TTCT - Xin nói ngay: tôi sẽ không bàn đến kiểu “sam-izdad” như đã có ở Liên Xô và Đông Âu trước năm 1991 và cũng tạm chưa bàn đến kiểu làm sách trong tương lai, khi sách điện tử (e-book) sẽ trở nên phổ cập. Tôi muốn nói đến kiểu tự xuất bản mà thật ra đã có từ lâu, ngay thịnh thời của sách in trên giấy, kiểu xuất bản này nằm trong chứ không đứng ngoài các quy chế pháp luật. alustforlife.com Gần đây, có nhiều ý kiến bàn về tương lai dường như u ám của một loạt nhà xuất bản ở Việt Nam do không đáp ứng được quy chế về nguồn vốn tối thiểu do cơ quan quản lý của Nhà nước ấn định, nhưng đó là nói về các tổ chức làm xuất bản, không nói trực tiếp về việc xuất bản. Nên lưu ý trong việc xuất bản có loại xuất bản mang tính thương mại, cũng có loại xuất bản không mang tính thương mại. Một dòng họ muốn in một cuốn gia phả, tộc phả; một nhóm cựu học sinh, cựu sinh viên muốn in một cuốn hồi ức, kỷ niệm về thời gian cùng nhau học dưới một mái trường; một cơ quan nghiên cứu muốn công bố một số công trình của các thành viên cơ quan mình..., đó chỉ là vài trong số rất nhiều “thực đơn” xuất bản không nhất thiết mang tính thương mại (nói gọn là in ra để bán kiếm lời), mà chỉ mang tính dịch vụ. Kiểu xuất bản này thực chất đáp ứng nhu cầu công bố của công dân, nhu cầu này là kết quả của các hoạt động sáng tác, trứ thuật, phát minh, sáng chế của công dân. Luật pháp hầu hết các nước, trong đó có Việt Nam, đều thừa nhận và bảo hộ các quyền cơ bản này của công dân, bởi thế cũng cần phải thừa nhận và bảo hộ quyền công bố các kết quả sáng tác, phát minh của họ. Nếu hỏi làm thế nào để người ta thực hiện được những nhu cầu trên đây, hẳn các quan chức quản lý xuất bản hiện nay ở ta sẽ bảo: hãy đến một nhà xuất bản nào đó, nhà xuất bản ấy sẽ đăng ký xuất bản, biên tập bản thảo và sau cùng in cuốn sách. Nhưng cách đó là thu hẹp quyền hạn và khả năng làm sách của những cá nhân hoặc tập thể có nhu cầu in sách. Những cá nhân đã viết ra được một tác phẩm, biên soạn được một công trình vị tất đã cần một chuyên gia nào khác can dự vào tác phẩm, công trình ấy nhân danh sự biên tập? Theo luật pháp hiện hành, các ấn phẩm không phải bị kiểm duyệt trước khi in, vậy không nhất thiết loại bản thảo cần in theo cung cách này buộc phải đi qua một nhà xuất bản mới là hợp pháp. Điều cần thiết duy nhất là họ cần đăng ký xuất bản phẩm tại cơ quan quản lý nhà nước vì Luật xuất bản quy định phải có đăng ký, tức là có xin phép trước khi in. Việc thực hiện bản in có thể trực tiếp thuê một xưởng in nào đó, có thể giao phó một thể nhân khác (chủ hiệu sách, người môi giới) thực hiện. Sau khi in, họ sẽ thực hiện nghĩa vụ nộp lưu chiểu và sau thời hạn quy định, ấn phẩm sẽ được quyền lưu hành trong xã hội, kể cả quyền mua bán, trao đổi, cho tặng. Hiện tượng “tự xuất bản” này thật ra đã có ngay từ khi nghề in trở nên phổ cập trong xã hội ta. Theo dõi hoạt động in ấn của các nhà văn Việt Nam thế kỷ 20, tôi thấy không ít khi chính họ tự xuất bản tác phẩm của mình hoặc đứng ra xuất bản tác phẩm cho bạn bè. Cần thấy rõ vai trò xuất bản như là phương tiện thực hiện nhu cầu công bố kết quả sáng tác, trứ thuật, phát minh, sáng chế của công dân, để phù hợp với tình trạng đó thì cũng cần đa dạng hóa các thể nhân tham gia làm xuất bản. Cuốn Không một tiếng vang, dân sinh bi kịch 3 hồi của Vũ Trọng Phụng in tại nhà in Tân Dân (Hà Nội, 1934) chính là sách do tác giả đứng tên xin giấy phép và “tự xuất bản”. Tập thơ đầu tay của Phạm Huy Thông Tiếng sóng - Yêu đương in tại nhà in Tân Dân (Hà Nội, tháng 12-1934) cũng là sách do tác giả đứng tên xin giấy phép và “tự xuất bản”. Tập sách Chương Dân thi thoại của Phan Khôi in tại nhà in Đắc Lập (Huế, 1936) cũng là sách do tác giả “tự xuất bản”. Cuốn Tinh huyết, tập thơ của Bích Khê, in tại nhà in Thụy Ký (Hà Nội, tháng 12-1939) do Trọng Miên (một người bạn của tác giả) đứng ra xin giấy phép và xuất bản. Hiện tượng đa dạng các thể nhân xuất bản này ở miền Bắc tồn tại đến sau ngày tiếp quản thủ đô (tháng 10-1954). Có thể kể các dạng thể nhân đứng tên xuất bản ấn phẩm là: chính tác giả; một người không chuyên nhưng đứng ra tổ chức in ấn một vài cuốn sách, thường là cho bè bạn, người quen; cơ sở xuất bản chuyên nghiệp (nhà xuất bản, hãng xuất bản). Những kiểu xuất bản đa dạng này chỉ bị giới hạn kể từ sau năm 1958 ở miền Bắc và sau tháng 4-1975 trên cả nước. Tuy vậy, các sở văn hóa - thông tin đôi khi vẫn cấp giấy phép in sách, in xuất bản phẩm cho những cá nhân hoặc tổ chức có nhu cầu, ví dụ một số dòng họ cần in tộc phả, dòng họ của tôi đã thực hiện năm 1960 ở tỉnh Hà Nam. Từ khi có Luật xuất bản, các cơ quan quản lý nhà nước có xu hướng quy hầu hết việc xuất bản về cho các nhà xuất bản, chủ yếu nhắm vào các xuất bản phẩm mang tính thương mại. Tuy vậy như đã nói ở trên, xuất bản phẩm không chỉ có duy nhất loại thương mại. Chính các tác giả cũng cần được thừa nhận có quyền đứng ra xuất bản tác phẩm của mình hoặc được phép trao quyền ấy cho các thể nhân khác, kể cả những người, những tổ chức hoạt động sản xuất và kinh doanh ấn phẩm, mà nhà xuất bản “chính ngạch” chỉ nên được xem là một trong số các thể nhân tiềm năng đó. Đây là điều cần đặc biệt chú ý do sự xuất hiện của Internet, khi khoảng cách giữa người sáng tác (và trứ thuật, dịch thuật...) với người đọc trở nên rất ngắn, khiến vai trò trung gian (dù của nhà xuất bản hay của bạn bè “kết nối”) trở nên mong manh, có khi không cần thiết nữa. Khi đó, công việc quản lý (của Nhà nước) sẽ phải vừa đảm bảo các yêu cầu của cộng đồng vừa đảm bảo quyền và lợi ích của các cá nhân.■ Tags: Lại Nguyên Ân
Tổng Bí thư Tô Lâm: Tổ chức bộ máy công an 3 cấp 'bộ, tỉnh, xã', không tổ chức công an cấp huyện THÀNH CHUNG 24/01/2025 Tổng Bí thư Tô Lâm đề nghị khẩn trương triển khai đề án tiếp tục sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy công an địa phương.
Người dân ùn ùn rời Hà Nội nghỉ Tết, cửa ngõ thành phố đông nghẹt hàng cây số HỒNG QUANG 24/01/2025 Kết thúc buổi làm việc cuối cùng, người dân ùn ùn rời Hà Nội để về quê nghỉ Tết. Cửa ngõ phía nam thành phố đông nghẹt người và xe.
PC08 TP.HCM dự báo giao thông các cửa ngõ ùn ứ từ tối nay, 51 đơn vị CSGT đồng loạt ra quân MINH HÒA 24/01/2025 Chiều 24-1 (25 tháng Chạp), đại diện Phòng Cảnh sát giao thông (PC08) Công an TP.HCM dự báo chiều cùng ngày và sáng mai (25-1) tình hình giao thông tại các tuyến đường dẫn lên cao tốc sẽ diễn biến phức tạp.
500 gia đình công nhân bịn rịn rời TP.HCM về quê đón Tết trên chuyến tàu mùa xuân TRIỆU VÂN 24/01/2025 Liên đoàn Lao động TP.HCM đã tiễn 127 gia đình công nhân (499 người) về quê đón Tết trên chuyến tàu mùa xuân.