TTCT - Cảm giác hòa hoãn sau chuyến công du Trung Quốc mới đây của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe - được ghi nhận là lần đầu tiên của một thủ tướng Nhật từ 7 năm qua - dễ dẫn đến câu hỏi: Liệu sẽ có “bẻ lái”? Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe (trái) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ảnh: Asian Nikkei Review Ghi nhận của tờ Washington Post ngày 26-10 phản ánh góc nhìn từ một trong các “bên thứ ba” về diễn biến mới của quan hệ song phương này: “Các nhà lãnh đạo Trung Quốc và Nhật Bản tuyên bố sẽ mở ra một chương mới trong quan hệ thường xuyên của họ và củng cố quan hệ tài chính và thương mại giữa hai nền kinh tế. Cam kết, kèm theo các thỏa thuận trị giá hàng tỉ USD, diễn ra vào lúc Trung Quốc đang chìm trong cuộc chiến thương mại với Hoa Kỳ, nền kinh tế lớn nhất thế giới và đồng minh an ninh quan trọng nhất của Nhật Bản”. Một tờ báo Mỹ khác, chuyên san ngoại giao The Dilplomat, nhấn mạnh chi tiết: “Giữa căng thẳng Mỹ - Trung, Tập và Abe gặp nhau tại Bắc Kinh”. Tờ The Straits Times của một bên thứ ba khác là Singapore ngay trong ngày hôm đó chạy tít: “Trung Quốc, Nhật Bản siết chặt quan hệ ở thời điểm bước ngoặt lịch sử”. Mọi ánh mắt dõi theo Có lẽ tờ The Australian của Úc, một bên thứ ba nữa, là thẳng thắn nhất về sự kiện đó. Tờ báo viết hôm 22-10, bốn ngày trước khi ông Abe tới Bắc Kinh: “Chuyến thăm Trung Quốc của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tuần này sẽ được Úc theo dõi kỹ. Chuyến thăm đầu tiên tới Trung Quốc của Thủ tướng Nhật Bản trong 7 năm qua sẽ là một thử nghiệm với quan hệ Nhật - Trung về các vấn đề như biển Hoa Đông và biển Hoa Nam (tức Biển Đông của Việt Nam), vừa thúc đẩy quan hệ giữa hai nước liên quan đến sự gia tăng chủ nghĩa bảo hộ dưới thời Donald Trump. Cũng sẽ được theo dõi chặt chẽ là cách tiếp cận của ông Abe đối với sáng kiến cơ sở hạ tầng “Vành đai và con đường” của ông Tập Cận Bình, vốn có thể ảnh hưởng đến Úc”. Có thể thấy, qua phản ánh của tờ The Australian, một phần ưu tư của Úc, tuy về mặt địa lý không gần các biển Hoa Đông hay Biển Đông hay không nằm trong “Vành đai và con đường”, là họ không thể “ở ngoài” bất cứ diễn biến hung cát nào ở hai vùng biển và dự án đó. Úc và Nhật Bản cũng là đối tác tin cậy, qua khuôn khổ an ninh “Bộ tứ” (The Quad, tức Quadrilateral Security Dialogue: Đối thoại an ninh bốn bên, bao gồm Ấn Độ, Mỹ, Nhật và Úc, bắt đầu từ năm 2007, nhưng kết thúc năm 2010). The Australian không giấu giếm những quan ngại trước khả năng ông Abe sẽ “đu dây” từ đây: “Trong năm qua, ông Abe đã chuyển sang cải thiện quan hệ với Trung Quốc, nhưng động thái của ông nhằm khôi phục cuộc đối thoại an ninh bốn bên, một mối quan hệ không chính thức với Úc, Mỹ và Ấn Độ, về các vấn đề an ninh khu vực, đã khiến Trung Quốc tức giận”. Sở dĩ tờ The Australian nêu vấn đề trên là do từ năm 2007, nước Úc đã cảm thấy an toàn trong điều gọi The Quad, một sáng kiến của chính ông Abe khi ông này lần đầu tiên giữ chức thủ tướng. Lúc đó, ông Abe đã gợi ý đối thoại chiến lược Ấn, Mỹ, Nhật và Úc, kèm theo các cuộc tập trận quy mô lớn mang tên Malabar. Sáng kiến này đã được giới lãnh đạo các nước lúc đó (phó tổng thống Mỹ Dick Cheney, thủ tướng Úc John Howard và thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh) đáp ứng. Tất nhiên, Bắc Kinh phản đối. Bất ngờ xảy ra dưới thời thủ tướng Úc Kevin Rudd: ông rút nước Úc khỏi The Quad vào năm 2010 và mãi đến năm 2017, việc tái khởi động mới được nhắc lại dưới trào thủ tướng Malcolm Turnbull (từ chức hôm 31-8 vừa qua). Đương nhiên, nước Úc của tân Thủ tướng Scott Morrison muốn biết ý định của ông Abe và những gì ông “thu hoạch” được ở Bắc Kinh, nhất là sau cuộc gặp 2+2 lần thứ 7 giữa các bộ trưởng ngoại giao và quốc phòng Úc và Nhật mới hôm 10-10 vừa qua tại Sydney. Sau cuộc gặp, các bộ trưởng đã “tái khẳng định cam kết tăng cường hơn nữa quan hệ đối tác chiến lược đặc biệt giữa hai nước, được thành lập dựa trên các lợi ích chiến lược và các giá trị chung...”. Tương tự là chuyến thăm Nhật Bản tháng 1-2018 của ông Turnbull. Báo chí Nhật Bản, sau cuộc gặp 2+2 vào giữa tháng 10, còn giật tít: “Nhật Bản, Úc thắt chặt quan hệ quốc phòng khi lo ngại về Trung Quốc gia tăng”. Thành ra, nay nước Úc có “theo dõi chặt chẽ” - từ ngữ của tờ The Australian - các diễn biến quan hệ Trung - Nhật cũng là dễ hiểu. Góc nhìn Ấn Độ Từ bán đảo Nam Á bên bờ Ấn Độ Dương, một trong hai thành tố của sáng kiến Ấn Độ - Thái Bình Dương của ông Abe, một bên thứ ba khác là Pakistan cũng đang quan sát không giấu giếm. Tờ Pakistan Today 2-11 chạy một tựa có thể xem là “chọc giận” Ấn Độ: “Trung Quốc và Nhật Bản xích lại gần nhau hơn”. Thỏa thuận hoán đổi tiền tệ giữa Trung Quốc và Nhật Bản được tờ báo Pakistan - bạn vàng của Trung Quốc ở khu vực Nam Á - đặc biệt chú trọng: “Đây sẽ là động thái cần thiết để đảm bảo thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất châu Á vẫn nguyên vẹn; và rõ ràng là một bước tiến đáng kể để làm xói mòn cơ chế đồng tiền dự trữ của đồng USD trong hệ thống tài chính toàn cầu. Trong trường hợp có bất kỳ khủng hoảng tài chính nào, cả hai nước cũng có thể hoán đổi tiền tệ của nhau. Đây là một thông điệp tuyệt vời gửi đến nỗ lực phản-thương mại chống Trung Quốc của Trump. Nhật Bản hiện là đối tác thương mại lớn thứ tư của Trung Quốc, sau Hoa Kỳ, EU và ASEAN, trong khi Trung Quốc là đối tác thương mại hàng đầu của Nhật Bản. Thương mại song phương tăng 10,1% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 302,99 tỉ USD trong năm 2017”. Thế nhưng, phía Ấn Độ vẫn bình thản. Nhật báo The Hindu của Ấn Độ trích phát biểu của Bộ trưởng Ngoại giao Vijay Gokhale: “Ấn Độ và Nhật Bản có tầm nhìn chung không chỉ về quan hệ song phương, mà trên bình diện khu vực và toàn cầu, bao gồm cả Ấn Độ - Thái Bình Dương... Ấn Độ hoan nghênh sự cải thiện trong quan hệ giữa Trung Quốc và Nhật Bản, bởi tầm nhìn Ấn Độ - Thái Bình Dương bao gồm và nỗ lực đưa mọi quốc gia lên trên con tàu chung, điều Thủ tướng Modi từng khẳng định”. Không khó hiểu tại sao Ấn Độ tỏ ra bình thản. Thủ tướng Abe kết thúc công du Trung Quốc hôm 27-10, thì ngay hôm sau ông đón Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi ở Tokyo, với ý tứ thật rõ ràng. Nhật báo Mint của Ấn Độ hôm 29-10 viết: “Ấn Độ và Nhật Bản sẽ tăng cường quan hệ quốc phòng. Sau các diễn tập chung lục quân, hải quân và không quân, hai nước đang tính đến việc cho phép hải quân hai bên sử dụng các căn cứ của nhau”; và “cả Ấn Độ và Nhật Bản đã bắt đầu có những động thái nhằm cân chỉnh lại quan hệ với Trung Quốc trước những bất ổn toàn cầu, do các động thái không thể đoán trước của Tổng thống Donald Trump như trừng phạt thương mại cả bạn bè (như Nhật Bản) lẫn địch thủ (như Trung Quốc). Tuy nhiên, cả hai nước đều thận trọng về Bắc Kinh, do lập trường cứng rắn của Bắc Kinh trong khu vực”. Tiếng nói trong cuộc Trên đây là vài ý kiến của những bên thứ ba. Thế còn người trong cuộc? Tựa đề nhật báo Japan Times 26-10 tóm tắt cuộc gặp thượng đỉnh: “Abe và Tập đồng ý thúc đẩy hợp tác kinh tế mới trong bối cảnh lo sợ chiến tranh thương mại của Mỹ”. Đợi đến tận 23h41 cùng ngày, Tân Hoa xã mới thận trọng chính thức chạy tít: “Tập gặp Thủ tướng Nhật Bản, kêu gọi nỗ lực trân trọng động lực tích cực trong mối quan hệ”. Hôm sau 27-10, tờ Japan Times còn đặt câu hỏi và tự trả lời: “Liệu Nhật Bản có thể tách khỏi Mỹ và chuyển sang Trung Quốc? Không có khả năng đó, các nguồn chính phủ và chuyên gia nói”. Bài báo nhập đề bằng khẳng định: “Trong cuộc chiến thương mại kéo dài nhiều tháng, chuyến thăm Trung Quốc của Thủ tướng Shinzo Abe... đã làm nổi bật mối quan hệ song phương, nhưng điều đó không có nghĩa là Tokyo sắp rời Washington và hướng tới Bắc Kinh”. Tám ngày sau, trên trang web của tờ Japan Times sáng 5-11, bài đăng ở vị trí số 1 vẫn là bài đề ngày 4-11: “Nhật Bản và Hoa Kỳ lên kế hoạch phản ứng phối hợp lực lượng vũ trang trước các đe dọa của Trung Quốc với quần đảo Senkaku, nguồn tin chính phủ cho biết. Tokyo và Washington đang thảo luận cách ứng phó trong trường hợp khẩn cấp trên vùng trời hoặc xung quanh các đảo không người trên Đông Hải”. Chẳng có gì là lạ. Thông báo ngoại giao nào cũng có điệp khúc “nâng quan hệ hai nước lên tầm cao mới”. Vấn đề là từ điểm xuất phát nào? Nếu từ con số không hoặc âm, thì lên trên ngọn cỏ... cũng là “lên tầm cao mới”. Còn nếu từ con số bạc ngàn, bạc muôn, lại là chuyện khác.■ Đồng tiền đi trước Trong chuyến thăm của ông Abe, Trung Quốc và Nhật Bản đã ký một thỏa thuận hoán đổi tiền tệ trị giá 29 tỉ USD. Theo đó, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc và Ngân hàng Nhật Bản sẽ có thể trao đổi trực tiếp cho nhau bằng tiền tệ của hai nước với trị giá lên tới 3,4 nghìn tỉ yen hoặc 200 tỉ nhân dân tệ trong 3 năm sắp tới. Trong khi khoản tiền đó là không đáng kể so với nền kinh tế cả hai nước, nó là một dấu hiệu quan trọng về sự cải thiện quan hệ giữa hai nước. Tuy nhiên, mức độ ưu tiên quan hệ đã được làm rõ khi chỉ 2 ngày sau đó, ông Abe ký với Thủ tướng Ấn Độ Modi một thỏa thuận tương tự trị giá hơn gấp đôi, 75 tỉ USD. Thỏa thuận này thay thế cho thỏa thuận trị giá 50 tỉ USD trước đó vừa hết hạn, trong khi thỏa thuận hoán đổi tiền tệ Trung - Nhật trước thỏa thuận vừa rồi hết hạn đã được 5 năm, nhưng không được gia hạn vì quan hệ xấu đi giữa hai nước. Tags: Thủ tướng NhậtTrung NhậtQuan hệ Trung Nhật
Khách đông kín sân bay Tân Sơn Nhất, đứng nằm ngồi vật vã, xếp hàng dài vô tận CÔNG TRUNG 24/01/2025 Chen chúc, nhích từng chút để chờ làm thủ tục tại sân bay Tân Sơn Nhất. Bên trong nhà ga khan ghế ngồi, khách nằm vật vạ dưới đất để chờ hãng thông báo giờ bay mới sau nhiều giờ chậm chuyến (delay).
Vợ nam shipper xấu số ở Đà Nẵng: Quẫn trí, suy sụp nhưng muốn cám ơn cả xã hội đã quan tâm THÁI BÁ DŨNG 25/01/2025 Vợ nam shipper xấu số ở Đà Nẵng nói tới thời điểm này, cả gia đình vẫn không ai tưởng tượng lại được quan tâm, giúp đỡ và chia sẻ như vậy.
Nguyên bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Quốc Triệu qua đời chiều 24-1 HỒNG HÀ 24/01/2025 Thông tin từ Bộ Y tế cho hay nguyên bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Quốc Triệu đã qua đời lúc hơn 17h chiều 24-1 tại Hà Nội.
Ùn ứ trên quốc lộ 1, xe cộ nhích từng chút thành vệt sáng dài giữa đêm NGUYỄN HOÀNG 24/01/2025 Khuya 24-1, tuyến quốc lộ 1 (đoạn qua thị xã Ninh Hòa, Khánh Hòa) ùn ứ kéo dài, xe cộ khó khăn nhích từng chút một.