TP.HCM xử lý 9 vụ sản xuất thuốc, thực phẩm giả chữa bệnh xương khớp, trĩ...

Thời gian qua Công an TP.HCM đã phát hiện và xử lý 9 vụ việc liên quan đến việc sản xuất, buôn bán thuốc, thực phẩm chức năng giả.

TP.HCM xử lý 9 vụ sản xuất thuốc, thực phẩm giả chữa bệnh xương khớp, trĩ... - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Hoài Nam - phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM - báo cáo tại buổi khảo sát - Ảnh: CTV

Ngày 22-7, Ủy ban Văn hóa và Xã hội của Quốc hội đã có buổi khảo sát về việc thực hiện chính sách pháp luật về phòng chống thuốc giả, thực phẩm giả tại TP.HCM.

Theo báo cáo của Sở Y tế TP.HCM, hiện thành phố có hơn 9,9 triệu dân (năm 2024) và sau sáp nhập từ 1-7 vừa qua, dân số đạt khoảng 13,7 triệu người. Trên địa bàn thành phố hiện có 164 bệnh viện công lập cùng hàng chục ngàn cơ sở sản xuất, kinh doanh dược phẩm và thực phẩm; thành phố cũng là đầu mối phân phối thuốc lớn cho cả nước.

Nhiều vụ vi phạm liên quan đến thuốc, thực phẩm giả

Về thuốc, thực phẩm giả, báo cáo của Sở Y tế TP.HCM cho hay trong thời gian vừa qua Công an TP.HCM đã kịp thời phát hiện, xử lý 9 vụ vi phạm.

Đáng chú ý đã triệt phá đường dây sản xuất, buôn bán thuốc chữa bệnh giả, thu giữ 1.164 thùng thuốc thành phẩm và nguyên liệu dùng để điều trị các bệnh về xương khớp, trĩ, phong ngứa...

Ngoài ra còn thu giữ gần 1.600kg bột nguyên liệu không rõ nguồn gốc, xuất xứ để sản xuất thuốc chữa bệnh giả, hàng trăm ký nguyên liệu bao bì, nhãn hiệu, vỏ hộp thuốc các loại cùng  dây chuyền, máy móc sản xuất thuốc...

Thuốc giả được đem đi tiêu thụ chủ yếu tại các tỉnh miền Tây Nam Bộ thông qua các xe vận chuyển hàng hóa tuyến miền Tây - TP.HCM.

Tháng 1-2024, Công an TP.HCM đã phối hợp với Công an tỉnh Bình Dương (cũ) bắt quả tang 1 cơ sở thực hiện hành vi sản xuất sữa giả tại TP Dĩ An (cũ). Tổng trị giá khoảng 14 tỉ đồng. 

Kẻ làm hàng giả đã tổ chức sản xuất và buôn bán sữa giả các nhãn hiệu của Công ty Abbott, gồm: Ensure, Ensure Gold, Glucerna….

Từ tháng 1-2024 đến tháng 6-2025, Sở Y tế và phòng y tế quận, huyện, TP Thủ Đức (cũ) đã kiểm tra 7.739 cơ sở kinh doanh dược, xử lý 92 cơ sở vi phạm.

Trong đó phát hiện và xử lý vi phạm về buôn lậu, hàng giả, gian lận thương mại lĩnh vực dược là 36 cơ sở.

Sản xuất, kinh doanh hàng giả ngày càng tinh vi

Ông Nguyễn Hoài Nam, phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM, nhận định việc sản xuất, buôn bán thuốc giả, thực phẩm giả là một hoạt động phi pháp nhưng mang lại lợi nhuận cao. Tình hình sản xuất và kinh doanh hàng giả hiện nay diễn ra hết sức phức tạp với nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi.

Quá trình sản xuất thuốc giả bố trí cùng lúc tại nhiều địa điểm, sử dụng mạng xã hội hoặc ứng dụng giao hàng tận nhà để mua hoặc bán nhằm che giấu địa điểm.

Bên cạnh đó, khu vực sản xuất thường đặt tại các khu vực nhà không số, ít người qua lại, vùng ngoại ô hoặc núp bóng dưới hoạt động sản xuất của các công ty bình phong để tránh sự chú ý của người dân và cơ quan chức năng.

"Trước đây, hàng giả lưu thông trên thị trường đa số là sản phẩm làm giả bao bì, tem nhãn mạo danh sản phẩm thật; tập trung vào những loại mặt hàng có sức tiêu thụ lớn, các thương hiệu lớn trên thị trường.

Tuy nhiên, hiện nay một số cơ sở sản xuất hàng giả tự tạo mẫu sản phẩm không được cấp giấy đăng ký lưu hành, tự đặt tên cơ sở sản xuất, in số đăng ký hoặc số công bố sản phẩm giả, sử dụng mã vạch, mã QR giả, tem chứng nhận sản phẩm giả để đánh lừa cơ sở bán lẻ và người tiêu dùng", ông Nam cho hay.

Tăng khung hình phạt với hành vi sản xuất, kinh doanh hàng giả

Sở Y tế TP.HCM kiến nghị Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, sửa đổi Luật Hình sự theo hướng mở rộng phạm vi áp dụng và tăng khung hình phạt; bổ sung mức xử phạt nặng đối với hành vi tiếp tay, bao che cho hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng gian, hàng giả, hàng kém chất lượng gây ảnh hưởng đến sức khỏe nhân dân.

Bộ Y tế sớm hoàn thiện quy hoạch hệ thống kiểm nghiệm để tăng cường công tác kiểm tra chất lượng thuốc, thực phẩm.

Bộ Tài chính hướng dẫn các địa phương xây dựng kho lưu giữ, bảo quản tang vật, vật chứng cho các lực lượng chức năng để phục vụ công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại.

TP.HCM phát hiện, xử lý 9 vụ sản xuất thuốc, thực phẩm giả chữa bệnh xương khớp, trĩ...- Ảnh 3.Khởi tố 2 người buôn bán thuốc chữa bệnh giả

Hai bị can Nguyễn Anh Tú và Bùi Thị Hằng vừa bị Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Thanh Hóa khởi tố về hành vi buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên