TTCT - Từ những nước láng giềng Trung Á tới những nơi xa xôi như như Maldives, một quần đảo trơ trọi giữa Ấn Độ Dương, và cả ở các cường quốc như Nga hay Pháp, những xung đột xảy ra khi các doanh nghiệp và cá nhân Trung Quốc mua - thuê những diện tích đất lớn trên khắp toàn cầu với quy mô và cường độ khiến không ít người nghi ngờ đấy khó thể là chuyện làm ăn đơn thuần. Đầu tư đất đai của Trung Quốc ở nước ngoài tính tới giữa năm 2017. Màu đen: đầu tư vào đất nông nghiệp; màu xanh: thuê - mua đất dài hạn; kẻ sọc: cả đất nông nghiệp và thuê - mua đất dài hạn. Nguồn: bloomberg.com Tháng 2 vừa qua, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã phải hứa hẹn với quốc dân sẽ ra tay ngăn chặn các nhà đầu tư nước ngoài - chủ yếu là từ Trung Quốc - mua đất nông nghiệp với quy mô lớn tại Pháp. Lời hứa được ông Macron đưa ra trong một bữa tiệc trưa với khoảng 1.000 nông dân trẻ ở điện Elysée.Lúng túng như nhau“Với tôi, đất đai nông nghiệp Pháp là những khoản đầu tư chiến lược mà chủ quyền của chúng ta phụ thuộc vào đó - AFP dẫn lời ông Macron - Nên chúng ta không thể để hàng trăm hecta đất rơi vào tay những cường quốc nước ngoài mà không biết mục đích mua là gì. Chúng tôi rõ ràng là sẽ phải đưa ra các quy định ngăn ngừa và làm việc với các bạn... để chấm dứt những chuyện này”. Ông Macron phản ứng sau khi bị cáo buộc là bỏ lơ vùng nông thôn Pháp và sau thương vụ mua gom 2.700ha đất nông nghiệp của một nhà đầu tư Trung Quốc ở các vùng Allier và Indre trong hai năm qua.Cũng đầu tháng 2-2018, chính quyền Úc công bố những hạn chế với người mua nước ngoài mua đất nông nghiệp ở nước này, chủ yếu là bởi mối lo từ Trung Quốc.Các công ty nông nghiệp Trung Quốc đã mua hoặc thuê đất ở nước ngoài nhiều thập niên qua, nhưng đặc biệt đẩy mạnh hoạt động đó trong thời gian gần đây khi nền kinh tế Trung Quốc mạnh lên hơn bao giờ hết.Trong khi những nước tạm gọi là lớn như Pháp và Úc có thể phản ứng khá mạnh trước làn sóng đó, nhiều quốc gia nhỏ hơn không thể làm gì nhiều ngoài việc thừa nhận sức mạnh mới của đồng nhân dân tệ. Giữa tháng 1-2018, nhà lãnh đạo đối lập của Maldives hiện lưu vong ở nước ngoài Mohamed Nasheed cáo buộc Trung Quốc thâu tóm đất đai có hệ thống ở quần đảo chỉ rộng gần 300km2 này, điều “đe dọa chủ quyền của chúng tôi”.Nasheed nói các nhóm Trung Quốc khác nhau đã thuê ít nhất 16 đảo nhỏ trong 1.192 đảo san hô tạo nên quần đảo Maldives và đang xây các cảng biển và cơ sở hạ tầng ở đó.Là tổng thống được bầu dân chủ đầu tiên của Maldives, ông Nasheed, nắm quyền từ năm 2008-2012, hiện tị nạn chính trị ở Anh, nói với báo Sri Lanka The Island trong chuyến thăm nước này tháng 1 vừa rồi: “Đây là chủ nghĩa thực dân và chúng ta không được phép để điều đó xảy ra. Chúng tôi muốn các nước khác trong vùng cùng lên tiếng. Chúng tôi không chống lại nước nào, không chống lại đầu tư, nhưng chống lại sự xâm hại về chủ quyền”.Ông Nasheed cho biết 80% nợ nước ngoài của Maldives hiện do Trung Quốc nắm giữ và việc nước này phải cho thuê hoặc bán thêm đất là điều tất yếu nếu không thanh toán được các khoản nợ đó.Một người đàn ông Trung Quốc bán đồ điện tử ở Vladivostok. Một số ước tính nói có 300.000-500.000 người Trung Quốc hiện sống ở Nga - Ảnh: scmp.com Tham vọng ở Viễn Đông NgaSự phát triển mạnh mẽ về kinh tế đã giúp Trung Quốc xây dựng quan hệ đối tác đầu tư - thương mại chặt chẽ với nhiều nước thời gian qua, nhưng sự thận trọng, đôi khi là cả khó chịu và giận dữ, từ những đối tác của họ, không phải là quá khó hiểu.Một ví dụ điển hình có lẽ là quan hệ Nga - Trung. Trong cuộc gặp thượng đỉnh giữa năm 2017 để bàn về chương trình Vành đai - Con đường, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình từng nói rằng quan hệ song phương “đang ở thời điểm tốt nhất trong lịch sử”, kèm theo việc công bố mở một quỹ 10 tỉ USD để đầu tư cho các dự án hạ tầng xuyên biên giới.Tuy nhiên, “với tất cả những ồn ào xung quanh quỹ đó, đầu tư của Trung Quốc trong vùng (cũng) là lý do làm tăng căng thẳng” - báo Hong Kong South China Morning Post bình luận trong một bài viết tựa đề “Người Trung Quốc ở Viễn Đông Nga: Một quả bom địa chính trị hẹn giờ?”.Những khoản đầu tư ồ ạt của Trung Quốc luôn đi kèm làn sóng di dân vào vùng Viễn Đông và Siberia vốn cực kỳ thưa thớt của Nga. Không ít nhóm chính trị và truyền thông ở Nga đã lên tiếng về việc này, dù cũng có phần gây thêm kịch tính để thu hút sự chú ý.Một bộ phim với tựa đề gây sốc Trung Quốc - Bạn bè chết chóc đã rất ăn khách trên Internet ngay sau khi ra mắt vào năm 2015. Bộ phim phân tích rằng các xe tăng của Trung Quốc có thể tới trung tâm thành phố Khabarovsk của Nga chỉ trong 30 phút. Khabarovsk, cách biên giới Trung Quốc 30km, là thành phố lớn thứ hai của Nga ở Viễn Đông sau Vladivostok.Dân số và GDP của Trung Quốc hiện đều gấp khoảng 10 lần Nga và vùng Viễn Đông Nga, bao gồm 7 tỉnh, chỉ có vỏn vẹn không tới 6 triệu người, với mật độ trung bình 1 người/1km2, trong khi các tỉnh đông bắc là vùng vào loại đông dân và phát triển lâu đời nhất của Trung Quốc. Các lĩnh vực phát triển mạnh nhất của Trung Quốc ở Viễn Đông và Siberia hiện là nông nghiệp và khai khoáng.Nông dân nước này tràn sang Nga với số lượng lớn, theo các vùng đất mua được, để trồng bắp (ngô), đậu nành, các loại rau củ, trái cây và nuôi heo (lợn). Nga hiện cho thuê đất, thường là diện tích hàng trăm nghìn hecta, với giá rất rẻ rúng.Một thỏa thuận ký cuối năm 2017 chẳng hạn, cho một công ty Trung Quốc thuê 150.000ha đất nông nghiệp ở vùng Trans-Baikal thuộc Đông Siberia trong 49 năm với giá tượng trưng 5 USD/ha. Gần như toàn bộ đất rừng của Nga ở vùng gần biên giới với Trung Quốc đã được cho thuê để khai thác gỗ.Canh tác nông nghiệp quy mô lớn nhanh chóng gây ô nhiễm và thoái hóa nguồn đất, nước và không khí trong vùng bởi lượng hóa chất sử dụng quá lớn. Đáng nói hơn, Trung Quốc khéo léo khiến các thỏa thuận nghe có vẻ có đi có lại. Năm 2009, họ ký với Nga chương trình hợp tác biên giới dài hạn với 205 dự án then chốt: 94 ở Nga và 111 ở Trung Quốc.Trong khi Trung Quốc đã rầm rộ triển khai các dự án ở Nga (khai thác quặng kim loại, sản xuất ximăng, hiện đại hóa hệ thống hải quan biên giới...), Matxcơva, còn quá nhiều bận tâm bên phần tây đất nước và không có đủ nguồn lực, đã bỏ lửng hoàn toàn việc triển khai dự án của họ ở Trung Quốc.Năm 2014, Nga cũng đã thông qua luật “đặc khu” đầy tranh cãi. Luật các vùng phát triển ưu tiên (TAD) cho phép những khu vực kinh tế đặc biệt được miễn nhiều loại thuế và các lợi ích khác, như giảm mức phí khai thác khoáng sản, không cần xin phép cho lao động nước ngoài, thời hạn thuê đất 70 năm (và nhà nước có quyền cưỡng chế đất của dân) - có thể được gia hạn - thông qua một ủy ban do chính quyền chỉ định...Công trình đường trên cao nối thành phố Hắc Hà (Hắc Long Giang), Trung Quốc với thành phố Blagoveshchensk, Nga. Tuyến đường 19,9 km này do Trung Quốc đầu tư và dự kiến khánh thành vào tháng 10-2019 - Ảnh: Tân Hoa xã Kế hoạch dài hơi Trung ÁGiống như ở Viễn Đông, ở Trung Á, các kế hoạch của Trung Quốc đều quy mô, dài hơi và có tính toán trước. Một chủ đề sẽ luôn gây sóng gió ở Kazakhstan, Kyrgyzstan và Tajikistan là đất đai và Trung Quốc. Từ cuối tháng 4-1996, Trung Quốc, Nga, Kazakhstan, Kyrgyzstan, và Tajikistan đã gặp nhau ở Thượng Hải để ký thỏa thuận rút quân khỏi vùng biên giới Trung Quốc - Nga - Trung Á. Đó cũng là cơ sở để 5 năm sau Tổ chức hợp tác Thượng Hải (SCO), có bổ sung thêm Uzbekistan, ra đời.Nhiều nhà phân tích ở Trung Á chỉ ra rằng SCO trở thành công cụ để Trung Quốc tiến vào Trung Á về mặt kinh tế, bởi họ nay đã là đối tác thương mại lớn nhất với cả 5 nước cộng hòa Trung Á. Thỏa thuận 1996 hủy bỏ đường biên giới Xô - Trung cũ để mở ra những thương lượng mới.Tới đầu năm 1999, Kazakhstan đã nhượng gần một nửa trong 34.000km2 đất ở vùng lãnh thổ tranh chấp cho Trung Quốc. Truyền thông nhà nước Kazakhstan nhấn mạnh việc họ nhận “56,9% diện tích” đất trong thỏa thuận, nhưng những người chỉ trích nói 43,1% kia trước đó cũng là của Kazakhstan. Tương tự, thỏa thuận của Kyrgyzstan nhượng 1.250km2 đất cho Trung Quốc được ký cùng năm. Năm 2002, tới lượt Tajikistan công nhận sẽ nhượng 1.122km2 ở vùng biên giới.Không dừng lại ở đó, cuối năm 2009, Tổng thống Kazakhstan Nursultan Nazarbaev nói Trung Quốc đã yêu cầu được thuê 1 triệu ha đất của nước này. Tình hình gây căng thẳng trong dư luận tới mức năm 2016, khi Kazakhstan lần đầu thông qua luật cho phép sở hữu tư nhân với đất đai, họ phải quy định các pháp nhân nước ngoài chỉ được thuê đất với thời hạn tối đa là 25 năm.Bắc Kinh thậm chí không giấu giếm những ý đồ của họ ở vùng này. “Trung Á là miếng bánh lớn nhất mà trời ban cho Trung Quốc hiện đại” - thượng tướng về hưu của Quân Giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA) Liu Yazhou (Lưu Á Châu) từng nói như thế về vùng đất này.Những con số nói lên nhiều điều: 1/4 sản lượng dầu của Kazakhstan được bán cho Trung Quốc và Bắc Kinh đã xây một đường ống dẫn khí đốt sang Trung Quốc từ Turkmenistan. Ở Tajikistan, mỏ vàng lớn nhất thuộc một công ty Trung Quốc và 36% tổng nợ quốc gia của nước này, tương đương 700 triệu USD, do Bắc Kinh nắm giữ.■Malaysia: tranh cãi vì dự án của Trung QuốcTrong cuộc bầu cử vừa rồi ở Malaysia, một trong những lập luận quan trọng mà Thủ tướng đắc cử Mahathir Mohamad dùng để chống lại người bị ông đánh bại Najib Razak là ông Najib quá thân Trung Quốc.“Họ tới đây, mua đất, xây nên những thị trấn tráng lệ, chẳng ích gì cho chúng ta - nhà lãnh đạo 92 tuổi nói trong một cuộc phỏng vấn với Reuters - Chắc chắn là chúng tôi sẽ xem lại”. Những phản đối nhắm vào việc hàng nghìn công nhân Trung Quốc đã hiện diện ở Malaysia, cùng trang thiết bị và nguyên vật liệu được đưa sang từ đại lục, trong khi các công ty địa phương không có mấy cơ hội.Lấy ví dụ, dự án bất động sản 100 tỉ USD của nhà đầu tư Trung Quốc Country Garden - một dự án lấn biển cực kỳ tham vọng - ở đặc khu kinh tế Iskandar thuộc bang Johor, không mang lại mấy lợi ích cho dân địa phương mà chỉ gây ra sốt đất, tác động tiêu cực tới môi trường và nghề cá truyền thống. 70% những người mua nhà ở dự án cũng là người Trung Quốc. Tags: Mua đấtThuê đấtBành trướngTrung Quốc mua đất
200 y bác sĩ ở TP.HCM xuyên đêm ghép tạng cứu 4 người TTXVN 26/01/2025 Những ngày cận Tết bận rộn, hơn 200 y bác sĩ của Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM đã chạy đua lấy và ghép tạng cho 4 bệnh nhân từ một người hiến chết não.
VietinBank rao bán những khoản nợ xấu 'lạ lùng' BÌNH KHÁNH 26/01/2025 Cuối năm, VietinBank bỗng rao bán nhiều khoản nợ “lạ”. Một khách hàng của VietinBank vay tiêu dùng với giá trị ghi nợ gồm cả gốc, lãi, lãi phạt hơn 260.000 đồng nhưng không thanh toán, để trở thành nợ xấu.
Vụ sầu riêng gặp khó xuất khẩu sang Trung Quốc: Tuyệt đối không sử dụng vàng O để sơ chế CHÍ TUỆ 26/01/2025 Dù có 7 trung tâm xét nghiệm chất vàng O được Trung Quốc công nhận nhưng để xuất khẩu sầu riêng được thuận lợi thì các doanh nghiệp tuyệt đối không sử dụng chất vàng O để sơ chế, đóng gói.
Vụ nam thanh niên hít xà đơn trên metro số 1: Công ty Đường sắt đô thị đề nghị công an vào cuộc CHÂU TUẤN 26/01/2025 Những ngày qua mạng xã hội lan truyền clip ghi lại cảnh một nam thanh niên hít xà đơn phản cảm trên chuyến tàu metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên. Ngày 26-1, công ty vận hành đề nghị công an vào cuộc.