02/05/2025 20:27 GMT+7

Từ tôm đến gỗ, nhiều doanh nghiệp Việt tăng tốc giao hàng sang Mỹ

Để ứng phó với chính sách thuế mới, nhiều doanh nghiệp Việt tận dụng thời gian gia hạn 90 ngày của Mỹ để đẩy mạnh xuất khẩu.

Từ tôm đến gỗ, nhiều doanh nghiệp Việt tăng tốc giao hàng sang Mỹ - Ảnh 1.

Người lao động trong nhà máy chế biến tôm tại Đồng bằng sông Cửu Long - Ảnh: HOÀNG GIÁM

Cố giữ đơn, giữ thị phần

"Do nguyên liệu không nhiều nên có gì thì mình báo khách hàng, họ đều đồng ý và chấp nhận chịu thêm mức thuế 10%. Một vấn đề đáng lưu ý với doanh nghiệp lúc này là thuê tàu bảo đảm tới cảng Mỹ trước hạn có thể bị áp thuế. Hiện thì hãng tàu chưa tăng giá cước", ông Hồ Quốc Lực, chủ tịch hội đồng quản trị Công ty cổ phần thực phẩm Sao Ta, nói với Tuổi Trẻ Online.

Ông Lực cho biết công ty đã tăng cường xuất khẩu vào thị trường Mỹ ngay từ quý đầu năm để duy trì công ăn việc làm cho người lao động và đảm bảo doanh số. Tính đến giữa tháng 5-2025, doanh số của Sao Ta tại Mỹ đã đạt khoảng 60 triệu USD, tương đương 75% mức của cả năm 2024.

Tuy nhiên, thị trường Mỹ không phải "miếng bánh dễ ăn". Ông Lực đánh giá tỉ suất lợi nhuận tại đây chưa cao, trong khi doanh nghiệp phải đối mặt với hàng loạt thách thức trong quá trình sản xuất chế biến như dịch bệnh khiến tôm chết hàng loạt, giá nguyên liệu tăng và mới nhất là áp lực từ chính sách thuế mới.

Dù lợi nhuận chưa cao, thị trường Mỹ vẫn hấp dẫn nhờ quy mô tiêu thụ lớn, mẫu mã sản phẩm đa dạng và khả năng bán hàng quanh năm. Bà Nguyễn Thị Trà My, phó chủ tịch Sao Ta, cho biết đối tác lớn Costco đã đặt mua 2.000 tấn tôm từ công ty con là Khang An Foods. 

Dòng sản phẩm tôm nhãn đen có giá nhập cao hơn 20 - 25% so với các sản phẩm tương đương. Dù Mỹ đã gia hạn 90 ngày trước khi áp thuế, thời gian vận chuyển mất khoảng 45 ngày khiến doanh nghiệp chỉ còn rất ít thời gian để tổ chức sản xuất và hoàn tất đơn hàng.

Ngoài thị trường Mỹ, Sao Ta đang tìm cách mở rộng hơn tại Canada, Úc và chờ thời điểm thuận lợi để thâm nhập thị trường Trung Quốc. 

Dù là thị trường tiêu thụ tôm lớn nhất thế giới, nhưng Trung Quốc chủ yếu nhập khẩu nguyên liệu thô hoặc bán thành phẩm để đưa về nhà máy trong nước chế biến. 

Giá bán sản phẩm chế biến sâu vào thị trường này hiện rất khó cạnh tranh, nên nếu đáp ứng được nhu cầu nguyên liệu thô, Sao Ta mới cân nhắc tham gia.

Trong khi đó, Công ty chế biến gỗ Đức Thành dù phần lớn doanh thu đến từ xuất khẩu lại tỏ ra khá bình tĩnh trước rủi ro thuế quan. 

Bà Lê Hải Liễu, chủ tịch HĐQT công ty, cho biết doanh nghiệp đang gấp rút hoàn thiện nhiều đơn hàng lớn trong thời hạn 90 ngày quan trọng và sẵn sàng làm việc cả đêm để kịp tiến độ giao hàng cho đối tác.

Hiện thị trường châu Á đang chiếm hơn 76% cơ cấu xuất khẩu của gỗ Đức Thành, châu Âu đứng thứ hai, còn thị trường châu Mỹ chỉ chiếm tỉ trọng nhỏ.

"Ngay từ ngày đầu thành lập, chúng tôi đã chủ trương mở rộng nhiều thị trường, không chọn bỏ trứng vào một rổ" - bà Liễu chia sẻ.

Mở rộng sang nội thất vải, kim loại

Tương tự ngành tôm, ngành gỗ Việt Nam cũng chịu áp lực từ mức thuế mới nhưng vẫn có cơ hội trong trung hạn. 

Ông Nguyễn Chánh Phương, phó chủ tịch Hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TP.HCM (HAWA), cho biết các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) chiếm 65% giá trị xuất khẩu gỗ sang Mỹ, dù chỉ chiếm 15% số lượng. 

Trong đó, nhiều doanh nghiệp FDI có liên quan đến Trung Quốc, đóng góp khoảng 2,5 tỉ USD kim ngạch xuất khẩu gỗ nội thất Việt Nam sang Mỹ.

Đặt trong bối cảnh tương quan về khả năng mở rộng thị trường, ông Phương quan sát các doanh nghiệp gỗ Việt Nam được đánh giá là đã nhanh nhạy thích ứng hơn mặt bằng chung của các doanh nghiệp FDI cùng ngành.

"Rất nhiều doanh nghiệp này đầu tư nghiêm túc ở Việt Nam. Nhưng mức thuế mới có thể khiến các doanh nghiệp FDI chùn bước" - ông Phương nhận định và cho rằng hiện nay là cơ hội cho ngành gỗ tái cấu trúc.

Doanh nghiệp thuần Việt có thể tự tin nắm bắt cơ hội tại thị trường Mỹ và toàn cầu khi đã xác định rõ vị thế của mình. 

Ông Phương cho rằng, Việt Nam hiện có lợi thế trong sản xuất đồ nội thất bằng gỗ, nhưng lại chưa mạnh ở các sản phẩm làm từ vải hay kim loại. Trong bối cảnh thuế suất tăng cao, có thể là động lực để ngành gỗ nội thất mở rộng sang các vật liệu khác. 

"Nếu tận dụng tốt giai đoạn 1-2 năm tới khi các chính sách thuế dần ổn định, đây có thể trở thành cơ hội mới cho ngành", ông Phương nói.

Theo VASEP, kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam trong tháng 4-2025 đạt 1 tỉ USD, tăng hơn 30% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 4 tháng đầu năm, xuất khẩu đạt khoảng 3,45 tỉ USD, tăng 28%.

Tuy nhiên, thách thức lớn mà doanh nghiệp sẽ đối mặt không chỉ nằm ở mức thuế tuyệt đối, mà là sự chênh lệch thuế giữa hàng hóa Việt Nam và các đối thủ như Ấn Độ, Ecuador tại thị trường Mỹ.

"Vấn đề không phải thuế cao hay thấp, mà là tương quan thuế giữa Việt Nam và các nước đối thủ" - ông Hồ Quốc Lực nhận định.

Từ tôm đến gỗ, doanh nghiệp Việt tăng tốc giao hàng sang Mỹ - Ảnh 5.Trung Quốc: Mỹ đã chủ động đề xuất đàm phán thuế quan

Trung Quốc cho biết đang đánh giá đề nghị đàm phán thuế quan do Mỹ chủ động đưa ra, nhưng nhấn mạnh Washington cần thể hiện thành ý và sửa đổi các biện pháp đơn phương nếu muốn nối lại đối thoại.


Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên