TTCT - Máy móc có thể tính toán liên tục, còn não người thì không. Từ "vắt óc" đến "vắt kiệt sức lực" thường chỉ tính bằng giờ. Nghĩ nhiều thì thấy mệt - điều tưởng hiển nhiên nhưng khoa học vẫn chưa lý giải được, và manh mối mới nhất đang mở ra nhiều hướng đi. Não làm việc nhiều gây mệt mỏi về nhận thức.Sau khi viết xong bài này, người viết biết chắc rằng mình sẽ nằm bất động trong vài giờ, và đống chén đĩa trong bồn rửa cũng thế. Xin khoan gọi đó là sự lười biếng. Nhà văn Mỹ thế kỷ 19 Wallace D. Wattles từng tuyên bố: "Suy nghĩ là lao động khó khăn nhất và mệt mỏi nhất trong tất cả lao động".Wattles có nói quá không? Phần lớn chúng ta đã biết cảm giác đó. Cả ngày căng thẳng suy nghĩ cho một bài kiểm tra hay báo cáo, bạn đột nhiên không thể nhớ những điều đơn giản, như sáng nay đã ăn gì, hoặc cái điều khiển TV chính xác đang ở đâu. Nó không hẳn là cảm giác buồn ngủ. Nói đúng hơn, đó là cảm giác rằng các đầu việc ngày càng khó thực hiện hay chú tâm hơn.Kiệt sức tạm thời về tinh thần hay mệt mỏi về nhận thức (cognitive fatigue) là một hiện tượng có thật và phổ biến. Ta cần phân biệt nó với "mệt mỏi tinh thần mãn tính" vốn liên quan đến tình trạng thiếu ngủ thường xuyên và một số bệnh tật.Trong khi lao động nặng nhọc về thể chất thường toát ra vẻ mệt mỏi rõ ràng, vầng trán ướt mồ hôi hay đôi môi mím chặt lại không thực sự phản ánh một người đang suy nghĩ căng thẳng đến mức nào. Hơn nữa, những hạn chế về công nghệ và tình nguyện viên thường gây khó khăn cho việc nghiên cứu suy nghĩ khiến chúng ta thật sự mệt mỏi thế nào.Suy nghĩ nhiều nên hết calorie?Một trong những lý giải phổ biến nhất - về mặt sinh học - cho hiện tượng mệt mỏi về nhận thức được xây dựng dựa trên những gì đã biết về chứng mỏi cơ. Theo đó, giống như cật lực chạy bộ, cật lực suy nghĩ cũng sử dụng hết năng lượng, vốn theo máu truyền đến não dưới dạng đường glucose. Vào cuối một ngày làm việc căng thẳng, não bộ coi như đã "hết xăng".Hãy nghĩ về những chủ nhật, ta nằm dài đọc sách hay lướt mạng xã hội. Sang thứ hai đi làm là một câu chuyện hoàn toàn khác, khi ta phải liên tục động não để giải quyết các vấn đề, và còn những "vận động" tinh thần khác nữa. So sánh thứ hai với chủ nhật, chúng ta có đốt cháy nhiều năng lượng hơn? Câu trả lời cơ bản là có.Trước tiên, cần nhớ rằng bộ não cũng là cơ quan tiêu thụ năng lượng có hạng trong cơ thể con người. Bộ não chỉ chiếm khoảng 2% tổng trọng lượng cơ thể, nhưng nó tiêu thụ đến 20% tổng năng lượng của cơ thể. Một ngày chúng ta đốt vài trăm calorie chỉ để suy nghĩ, và đúng là một số tác vụ có thể làm thay đổi các não tiêu thụ năng lượng, chẳng hạn suy nghĩ một vấn đề hóc búa, tìm cách giải một bài toán khó nhằn sẽ tốn nhiều calorie hơn. Tuy nhiên, vấn đề là mức tăng này không đáng kể - có thể chỉ thêm 5% của 20% kể trên, theo tiến sĩ Marcus Raichle tại ĐH Washington (Mỹ).Cũng liên quan đến mối liên hệ giữa năng lượng cơ thể và sự mệt mỏi về nhận thức, một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng tập thể dục vừa phải giúp cải thiện khả năng tập trung của con người. Chẳng hạn, theo một nghiên cứu của ĐH Illinois (Mỹ), những đứa trẻ được đi bộ 20 phút đã đạt kết quả tốt hơn trong bài kiểm tra học thuật so với những đứa trẻ chỉ ngồi đọc thầm. Nếu khả năng suy nghĩ chỉ đơn giản tỉ lệ thuận với lượng glucose sẵn có, thì nhóm trẻ tập thể dục - tức đã đốt cháy nhiều calorie hơn - lẽ ra phải làm bài kém hơn những người bạn im lặng.Giờ đây, một nhóm nghiên cứu từ Bệnh viện ĐH Pitié-Salpêtrière ở Paris (Pháp) nghi ngờ thủ phạm là glutamate - một chất dẫn truyền thần kinh kích thích rất phong phú trong não của động vật có vú (và là thành phần chính của bột ngọt).Theo một nghiên cứu vào tháng 5-2021 trên Journal of Clinical Neuroscience, tình trạng suy giảm nhận thức và chú ý (hay còn gọi là chứng "sương mù não") ở bệnh nhân nhiễm SARS-CoV-2 có thể là do sự giảm mức glutamate (cùng với N-acetylaspartate) trong vùng vỏ não trước trán lưng - bên (dorsolateral prefrontal cortex). Đáng chú ý, rối loạn chức năng này dường như có thể hồi phục được.Lời nhắn của nãoTrong nghiên cứu vừa đăng trên Current Biology ngày 11-8, chuyên gia hành vi Antonius Wiehler và các đồng nghiệp đã đưa ra giả thuyết: lao động trí não cường độ cao trong nhiều giờ dẫn đến sự tích tụ glutamate. Tình trạng này sẽ thay đổi sự kiểm soát của bạn trước các quyết định, vì vậy bạn sẽ lựa chọn những hành động ít mất sức hoặc chờ đợi cơn mệt mỏi về nhận thức tràn vào.Đối với não người, glutamate có mặt trong hơn 90% thông tin liên lạc giữa các nơron thần kinh. Theo nghiên cứu của Yuanmo Wang và cộng sự năm 2019, tế bào thần kinh có khả năng kiểm soát cường độ tín hiệu của chúng bằng cách điều chỉnh lượng glutamate mà chúng giải phóng cho các tế bào thần kinh khác. Trước đó, người ta đã biết rằng glutamate thậm chí có thể kích thích tế bào thần kinh… đến chết, hiện tượng gọi là "excitotoxicity". Như vậy, sự dư thừa glutamate rõ ràng mang đến rắc rối.Nhóm nhà khoa học Pháp đã sử dụng kỹ thuật chụp cộng hưởng từ phổ (MRS), có thể phát hiện glutamate thông qua sự kết hợp của sóng vô tuyến và nam châm mạnh. Họ tập trung vào vỏ não trước trán bên (lateral prefrontal cortex), là vùng não giúp chúng ta tập trung, ghi nhớ ngắn hạn và đưa ra quyết định. Khi một người kiệt quệ về tinh thần, vùng này sẽ kém hoạt động hơn.Để cố tình "vắt não", 40 người tham gia thí nghiệm đã trải qua 6 giờ thực hiện các nhiệm vụ khác nhau liên quan đến suy nghĩ. Theo quan sát, nhóm người nhận "đề khó" sau đó đã đưa ra những lựa chọn bốc đồng hơn so với nhóm nhận "đề dễ". Đồng thời, mức glutamate của họ tăng khoảng 8% - tình trạng này không xuất hiện ở nhóm còn lại.Việc suy nghĩ nhiều dường như đã dẫn đến những thay đổi hóa học trong não, hệ quả về mặt hành vi chính là sự mệt mỏi. Đó dường như là lời nhắn "hãy ngừng lại" để khôi phục sự cân bằng cho não. Nhóm nghiên cứu gợi ý rằng: có thể dựa vào mức glutamate để phát hiện tình trạng kiệt sức nghiêm trọng, và theo dõi sự phục hồi sau trầm cảm hoặc ung thư.Tuy nhiên, giả thuyết trên vẫn còn một vài hạn chế. Theo nhà thần kinh học không tham gia nghiên cứu Jonathan Cohen của ĐH Princeton (Mỹ), ý tưởng dựa trên glutamate sẽ không thể giải thích khả năng "chiến thắng cơn mệt não" (đôi khi bằng rất nhiều ý chí) của con người, hay việc chúng ta dễ dàng nhận dạng khuôn mặt - trong khi máy tính đòi hỏi rất nhiều megawatt năng lượng để thực hiện.Wiehler nói với trang Science: "Chúng tôi vẫn chưa đạt đến mức có thể kết luận rằng lao động tinh thần căng thẳng gây ra sự tích tụ độc hại của glutamate trong não". Nhưng nếu đúng như vậy, nó sẽ tô đậm khả năng phục hồi nổi tiếng của giấc ngủ: "làm sạch" não bộ.Ảnh: AdobeStockLời khuyên từ chuyên giaVậy, cần phải ngủ nghỉ bao lâu để não cân bằng lại glutamate? Có cách nào khác… nhanh hơn? Các nhà nghiên cứu chắc chắn sẽ tìm "thuốc giải" cho chứng mệt mỏi về nhận thức. Từ đây đến đó, giải pháp tốt nhất là giải pháp tự nhiên nhất: ngủ và nghỉ. Nhóm nghiên cứu cũng khuyên mọi người nên tránh đưa ra các quyết định quan trọng khi cảm thấy mệt mỏi.Thậm chí, có một hội chứng gọi là "kiệt sức vì quyết định" (decision fatigue), thuật ngữ do nhà tâm lý học xã hội Roy F. Baumeister đặt ra. Trong một nghiên cứu của ĐH Minnesota (Mỹ) hồi 2008, những người đưa ra càng nhiều lựa chọn ở trung tâm mua sắm - hẳn là một loại lao động trí não căng thẳng - càng giảm khả năng và sự kiên trì khi giải các bài toán đại số đơn giản (như tính giá thật sự sau các con số phần trăm khuyến mãi chẳng hạn). Cũng trong nghiên cứu này, những sinh viên càng "cân đong đo đếm" các khóa học để đáp ứng yêu cầu về bằng cấp, thì càng có nhiều khả năng trì hoãn việc ôn tập cho một bài kiểm tra quan trọng. Thay vì ngồi học, những bộ não mệt mỏi này đã chọn giải trí. Vì vậy, chúng ta hãy cẩn trọng với hàng trăm quyết định nhỏ bé đầu ngày, tỉ như "sáng nay ăn gì".Theo các chuyên gia, thái độ của một người cũng quan trọng không kém lượng thời gian họ vắt óc suy nghĩ. Một bộ phim trinh thám chứa đầy tình tiết đan xen phức tạp sẽ kích thích não bộ tích cực "phá án" trong hai giờ, nhưng người ta thường không run rẩy khi ra khỏi rạp phim vì tinh thần cạn kiệt. Giải ô sudoku trên Tuổi Trẻ Cuối Tuần vào sáng chủ nhật thường không phá hỏng khả năng tập trung trong phần còn lại của ngày (người viết thậm chí cảm thấy tinh thần khá hơn, dù chỉ cần hoàn thành… nửa ô).Khi làm việc bạn yêu thích, bạn ít có khả năng bị mệt mỏi về nhận thức hơn, CNN dẫn lời khuyên của Phillip Ackerman, giáo sư tâm lý học tại Viện Công nghệ Georgia (Mỹ). Nhưng trong bất cứ việc gì, nếu bạn dùng não trong một thời gian đủ lâu, bạn có thể cảm thấy mệt mỏi. Mọi người có thể tránh cạn kiệt tinh thần bằng cách thiết kế những khoảng thời gian nghỉ ngơi trong suốt quá trình suy nghĩ khó khăn, theo Ackerman, như chia nhỏ một ngày dài nghiên cứu bằng các trò chơi hoặc đi dạo với bạn bè.■ Tags: Tổn thương nãoSức khỏeNão bộTư duyVắt óc
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh THÀNH CHUNG 23/01/2025 Sáng 23-1, đoàn đại biểu lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã đặt vòng hoa, vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh, dâng hương tưởng niệm anh hùng liệt sĩ.
Đại gia gỗ Đỗ Xuân Lập bị bắt vì đánh bạc: Cơ ngơi nghìn tỉ, liên quan một công ty lớn trên sàn BÌNH KHÁNH 23/01/2025 Ông Đỗ Xuân Lập là chủ một công ty chế biến, xuất khẩu gỗ có doanh thu gần 1.000 tỉ đồng. Ngoài ra, ông Lập cũng là thành viên HĐQT độc lập của Công ty CP Phú Tài - một doanh nghiệp có doanh thu lên tới hơn 6.000 tỉ đồng năm 2024.
Nhóm nghi can đánh tử vong nam shipper ở Đà Nẵng khai gì? THÁI BÁ DŨNG 23/01/2025 Khai ban đầu với cơ quan điều tra, các nghi can trong nhóm phía người phụ nữ đặt hàng qua sàn Shopee nói do bức xúc nhất thời. Cả hai phía đều đã có nhậu từ trước.
Kẹt xe trên cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây từ 4h sáng, kéo dài ra cao tốc TP.HCM - Long Thành MINH HÒA 23/01/2025 Ngày 23-1, nhiều gia đình bắt đầu về quê các tỉnh miền Trung, miền Bắc ăn Tết 2025, lượng xe di chuyển lên cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây và TP.HCM - Long Thành tăng đột biến, gây kẹt xe kéo dài từ sáng sớm.