TTCT - Loại sâm quý hiếm này được người Cơ Tu ở Quảng Nam tìm ra cách di thực và nhân giống trong vườn nhà như một loại cây trồng có giá trị kinh tế cao, giúp bảo tồn nguồn gen ba kích trước nạn săn lùng diễn ra ngay sau khi chúng được tìm thấy tại địa phương. Phóng to Đặc điểm chính để nhận ra sâm ba kích, theo ông Briu Pố, là đọt non có màu tím nhạt. Củ sâm ba kích khi ngâm với rượu trắng cũng sẽ ra màu tím nhạt (sâm ba kích giả khi ngâm rượu trắng sẽ ra màu khác) - Ảnh: Huỳnh Văn Mỹ Xã Lăng nằm ở vùng trung tâm của các xã vùng biên Việt - Lào của huyện Tây Giang, kề dưới các xã Tr’hy, A Xan, Ga Ry, Ch’ơm - được quen gọi với cái tên K (khu) 7 - là vùng đất có nhiều đẳng sâm vốn được nhiều người quen gọi là sâm K7. Với những hệ núi cao trên 1.000m vây quanh, độ che phủ của rừng còn giữ được khá cao, ngoài cây sâm K7, rừng ở xã Lăng là nơi cây sâm ba kích được phát hiện năm 2006. Vùng sâm trồng chung Từ làng (thôn) Pơrning, chỉ đi hơn mươi lăm phút là đến điểm trồng sâm ba kích chung của làng. Giữ lại những vùng rừng già ở bên trên, cư dân Pơrning đã biến những vùng rừng gần làng thành rừng sản xuất cùng với rẫy nương và một ít ruộng lúa nước. Bởi vậy đất trồng sâm ba kích của Pơrning cũng là đất rẫy, không có cây lớn, chỉ những chồi cây nhỏ và cỏ dại. “Lúc này dân mình đang bận gieo tỉa nên chưa làm cỏ cho vườn sâm. Đất rừng ở đây có độ ẩm cao nên cỏ mau lên lắm, bà con mới làm cỏ cho rẫy sâm hồi cuối năm 2011 mà nay cỏ đã lên tốt vậy đó. Phải chừng một tháng nữa bà con mới có thể tập trung làm cỏ cho vườn sâm này được” - phó trưởng thôn Pơrning Cơlâu Chơn giải thích trong lúc đưa tay vén lùm dây ba kích bò trên cỏ và leo bám cả vào thân cây sắn. Anh Chơn cho biết vì cây sâm ba kích là loại dây leo, thích bóng râm nên dân làng đã cho trồng xen lác đác cây sắn để tạo bóng che và có chỗ cho cây sâm leo bám. Theo anh Chơn, vùng sâm ba kích rộng 5ha chiếm trọn một quả đồi này được trồng hồi tháng 10-2010 và một số vào năm 2011. Anh Bríu Ghiêm, chủ tịch Hội Nông dân xã Lăng, cho biết: “Số cây ba kích con được trồng trong hai đợt ở đây là 11.000 cây, nhưng số cây sống chỉ đạt chừng 70%. Đất ở đây rất chịu cây ba kích, nếu được chăm sóc kỹ thì cây sống sẽ đạt tỉ lệ cao hơn”. Làng Pơrning có được vườn sâm lớn thế này nhờ Trung tâm Y tế huyện Tây Giang hỗ trợ cây giống cho dân trồng tập thể để sau này mỗi hộ tự rút ra kinh nghiệm trồng riêng cho mình. Qua đánh giá vài điểm trồng sâm ba kích tại xã Lăng, anh Ghiêm tính toán vườn sâm của Pơrning sẽ thu hoạch dần cuối năm 2013. Là loại dây cho củ, sâm ba kích thích hợp chỗ đất nục (đất để pha với đất sét), gốc sâm được vun đầy, có cỏ mục che ủ làm mát đất để củ sâm bên dưới dễ lớn phì. “Ba kích trồng sau hai năm là có thể cho thu hoạch. Tính trung bình cứ ba bụi (gốc) thì được 1kg củ sâm tươi, nhưng cũng có bụi cho đến 1kg hoặc hơn. Nếu để trên hai năm thì lượng củ sẽ nhiều hơn bởi củ sâm sẽ dài thêm, lớn thêm” - anh Ghiêm nói. Củ sâm ba kích ở Tây Giang hiện đang có giá cao, khoảng 400.000-500.000đ/kg củ tươi. Việc trồng sâm ba kích ở xã Lăng - địa phương đầu tiên ở Tây Giang mở ra việc trồng ba kích - gặp khó khăn chính là nguồn cây giống còn rất hạn chế. “Cũng vì thiếu giống nên sau khi thu hoạch vùng sâm trồng chung hồi năm 2010, bà con ở làng Bhalưa của xã Lăng phải bỏ trống rẫy. Làng Bhalưa có vườn sâm như vậy là nhờ Phòng nông nghiệp huyện Tây Giang trích tiền mua cây sâm giống giúp bà con” - anh Ghiêm giải thích. Phóng to Phó trưởng thôn (làng) Pơrning Cơlâu Chơn bên gốc sâm ba kích được trồng hồi tháng 10-2010 ở vườn sâm rộng 5ha của làng - Ảnh: Huỳnh Văn Mỹ Trang trại ba kích Nằm tách biệt xóm làng bên một con suối nhỏ, trang trại ba kích của ông Briu Pố là nơi cung cấp cây giống cho các điểm trồng sâm tập thể ở xã Lăng cũng như các địa phương khác. Ông Pố nói: “Mình đang ươm ba lon hạt ba kích để có cây con cho vụ trồng cuối năm nay. Hạt nảy mầm khá đều, chắc được khoảng 15.000 cây. Đây là lần đầu tiên mình nhân giống bằng hạt để bán cho bà con trồng nhờ vườn ba kích của mình giờ đã cho nhiều hạt”. Là người được tiến sĩ Ngô Văn Trại ở Viện Dược liệu trung ương nhờ dẫn đường và cộng tác tìm kiếm các loại cây thuốc ở rừng Tây Giang, rồi tìm ra cây sâm ba kích ở chân núi Can Dơn của xã Lăng hồi năm 2006, ông Pố đã bắt tay vào việc nhân giống sâm ba kích để trồng ở vườn nhà năm 2007. Lo ngại cây sâm quý trong tự nhiên sẽ không còn trước sự săn tìm ráo riết của nhiều người, ông chủ trại ba kích vốn là học sinh miền Nam tốt nghiệp khoa sinh Trường đại học Sư phạm Thái Nguyên năm 1977 đã nhân giống thành công sau khi biết được loại cây thân dây này có thể cắt từng đoạn để trồng. “Sau khi nhân trồng lập nên trang trại ba kích ở khu đồi này, năm 2011 mình cắt dây giâm ra được 20.000 gốc bán cho bà con ở địa phương, còn một ít bán cho các tỉnh Bình Phước, Yên Bái” - ông Pố nói. “Nếu tìm cách nhân trồng ra được thì ba kích sẽ là cây giúp bà con xóa đói giảm nghèo” đúng như lời ông Trại nói với ông Pố khi hai người tìm ra cây sâm ba kích. Sau 3-4 năm trồng, ông Pố đã có nguồn thu đáng kể nơi núi rừng sâu khuất. Với trên 6.000 gốc ba kích được trồng ở trang trại khởi đầu từ năm 2007, chỉ sau hai năm ông đã có củ sâm bán ra: “Từ năm 2009 đến nay, trung bình mỗi năm mình thu được chừng vài trăm ký ba kích tươi. Nhờ có sẵn nguồn cây giống tự ươm nên hễ thu hoạch đến đâu mình trồng lại đến đó, giữ cho trại sâm luôn có được lượng cây ổn định”. Với nguồn thu từ củ và cây giống, ngoài việc làm nhà mới, ông Pố còn dành phần để mở mang trang trại như làm hồ tưới, vườn ươm, sửa sang nhà trại. Nhờ sự chủ động nhân giống của ông mà giờ đây nhiều hộ dân ở các xã thuộc huyện Tây Giang được chính quyền hỗ trợ trồng sâm ba kích trong vườn nhà, trong lúc cây ba kích ngoài rừng vẫn tiếp tục bị săn đào cạn kiệt. “Trong đề án phát triển cây trồng bản địa của huyện Tây Giang vừa được thông qua, ba kích là cây được ưu tiên nhân trồng từ các nguồn kinh phí hỗ trợ có được. Sắp tới huyện sẽ xây dựng vườn ươm ba kích để có nguồn giống cấp phát cho bà con trồng vì đây là cây góp phần xóa đói giảm nghèo có hiệu quả” - ông Nguyễn Văn Phú, trưởng Phòng nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện Tây Giang, khẳng định. Phóng to Củ sâm ba kích đã phơi khô. Gặp chỗ đất tốt, một gốc ba kích sau hai năm trồng có thể cho 1-1,5kg củ tươi - Ảnh: Huỳnh Văn Mỹ Cây sâm ba kích có tên khoa học Morinda officinalis How. Ba kích mọc hoang ven rừng, triền đồi rậm, giữa các bụi bờ, bãi hoang. Theo tài liệu cổ, ba kích có vị cay ngọt, tính hơi âm, có tác dụng ôn thận, trợ dương, mạnh gân cốt, khử phong thấp, dùng chữa phong thấp, gân cốt yếu, lưng, gối mỏi đau. Người âm hư, hỏa thịnh, đại tiện táo bón cấm dùng. Trong nhân dân, ba kích là vị thuốc bổ trí não và tinh khí, chữa di mộng tinh, phụ nữ kinh nguyệt không đều. Gần đây, ở Trung Quốc dùng ba kích trong đơn thuốc “nhị tiên thang” để chữa bệnh cao huyết áp có kết quả. Đặc biệt với phụ nữ bị cao huyết áp ở thời kỳ hết kinh kết quả rất rõ rệt (theo sách Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam của GS.TS Đỗ Tất Lợi, NXB Khoa Học Và Kỹ Thuật, Hà Nội, 1986). Tags: Quảng NamNgười Cơ TuNhân giốngNhà vườnSâm ba kíchDi thực
Xe không vào được bãi rác Đa Phước, nguy cơ rác TP.HCM hôm nay không được xử lý LÊ PHAN 23/01/2025 Tối 23-1, cả trăm xe rác không vào bãi rác Đa Phước được, gây ra ùn ứ kéo dài, nguy cơ rác thải TP.HCM hôm nay không được xử lý.
Bầu bổ sung ông Nguyễn Duy Ngọc vào Bộ Chính trị, làm chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương THÀNH CHUNG 23/01/2025 Ban Chấp hành Trung ương đã bầu bổ sung ông Nguyễn Duy Ngọc giữ chức ủy viên Bộ Chính trị, chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương.
Bầu bổ sung ông Trần Lưu Quang vào Ban Bí thư khóa XIII THÀNH CHUNG 23/01/2025 Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã bầu ông Trần Lưu Quang, ủy viên Trung ương Đảng, trưởng Ban Kinh tế Trung ương, giữ chức ủy viên Ban Bí thư khóa XIII.
Bắt bà 'Đậu Thanh Tâm' vì hành vi kêu gọi, kích động người dân phản đối nghị định 168 DANH TRỌNG 23/01/2025 Bà 'Đậu Thanh Tâm' bị bắt tạm giam với cáo buộc đăng tải một số video clip với thông tin bịa đặt kêu gọi, kích động người dân phản đối nghị định 168.