Từ vụ kẹo rau củ Kera, người dân có thể tự đem sản phẩm kiểm định nếu nghi ngờ về chất lượng?

Từ vụ kẹo rau củ Kera, bạn đọc thắc mắc có thể tự lấy mẫu kiểm định nếu nghi ngờ về chất lượng sản phẩm; có thể tự đề nghị kiểm định chất lượng sản phẩm hay phải thông qua tổ chức đại diện?

Từ vụ kẹo rau củ Kera, người dân có thể tự đem sản phẩm kiểm định nếu nghi ngờ về chất lượng? - Ảnh 1.

Bên trong khu sản xuất kẹo rau Kera tại Công ty Asia Life - sản phẩm liên quan đến quảng cáo "lố" chất lượng - Ảnh: MINH NGỌC

Ngoài mua bán trực tiếp tại chợ, siêu thị thì việc mua bán sản phẩm, hàng hóa thông qua sàn thương mại điện tử, nền tảng mạng xã hội... đang phổ biến. Điều này đặt ra vấn đề về chất lượng sản phẩm, hàng hóa có đảm bảo theo công bố? 

Bạn đọc thắc mắc, "nếu nghi ngờ rau mua tồn dư thuốc trừ sâu, tôi có thể đem đi kiểm tra  được không, làm vậy có sai luật không?".

Người tiêu dùng có thể tự mình thuê tổ chức có chức năng kiểm định, giám định chất lượng sản phẩm hay phải thông qua tổ chức đại diện?

Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và Luật Chất lượng hàng hóa, sản phẩm quy định việc này ra sao?

Chịu trách nhiệm về việc cung cấp thông tin về chất lượng sản phẩm

Đối với sản phẩm không đảm bảo an toàn thì theo khoản 4, 5 điều 5 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng số 19/2023, người tiêu dùng có nghĩa vụ:

Thông tin kịp thời, chính xác cho cơ quan nhà nước, tổ chức, cá nhân liên quan khi phát hiện sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ không bảo đảm an toàn, gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe, uy tín, tài sản... của người tiêu dùng, cũng như hành vi của tổ chức, cá nhân kinh doanh xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng.

Người tiêu dùng chịu trách nhiệm nếu cung cấp  thông tin không chính xác, không đầy đủ liên quan đến giao dịch giữa người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa.

Điều 4 luật trên quy định: người tiêu dùng được bảo đảm an toàn tính mạng, sức khỏe, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác khi tham gia giao dịch, sử dụng hàng hóa, dịch vụ do tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ cung cấp.

Bên cạnh đó, người tiêu dùng cũng được cung cấp thông tin về tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ.

Về nội dung giao dịch hàng hóa, dịch vụ; nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa; được cung cấp hóa đơn, chứng từ... liên quan đến giao dịch về hàng hóa, dịch vụ mà người tiêu dùng đã mua, sử dụng.

Được góp ý với tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa về giá cả, chất lượng hàng hóa, dịch vụ, phong cách phục vụ... liên quan đến giao dịch giữa người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân mua bán hàng hóa.

Yêu cầu bồi thường thiệt hại khi hàng hóa, dịch vụ không đúng tiêu chuẩn, chất lượng, số lượng, công dụng, giá cả.... đã được công bố, niêm yết, quảng cáo hoặc cam kết.

Khiếu nại, tố cáo, khởi kiện hoặc đề nghị tổ chức xã hội khởi kiện để bảo vệ quyền lợi của mình theo quy định.

Còn theo điều 17 Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa số 05/2007 thì người tiêu dùng được cung cấp thông tin trung thực về mức độ an toàn, chất lượng, hướng dẫn vận chuyển, lưu giữ, bảo quản, sử dụng sản phẩm.

Được cung cấp thông tin về việc bảo hành hàng hóa, khả năng gây mất an toàn của hàng hóa; yêu cầu người bán hàng sửa chữa, hoàn lại tiền hoặc đổi hàng mới, nhận lại hàng bị lỗi.

Được bồi thường thiệt hại theo quy định. 

Đồng thời yêu cầu tổ chức bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trợ giúp bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình.

Như vậy, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa không quy định trực tiếp quyền yêu cầu kiểm định, giám định chất lượng đối với sản phẩm hàng hóa của người tiêu dùng. 

Người tiêu dùng được tự kiểm định chất lượng sản phẩm

Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa năm 2007 có quy định về tổ chức đánh giá, kiểm định sản phẩm, hàng hóa. 

Đó là tổ chức tiến hành hoạt động thử nghiệm, giám định, kiểm định, chứng nhận sự phù hợp của sản phẩm, hàng hóa, quá trình sản xuất, cung ứng dịch vụ phù hợp với tiêu chuẩn công bố, áp dụng.

Theo điều 19 Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa thì tổ chức có quyền cung cấp kết quả thử nghiệm cho đối tượng được đánh giá sự phù hợp tương ứng.

Từ chối cung cấp thông tin liên quan đến kết quả thử nghiệm, giám định, kiểm định, chứng nhận chất lượng sản phẩm, hàng hóa cho bên thứ ba, trừ trường hợp được cơ quan nhà nước có thẩm quyền yêu cầu.

Được cơ quan nhà nước có thẩm quyền thừa nhận kết quả đánh giá sự phù hợp theo quy định của pháp luật...

Như vậy, khi nhận thấy sản phẩm, hàng hóa mình mua không an toàn, có thể gây nguy hiểm tính mạng, sức khỏe, quyền lợi chính đáng, người tiêu dùng hoàn toàn có quyền yêu cầu tổ chức có chức năng thử nghiệm, giám định, kiểm định chứng nhận chất lượng sản phẩm, hàng hóa trên cơ sở hợp đồng.

Kết quả thử nghiệm, giám định, kiểm định là cơ sở pháp lý để người tiêu dùng thực hiện nghĩa vụ của mình theo khoản 4, 5 điều 5 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Từ đó có thể cung cấp thông tin đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền để thực hiện chức năng quản lý, kiểm tra cũng như làm cơ sở cho yêu cầu bồi thường (nếu có).

Người tiêu dùng mua sản phẩm, hàng hóa mang đi kiểm định chất lượng - Ảnh 3.Người nổi tiếng 'quảng cáo láo' phải bị xử lý nghiêm khắc hơn người khác?

Người nổi tiếng quảng cáo sai sự thật sẽ gây ra nhiều thiệt hại cho xã hội, cho người tiêu dùng. Vì vậy trách nhiệm pháp lý cần được đặt ra nghiêm khắc hơn so với các trường hợp vi phạm khác.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên