TTCT - Vị bác sĩ 72 tuổi vừa cho ra mắt Thấp thoáng lời kinh (Phương Nam và NXB Hội Nhà Văn) - cuốn sách thứ 34 và là cuốn tùy bút thứ 15 sau rất nhiều cuốn tùy bút được tái bản liên tục của ông... Bác sĩ - tác giả Đỗ Hồng Ngọc ký tặng độc giả hâm mộ trong buổi ra mắt tập sách Thấp thoáng lời kinh - Ảnh: Đỗ Thu Thảo Nhìn lại kệ sách mang tên Ðỗ Hồng Ngọc, nếu chỉ chọn duy nhất một cuốn để mang theo bên mình, ông sẽ chọn cuốn gì? Và đâu là cuốn mà ông mong có nhiều người đọc nhất? - Nếu chỉ chọn một cuốn thôi để mang theo bên mình, tôi sẽ chọn Thấp thoáng lời kinh, vì đó là từ những lời Phật dạy để có thể sống hạnh phúc và sẻ chia được với người khác. Từ những "thấp thoáng" buổi ban đầu này, tôi hi vọng có thể đào sâu thêm, "hành thâm" thêm, để từ đó nhận ra những huyền vi đằng sau những câu chữ mà tôi gọi là "lấp lánh ánh vàng". Còn cuốn mà tôi mong nhiều người đọc nhất lại là cuốn Viết cho các bà mẹ sinh con đầu lòng. Tại sao ư? Tại vì nó giúp các bà mẹ nuôi con một cách "sảng khoái", bớt đi những lo âu, sợ hãi, hoang mang... trong thời buổi hiện nay! Những bạn đọc "theo dõi" kỹ Ðỗ Hồng Ngọc có thể thấy ông đã cảm nghiệm và ứng dụng vào đời sống của mình nhiều lời Phật dạy để có thể thiết lập một đời sống an lạc. Nếu phải kê một toa thuốc đặc trị bằng ngôn từ cho những người cho rằng họ "không hạnh phúc", bác sĩ sẽ kê toa thế nào? - Không hạnh phúc chính là "chất liệu" của hạnh phúc. Phải trải nghiệm "không hạnh phúc" rồi mới nhận ra hạnh phúc. Hạnh phúc rất đơn sơ. Vấn đề là nhận ra. Nó quanh ta mà nhiều khi ta không thấy. Đến khi "mất hạnh phúc" rồi ta mới nhận ra. Cũng như tình yêu vậy. Tình yêu là gì không biết, nhưng khi mất tình yêu thì sẽ nhận ra. Biết sống ở đây và bây giờ, nghĩa là biết sống trong hiện tại, biết nhận ra vô thường, khổ, vô ngã, bất tịnh chính là "thường lạc ngã tịnh", biết sống với tâm từ bi hỉ xả thì sẽ thấy được hạnh phúc. Ở mặt khác, chân thành, tôn trọng và thấu cảm là những nguyên tắc sống cho người bạn trẻ để tìm thấy hạnh phúc. Em hồn nhiên rồi em sẽ bình minh, như câu hát của Trịnh Công Sơn? Tổ chức Y tế thế giới định nghĩa Chất lượng cuộc sống là một cảm nhận rất chủ quan của mỗi người từ trong nền văn hóa của họ... Ông vừa nhắc đến "nguyên tắc" tôn trọng. Trong Thấp thoáng lời kinh, ông cũng nhắc đến Bồ Tát Thường Bất Khinh mà ông "dịch" là Bồ Tát Luôn Tôn Trọng. Trong thời buổi mà con người không ngại gây tổn thương nhau, ông có nghĩ đây là vị Bồ Tát mọi người cần nghĩ đến nhất không? - Đúng đó. Tôn trọng là chấp nhận, là không phân biệt đối xử. Mỗi người đều có nhân phẩm riêng của mình, cần phải được tôn trọng. Một khi mình tôn trọng người khác thì người khác cũng tôn trọng mình. Khi biết tôn trọng nhau thì dễ lắng nghe nhau và hiểu nhau. Mà có "hiểu" thì mới "thương" phải không? Ông từng nói "Kẻ làm thầy thuốc có thể chữa được cái đau mà không chữa được cái khổ". Trong buổi ra mắt cuốn sách Thấp thoáng lời kinh mới đây, nhiều bạn đọc chia sẻ những quyển sách của ông đã giúp họ nhận diện chính mình, tìm cách đối diện với nỗi đau, nỗi khổ... Phải chăng đó cũng là một động lực để ông không ngừng "chữa bệnh" qua những trang viết? - Hình như không có một thứ gọi là "động lực" nào ở đây cả mà chỉ là sự chia sẻ, gần gũi, tùy duyên. Như tôi từng nói, tôi viết trước hết là để "tự chữa bệnh" cho mình, sau đó mới sẻ chia cùng bè bạn, những người "đồng bệnh tương lân". Bè bạn, có thể là những người đã có tuổi nhưng cũng có thể là những người còn rất trẻ, miễn là họ cùng có một thứ bệnh như nhau... Ðã có hàng trăm câu hỏi đặt ra cho bác sĩ, nhà văn, nhà thơ... Ðỗ Hồng Ngọc. Nhưng thưa ông, câu hỏi nào ông thường đặt ra cho mình nhất, trong nghề y cũng như trong cuộc sống hằng ngày? - Tôi thường tự hỏi: Tôi khác gì tôi xưa? Xưa là hôm qua, là mười năm trước... Tôi thấy hình như tôi biết thở hơn (chánh niệm), biết ăn và biết... ngủ hơn (kham nhẫn, tri túc). Tóm lại, nhờ tự hỏi như vậy, tôi dần biết "tự tại" hơn. Và từ đó, "từ bi" với mình và với người hơn! Là một người rất yêu thơ, ông có thể đọc tặng độc giả Tuổi Trẻ Cuối Tuần bài thơ mới nhất? - Bài thơ mới nhất... thì chưa có. Ngày rằm tháng bảy, lễ Vu lan, tôi có viết mấy câu không biết có phải là thơ không nữa: Bông hồng cho mẹ Con cài bông hoa trắngDành cho mẹ đóa hồngMẹ nhớ gài lên ngựcNgoại chờ bên kia sông... Cảm ơn ông. Tags: Đỗ Hồng NgọcĐọc sách cùng bạnTùy bútTái bản
Trực tiếp: Tình hình giao thông cửa ngõ phía đông TP.HCM ngày 24-1 24/01/2025 Mời quý bạn đọc xem tình hình giao thông tại cửa ngõ phía đông TP.HCM ngày 24-1 (25 tháng Chạp). Nhiều gia đình bắt đầu về quê các tỉnh miền Trung, miền Bắc ăn Tết 2025, lượng xe di chuyển trên cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây - Phan Thiết.
Vì sao tuyển Việt Nam không còn mặn mà với sân Mỹ Đình? NGUYÊN KHÔI 24/01/2025 Thật khó tưởng tượng sân vận động quốc gia lại không phải là lựa chọn số 1 của đội tuyển Việt Nam. Nhưng điều đó lại đang đúng với sân Mỹ Đình (Hà Nội).
Giải mã nguyên nhân kẹt xe ở trạm thu phí cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây CHÂU TUẤN 24/01/2025 Mỗi ngày có tới 700 xe 'quên nạp tiền' để qua trạm thu phí cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, khiến tình trạng kẹt xe phức tạp hơn.
TikToker Nam 'Birthday' nhận sai: 'Tôi đã say rượu. Xin khoan hồng cho tôi' HỒNG QUANG 24/01/2025 Bùi Phương Nam cho rằng do đã say rượu, mất kiểm soát, không làm chủ được bản thân nên có hành động sai trái.