17/09/2015 08:48 GMT+7

Trân mình sống cùng nước ngập

MY LĂNG - ĐỨC PHÚ (mylang@tuoitre.com.vn)
MY LĂNG - ĐỨC PHÚ ([email protected])

TT - Bị nước ngập bủa vây, nhiều hộ dân TP.HCM đang phải trân mình sống trên dòng nước hôi thúi. Nền nhà đóng rêu trơn nhớt, nhà vệ sinh cũng đầy nước, mùi hầm cầu xộc lên nồng nặc.

Cuộc sống của người dân trong một ngôi nhà trên đường Ấp Chiến Lược, P.Bình Trị Đông A, Q.Bình Tân - Ảnh: ĐỨC PHÚ*
Cuộc sống của người dân trong một ngôi nhà trên đường Ấp Chiến Lược, P.Bình Trị Đông A, Q.Bình Tân - Ảnh: ĐỨC PHÚ

Sáng 16-9, người dân tổ 44 đường 49, khu phố 6, P.Hiệp Bình Chánh (Q.Thủ Đức, TP.HCM) xôn xao chuyện ông hàng xóm Trần Hữu Cường phải nhập viện sau khi bị điện giật, té gãy xương bả vai trong đợt nước ngập tối hôm trước.

Khi chúng tôi đến, trong nhà chỉ còn Phương Trang, con gái lớn ông Cường. Mẹ của Trang phải xin nghỉ làm để đưa chồng đến bệnh viện.

Nước ngập, điện giật

Trong nhà Trang, nước vẫn ngập từ trước ra sau. Trang di chuyển với đôi ủng cao su để tránh nhiễm nước bẩn đang lênh láng trong nhà.

Phương Trang kể: “Tối qua nước ngập vô tận nhà, ba em sợ bàn thờ ông địa bị ngập, bưng lên thì bị điện giật bất tỉnh. Má em nhìn thấy sợ cứng người, may không nhào tới chụp ba chớ không cũng bị giật theo”. Ngay lúc đó, Trang vẫn bình tĩnh chạy trên nền nhà lúp xúp nước, lao tới tắt cầu dao.

Toàn bộ đồ đạc trong nhà Phương Trang đều được kê lên gạch. Một số đồ để lên bộ ghế gỗ phòng khách. Căn phòng ngủ của ba mẹ Trang ở tầng trệt cũng ngập nước. Nhà vệ sinh cũng đầy nước. Mùi hầm cầu xộc lên nồng nặc, ngạt thở.

“Hồi 6g - 7g tối qua lúc nước mới tràn vô còn hôi thúi hơn. Tụi em bật quạt 24/24 giờ mà vẫn nhức cả đầu” - Trang bảo.

Cách nhà Trang không xa, ngoài hẻm lúc 11g10, anh Nguyễn Đức Tuấn (45 tuổi) vẫn hì hụi vốc nước đổ ra đường - con đường cũng đang ngập trong nước.

Bờ đê dã chiến làm từ hàng chục bao cát không chặn nổi nước tràn vào nhà. Anh Tuấn vừa thở vừa nói: “Múc nước từ 8g30 sáng tới giờ, chưa hết nước mà đã thấy muốn hết hơi rồi”.

Trong nhà anh Tuấn, làn nước đục lềnh bềnh cả rong. Nền nhà phủ một lớp nhớt mỏng màu xanh rêu nhớt nhợt.

“Hôm qua đi làm về trễ, nước ngập đầy nhà. Chạy từ Q.6 về được tới nhà đã bơ phờ, nhìn thấy nhà đầy nước là không muốn ăn uống gì nữa, lo dọn đồ lên cao đã mất cả tối. Bữa nay tôi phải xin nghỉ việc ở nhà dọn dẹp tiếp.

Sáng nay mới mua bao cát về đắp ngăn nước mà nước vẫn tràn vô ào ào. Xe người ta chạy là đánh nước tràn vô nhà” - anh Tuấn nói như than, mặt đỏ bừng bừng vì mấy tiếng đồng hồ miệt mài tát nước.

Ngay cạnh nhà anh Tuấn, anh Đặng Hoàng cũng xin nghỉ nguyên ngày để dọn dẹp đồ đạc. Anh Hoàng vừa đi mua đoạn ống dài để bơm nước ra. Trong nhà anh, tất cả đồ đạc đều nằm trên nước. Hai chiếc tủ và bàn làm việc bằng ván ép đều bị bong tróc hết. Ngay cạnh giường là một xô nước.

“Nước ngập khắp nhà, không dời giường đi đâu được. Tôi để cái xô nước, tối đi ngủ rửa chân trước khi lên giường. Đêm qua nước còn ngập tới mép giường. Hai vợ chồng để đứa con mới 5 tuổi nằm giữa, đêm lo nước ngập lụt giường mà không ngủ nổi. Ăn cơm cũng ngồi trên cái giường này.

Vợ chồng lo kê đồ đạc, bắt con bé không được bước xuống nước. Nền nhà đóng rêu, trơn nhớt vầy người lớn đi còn té huống chi con nít” - anh Hoàng nói.

Chị Ngọc Tú (một người dân) chỉ vào máy bơm mini để trong nhà vệ sinh, cho biết vợ chồng chị phải dậy từ 4g sáng bơm nước. “Sáng giờ bơm 5 lần. Tối qua bơm liên tục tới 12g đêm, mệt quá mới đi ngủ” - chị Tú nói.

Đường ngập, phải “chơi sang”

Anh Vũ An, một người dân trong tổ 44 (đường 49 KP.6, P.Hiệp Bình Chánh, Q.Thủ Đức), cho hay mấy ngày nay vợ chồng anh phải “chơi sang”, đi làm toàn bằng taxi. Vợ anh phải gửi xe ở cơ quan, đi về đều phải gọi taxi.

“Nước ngập trên đầu gối, xe máy tắt ngủm, không dẫn xe ra đi làm được. Vợ tôi và nhiều người khác lội bộ mặc quần dài còn không được, phải gói lại trong bịch nilông, lên cơ quan thay” - anh An bức xúc nói.

“Mấy đứa con tui làm ở cơ quan nhà nước, sáng đi làm không dám mang giày vớ, phải bỏ giày vô nilông, xách theo bình nước ra đầu đường rửa chân rồi mới đi giày vô. Đi làm, đi chợ về, nhiều người phải gửi xe tít đầu đường, đi bộ hàng trăm mét vào nhà” - bà Nguyễn Thị Hòa, tổ trưởng tổ 44, cho biết.

Mấy ngày nay bà Hòa không đi chợ mà dùng thức ăn tích trữ. “Mưa ngập mấy ngày mà trong người đã thấy lừ đừ. Lội nước hoài thấm nước muốn bệnh luôn” - bà Hòa bảo.

Anh Vũ An cho biết người hàng xóm bên cạnh phải treo cả xe lên tường vì sợ hư xe. Người này có hai con nhỏ đã phải chuyển cả nhà đi hai ngày nay sau khi hì hụi tát nước tới 3g sáng.

“Nước ngập sợ nhất là mùi hôi thúi. Con tôi mới hai tuổi rưỡi còn bịt mũi la làng “thúi quá ba ơi” rồi chạy lên cầu thang” - anh An kể.

Kiệt quệ...

Đến chiều 16-9, nhà chị Huỳnh Ngọc Mai (khu phố 2, P.Bình Trị Đông A, Q.Bình Tân) vẫn còn ngập. Trong căn phòng rộng khoảng 15m2, vợ chồng chị Mai và hai con ngồi trên giường, chăn nệm vẫn ướp nhẹp.

Khuôn mặt phờ phạc, chị Mai kể đêm qua nước tràn vào nhà quá đầu gối, hai vợ chồng phải thức trắng đêm. Thương con, anh Đức - chồng chị Mai vác hai chiếc ghế bố đặt trên giường để hai đứa nhỏ nằm ngủ, còn anh chị ngồi trên cái giường xâm xấp nước đợi đến sáng.

Tất cả đồ đạc trong nhà đều được kê trên mấy viên gạch. Nhà ngập, thương mấy con vật nuôi không có chỗ ngủ, vợ chồng chị Mai đưa cả chó, mèo lên giường nằm cùng. Anh Đức bị chứng tê chân nên mỗi khi nhà ngập phải hạn chế xuống nước.

Sáng sớm, chị Mai lại phải gửi xe ngoài đường lớn, còn mình cõng con lội cả trăm mét ra đầu đường để con đi học.

“Nhiều hôm cõng con lội nước mệt quá, tôi nói con nghỉ một hôm nhưng tụi nó không chịu. Hai đứa nhỏ chăm học lắm. Mình không cõng thì tụi nó tự lội nước có khi quá đầu gối để đi học cho bằng được” - anh Đức mỉm cười kể.

Bà Nguyễn Thanh Xuân (59 tuổi, ngụ khu phố 1, P.Bình Trị Đông) cho biết ba năm qua gia đình bà nâng nền ba lần nhưng vẫn không tránh khỏi cái ngập. Nhà bà Xuân đã đúc một chiếc giường bằng bêtông tráng gạch men để cả nhà nằm ngủ.

“Có những hôm trời mưa lớn, nước ngập dâng tới mép giường. Mình nằm trên giường mà ngỡ như ở ốc đảo. Nằm ngủ vẫn nghe tiếng sóng vì nước ngoài đường cứ tràn ồ ạt vào nhà. Có hôm cả nhà ngủ dậy không thấy giày dép, nhìn ra ngoài bờ kênh mới thấy vài chiếc đang nổi lềnh bềnh” - bà Xuân cho hay.

Còn ông Lê Văn Thanh (đường Ấp Chiến Lược, P.Bình Trị Đông A) nghẹn ngào chỉ vào căn nhà đang ngập quá đầu gối, nói: “Đồ đạc hỏng hết rồi. Cứ mỗi khi ngập, cái nhà nhìn như căn nhà hoang. Công việc ngưng trệ cũng vì ngập. Tui cảm thấy kiệt quệ”.

Nước ngập 10 ngày chưa rút

Nhiều tiểu thương ở khu vực đường Trần Đại Nghĩa bỏ sạp không bán đồ vì nước ngập kéo dài - Ảnh: HỮU KHOA
Nhiều tiểu thương ở khu vực đường Trần Đại Nghĩa bỏ sạp không bán đồ vì nước ngập kéo dài - Ảnh: HỮU KHOA

Nhiều hộ dân sống dọc đường Trần Đại Nghĩa (đoạn qua P.Tân Tạo, Q.Bình Tân và xã Tân Kiên, H.Bình Chánh) phản ảnh gần 10 ngày nay phải sống trong tình trạng đường bị ngập lụt, bán buôn không ai mua, đời sống kinh tế gặp nhiều khó khăn.

Trưa 16-9, mặc dù trời ngưng mưa nhưng nước vẫn còn ngập sâu một đoạn kéo dài khoảng 200m. Xe máy qua lại gặp nhiều khó khăn do đường hẹp cộng với nước ngập. Nước ngập làm nhiều ổ gà, ổ voi chìm dưới nước khiến nhiều người lưu thông qua bị té ngã.

Nhiều tiểu thương tại chợ Khải Hoàn trên đường này phải nghỉ bán. Bà Phạm Thị Thanh bảo: “Nước ngập sâu trên đường và tràn vào nhà nhiều ngày nay mà không thấy ai xuống giải quyết. Tôi đẩy xe nước mía vào nhà nghỉ bán luôn. Nhiều người ở đây lấy rau về bán nhưng không ai mua, rau hư hỏng đành đổ bỏ hết, lỗ nặng”.

Cùng cảnh ngộ với bà Thanh là quán hủ tiếu của chị Phạm Thị Chi (quê An Giang) hơn một tuần nay nước ngập không ai đến quán để ăn.

Chị Chi nói: “Nhà thuê một tháng 6 triệu đồng nhưng cả tuần nay không bán được gì, tiền nhà thì đến tháng phải đóng, tôi rất lo lắng không biết khi nào nước mới rút hết”.

Ngoài gia đình của bà Thanh, chị Chi, còn rất nhiều hộ dân ở khu vực này bị ảnh hưởng bởi ngập nước kéo dài gần 10 ngày qua.

HỮU KHOA

MY LĂNG - ĐỨC PHÚ ([email protected])
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên