TTCT- Chuyện hai facebookers hẹn nhau ra phố Nguyễn Huệ “giải quyết vấn đề” gây náo loạn phố đi bộ đã được giải quyết. Nhưng vấn đề đặt ra sau câu chuyện này là cách ứng xử theo đám đông của thế hệ net (net generation hay net gen) thời mạng xã hội phát triển vũ bão. Minh họa: BÍCH KHOA TTCT mời bạn cùng tìm hiểu thêm một khía cạnh khó khăn nữa của tuổi trưởng thành hôm nay. Đầu tiên là ý kiến của hai... phụ huynh. 1 “Thấy người ta ăn măng đi bẻ... vạt giường” cũng bởi măng và vạt giường (ngày trước) cùng họ hàng nhà tre. Internet, Facebook đang góp phần tạo ra vô số người trẻ cùng đổ xô đi “bẻ vạt giường” như thế. Không nói lời của mình mà thích mượn lời trích dẫn, khen chê kiểu “vần công”(1) hoặc theo số đông, việc nhỏ lẫn việc to đều không có tiếng nói riêng mình mà thích kéo nhau ào ào, ào ào như thể đi “phá kho thóc của Nhật”. Đó là phác họa có vẻ bi quan nhưng sinh động và thực tế của một nhóm người trẻ hiện nay. 2 Chuyện nhà có thằng cháu dốt văn ở mức độ tuyệt đối. Nhưng những status bày tỏ tình yêu của nó là những lời có cánh bay lên, nghe cũng thâm thúy và oách oách. Biết có người cười ghẹo mình, thằng “nạn nhân” tỉnh bơ: “Con tâm đắc lời của mấy danh nhân, của thi sĩ, của truyện kiếm hiệp là tiếp thu cái hay, cái đẹp của nhân loại để vận dụng vào chuyện của con; mấy lời đó bạn con đứa nào cũng thích, con đâu làm điều bậy bạ gì mà mấy cô, dì, chú, bác phải bận lòng...”. Cô bé hàng xóm, sinh viên năm 2 đại học dân lập chuyên đào tạo nguồn nhân lực của tỉnh, gia đình thuộc diện tạm đủ ăn, nhan sắc trung bình yếu nhưng nhìn hình con bé lúc nào cũng thấy sang, thấy đẹp lung linh. Nhà chật lại đông người nên nó thường xách ghế ngồi ngay đường đi của hẻm. Lần nào gặp cũng thấy nó lăm lăm hai tay hai súng (điện thoại di động), mỗi súng hai sóng, tin tới tin đi, chat chit, bình luận không ngừng, cảm giác nó là người bận rộn nhất tỉnh. Và có vẻ như nó rất hài lòng về chuyện bận rộn ấy, như thể phải luôn tay luôn mắt thì đời sống của nó mới có ý nghĩa. Mỗi lần đi chơi chỉ nhăm nhăm chụp hình để về khoe, để lên phây mặc dù nhiều hình coi thấy chướng không chịu nổi. Sau mỗi lần nó đi chơi đâu về, ngang qua lỡ để nó nhìn thấy mặt, nó khoe hình bắt xem, bắt bình luận, tư vấn kể như mình xui luôn! Con gái của đồng nghiệp là sinh viên đại học ở Hà Nội, tham gia từ thiện, làm công tác xã hội đủ mọi nơi theo lời gọi từ Facebook đến độ thành nổi tiếng. Thành tích đủ để con bé được tổ chức gì gì đấy cho đi du lịch hay giao lưu ở nước ngoài. Đi học thì thôi, về là nó vô phòng ngồi đồng, rơi nước mắt thút thít vì những hoàn cảnh éo le đâu đó hay căm phẫn ngùn ngụt vì những chuyện cho là bất công; sẵn sàng lao ra ngoài dù trời nắng hay trời mưa để đi làm từ thiện, dù nơi đáng để nó làm công tác thiện nguyện lại không đâu xa. Là bởi trong nhà nó có ông, bà nội đều gần trăm tuổi, trí nhớ siêu đến độ bất cứ lúc nào cũng sẵn sàng trả lời “chúng nó đã cho ăn uống gì đâu”; còn mẹ nó đang là công chức, không có người giúp việc nên phải lo đủ thứ chuyện từ nhà ra cơ quan nhưng trong người đầy nẹp cố định với ốc vít, đi đứng kiểu robot sắp hết pin. Nó cực nhạy khi bạn bè bên Mỹ, bên Phi nhức đầu sổ mũi, nhưng mẹ bệnh không thể đi làm thì... con có biết đâu vì mẹ không lên phây. Đến thăm nhà, bức xúc lại nhận được lời hắt ra của đồng nghiệp: nó chỉ biết yêu duy nhất bản thân, thế giới ảo đã trở thành một phần tất yếu trong cuộc sống của nó... Hóa ra đồng nghiệp đã hoàn toàn thích nghi với... con mình. Chơm chớm yêu, yêu trắc trở, rắc rối chuyện gia đình, chuyện đồng nghiệp, vài dòng trạng thái đưa lên, bạn bè và chẳng phải bạn bè cùng nhảy vào chia sẻ, tư vấn, khuyên nhủ, ai nói cũng thấy chí phải, cũng thấy lời gan ruột cả. Tuy nhiên tiếp thu xong như thể bị tung hỏa mù, chả biết nghe ai, chả biết “đối thủ” của mình tốt hay xấu, đáng khen hay đáng chê, mình nên tiến hay lùi; người được chia sẻ như thể ứng viên đi thi “Ai là triệu phú?” trên VTV3 gặp phải tổ tư vấn ba người tư vấn ba ý! 73% bạn trẻ từ 13 đến 17 tuổi thú nhận họ không thể dừng lên mạng dù họ rất muốn, một triệu chứng được cho là nghiện internet. Một nghiên cứu từ năm 2012 cho thấy nghiện internet xuất hiện ở tất cả lứa tuổi, nhưng nặng nhất là người trẻ 3 Cơ quan mình tuyển mấy nhân viên 8X, 9X, đầu vào cũng ngó giò ngó cẳng, săm soi tốt nghiệp loại gì, trường nào dữ lắm, nhìn đội ngũ cũng thấy yên tâm, làm việc cũng tốt, cũng tiến bộ. Nhưng nhìn chúng cư xử với nhau thấy là lạ, kiểu như nếu cần trao đổi, nói chuyện hay tán gẫu thì chụm lưng vào nhau, mỗi đứa một máy, lướt và lướt; thủ trưởng nói có khi lỡ miệng “ok”; giao việc thì thay vì suy nghĩ tìm ra đường hướng giải quyết vấn đề lại lên máy tính để... hỏi trước đã; nếu thấy được được, giông giống là chép nộp liền. Người khó chịu và nhớ dai như mình vẫn bắt sống tụi nó mấy vụ này hoài. Cũng dằn mặt sẽ xử nhưng tụi nó ghiền chép của người khác như ghiền thế giới ảo mất rồi. Mà một năm, vài năm để ý chẳng đứa nào biết mua cuốn sách, tờ báo cũng chẳng đọc mấy thứ này bao giờ, nhưng chi tiền đổi máy móc các loại rào rào. Lại còn hiến kế cho mình: Cô, chị đọc trên mạng cho đỡ... tốn tiền. Mừng cho tụi nó mà cũng tiếc cho tụi nó! 4 Thế giới ảo không chỉ có người trẻ mà có vô vàn người say mê. Có nghĩa không hoàn toàn “tệ” như mình suy nghĩ một chiều. Có thể không có ai đúng và cũng không có ai sai, chỉ là suy nghĩ khác nhau khi ta nhìn nhận về những con người phụ thuộc vào thế giới ảo. Nhưng hãy tưởng tượng bạn có thấy vui vẻ, hạnh phúc không nếu gặp một người biết nhìn sâu vào mắt mình để đổi trao nghĩ suy và cảm xúc thay cho những con chữ nhấp nháy màu đen thình lình nhảy ra trên màn hình cảm ứng? Bạn có hài lòng với cuộc sống của mình không khi sống cùng nhà, làm chung cơ quan với những người thường xuyên khóc mướn, thương vay? Và, bạn, bạn có lo không khi đến một ngày cũng hòa nhập đám đông lố nhố và ùn ùn ấy?■ (1): Vần công hay còn gọi là đổi công, là việc người nông dân khi chưa có việc nhà thì đi làm cho gia đình khác, sau có việc thì được trả công lại. Tags: Net genỨng xử trên mạngĂn măng
Khách đông kín sân bay Tân Sơn Nhất, đứng nằm ngồi vật vã, xếp hàng dài vô tận CÔNG TRUNG 24/01/2025 Chen chúc, nhích từng chút để chờ làm thủ tục tại sân bay Tân Sơn Nhất. Bên trong nhà ga khan ghế ngồi, khách nằm vật vạ dưới đất để chờ hãng thông báo giờ bay mới sau nhiều giờ chậm chuyến (delay).
Vợ nam shipper xấu số ở Đà Nẵng: Quẫn trí, suy sụp nhưng muốn cảm ơn cả xã hội đã quan tâm THÁI BÁ DŨNG 25/01/2025 Vợ nam shipper xấu số ở Đà Nẵng nói tới thời điểm này, cả gia đình vẫn không ai tưởng tượng lại được quan tâm, giúp đỡ và chia sẻ như vậy.
Nguyên bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Quốc Triệu qua đời chiều 24-1 HỒNG HÀ 24/01/2025 Thông tin từ Bộ Y tế cho hay nguyên bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Quốc Triệu đã qua đời lúc hơn 17h chiều 24-1 tại Hà Nội.
Ùn ứ trên quốc lộ 1, xe cộ nhích từng chút thành vệt sáng dài giữa đêm NGUYỄN HOÀNG 24/01/2025 Khuya 24-1, tuyến quốc lộ 1 (đoạn qua thị xã Ninh Hòa, Khánh Hòa) ùn ứ kéo dài, xe cộ khó khăn nhích từng chút một.