TTCT - “Mùa xuân Ả Rập” (2011-2014) khởi đầu là những cuộc biểu tình ở Tunisia sau vụ tự thiêu của một người bán hàng rong để phản đối những chính sách nhiễu nhương của nhà nước, nhưng sau đó đã nhanh chóng lan rộng đến nhiều quốc gia Ả Rập trong khu vực. Majdi el-Mangoush Dù mục tiêu của những “Mùa xuân Ả Rập” không đạt được như người dân mong muốn nhưng ở vài quốc gia, nó đã tạo nên những biến động làm thay đổi chế độ như trường hợp Ai Cập, hoặc làm tan rã một nhà nước như trường hợp Libya. Tháng 1-2011, thành phố Misurata, Majdi el-Mangoush đang sắp sửa kết thúc khóa học ba năm của Học viện Không quân Libya. Anh và các học viên cùng khóa theo dõi tin tức về những biến động ở Tunisia và ở Ai Cập với nỗi kinh ngạc xen lẫn thích thú, nhưng lúc đó chẳng ai nghĩ rằng những biến động đó có thể ảnh hưởng đến Libya. Người được chọn Nhưng đến chiều 19-2, các học viên bắt đầu nghe nhiều tiếng nổ từ phía thành phố vọng đến. Thoạt đầu họ ngỡ là pháo hoa, nhưng ngay sau đó thì họ hiểu ra rằng đó là tiếng súng. Lập tức, toàn thể học viên của học viện được lệnh tập trung tại bãi tập và được thông báo rằng tất cả lệnh nghỉ phép đều bị hủy bỏ. “Đến lúc ấy thì chúng tôi hiểu là có sự việc gì đó trọng đại lắm đã xảy ra, nhưng chẳng ai biết rõ là chuyện gì”. Ngày hôm sau các buổi học bị bãi bỏ vì các giảng viên dân sự không đến học viện. Những ngày kế tiếp sau đó tiếng súng nghe rất gần, thậm chí như ở bên kia bờ tường của học viện. Đến ngày 22-2-2011, đại tá Muammar el-Qaddafi, chủ tịch Libya, xuất hiện trên truyền hình tố cáo những thế lực ngoại bang và lũ chuột cống” tay sai đang xách động quần chúng nổi loạn, và ông ta hứa sẽ nhanh chóng “tẩy sạch” đất nước từng centimet, từng hang cùng ngõ hẻm, từng nhà, từng người dân. Bài diễn văn của Muammar el-Qaddafi đã nhanh chóng bị nhạo báng với cái tên “zenga zenga” (trong tiếng Ả Rập, chữ zenga có nghĩa là hang cùng ngõ hẻm). Muammar el-Qaddafi vừa chấm dứt bài diễn văn thì ngay sau đó tiếng súng gia tăng dữ dội hơn. Majdi nhớ lại: “Có lẽ quân đội đã được lệnh tấn công”. Học viện bắt đầu bị bao vây, các học viên phải tuân lệnh “nội bất xuất ngoại bất nhập” và một số đơn vị quân đội đến kiểm soát học viện. Cũng như tất cả những học viên khác, Majdi el-Mangoush hoàn toàn không hiểu rõ chuyện gì đang xảy ra, do đó, anh rất lo lắng cho thân phận của mình. Tình trạng mù mờ lấp lửng chấm dứt vào đêm 25-2 khi đám lính của lữ đoàn 32, một trong những đơn vị quân đội tinh nhuệ của Libya, xuất hiện trong học viện và tuyên bố rằng họ đến từ Tripoli (thủ đô Libya) để “giải cứu” các học viên. Tất cả được lệnh nhanh chóng thu gom đồ đạc cá nhân và tập trung ở ngoài cổng, nơi có xe buýt đang đợi họ. Nhưng có lẽ chỉ huy của lữ đoàn không được thông tin cặn kẽ nên họ chỉ điều động hai xe buýt trong khi con số học viên là 588. Vì thế, các học viên bị nhồi nhét ở bất cứ chỗ nào có thể nhét được: trên xe Jeep, xe nhà binh, xe thiết giáp và cả đoàn xe rung chuyển trong đêm tiến về Tripoli. Sau khi “giải cứu” học viên về đến Tripoli, chính quyền cũng chẳng biết làm gì hơn là nhét hết mấy trăm học viên vào trường huấn luyện quân đội nằm ở ngoại ô. Ở đó các học viên vẫn phải “nội bất xuất ngoại bất nhập” và không được tiếp cận với bất cứ ai bên ngoài. Các cổng ra vào của trường huấn luyện quân sự đều được các toán lính có vũ trang kiểm soát. Lần qua chính miệng của những người lính có nhiệm vụ canh gác họ, các học viên biết được rằng có những cuộc xung đột vũ trang đang diễn ra khắp nơi trên đất nước. Theo lời những người lính này thì những cuộc nổi dậy bạo động là do các phần tử băng đảng xã hội đen và đám lính đánh thuê của ngoại bang xách động, và một số quần chúng “lầm đường lạc lối” nhẹ dạ chạy theo các cuộc bạo động. Nhưng đến đầu tháng 3 thì những cuộc “xách động” này càng nổ ra dữ dội, đặc biệt là ở Misurata và Bengasi - nơi những cuộc giao tranh xảy ra ác liệt. Đến giữa tháng 3, máy bay của phe đồng minh Tây phương bắt đầu oanh tạc các cơ sở của chính phủ ở Tripoli. Và điều này càng như để khẳng định thêm rằng có bàn tay ngoại bang nhúng vào các cuộc biến động ở Libya. Lần lần xem ra các học viên cũng được chính quyền xếp vào loại “không có vấn đề”, bởi vì một nhóm lớn các học viên được chuyển sang một căn cứ quân sự để bắt đầu được huấn luyện sử dụng hệ thống tên lửa. Nhưng Majdi không được chọn vào trong nhóm này, và suốt ngày chẳng có gì làm ngoài việc đi ra đi vô và nghe ngóng tin tức. Đến đầu tháng 5, Majdi gặp một người quen cũ tên Mohammed - lúc đó là một sĩ quan tình báo của chính quyền el-Qaddafi. Mohammed tìm cách lân la hỏi về tình hình ở Misurata, đặc biệt là hỏi Majdi có biết “những tay lãnh đạo” của những cuộc bạo động hay không. Thoạt đầu Majdi cũng không để tâm mấy đến buổi nói chuyện với Mohammed, nhưng vài ngày sau thì Majdi được lệnh gọi đến làm việc ở bên Bộ tư lệnh. Ở Bộ tư lệnh người ta thông báo cho Majdi biết rằng anh ta đã được chọn để đi học khóa huấn luyện sử dụng tên lửa và có một chiếc xe Jeep đã sẵn sàng đợi anh ta lên đường. Thậm chí Majdi cũng không có được thời giờ trở về trường để thu gom đồ đạc cá nhân. Nhưng xe Jeep không chở Majdi đến trung tâm huấn luyện mà lại đi vòng ra xa lộ chạy dọc theo bờ biển tiến về hướng tây. Mãi gần xế chiều xe mới đến Dafnia, thành phố cuối cùng trước khi đến Misurata, cũng là cứ điểm còn nằm dưới sự kiểm soát của chính quyền Tripoli. Ở đó Majdi được đưa đến một trang trại để gặp một người: đó chính là Mohammed, tay sĩ quan tình báo mà Majdi đã gặp tại trường huấn luyện quân sự ở ngoại ô Tripoli. Mohammed giải thích cho Majdi biết rằng anh ta được chọn lựa để làm một “sứ mạng yêu nước đặc biệt”: tìm cách thâm nhập vào thành phố Misurata để khám phá ra ai là những lãnh đạo của cuộc nổi dậy. Sau khi thu thập được thông tin nói trên, Majdi phải tìm cách báo cho một sĩ quan liên lạc nằm vùng trong thành phố dưới cái tên ngụy trang là Ayub. Để liên lạc với Ayub, Mohammed đưa cho Majdi một cái điện thoại vệ tinh Thuraya và một số điện thoại để liên lạc. Sau khi nghe Mohammed giải thích, Majdi thoáng phân vân lưỡng lự: Misurata là quê hương nơi Majdi sinh ra và lớn lên, ở đó anh có rất nhiều bè bạn. Từ khi nổ ra những cuộc nổi dậy, chắc chắn trong bè bạn anh có người đã đứng về phía chống chính phủ. Nếu Majdi làm tròn “sứ mạng yêu nước đặc biệt” cũng có nghĩa là tính mạng của những bạn bè anh sẽ bị đe dọa. Nhưng rồi nỗi phân vân cũng đã nhanh chóng bị gạt qua một bên. Lúc còn ở Tripoli, Majdi đã ngày đêm nghe chính quyền tuyên truyền về bàn tay ngoại bang, dù những tuyên truyền đó không thuyết phục Majdi hoàn toàn, nhưng cũng đủ làm anh có khuynh hướng chống ngoại bang, chống lại những kẻ làm tay sai cho ngoại bang, dù trong những người đó có bạn bè của anh. Nhưng có lẽ thực tế hơn, Majdi muốn nhanh chóng chấm dứt cái vị thế “nửa nạc nửa mỡ” của mình: đã ba tháng qua đất nước có những biến động sâu sắc, vậy mà Majdi hoàn toàn bị đặt ra bên lề của đất nước, không biết tin tức của bè bạn, gia đình. Anh chỉ muốn làm cái gì đó, bất cứ là cái gì, chỉ để thoát ra khỏi tình trạng bấp bênh lơ lửng hiện nay. Thế là Majdi quyết định nhận lãnh “sứ mệnh”. Sáng sớm hôm sau, Majdi rời trang trại đi về phía vùng đất bị kiểm soát. Misurata nằm cách đó khoảng 15km. Túi quần bên phải có tấm căn cước quân sự. Nhưng điều này không đáng lo, nếu bị quân phiến loạn bắt gặp, anh vẫn có thể nói là mình đào ngũ, vì thời điểm đó có rất nhiều quân nhân đào ngũ. Thêm vào đó việc quê quán của Majdi là Misurata càng làm người ta dễ tin rằng anh là lính đào ngũ đang tìm cách trở về nhà. Nhưng còn cái điện thoại vệ tinh nằm trong túi bên trái thì khá phức tạp. Lúc ấy hầu như Internet và mạng lưới điện thoại di động đã không còn hoạt động, và chỉ có điện thoại vệ tinh là phương tiện liên lạc duy nhất và thường được cấp cho các nhân viên tình báo của chính quyền Tripoli. Nếu quân phiến loạn tìm thấy điện thoại Thuraya trên người Majdi chắc chắn họ sẽ nghi anh đang đến Misurata để làm tình báo. Trong trường hợp đó, coi như cái chết nằm chắc trong tay. Majdi không biết anh đã đi bao lâu để đến Misurata, chỉ nhớ sau khoảng phân nửa đoạn đường, anh bỗng cảm thấy người lâng lâng một cảm giác sung sướng, một thứ cảm giác mà anh chưa hề cảm nhận được trước đây. “Tôi không thể nào diễn tả được cảm giác đó - anh kể lại - và sau đó tôi cũng không còn tìm lại được cảm giác ấy. Nhưng lúc ấy tôi hoàn toàn cảm thấy sung sướng, thảnh thơi”. Majdi ráng cố gắng lý giải cái cảm giác lạ lùng đó: “Rất có thể vì chính lúc đó tôi còn đang đứng ở một nơi hoàn toàn “trung lập”, không bị phủ bóng bởi bất cứ một áp lực nào. Tôi cũng chưa phản bội lại bè bạn, phản bội lại quê hương, tôi biết là mình sẽ còn tiếp tục tự do có cái cảm giác sung sướng ấy cho đến khi chưa đến Misurata”. Đặt chân đến Misurata, người mà Majdi chạm mặt đầu tiên là một thằng bé khoảng 8-9 tuổi đang ngồi chơi trước nhà. Nhà cửa xung quanh hoặc bị bỏ hoang hoặc bị bom đạn tàn phá. Majdi hỏi thằng bé: “Có bố cháu ở nhà không? Cháu có thể đưa chú đến gặp bố cháu được chứ?”. Ông bố, khoảng 30 tuổi, tỏ vẻ rất ngạc nhiên khi thấy một người xa lạ tự dưng xuất hiện, dĩ nhiên ông nghi ngờ. Majdi nói rằng mình là lính đào ngũ và đang trên đường trở về với gia đình. Cũng may nhờ vào cái họ, vì ở Misurata ai cũng biết đến dòng họ Mangoush. Nên người đàn ông bớt hoài nghi và đồng ý sẽ chở Majdi vào thành phố. Dù trước đây Majdi đã nghe nói đến những trận chiến ác liệt xảy ra ở Misurata, nhưng anh không thể tưởng tượng ra cảnh hoang tàn đổ nát đến vậy của thành phố: kể từ cuối tháng 2-2011, vòng vây của phe quân đội thân chính quyền ngày càng siết chặt. Mọi tiếp tế nhu yếu phẩm và thuốc men chỉ còn đến được bằng đường biển. Ngày nào thành phố cũng bị phía quân đội nã đại bác. Chỉ đến cuối tháng 3, khi không quân của phe Tây phương bắt đầu oanh tạc những cứ điểm của quân đội thì những cuộc pháo kích mới giảm đi. Người đàn ông thả Majdi trước cổng nhà. “Vừa bước vào nhà, người tôi chạm mặt đầu tiên là cô em gái - Majdi nhớ lại - rồi đến cậu em rể và mấy đứa con của ông anh”. Majdi không cầm được nước mắt: “Ba tháng qua, có lúc tôi nghĩ sẽ chẳng còn gặp lại người thân gia đình”. Sau đó anh được biết là ông bố bị bệnh khá nặng và cùng với bà mẹ, họ được chở đến Tunisia trên một con tàu di tản y tế. Những người lính Libya ở một trạm kiểm soát gần Bani Walid -AP Vỡ lẽ và xoay chuyển Lần lần Majdi mới khám phá ra những người “phản loạn” chống chính phủ không chỉ là bạn bè, mà cả người trong gia đình anh: trong nhiều tuần, ông anh cả đã giấu trong nhà một nhóm phi công trực thăng đào ngũ. Trên thực tế, hầu như mọi người đều theo “cách mạng”. Majdi quyết định giấu cái điện thoại vệ tinh Thuraya sau kệ sách trong căn phòng cũ của mình. Anh kể: “Thực tình tôi cũng chưa biết phải làm gì, nhưng tôi biết là phải tìm cách giấu cái điện thoại ấy đi”. Những ngày sau đó, Majdi có dịp đi vòng vòng quan sát thành phố và mới ngộ ra rằng trong những nhóm quân phản loạn chống chính phủ không có dân lưu manh, băng đảng, xã hội đen hay lính đánh thuê của Tây phương như chính quyền đã tuyên bố lúc anh còn ở Tripoli. Chỉ toàn là những người dân bình thường như những người trong gia đình Majdi, tham gia “cách mạng” vì họ muốn lật đổ chế độ độc tài của Muammar el-Qaddafi. Khám phá ra sự thật nói trên cũng đặt Majdi vào tình thế khó xử. Ayub, tay sĩ quan liên lạc tình báo, chắc chắn biết sự hiện diện của Majdi ở Misurata, hắn đang đợi báo cáo của anh. Thoạt đầu Majdi tính quăng cái điện thoại vệ tinh Thuraya là xong chuyện, nhưng sau đó anh lo là gia đình sẽ phải chịu hệ lụy nếu chính quyền el-Qaddafi trụ lại được. Và nếu các chiến binh “cách mạng” tìm được cái điện thoại, truy ra được là của Majdi thì tình hình càng tệ hơn. Trong thế tiến thoái lưỡng nan, Majdi đã nghĩ ra một kế hoạch vừa khôn ngoan vừa táo bạo. Trung tuần tháng 5, anh đến gặp “Ủy ban quân sự cách mạng” trong thành phố, kể hết sự tình và đề nghị làm “phản gián”. Hôm sau Majdi gọi điện thoại liên lạc với Ayub, hẹn hai hôm sau sẽ gặp nhau ở một khu nhà hoang trong trung tâm thành phố. Khi họ gặp nhau, một toán quân “cách mạng” súng ống tận răng ập đến. Majdi và Ayub được đưa lên hai xe khác nhau đưa về nhà giam. Khi “Ủy ban quân sự cách mạng” đưa tin đã bắt được gián điệp của chế độ el-Qaddafi thì Majdi đã trở về nhà. Kế hoạch của anh thành công trọn vẹn. Sau đó Majdi tình nguyện tham gia “cách mạng”, được bố trí vào một đơn vị có nhiệm vụ tiến về Tripoli. Nhưng anh chưa kịp đến Tripoli thì chính quyền đã tan rã và el-Qaddafi chạy trốn về Sirte, quê quán bộ lạc của ông ta để cầm cự. Liên tục những ngày sau đó là những trận giao tranh giữa phe “cách mạng” với đám tàn quân của el-Qaddafi bị vây ở Sirte. Sáng 20-10-2011, chiến sự ở Sirte càng khốc liệt hơn với những tiếng bom nổ do các phi cơ của phe “đồng minh” Tây phương oanh tạc. Khoảng 14g, các tiếng nổ đều tắt hẳn. Majdi nghĩ rằng el-Qaddafi đã đầu hàng, nhưng ngay sau đó có tin là nhà độc tài đã bị bắt và bị giết chết. “Tất cả chúng tôi ôm nhau nhảy múa vui mừng - Majdi nhớ lại - thế là chấm dứt chiến tranh và sau 42 năm dưới ách thống trị của el-Qaddafi, Libya đã được giải phóng”. Sau khi chiến sự chấm dứt, Majdi xin chuyển về một đơn vị y tế có nhiệm vụ đưa những người bệnh nặng ra phi trường để họ có thể ra nước ngoài trị bệnh. Majdi rất phấn khởi với công việc mới này, anh nghĩ rằng sau bao nhiêu tang thương đổ nát, cũng đã đến lúc thấy được tương lai của Libya. Nhưng thực tế đã đi theo một con đường khác. Sự sụp đổ của chế độ el-Qaddafi đã để lại một khoảng trống trên sân khấu chính trị và làm khơi lại tất cả những mâu thuẫn, xung khắc, hiềm khích giữa các bộ lạc, giáo phái, thị tộc... Lần lần, Libya rơi vào tình trạng hỗn loạn của một cuộc nội chiến. Nhìn cảnh nội chiến tương tàn ngày càng ác liệt, Majdi nhen nhóm ý nghĩ tạo dựng lại thể chế quân chủ mà Ghedd đã triệt hạ hồi năm 1969. “Chắc chắn đấy không phải là cách giải quyết tốt nhất - Majdi trình bày - nhưng ít ra nếu có nhà vua thì cũng có nghĩa là Libya có một cơ chế quốc gia”. Và dù sao đi nữa, trong bất cứ tình huống nào, anh cũng quyết định sẽ ở lại Libya để đóng góp vào việc xây dựng đất nước. “Tôi sẵn sàng đi vào chặng đường mới” - Majdi nói.■ Tags: Chiến binhẢ rập hỗn loạnThế giới Ả RậpMajdi el-Mangoush
Tổng Bí thư Tô Lâm trao Huân chương Hồ Chí Minh tặng nguyên Thường trực Ban Bí thư Đinh Thế Huynh THÀNH CHUNG 23/01/2025 Ngày 23-1, Tổng Bí thư Tô Lâm đã trao Huân chương Hồ Chí Minh tặng nguyên Thường trực Ban Bí thư Đinh Thế Huynh vì đã có công lao to lớn, đặc biệt xuất sắc trong sự nghiệp cách mạng của Đảng, dân tộc.
Giao Bộ Công an chủ động hướng dẫn triển khai đề án sắp xếp công an cấp huyện THÀNH CHUNG 23/01/2025 Bộ Công an được giao chủ động hướng dẫn công an cấp tỉnh triển khai đề án sắp xếp công an cấp huyện, hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn công an cấp tỉnh.
Nữ khách hàng vụ shipper Đà Nẵng tử vong: Tôi vô cùng ân hận THÁI BÁ DŨNG 23/01/2025 Bật khóc khi thuật lại sự việc với Tuổi Trẻ Online sáng 23-1, chị Tr.Th. (trú tại xã Hòa Phước, Hòa Vang, Đà Nẵng) - người đặt đơn hàng online 375.000 đồng, cãi vã rồi sau đó nam shipper Đà Nẵng nghi bị đánh tử vong - nói tất cả như một bi kịch.
Bà 'trùm' phân bón giả bị bắt từng đoạt giải vàng cuộc thi sắc đẹp BÌNH KHÁNH 23/01/2025 Bà Nguyễn Thị Cẩm My (sinh năm 1984) - tổng giám đốc Công ty cổ phần thương mại phân bón Nam Dương - vừa bị bắt vì tội làm phân bón giả. Nữ doanh nhân này từng đoạt giải vàng cuộc thi sắc đẹp năm 2022.