TTCT - Cuối cùng thì cái ngày được ấn định ấy cũng đã đến. Hội lớp. Phong trào này bất ngờ bùng phát trong vài năm qua. Minh họa: Kim Duẩn Đám trẻ hội lớp 10 năm. Già hơn chút nữa thì kỷ niệm 20 năm tốt nghiệp phổ thông trung học. 30 năm trở lên kỷ niệm tốt nghiệp cấp III của hệ học 10 năm. Bọn anh đã gần 40 năm kể từ cái ngày chia tay ấy. *** Cuộc sống Hà Nội đầu những năm 70. Nhà nước đã phải phát hành một loại tem phiếu chưa từng có: bìa mua rau mậu dịch. Mỗi ngày mậu dịch cũng chỉ đủ rau bán từ sáng đến tầm chín giờ là hết. Chỉ có vài thứ. Mùa hè rau muống. Mùa đông cải củ. Người đến sau chấp nhận mua bí đao, bí ngô về ăn tạm. Các bác sĩ quảng bá tác dụng của bí ngô ăn vào đỡ bệnh nhức đầu kinh niên. Nhưng ăn đến bữa thứ ba phát rùng mình. Bí ngô xào bằng mỡ cừu mậu dịch bán thay cho mỡ lợn. Kể ra thì mỡ cừu vẫn còn hơn loại mỡ trắng tinh như bông từng được mậu dịch mang ra bán, nghe đồn là mỡ hóa học để bảo quản vũ khí. Mỡ cừu mùi hoi bám vào quần áo tóc tai rất bền. Trẻ con đến trường chỉ cần vài đứa ăn mỡ cừu trước khi đi học là mùi hoi sực nức cả lớp. Hà Nội trong cơn đói kém ấy bắt đầu sinh ra việc nuôi lợn. Cả thành phố về chiều í éc tiếng lợn kêu cả trên những ngôi nhà cao tầng. Cái trại lợn khổng lồ ấy còn tồn tại cho đến hết thời bao cấp. Cửa hàng Bách hóa tổng hợp lúc nào cũng đông nghịt người. Nhưng hàng hóa luôn thiếu. Tấm bảng học trò viết dòng chữ bằng phấn trắng HẾT HÀNG luôn để sẵn trong ngăn quầy bán hàng. Ngày nào nhân viên mậu dịch cũng phải dùng đến. *** Vừa vào học lớp 10 được ít ngày lại phải khăn gói ra đi sơ tán theo trường. Cái năm học cuối cấp ấy bất ngờ lại bị xé lẻ thêm một lần nữa. Vài đứa gia đình không có điều kiện cho đi sơ tán theo trường đành ở lại Hà Nội. Tất nhiên nghỉ học... Hơn 40 đứa cùng học lớp 10 suốt hơn một năm trời thằng Hưng lớp trưởng mới tìm ra được 22 đứa. Nhắn tin, đăng báo giấy và thông báo trên mạng. Hóa ra sau ngày tốt nghiệp phổ thông và nhất là sau giải phóng, nhiều đứa đã vào Nam học hành lập nghiệp. Nhưng thật mừng, ký ức về Hà Nội một thời của chúng nó vẫn ăm ắp tràn trề. Nhiều đứa gia đình tập kết, khi trở về Nam hơn 30 năm sau vẫn giữ nguyên giọng nói Hà Nội. Nhưng cũng thật buồn khi nghe mỗi đứa kể câu chuyện riêng tư của mình. Chẳng có đứa nào làm nên một sự nghiệp gì đáng kể ngoài một thằng làm đến chức thượng tá công an. Cũng chỉ là thượng tá bàn giấy. Thằng Minh chạy xe ôm bảo, thằng Vân tuy là thượng tá công an mà không thể xin nổi cho tao một lần vi phạm luật giao thông đấy! Giờ anh mới thấy thấm thía cái sự học hành nham nhở những năm chiến tranh đói khát. Kiến thức cóp nhặt chẳng đủ để đứa nào có một học vị cao hơn cái bằng kỹ sư, cử nhân trong nước. Có những đứa lúc đi học được cho là rất khá cũng quay sang ôm vôlăng cho đến tận ngày nghỉ mất sức. Có thể nói tài sản đáng giá nhất của bọn anh lúc này chỉ là ký ức về những năm tháng ấy mà thôi. Và anh thì ký ức ấy còn dài hơn các bạn cùng lớp khoảng thời gian chừng hai tháng. *** Trường học ở nơi sơ tán có lệnh giải tán. Cho học sinh tùy nghi về với gia đình hoặc ở lại nơi này. Anh cùng năm đứa nữa quyết định ở lại với cô giáo chủ nhiệm người miền Nam tập kết. Ba đứa con gái ở với cô trong một nhà dân. Anh cùng hai thằng bạn ở một nhà khác gần trong xóm. Ngôi làng theo đạo Thiên Chúa tuyệt đẹp nằm ngoài đê ngay sát mép sông Hồng. Nếu không có cuộc chiến tranh, nó hẳn là nơi thanh bình đẹp đẽ nhất anh từng biết. Những con đường làng mịn màng đất phù sa đỏ sậm. Những mái nhà tranh lúp xúp ven sông mơ hồ trong làn khói chiều lung lay bóng nước. Tiếng chuông nhà thờ đếm nhịp chậm rãi thinh không. Trai trẻ ra chiến trường gần hết. Ở làng chỉ còn lại phụ nữ và những người già cả. Trẻ con không nhiều và rất ngoan ngoãn lễ phép. Từ đêm 18-12 máy bay Mỹ bắt đầu đánh phá ác liệt Hà Nội và các vùng lân cận. Một đêm phải chạy ra hầm trú ẩn mấy lần. Anh và các bạn đã làm một chiếc hầm chữ A khá chắc chắn bên bờ sông sát bụi tre trước nhà. Cũng đào cho cô giáo và các bạn nữ một căn hầm như vậy. Đất cát ven sông sạch sẽ khô ráo nhưng ngồi mãi dưới hầm cũng đâm chán. Ba thằng bàn nhau chui ra ngoài xem. Những chiếc máy bay B52 khổng lồ lừng lững trên trời đèn đóm sáng trưng. Vây quanh nó là những chiếc phản lực F4 đi hộ tống đông như một đàn ruồi quanh con cá chết. Nó chẳng có vẻ gì là quan tâm đến lưới lửa phòng không dày đặc bắn lên từ mặt đất. Nhìn về phía hạ lưu thấy Hà Nội như cả một chảo lửa hắt lên trời. Thỉnh thoảng có tiếng rít ghê rợn của một quả tên lửa cắt ngang bầu trời phát nổ sáng rực một vùng. Và tiếng nổ ì ầm trầm đục không dứt của bom rải thảm. Đêm 24-12, cả ba thằng ôm nhau chui trong chăn ngủ ngon lành. Mặc kệ mấy lần còi báo động. Thằng Thắng bảo nếu tính xác suất an toàn của việc nằm trong chăn và chui dưới hầm thì cũng như nhau cả thôi. Bom rải thảm không chừa bất kỳ vị trí nào cả. Nửa đêm, có ánh chớp bất ngờ lóe lên tức ngực. Đất đá đổ xuống rào rào như trút. Anh mở mắt nhìn lên. Đã không còn cái mái ngói chăng đầy mạng nhện ở trên ấy. Nhìn sang ngang cũng không còn thấy bức tường nào. Một khoảng trống kéo dài đỏ rực trong lửa kéo suốt chiều dài ngôi làng lên phía thượng lưu dòng sông. Thằng Vĩnh hét lên: Phải chạy sang xem cô giáo và bọn con gái thế nào! Ba thằng mặc nguyên quần đùi và chiếc áo sợi dệt lao ngay ra khỏi căn nhà nghi ngút khói. Nhìn ra căn hầm ba thằng vẫn trú hằng đêm dưới gốc bụi tre già, đã không còn dấu vết gì ở đấy kể cả bụi tre. Chỉ còn lại một cái hố sâu hoắm đen ngòm lốm đốm tàn lửa. Bài toán xác suất của thằng Thắng đã đúng. Bọn anh chạy sang nhà cô giáo tìm đến căn hầm. Nó bị vùi lấp không còn dấu vết. Rất may căn nhà cô giáo ở vẫn còn bốn bức tường gạch nham nhở. Căn hầm tự tay bọn anh đào nên biết rất rõ cửa của nó hướng về phía bức tường đầu hồi bên phải. Có tiếng cái Hồng kêu cứu vo ve đâu đấy chỉ như tiếng muỗi. Ba thằng vớ được cái xẻng gần chuồng trâu thay nhau xúc đất. Cửa hầm lộ ra. Anh đưa tay kéo từng người ra khỏi căn hầm chật chội sặc sụa khói. Vẫn còn người cuối cùng. Cái Hồng. Anh ngó đầu vào bên trong, Hồng chỉ mặc mỗi chiếc quần lót trên người. Hai tay nó ôm trước ngực. Nước mắt chảy dài. Nước da Hồng trong bóng tối căn hầm trắng lóa như phát sáng. Cô giáo chạy vào trong nền nhà đổ tìm được chiếc màn rách lấm lem bê bết mang ra cho Hồng quấn tạm. Vậy là bảy cô trò thoát chết. Anh cùng các bạn nhập vào đội dân quân đốt đuốc đi tìm kiếm. Một ngôi làng xinh đẹp chốc lát chỉ còn lại cảnh tượng đổ nát kinh hoàng. Những đám cháy loang rộng. Không ai còn bụng dạ nào nghĩ đến việc chữa lửa. Tất cả dồn sức đi tìm các hầm sập, sơ cứu những người bị thương khiêng tập trung ra sân kho. Đã có 14 cái xác lần lượt được bỏ lên cáng tre khiêng ra ngoài ấy. Xong việc thì trời sáng rõ. Mấy cô trò về nhà tìm lại trong đống đổ nát những vật dụng còn sót lại. Anh chẳng tìm được gì nhiều ngoài chiếc quần dài cháy dở và dăm cuốn sách vở. Cả mấy cô trò lốc thốc đi bộ ra bến. Chuyến phà cuối cùng của một đêm đã rời bến trước đấy cả tiếng đồng hồ. Ban ngày, người ta đưa nó giấu vào một hõm lở ven sông. Rất may có một người dân chài với chiếc thuyền nan ọp ẹp giúp đỡ. Giờ cao điểm đánh phá. Thành phố không một bóng người. Tất cả các chuyến xe buýt vào trung tâm đã ngừng chạy. Không còn cách nào khác, phải lẽo đẽo đi bộ mười hai cây số để về nhà. Chưa bao giờ anh nhìn thấy một Hà Nội vắng lặng đến thế. Đứng ở đầu đê Bác Cổ nhìn thông thống ra bờ hồ Hoàn Kiếm. Không một bóng người. Cửa hàng cửa hiệu im lìm đóng kín. Những chiếc khóa treo sắp một hàng dài trên cửa sắt kéo nhà Bách hóa tổng hợp. Xào xạc đám lá khô ven hồ trước cơn gió bấc hanh hao thổi ngang phố Hàng Khay. Căn nhà anh cũng như mọi nhà trong phố Lý Thường Kiệt khóa cửa im ỉm. Anh biết cái ổ khóa từ thời Pháp thuộc ấy, khóa để làm vì. Trèo qua cánh cổng sắt, anh giật cửa bước vào. Mấy con dơi đã kịp trú chân ở trong nhà từ lúc nào lóa mắt bay ra tán loạn. Bụng đói cồn cào, anh lục tìm trong thùng gạo vét ra được lưng bát. Toan nấu cơm ăn thì có tiếng gọi, thằng bạn cùng phố cũng vừa ở nơi sơ tán về. May quá. Ít nhất cũng còn có người để nói chuyện. Nó nhìn bát gạo trên tay anh chợt nảy ra sáng kiến, bên nhà tao còn ít mỡ lợn, mình nấu cơm rồi rang lên. Hai thằng thanh niên lộc ngộc nấu cơm. Rang cháy cạnh. Ăn ngon lành. Bữa cơm không gia đình đầu tiên trong chính căn nhà mình có cảm giác rất lạ. Dù đã sống vài tháng ở trường nơi sơ tán, ăn cơm tập thể cũng chưa bao giờ có cảm giác này. Bồn chồn lo lắng. Trước hết là chưa biết bữa chiều sẽ ăn bằng gì. Sau nữa là làm sao biết gia đình đang sơ tán ở đâu mà tìm gặp. Chiều hai thằng nhịn đói đi ngủ. Đêm hôm ấy chẳng đứa nào bảo đứa nào, cả hai đều lờ tịt cái còi báo động trên loa truyền thanh tha hồ kêu váng. Rất may sáng hôm sau có bà hàng xóm ghé về nhà nhìn thấy hai thằng thanh niên đói khát tội nghiệp mủi lòng vét nốt số gạo có trong nhà và thêm chai nước mắm ăn dở đưa cho anh và thằng bạn. Mấy ống bơ gạo ấy ít nhất hai thằng cũng đủ no trong hai ngày. Nhưng anh đã không kịp dùng hết chỗ gạo ấy. Đêm 26-12 một trận bom rải thảm tàn khốc đã đánh vào phố Khâm Thiên. Những xác chết không nguyên vẹn. Những ngôi nhà ngún khói. Những bóng áo trắng y bác sĩ ẩn hiện quanh những hố bom chi chít. Mùi thuốc sát trùng sặc sụa suốt chiều dài con phố. Nhà cửa bị san phẳng. Có thể đứng giữa phố mà nhìn thẳng sang vùng Xã Đàn, Kim Liên rất xa. Người chai sạn đã từng qua cả cuộc kháng chiến chống Pháp trên chiến khu như bố anh cũng âm thầm rơi nước mắt. *** Sau tốt nghiệp phổ thông trung học, cả sáu đứa bạn bè ngày bom đạn tứ tán mỗi người một nơi. Anh không bao giờ gặp lại nữa. Thằng Hưng lớp trưởng thông báo vừa tìm được cái Hồng. Thể nào hôm nay nó cũng đến gặp mặt. Nghe nói nó làm vợ một ông nào đấy khá to. Gặp được nó bây giờ là không dễ. Bia đã rót sang đến tuần thứ tư mới thấy một chiếc taxi đỗ xịch trước cửa quán. Một người đàn bà mặc chiếc váy hoa ngắn cũn cỡn và chiếc áo khoét cổ rộng đến hết mức có thể. Nước da vẫn trắng như phát sáng làm anh giật mình hồi tưởng. Hồng gật đầu kiểu cách chào mọi người. Nó không chú ý vào một ai. Dường như cuộc gặp gỡ này với nó là hơi miễn cưỡng. Cũng phải thôi. Những người nó gặp bây giờ hẳn là không có ai nhom nhem như đám bạn phổ thông vô tích sự này. Anh cũng không dám chắc nó có còn nhớ đến anh. Dù chỉ một cái tên? Những câu chuyện một thời kỷ niệm dừng lại khi Hồng bước vào. Nó than thở, lái xe hôm nay về quê ăn giỗ. Gọi mãi mới được chiếc taxi hôi mù! Nó chuyển đề tài sang câu chuyện của người lái xe tận tụy cho gia đình nó từ lúc nào không ai biết. Hình như cũng không có đứa nào chú ý lắng nghe. Anh thì thầm với thằng Hưng ngồi cạnh: Mấy chục năm gặp lại chỉ để nghe chuyện về một thằng giời ơi đất hỡi nào đó? Còn hơn nó kể chuyện về những thằng chầu chực đến nhà nó kiếm danh kiếm lợi! Hưng cười. Nụ cười méo mó như thằng biết lỗi. Anh biết. Hưng không có lỗi. Nó vẫn chỉ là thằng lớp trưởng mẫn cán nhiệt tình bốn mươi năm trước mà thôi. Chỉ có điều đây là lần đầu và có lẽ cũng là lần cuối gặp nhau đông đủ đến thế này. Những thằng thấp kém không thành đạt chắc chắn sẽ không mong muốn có mặt ở nơi có quá nhiều người biết chúng. Những thằng tạm gọi là thành đạt thì cũng chưa đủ để khoe khoang bất cứ chuyện gì. Lần sau nếu có, biết nói gì với nhau? Ký ức hình như chẳng cần cho ai cả. Sau một hồi chuyện trò tìm kiếm những vụn vặt ký ức thì nó lại trở về chỗ cũ trong một ngăn quên lãng của bộ não. Không có nó như cái Hồng biết đâu sung sướng hơn nhiều. Hội lớp cuối cùng rồi cũng tan. Anh nặng nhọc rời quán bia. Chẳng hẹn hò gì với ai. Cũng không xin số điện thoại. Chợt nhận ra gần bốn mươi năm không gặp đứa nào cũng có sao đâu. Ký ức không hề bị phản bội bẽ bàng. Tags: Họa sĩ Đỗ PhấnTruyện ngắn TTCTNhà văn Đỗ PhấnMột buổi hẹn hò
Chủ tịch nước truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân cho 8 cá nhân THÀNH CHUNG 24/01/2025 Chủ tịch nước Lương Cường đã ký quyết định truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân cho 8 cá nhân.
Đón Tết trong nhà mới ở khu tái định cư CẨM NƯƠNG 24/01/2025 Những hộ dân từng di dời nhà nhường chỗ cho các dự án lớn tại TP.HCM đang hân hoan niềm vui đón cái Tết đầu tiên tại khu tái định cư.
Thông tin mới về yêu cầu sắp xếp, tinh gọn bộ máy cấp tỉnh, huyện THÀNH CHUNG 24/01/2025 Việc công bố các quyết định liên quan đến sắp xếp, tinh gọn bộ máy cấp tỉnh, huyện sẽ được thực hiện từ ngày 18 đến 20-2-2025.
TikToker Nam 'Birthday' nhận sai: 'Tôi đã say rượu. Xin khoan hồng cho tôi' HỒNG QUANG 24/01/2025 Bùi Phương Nam cho rằng do đã say rượu, mất kiểm soát, không làm chủ được bản thân nên có hành động sai trái.