là kết quả này không hề xuất hiện với những đối tượng thực nghiệm là người da đen (những người vốn bị thành kiến) hoặc là trẻ em (vốn chưa biết thành kiến). Bạn tôi là một người da màu, mắt to, tóc xoắn tít. Anh tên Neah Steve Norewe, cán bộ khuyến nông của Lutheran Development Service, chuyên thực hiện các dự án cộng đồng của Hội thánh Phúc Âm Lutheran. Anh sống và làm việc cho đồng bào của mình là những ngư dân của đảo quốc Papua New Guinea. Mùa hè 1993, chúng tôi đã có hai tháng sống cùng nhau. Cùng học tại lớp phát triển cộng đồng của Viện Xã hội Á châu (ASI) ở Manila, cùng ở một phòng với giường tầng của một khu nội trú nằm trong khu Santa Mesa, cách nơi học khoảng 30 phút xe jeepny (một loại xe độ lại từ xe jeep, chế tạo thêm phần thùng phía sau, nhìn giống xe lam nhưng dài hơn). Anh thường giúp tôi trong việc học vì biết rõ vốn liếng tiếng Anh kém cỏi của tôi, giúp tôi hoàn thành một số việc mà lớp giao như vẽ apphich, làm logo khóa học... Anh sôi nổi, nhiệt tình, dễ thương và cười đùa suốt. Anh chỉ có một mình nên phải một mình dựng góc văn hóa và tự biên tự diễn chương trình giới thiệu về đất nước mình, có tiếng trống, bộ trang phục và những điệu nhảy truyền thống của Papua New Guinea. Anh lại đóng kịch rất giỏi! Hộ chiếu năm ấy của anh có ghi rõ màu mắt, màu tóc và dòng chữ: Đi tất cả các nước trừ Nam Phi! Những ngày mà làn sóng biểu tình nổ ra ở TP Ferguson, bang Missouri (Mỹ) phản đối một cảnh sát Mỹ đã xả súng bắn chết một thanh niên da đen 18 tuổi không vũ khí nhưng lại không bị truy tố, còn tại TP Cleveland, một em bé da đen 12 tuổi cũng bị hai cảnh sát bắn nhiều phát đạn đến chết vì cầm trên tay một khẩu súng đồ chơi trong công viên, tôi da diết nhớ đến ánh mắt rất sâu, chứa đựng một nỗi buồn, đúng hơn là một mặc cảm không thoát được của Neah khi một hôm anh đã nói với tôi rằng: màu da của mình không tốt! Tôi thật bất ngờ, xúc động và chỉ biết im lặng. Một con người có chí hướng, có lý tưởng và sống với một đức tin mạnh mẽ như Neah vẫn không tránh khỏi có lúc đau đớn, thất vọng về màu da của chính mình! Trong một báo cáo của UNESCO, hai nhà nghiên cứu H. E. O. James và Cora Tenen đã trình bày một thực nghiệm do họ tiến hành tại London. Một cậu bé trước đó đã phát biểu: “Tôi không thích người da đen, đó chính là cái màu làm tôi lo sợ, chắc hẳn họ hung dữ lắm... Về bản chất họ khác chúng tôi, hung dữ hơn và đôi khi thật độc ác, nên bạn đừng bao giờ tin họ!”. Nhưng sau khi tiếp xúc với hai phụ nữ da đen trong một thời gian tại trường học của mình, chính cậu bé ấy đã nói những lời gây sửng sốt: “Cô V. và cô W. là những người tuyệt vời. Dường như không hề có sự khác biệt nào giữa họ và chúng tôi ngoại trừ màu da. Cháu nghĩ rằng những người da đen khác cũng vậy, cũng giống như chúng ta. Cháu thích họ. Họ là những người tuyệt vời!”. Có nhiều ví dụ tương tự đã được kể ra để khẳng định một sự thật: những trải nghiệm cá nhân thông qua giao tiếp trực tiếp có thể làm thay đổi lối suy nghĩ gán ghép và thành kiến của con người! Hãy sống cùng nhau và hãy thật sự “biết”. Tags: Định kiến
Trực tiếp: Tình hình giao thông cửa ngõ phía đông TP.HCM ngày 24-1 24/01/2025 Mời quý bạn đọc xem tình hình giao thông tại cửa ngõ phía đông TP.HCM ngày 24-1 (25 tháng Chạp). Nhiều gia đình bắt đầu về quê các tỉnh miền Trung, miền Bắc ăn Tết 2025, lượng xe di chuyển trên cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây - Phan Thiết.
Vì sao tuyển Việt Nam không còn mặn mà với sân Mỹ Đình? NGUYÊN KHÔI 24/01/2025 Thật khó tưởng tượng sân vận động quốc gia lại không phải là lựa chọn số 1 của đội tuyển Việt Nam. Nhưng điều đó lại đang đúng với sân Mỹ Đình (Hà Nội).
Giải mã nguyên nhân kẹt xe ở trạm thu phí cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây CHÂU TUẤN 24/01/2025 Mỗi ngày có tới 700 xe 'quên nạp tiền' để qua trạm thu phí cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, khiến tình trạng kẹt xe phức tạp hơn.
TikToker Nam 'Birthday' nhận sai: 'Tôi đã say rượu. Xin khoan hồng cho tôi' HỒNG QUANG 24/01/2025 Bùi Phương Nam cho rằng do đã say rượu, mất kiểm soát, không làm chủ được bản thân nên có hành động sai trái.