05/04/2025 15:21 GMT+7

Từ vụ Quang Linh Vlogs và Hằng Du Mục bị bắt, quảng cáo 'láo' sẽ bị xử mạnh tay?

Từ vụ Quang Linh Vlogs và Hằng Du Mục bị bắt, cho thấy người nổi tiếng tham gia quảng bá sản phẩm, thương hiệu ngày càng phổ biến. Nhiều doanh nghiệp xem đây là kênh tối ưu cho mỗi chiến dịch tung ra sản phẩm mới.

quảng cáo - Ảnh 1.

Nhiều nghệ sĩ, người nổi tiếng từng bị "bóc phốt" vì quảng cáo sai công dụng sản phẩm - Ảnh: Chụp màn hình

Ngày 4-4, Phạm Quang Linh (Quang Linh Vlogs) và Nguyễn Thị Thái Hằng (TikToker Hằng Du Mục) bị Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an khởi tố, bắt tạm giam liên quan đến vụ livestream quảng bá sản phẩm kẹo rau củ Kera của Công ty cổ phần Tập đoàn Chị Em Rọt.

Khám xét Công ty cổ phần Tập đoàn Chị Em Rọt, thu giữ hàng chục ngàn sản phẩm kẹo Kera

Việc này đã thu hút sự chú ý của dư luận, bởi trước đây nhiều người nổi tiếng, nghệ sĩ cũng từng vi phạm vì quảng cáo "nổ" công dụng sản phẩm. Thế nhưng hầu hết chỉ bị xử phạt hành chính và "xin lỗi là xong". 

Quảng cáo "lố" rồi lại xin lỗi?

Điển hình vào tháng 9-2023, nghệ sĩ Cát Tường từng lên tiếng xin khán giả tha thứ vì đã quảng cáo "sữa có tác dụng trị tiểu đường" sai sự thật, khiến dư luận bức xúc.

Trong đó có cả nghệ sĩ Quyền Linh, nghệ sĩ này cũng đã thừa nhận sai sót của mình vì quảng cáo "sữa trị tận gốc tiểu đường" và cho hay trong quá trình hợp tác với sản phẩm nhưng không tìm hiểu kỹ.

Cũng vào tháng 5-2021, Quyền Linh từng giới thiệu một thực phẩm chức năng hỗ trợ giảm loét dạ dày quảng cáo tốt "gấp hơn 70 lần so với Curcumin bình thường".

Sau đó nam nghệ sĩ này đã gửi lời xin lỗi đến khán giả về sự thiếu tiết chế giữa công dụng trên giấy xác nhận của cơ quan chức năng đến công dụng trên mạng.

Vụ việc khác vào tháng 6-2021, nghệ sĩ Hồng Vân đã quảng cáo về một viên sủi thảo dược.

Trong video đăng trang cá nhân, nghệ sĩ cho biết có bạn bị u xơ tử cung, kích thước khối u lên đến 7cm. Nhưng sau đó uống sản phẩm này thì khối u biến mất.

Ngay sau đó, thực phẩm chức năng này bị Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cảnh báo không đúng công dụng như quảng cáo. Nghệ sĩ Hồng Vân đã phải xin lỗi khán giả.

Tháng 7-2021, hoa hậu Mai Phương Thúy xin lỗi khán giả vì quảng cáo sản phẩm giảm cân đã bị thu hồi giấy phép.

Gần đây nhất, thực phẩm bảo vệ sức khỏe viên trinh nữ hoàng cung Crilin women Health có nội dung quảng cáo vi phạm quy định của pháp luật. Trong các đường link được cục cảnh báo có một video giới thiệu sản phẩm của nữ doanh nhân Hoàng Hường đăng tải.

Xử lý quảng cáo "láo" có khó?

Sau vụ kẹo Kera, Bộ Y tế cũng đã phát đi cảnh báo "nóng" cho người dân về quảng cáo thực phẩm chức năng trên các phương tiện truyền thông, mạng xã hội tràn lan quảng cáo, đặc biệt là trên các nền tảng mạng xã hội như Facebook, TikTok, Shopee…

Tại đây các TikToker, KOLs (Key Opinion Leaders), KOCs (Key Opinion Consumers) và Influencers quảng cáo loạt sản phẩm với những lời hứa hẹn "thần kỳ" như giúp giảm cân nhanh chóng, làm đẹp da tức thì, hay tăng cường sức khỏe vượt trội.

Nhiều trường hợp những nhân vật có sức ảnh hưởng trên mạng xã hội đã "thổi phồng" công dụng của thực phẩm chức năng, khiến người tiêu dùng lầm tưởng về khả năng thật sự của sản phẩm.

Trong khi thực tế, những kết quả ấy khó có thể đạt được chỉ dựa vào một sản phẩm đơn lẻ. Nhiều người bỏ lỡ cơ hội điều trị đúng cách hoặc bỏ qua phác đồ điều trị của bác sĩ, dẫn đến bệnh tình nặng hơn.

Thậm chí gây hại cho sức khỏe bởi một số sản phẩm không rõ nguồn gốc có thể chứa chất cấm, gây tác dụng phụ nguy hiểm.

Chia sẻ với Tuổi Trẻ, lãnh đạo Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế cho hay việc quản lý hoạt động quảng cáo thực phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khỏe còn gặp nhiều khó khăn do sự phát triển của các hình thức quảng cáo qua mạng.

Đặc biệt khó khăn khi xử lý các vi phạm, nhất là trên các trang mạng xã hội, các sàn thương mại điện tử chưa được cấp phép, các quảng cáo từ các máy chủ ở nước ngoài.

"Tuy nhiên đối với việc quản lý, xử phạt người nổi tiếng, nghệ sĩ vi phạm quảng cáo thì không khó khăn như vậy. Vì người nổi tiếng có pháp nhân rõ ràng, có nền tảng mạng xã hội, sàn thương mại điện tử rõ ràng,… vậy nên hoàn toàn có thể xử phạt theo quy định", lãnh đạo Cục An toàn thực phẩm nhận định.

Cục An toàn thực phẩm cũng nhận định rằng việc xử lý vi phạm quảng cáo sai sự thật đối với bộ phận người nổi tiếng, nghệ sĩ là cần thiết để đảm bảo quyền lợi cho người dân. Đặc biệt là người bệnh, do tin vào lời quảng cáo mà bỏ lỡ cơ hội điều trị.

Còn Sở An toàn thực phẩm TP.HCM nhận định thị trường thực phẩm chức năng bùng nổ rất nhiều trong những năm gần đây, qua quá trình thanh tra, kiểm tra phát hiện nhiều vấn đề bất cập. Nhiều sản phẩm quảng cáo quá sự thật, quảng cáo coi như là thuốc.

Khó khăn của công tác quản lý thực phẩm chức năng hiện nay là các cơ sở kinh doanh chỉ là văn phòng đại diện, một số cơ sở có hợp đồng thuê văn phòng để đăng ký kinh doanh, do vậy khó liên hệ với chủ cơ sở.

Ngoài ra một số sản phẩm quảng cáo trái phép trên mạng xã hội có máy chủ đặt tại nước ngoài, nên khó khăn khi chấm dứt hành vi quảng cáo.

Nhiều cơ sở khi được mời lên làm việc về quảng cáo sản phẩm đã tháo gỡ sản phẩm trên Internet, website, chặn truy cập trang thương mại điện tử trước khi lên làm việc hoặc không hợp tác, không lên làm việc theo giấy mời.

Lo ngại hàng giả, hàng kém chất lượng

Trong 3 tháng đầu năm 2025, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) công bố xử phạt hành chính về vi phạm an toàn thực phẩm 5 sản phẩm. Trong đó có tới 3 sản phẩm là thực phẩm bảo vệ sức khỏe vi phạm về nội dung quảng cáo, với tổng mức phạt 25 triệu đồng/sản phẩm.

Theo thống kê của Bộ Y tế, từ năm 2022 đến cuối năm 2024 bộ đã thực hiện cấp 6.653 giấy xác nhận nội dung quảng cáo; chuyển thông tin của 95 sản phẩm vi phạm trên 184 đường link vi phạm tới Bộ Thông tin và Truyền thông, 92 sản phẩm vi phạm trên 165 đường link vi phạm đến Bộ Công Thương để xử lý theo thẩm quyền.

Bộ Y tế cũng đã xử lý 126 trường hợp vi phạm, với tổng số tiền phạt là 16,858 tỉ đồng; các địa phương đã kiểm tra 941.836 cơ sở, trong đó có 85.551 cơ sở có vi phạm, phạt tiền 20.881 cơ sở, với tổng số tiền phạt là 123,841 tỉ đồng.

Các vi phạm phần lớn là các mặt hàng thực phẩm chức năng làm giả, kém chất lượng đều được nhập qua đường tiểu ngạch về đến Việt Nam.

Sau đó các sản phẩm được thay bao bì, nhãn mác, nguồn gốc xuất xứ và mang đi tiêu thụ với giá rẻ. Bên cạnh đó còn phải kể đến việc sản xuất, kinh doanh thực phẩm chức năng có chất cấm; không đúng chất lượng đã công bố, không bảo đảm vệ sinh...

Nghệ sĩ quảng cáo bất chấp thực hư công dụng sản phẩm, xử lý có khó? - Ảnh 3.Quảng cáo lố kẹo rau củ: Dân mạng có thể quên, cơ quan chức năng không quên

KOL quảng cáo lố về thực phẩm chức năng, chẳng hạn như kẹo rau củ có thể nhanh chóng bị lãng quên trên không gian mạng...

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên