Trí tuệ nhân tạo có thể làm giáo dục thêm khủng hoảng

TS PHẠM TẤN HOÀNG SƠN 20/03/2023 06:25 GMT+7

TTCT - Một đề xuất về các chương trình hành động AI ở tầm mức quốc gia trong lĩnh vực giáo dục.

Công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) đang tiến vượt trội so với các quy định luật pháp, quy chuẩn đạo đức xã hội, giáo trình học tập và sự hiểu biết của đa số người trên toàn thế giới.

Minh họa do Dall-E-2 của OpenAI thiết kế.

Minh họa do Dall-E-2 của OpenAI thiết kế.

CÁM DỖ, ẢO TƯỞNG VÀ TRIỂN VỌNG

Trong lĩnh vực giáo dục, ý tưởng thay thế một quy trình dài dòng phức tạp bằng một giải pháp công nghệ thông minh là sự cám dỗ rất hấp dẫn đối với các giáo viên, thậm chí còn nhiều lần hấp dẫn hơn đối với những người đang rao bán công nghệ ấy.

Thị trường công nghệ giáo dục (edtech) toàn cầu đã được định giá khoảng 85 tỉ USD vào năm 2021 và được ước tính sẽ đạt hơn 200 tỉ USD vào năm 2027 (theo báo cáo của Infinium Global Research tháng 7- 2021). 

Thị trường này thường được chia theo bốn loại chính: hỗ trợ giảng dạy và học tập (cố định hay di động), tăng cường lớp học thông minh (các thiết bị như máy chiếu, bảng viết tương tác), hỗ trợ quản lý trong giáo dục (tự động hóa tuyển sinh, quản trị hành chính, quản lý đăng ký môn học, quản lý chất lượng dạy và học...) và theo cấp học (đại học, phổ thông, mầm non).

Những tên tuổi chia sẻ phần lớn thị trường này là Blackboard, SAP, Apple, IBM, Alphabet, Cisco, Amazon, Microsoft, SMART Technologies, Dell, 2U, Fujitsu, và Huawei. Ngân sách dành cho công nghệ trong lãnh vực giáo dục ngày càng đắt đỏ, trong khi vòng đời sản phẩm ứng dụng công nghệ ngày càng ngắn lại.

Vì thế, các quốc gia đang phát triển cần có tầm nhìn dài hạn về vị trí của mình trên chuỗi cung ứng công nghệ toàn cầu, trong mối tương quan với nhiều mục tiêu vĩ mô khác. Một điểm cần nhấn mạnh và cũng là điểm cốt yếu để phát triển bền vững của một quốc gia chính là năng lực quản lý vĩ mô về giáo dục. Năng lực này cần được đánh giá trên khả năng đảm bảo được nguồn nhân lực hùng hậu cho ngành sư phạm cùng với khả năng nghiên cứu kiến tạo và ứng dụng tri thức mới cho giáo dục.

Nhiều người cho rằng giáo dục đang trong cuộc khủng hoảng, nhưng nguồn gốc của khủng hoảng đó vẫn là chủ đề gây tranh cãi. 

Một số người cho rằng không có đủ sự thương mại hóa, trong khi những người khác lại đổ lỗi cho những lý do như (i) thiếu kinh phí cho các trường công lập trong nhiều thập niên qua, (ii) ảnh hưởng từ các không gian công cộng bởi logic và ngôn ngữ quá đơn giản của thị trường, (iii) logic của ngành quản trị công mới. 

Dường như giáo dục hiện giờ bị thu hẹp ý nghĩa tới mức chỉ hướng tới việc tốt nghiệp có khả năng làm việc và các hoạt động trí tuệ được giảm xuống thành tư duy hiệu quả kinh tế kèm theo các khẩu hiệu phù phiếm. 

Pierre Bourdieu từng lưu ý rằng lý thuyết thị trường tự do (neoliberalism) trong giáo dục được xác định bởi sự tan biến các ý tưởng về lợi ích công trong xã hội. Nhưng sự thay đổi công nghệ đang diễn ra quá nhanh không đợi chờ cho các cuộc tranh luận như vậy tới hồi ngã ngũ.

Trí tuệ nhân tạo mang lại khả năng tự động hóa, điều này đặc biệt hấp dẫn đối với các tổ chức quan tâm đến tối đa hóa lợi nhuận và cân bằng ngân sách của họ. Nhiều nghiên cứu cho thấy tự động hóa liên quan đến xu hướng ủng hộ chủ doanh nghiệp hơn là người lao động. 

Nói cách khác, có thể dự đoán rằng AI sẽ gia tăng xu hướng giảm số lượng giảng viên chuyên môn cao trong lĩnh vực của họ và thay thế họ bằng các giải pháp tự động hóa. Điều này chỉ đẩy nhanh thêm xu hướng hiện tại đối với các thỏa thuận lao động không ổn định cho giáo viên và giảng viên. Cấu trúc mâu thuẫn của hệ thống được hình thành bởi thị trường và lợi nhuận, tạo ra cuộc khủng hoảng về nhận thức, ý tưởng và giải pháp cho giáo dục ở mọi cấp độ trên toàn thế giới.

 Trớ trêu thay, AI và công nghệ giáo dục trong thực tế không có khả năng đề xuất và xây dựng các giải pháp hiệu quả cho cuộc khủng hoảng hiện tại mà thậm chí còn làm tăng tốc độ của nó.

Việc giảm phụ thuộc vào yếu tố tâm lý và kỹ năng không đồng đều của con người khi tham gia vào quá trình tạo giá trị trong mọi ngành nghề nhờ vào tiến bộ về khoa học công nghệ là mục tiêu chung của các cuộc cách mạng công nghiệp. 

Các kỹ thuật giảng dạy ở từng tình huống của một tiết học, kinh nghiệm đặc biệt của các giáo viên có chuyên môn cao và tâm huyết (mang lại hiệu quả học tập tốt cho từng loại học viên khác nhau, ở các ngữ cảnh giảng dạy khác nhau) ... sẽ được kế thừa tốt hơn với AI.

Trí tuệ nhân tạo có thể làm giáo dục thêm khủng hoảng - Ảnh 2.

SỰ ĐÁNG NGỜ CỦA TRUYỀN THÔNG TIẾP THỊ

Sức mạnh lớn nhất của AI là khả năng lôi cuốn và kích thích chúng ta về trí tưởng tượng xã hội (social imaginary), đặc biệt là tưởng tượng về xã hội kỹ thuật. Đôi khi, các câu chuyện truyền thông đánh giá quá mức về tiến bộ của công nghệ. 

Một ví dụ rõ ràng là về năng lực sáng tạo của trí tuệ nhân tạo đang thổi phồng về các ứng dụng ChatGPT, Dall-E-2... Hay câu chuyện lan truyền bởi thung lũng Silicon cách đây 10 năm rằng giáo dục đang bị hư hại nặng và chỉ công nghệ khóa học trực tuyến đại trà (MOOCs) có thể sửa chữa được.

 Khía cạnh truyền thông đóng vai trò to lớn cho sự thành công rầm rộ của MOOCs về mặt thị trường. Các tên tuổi lớn đăng bài trên The New York Times (Barber, 2013; Brooks, 2012; Pappano, 2012; Friedman, 2013) đã giúp khuếch đại ra công chúng nhiều kỳ vọng mang tính hoang tưởng mà MOOCs có thể mang lại về cơ hội tiếp cận giáo dục tốt hơn, tạo ra đòn bẩy bán hàng hiệu quả rất lớn. 

Nhưng các phân tích học thuật chuyên môn (Columbia University, 2014; University of Pennsylvania, 2014) và thống kê đánh giá gần đây đều chứng minh điều ngược lại.

Bài học rút ra là, các câu chuyện truyền thông tiếp thị về công nghệ giáo dục cần được hiểu và phân tích trên nhiều chiều kích mang tính xã hội rộng lớn và sâu sắc hơn.

Giới hạn của AI trong giáo dục không chỉ đến từ sự lệch lạc (bias) của các thuật toán mà còn đến từ các phương pháp đo lường. Những phương pháp này thường biến các dữ liệu trong quá khứ thành một số loại nhãn thuộc tính nào đó rồi gán lên cho học sinh/sinh viên mà không tính đến thực tế họ là những khối óc đa dạng và phức tạp. 

Từ đó, kết quả của quá trình rất có thể là tạo ra rào cản và sự chán nản của cá nhân đối với việc học tập.

Một trong những giới hạn của ngôn ngữ là tính đa tầng ý nghĩa. Bản thân việc định nghĩa về AI hiện nay cũng là một tranh luận chưa có điểm dừng từ triết học cho tới các ngành khoa học tự nhiên và xã hội.

Trong khi đó, việc rút gọn những ý niệm mông lung rồi gán cho một sản phẩm ứng dụng cụ thể lại là điểm mạnh của truyền thông tiếp thị để kích thích trí tưởng tượng và hỗ trợ quyết định mua hàng. Vì mức độ ứng dụng cao của AI, một cách tiếp cận đối với AI trong giáo dục là cần đo lường tính hiệu quả cho việc học tập, giảng dạy, quản lý cụ thể của ứng dụng, hơn là tiềm năng tưởng tượng được kích thích bởi các câu chuyện truyền thông tiếp thị.

Chúng ta cũng cần phân biệt các ứng dụng của AI vào phương pháp và lĩnh vực phụ trợ; cụ thể như công nghệ để hỗ trợ học tập (đa phương tiện, thực tế ảo, không gian đa chiều..), công nghệ để tăng cường kỹ thuật giảng dạy, hay công nghệ để tự động hóa các công việc hàng ngày.

Trí tuệ nhân tạo có thể làm giáo dục thêm khủng hoảng - Ảnh 3.

MỘT ĐỀ XUẤT CHO CHÍNH SÁCH QUỐC GIA

Trên thực tiễn ấy, ở tầm mức quốc gia, các chương trình hành động AI nên sớm được xây dựng và công bố công khai. Đề xuất của tôi bao gồm các điểm sau:

1. Xây dựng ngay chính sách AI quốc gia cho giáo dục và đào tạo giáo viên. Đây không phải là cuộc đua lên mặt trăng giữa các quốc gia, mà là sự chuẩn bị tất yếu cho sự thay đổi cơ bản cách tiếp cận đối với nền kinh tế, văn hóa, lịch sử, địa chính trị và khoa học kỹ thuật.

2. Cần có một mạng lưới quốc gia của các nhà sư phạm, giáo viên và nhà nghiên cứu giáo dục để họ có thể chia sẻ kiến thức và giới hạn của công nghệ trong giáo dục. Bất kỳ cuộc thảo luận nào về việc tích hợp AI vào phương pháp giảng dạy, chương trình học và quản lý tổ chức đều phải bao gồm sự tiến bộ trong việc hiểu biết về giới hạn của công nghệ. 

Những thách thức gần đây cho giáo viên như AI viết luận và giải toán (như chatGPT), AI soạn nhạc (như mubert.com), AI vẽ và thiết kế đồ họa (như craiyon.com) và rất nhiều ứng dụng ngoài sức tưởng tượng của con người đang được thử nghiệm để đưa ra thị trường cần được nhanh chóng trao đổi kinh nghiệm sử dụng và đánh giá tác động từ nhiều góc nhìn.

3. AI có sức mạnh của tái cấu trúc xã hội. Do đó, cần tăng cường ngân sách, kinh phí hoạt động cho việc nghiên cứu khoa học và đẩy mạnh chương trình phát triển năng lực lâu dài của lãnh đạo ngành giáo dục từ cấp cơ sở trong việc ứng dụng công nghệ mới. Làm thế nào các giáo viên ngành sư phạm có thể kết hợp sức mạnh của AI để chuẩn bị cho xã hội tương lai vượt qua những khó khăn hiện tại (bất bình đẳng có tính hệ thống trong xã hội hiện đại, hạn chế đa tầng kế thừa từ lịch sử, và xây dựng giá trị dân chủ qua giáo dục), hướng tới được mục tiêu cuối cùng của giáo dục là tạo ra những con người lành mạnh toàn diện.

4. Có nhu cầu cấp thiết cho nhiều nghiên cứu hơn về giới hạn của ngôn ngữ và của triết học, cũng như ảnh hưởng của những giới hạn đó đến xã hội từ trước tới nay thông qua giáo dục. Triết học hiện đại đang có những tranh luận về AI, làm rõ hơn những giới hạn của các triết thuyết trước đây đối với nhận thức của con người ở thế kỷ 21.

5. Có nhu cầu gấp rút cho sự giao tiếp giữa các nhà nghiên cứu AI ứng dụng trong giáo dục, người phát triển các thuật toán AIED (Artificial Intelligence in Education) và giáo viên, người áp dụng thuật toán để xây dựng các bot AI cho ngữ cảnh giáo dục của họ. Cách tiếp cận của các nhà khoa học máy tính và thị trường công nghệ cần được hoàn thiện liên tục từ dữ liệu đánh giá của giáo viên trong lớp học, người quản lý giáo dục, nhà nghiên cứu giáo dục và xã hội học, nhà kinh tế học và nhà hoạch định chính sách công về giáo dục. 

(Tác giả làm việc tại Stephen F. Austin State University, Mỹ)

Trong tương lai không xa, số lượng giáo viên có chuyên môn cao và giàu cảm xúc theo cách hiểu truyền thống sẽ giảm dần; thay vào đó, giáo viên tương lai là những người có kỹ năng tương tác với AI để cải tiến tốt hơn nữa và hoàn thiện các kỹ thuật sư phạm hiệu quả hơn cho việc học của mỗi học viên.

Một ví dụ là Duolingo đang tinh chỉnh các thuật toán và đo lường hiệu quả học tập, giúp hàng triệu người học ngôn ngữ hiệu quả hơn.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận