TTCT - Hai tỉnh hạ nguồn sông Tiền là Bến Tre và Tiền Giang dự kiến đầu tư gần 1.000 tỉ đồng để làm hồ chứa nước ngọt nhằm phục vụ sinh hoạt, sản xuất trong mùa khô. Hồ chứa nước ngọt Ba Tri, tỉnh Bến Tre đã đưa vào sử dụng, hiện đang làm hàng rào bảo vệ xung quanh hồ. Ảnh: Mậu Trường Những ngày đầu tháng 11 chúng tôi trở lại huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre - một trong những vùng bị thiệt hại nặng nề nhất trong đợt hạn mặn lịch sử 2015-2016, người dân nơi đây vẫn còn phập phồng lo nước mặn xâm nhập. Bởi đây là 1 trong 3 huyện giáp biển của tỉnh Bến Tre, thu nhập chính vẫn từ cây lúa, cây ăn trái và chăn nuôi nên nguồn nước ngọt vô cùng quan trọng. Nhiều người dân Tiền Giang mang mẫu nước để cơ quan chức năng đo độ mặn trước khi tưới cho cây trồng vào năm 2016. Ảnh: Mậu Trường 50.000-70.000 đồng/m3 nước ngọt Tại cánh đồng lúa thuộc xã Tân Xuân, huyện Ba Tri, ông Nguyễn Văn Bình, 58 tuổi, cho biết cách đây hai năm toàn bộ gần 20 công lúa (20.000m2) của gia đình ông bị mất trắng do bị nước mặn xâm nhập. “Đúng dịp Tết Nguyên đán 2016, nước mặn xâm nhập các nhánh sông, kênh rồi tràn vào nội đồng khiến cây lúa chết rục ngoài ruộng. Khổ nhất là đàn bò hơn chục con cũng phải bán bớt vì không có rơm cho nó ăn. Cũng may hai năm nay thời tiết thuận lợi nên kinh tế cũng dần phục hồi” - ông Bình vừa đặt máy bơm nước từ kênh dẫn nước lên ruộng lúa của mình vừa nói. Tuy nhiên, để chắc ăn, ngoài diện tích ruộng gieo sạ, ông để dành hơn 1.000m2 để trồng cỏ. “Nếu nước mặn có vào thì bò còn có thức ăn để duy trì, thời tiết bây giờ thất thường lắm, mình phải thủ trước” - ông Bình nói. Gia đình ông Bình không phải là trường hợp cá biệt về mô hình kinh tế khá lạ lẫm ở xứ dừa này: bớt lúa trồng cỏ. Theo thống kê của ngành nông nghiệp Bến Tre, sau đợt hạn mặn 2016 đến nay, toàn tỉnh đã chuyển đổi hơn 7.200ha đất lúa, vườn tạp sang trồng cây khác, trong đó chủ yếu là trồng cỏ nuôi dê, bò và trồng dừa. Không chỉ thiếu nước sản xuất, ngay cả nước sinh hoạt của người dân Bến Tre nói chung và các huyện ven biển của địa phương này nói riêng cũng là vấn đề nan giải trong nhiều năm qua. Phần lớn người dân ở vùng này phải dự trữ nước mưa để dùng vào mùa khô. Khi hết, họ phải thuê máy cày kéo nước từng thùng về sử dụng dè sẻn vì vào mùa khô, nhà máy nước ở đây không có nguồn nước ngọt thô để xử lý. Ông Nguyễn Văn Thanh (xã An Đức, huyện Ba Tri) cho biết nước sinh hoạt có thời điểm phải mua với giá 50.000-70.000 đồng/m3. “Những tháng mùa mưa còn đỡ, đến mùa khô, bình quân mỗi tháng tiền mua nước ngọt cho cả gia đình tốn gần 1 triệu đồng”. Tại Tiền Giang, các huyện giáp biển như Gò Công Đông, Gò Công Tây, đặc biệt là huyện cù lao Tân Phú Đông, chuyện thiếu nước vào mùa khô vẫn là nỗi ám ảnh của người dân. Sau khi trải qua đợt hạn mặn lịch sử 2015-2016, UBND tỉnh Tiền Giang đã chú trọng đến việc tích trữ và cung cấp nước ngọt cho người dân vùng giáp biển này. Tuy nhiên, nước ngọt trong vùng ngọt hóa vẫn cạn kiệt khi nước mặn xâm nhập sâu. Còn với người dân ở huyện cù lao Tân Phú Đông, dù có tuyến ống dẫn nước ngọt băng sông Tiền cung cấp nước sinh hoạt nhưng chỉ đáp ứng khoảng một nửa nhu cầu. Vị trí đắp đập hồ Cửa Trung. Nguồn: Chi cục Thủy lợi và phòng chống lụt bão tỉnh Tiền Giang Ngăn sông trữ nước ngọt Ông Bùi Minh Tuấn, trưởng Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Bến Tre (đại diện chủ đầu tư), cho biết công trình hồ chứa nước ngọt huyện Ba Tri tận dụng Kênh Lấp để trữ nước ngọt phục vụ sinh hoạt, nông nghiệp cho người dân đã hoàn thành giai đoạn 1 và đã có thể dự trữ nước. Công trình này hoạt động theo nguyên tắc vận hành một cống lấy nước và cống xả nước. “Mùa khô sắp đến, chúng tôi sẽ mở cửa cống để nước ngọt từ ngoài sông vào hồ sau đó khóa hai đầu lại. Khi cần tháo nước ra thì có cửa xả làm nhiệm vụ đó” - ông Tuấn nói. Dự án rộng 60ha được nạo vét khoảng 300.000m3 bùn với tổng vốn đầu tư gần 70 tỉ đồng, trong đó ngân sách trung ương hỗ trợ trên 56 tỉ đồng, ngân sách tỉnh Đồng Nai hỗ trợ 10 tỉ đồng, còn lại huy động từ các nguồn hợp pháp khác. Khi hoàn thành, hồ sẽ chứa gần 1 triệu m3 nước ngọt thô, phục vụ sinh hoạt cho hơn 200.000 dân, 100.000 gia súc, 200 cơ sở tiểu thủ công nghiệp, các trụ sở văn phòng, trường học... tại 24 xã, thị trấn trên địa bàn huyện Ba Tri và các vùng phụ cận trong mùa khô. Trong khi đó, tại tỉnh Tiền Giang, theo ông Nguyễn Thiện Pháp - chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi và phòng chống lụt bão tỉnh Tiền Giang, ngoài vùng ngọt hóa Gò Công có thể tận dụng các kênh, rạch để trữ nước, tỉnh đã có nghiên cứu khả thi về dự án “Đắp đập hai đầu sông Cửa Trung để tạo thành hồ chứa nước”. Cửa Trung là một nhánh sông nằm giữa Cửa Đại và Cửa Tiểu của sông Tiền (thuộc tỉnh Tiền Giang). Hồ Cửa Trung được tạo nên bằng chính tuyến đê cửa sông với chiều dài hồ chứa khoảng 14,5km, được kỳ vọng “Sẽ đảm bảo cung cấp đủ lượng nước ngọt cho nhu cầu sản xuất và sinh hoạt của 44 ngàn hộ dân huyện Tân Phú Đông trong bất cứ điều kiện nào” - ông Pháp nói. Dự án này có tổng vốn hơn 895 tỉ đồng, hiện đã được nghiên cứu sơ bộ và đề xuất lên Bộ NN&PTNT. Cuộc chiến giữ nước ngọt ở Tiền Giang vẫn còn tiếp diễn. Trước đó, Tiền Giang đã phải đầu tư gần 25 tỉ đồng thi công nạo vét, mở rộng 92 tuyến kênh mương nội đồng có tổng chiều dài trên 135km nhằm bảo đảm nguồn nước tưới tiêu, chống hạn phục vụ gần 30.000ha đất canh tác thuộc các huyện duyên hải Gò Công. Những góc nhìn cần lưu ý Theo TS Dương Văn Ni (khoa môi trường và tài nguyên thiên nhiên, ĐH Cần Thơ), dạng hồ trữ nước nổi trên mặt đất, thông qua tận dụng hệ thống sông rạch sẵn có là cách mới, chưa nơi nào làm ở ĐBSCL. Nhưng chặn dòng trữ nước này như vậy cần lưu ý ba vấn đề. Thứ nhất, cần xem nguồn nước đổ vô đoạn kênh, sông được chặn lại là từ đâu, có nước thải công nghiệp, nước sinh hoạt, trại chăn nuôi hay khu nuôi trồng thủy sản thâm canh, khu sản xuất… không nhằm ngăn ngừa khả năng nguồn nước trữ bị ô nhiễm. Thứ hai, cần xem xét kỹ địa chất mà con sông, kênh đi ngang khu trữ nước đó có tầng cát không, vì ĐBSCL có đặc điểm là cát xen kẽ lớp đất, nếu có tầng cát đi ngang mặt cắt con sông, nước mặn bên ngoài dâng cao vẫn thấm vào gây mặn và thoát ra theo tầng cát khi mực nước bên ngoài hạ thấp. Thứ ba, cần xem xét kỹ lưu lượng giao thông đoạn sông, rạch được chặn lại, nếu giao thông thủy là chủ lực vào đúng mùa và thời gian cần trữ nước, việc chặn dòng sẽ gây cản trở giao thông. “Tôi lo ngại nhất là các nguồn thải, bởi kênh rạch ở ĐBSCL là nơi gom nguồn thải từ vùng sản xuất đi ra, dư lượng phân bón, thuốc trừ sâu nhiều. Nếu không cẩn trọng, dư lượng đó sẽ thấm dần trong đất, biến đoạn sông, rạch bị chặn lại để tích trữ nước thành nơi ô nhiễm lâu dài, khó khắc phục. Ô nhiễm bị tích lũy trong đất quá nhiều còn giết chết động vật đáy, động vật phù du, sinh thái nơi đó. Vì vậy giải pháp này cần có sự đánh giá, cân nhắc kỹ lưỡng” - ông Ni cảnh báo. ■ Tags: Trữ nước ngọtNgăn sông trữ nướcNgăn sông làm hồ
Chủ tịch nước truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân cho 8 cá nhân THÀNH CHUNG 24/01/2025 Chủ tịch nước Lương Cường đã ký quyết định truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân cho 8 cá nhân.
Đón Tết trong nhà mới ở khu tái định cư CẨM NƯƠNG 24/01/2025 Những hộ dân từng di dời nhà nhường chỗ cho các dự án lớn tại TP.HCM đang hân hoan niềm vui đón cái Tết đầu tiên tại khu tái định cư.
Thông tin mới về yêu cầu sắp xếp, tinh gọn bộ máy cấp tỉnh, huyện THÀNH CHUNG 24/01/2025 Việc công bố các quyết định liên quan đến sắp xếp, tinh gọn bộ máy cấp tỉnh, huyện sẽ được thực hiện từ ngày 18 đến 20-2-2025.
TikToker Nam 'Birthday' nhận sai: 'Tôi đã say rượu. Xin khoan hồng cho tôi' HỒNG QUANG 24/01/2025 Bùi Phương Nam cho rằng do đã say rượu, mất kiểm soát, không làm chủ được bản thân nên có hành động sai trái.