26/05/2025 15:18 GMT+7

Từ vụ ngai vàng triều Nguyễn bị bẻ gãy: 'Chúng ta có thực sự đang sống cùng di sản?'

Tại sao ngai vàng triều Nguyễn - một biểu tượng quốc gia - lại không được bảo vệ đúng mức? Tại sao nơi lưu giữ ký ức quốc gia vẫn thiếu nhân sự giám sát và quy trình ứng phó?

Video người đàn ông quậy phá, bẻ gãy bảo vật quốc gia ngai vàng triều Nguyễn

Như Tuổi Trẻ Online thông tin, ngày 24-5 tại Huế, một người đàn ông có dấu hiệu tâm thần đã phá hoại chiếc ngai vàng triều Nguyễn. Sự việc khiến nhiều người sững sờ.

Bạn đọc Lê Thu Hiền, từng có kinh nghiệm làm việc liên quan đến thương hiệu di sản, gửi đến Tuổi Trẻ Online bài viết chia sẻ về vấn đề này.

Những câu hỏi sững sờ

Tôi viết những dòng này với tình yêu dành cho Huế, cùng với đó là câu hỏi: Chúng ta có thực sự đang sống cùng di sản?

Việc một bảo vật quốc gia lại có thể dễ dàng bị tiếp cận và phá hủy, ngay tại trung tâm của quần thể di tích, lộ ra lỗ hổng của một hệ thống bảo vệ chưa tương xứng và lúng túng.

Tại sao một bảo vật quốc gia lại chưa được bảo vệ đúng mức? Tại sao nơi lưu giữ ký ức quốc gia vẫn thiếu nhân sự giám sát và quy trình ứng phó?

Di sản không chỉ là những công trình cổ. Nó còn là thái độ sống mỗi ngày với ký ức chung. Khi di sản không còn được gìn giữ trong hành vi, giáo dục, ứng xử… thì việc một biểu tượng bị phá bỏ, vô tình hay cố ý, chỉ còn là vấn đề thời gian.

Tại Nhật, người dân cúi đầu khi ngang qua cổng đền đài, không phải vì luật, mà vì họ hiểu nơi đó chứa đựng ký ức tập thể, thứ định hình phẩm giá quốc gia.

Nhật Bản cũng đã ban hành Luật Bảo vệ tài sản văn hóa từ năm 1950, thời hậu chiến đổ nát.

Trong thời đại truyền thông toàn cầu, một di sản bị phá hoại nếu xuất hiện trên báo chí quốc tế sẽ không còn là chuyện của riêng Huế hay Việt Nam, mà trở thành câu hỏi lớn về trách nhiệm giữ gìn biểu tượng của một quốc gia.

Chiếc ngai vàng có thể được phục dựng. Nhưng điều cần phục hồi hơn cả là niềm tin, nhận thức và cảm giác “đây là của mình”, chứ không phải “đây là của Nhà nước”.

Di sản phải sống cùng sinh kế

Tại Nhật, người giữ đình đền không phải công chức, mà là dân cư địa phương, tổ chức thành các hội bảo tồn. Họ được tập huấn, hỗ trợ thù lao.

Ở Việt Nam, chúng ta cần mô hình tương tự: Chuyển giao một phần quyền chăm sóc, kể chuyện, kết nối di sản cho cộng đồng sở tại. Điều đó giúp người dân nhìn thấy chính mình trong câu chuyện di sản.

Tại các cố đô ở Nhật như Kyoto hay Nara, người dân sống trong các khu cổ, làm du lịch, tổ chức workshop thủ công, truyền thống…

Ở Huế, thay vì để người dân quanh di tích chỉ là “người ở gần”, sao không tổ chức họ thành “tình nguyện viên", "người kể chuyện địa phương” đi kèm với một lợi ích về kinh tế.

Di sản phải sống cùng sinh kế của người dân.

Họ có thể kể chuyện, dẫn tour ngắn, hướng dẫn du khách và được trả công chính đáng. 

Tôi đi Huế thấy các tài xế công nghệ nói chuyện về lịch sử Huế rất rành rẽ. Họ cũng là "khối quảng bá" hiệu quả, lại rất gần gũi.

Với người trẻ, đừng chỉ nói “hãy yêu di sản”. Hãy tạo không gian để họ sáng tạo giá trị mới từ di sản, thiết kế, âm nhạc, trò chơi, truyền thông… 

Ví dụ, học sinh có thể chọn một biểu tượng làm “di sản lớp mình”, rồi kể lại, vẽ lại, kết nối với nó theo ngôn ngữ của các em.

Cá nhân hóa trải nghiệm di sản để đưa di sản đến gần hơn với giới trẻ.

Tại Nhật, các đô thị cổ như Kyoto, Kanazawa tích hợp bảo tồn di sản vào quy hoạch đô thị, như một chỉ số phát triển bền vững. Ở Việt Nam, có nơi di sản vẫn thường bị xem là “trở ngại” trong quy hoạch.

Hãy để di sản trở thành một phần của chiến lược thương hiệu địa phương, không chỉ là điểm đến du lịch, đưa bảo tồn di sản thành tiêu chí phát triển. 

Muốn người dân xem di sản là của mình thì di sản phải được đời sống hóa. 

Tại làng cổ Gifu (Nhật Bản), tôi từng chứng kiến người dân vừa sống trong di tích, vừa gìn giữ và tạo sinh kế từ di sản: bán món ăn truyền thống, mở lớp làm giấy washi, may kimono, viết thư pháp… 

Mỗi mái nhà đều có mã QR kể câu chuyện gia đình qua nhiều thế hệ - đó là mô hình “di sản sống”, nơi ký ức được lưu giữ bằng chính đời sống hằng ngày. 

Ở Huế, Hội An, Hà Nội hay TP.HCM, hoàn toàn có thể tạo nên hệ sinh thái tương tự bằng cách khuyến khích cộng đồng kể chuyện qua các tour nhỏ và trải nghiệm sáng tạo. 

Hợp tác với nghệ nhân, nhà thiết kế... để tái hiện ký ức bằng hình thức hiện đại. Trên hết cần trao quyền cho người dân trở thành một phần của di sản, không chỉ là khán giả, mà là người giữ gìn, kể lại và tiếp nối ký ức.

Di sản không cần "bảo tàng hóa” để tồn tại. Di sản cần được “đời sống hóa” để tiếp tục sống trong dân. 

Làm được như vậy là tăng giá trị thương hiệu cho địa phương từ chính nguồn tài nguyên di sản văn hóa sẵn có.

Bảo vật quốc gia ngai vàng triều Nguyễn bị bẻ gãy và những câu hỏi khiến nhiều người sững sờ - Ảnh 2.Ngai vàng triều Nguyễn bị bẻ gãy: Hư hỏng bảo vật mới lo rút kinh nghiệm

Sự việc ngai vàng triều Nguyễn bị một khách tham quan điện Thái Hòa vượt rào, ngồi lên rồi bẻ gãy tay ngai là hồi chuông cảnh báo trong công tác bảo vệ những di sản, bảo vật quốc gia.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên