31/03/2025 10:58 GMT+7

'Tôi mất đôi chân nhưng vẫn còn ý chí'

Thay đôi chân là hai chiếc ghế nhựa, Ngô Thị Ngọc Hà (20 tuổi) bằng ý chí của mình đã chinh phục được ước mơ đại học và sẽ chinh phục giấc mơ cuộc đời.

đôi chân - Ảnh 1.

Từng bậc cầu thang đối với Hà như một con dốc mà cô phải chinh phục - Ảnh: AN VI

Ngọc Hà là sinh viên năm hai ngành kế toán Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM. Suốt hơn 700 ngày qua, cô tự mình dùng hai chiếc ghế nhựa để thay đôi chân khiếm khuyết đến giảng đường.

Tập tễnh di chuyển với đôi tay nhỏ bất chấp trời nắng mưa, Hà được giảng viên nhận xét là một trong những sinh viên chuyên cần nhất lớp.

Tôi hay hỏi bạn cần giúp đỡ gì không thì Hà nói em làm được. Bạn rất tự lập. Ban chủ nhiệm khoa đã tạo nhiều điều kiện, phòng công tác sinh viên cũng hỗ trợ xe lăn cho bạn. Ban chủ nhiệm bộ môn trong mỗi kỳ cũng thường liên hệ với phòng đào tạo để xếp cho bạn những phòng học dễ dàng đi lại.

Cô Cao Thị Nhân Anh
đôi chân - Ảnh 2.

Hà luôn cố gắng tự mình làm mọi việc, chỉ nhờ giúp đỡ khi bản thân cô thật sự không thể làm - Ảnh: AN VI

Chinh phục giấc mơ bằng đôi tay

Giữa trưa oi ả ngày cuối tháng 3, chúng tôi đến giảng đường Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM. Thấp thoáng cái bóng nhỏ xíu của Hà đang nhích từng chút lại phía giảng đường. Di chuyển quá khó khăn nên cô thường đến trường sớm một tiếng để leo cầu thang lên lớp.

Cô đi bằng tay với đôi ghế nhựa để gồng gánh cơ thể cùng chiếc cặp nặng trĩu sách vở. Lạch cạch, lạch cạch... tiếng ghế va từng bậc cầu thang, cô gái không chân này đang leo cầu thang bằng tay đến lớp!

Với người lành lặn, mỗi bậc thang quá bình thường, nhưng với Hà là một con dốc đang chờ cô chinh phục. Cô nhích tay phải cầm ghế lên trước, rồi gồng người nhích chiếc ghế bên tay trái lên theo. Tiếng nhích từng bậc của Hà càng lên tầng cao lại càng chậm đi, nghe như tiếng nặng nề, phải cố gắng vô cùng.

Rồi thỉnh thoảng chúng tôi lại thót tim khi chiếc ghế nhích hụt khỏi bậc thang. Nhưng với Hà chuyện này rất bình thường, bởi cô đã di chuyển bằng tay từ bé thơ. 20 năm không thể đi bằng chân đã luyện cho đôi tay nhỏ nhắn của cô sức mạnh phi thường.

Mất hơn 10 phút để cô sinh viên leo lên được tới lớp học.

Mồ hôi nhễ nhại trên trán và đẫm cả đôi bờ vai, Hà vẫn cười tươi nói: "Vậy đỡ cho em lắm rồi, hồi năm nhất em học đại cương, có mấy môn phải leo lên tới lầu 5 để học. Em quen rồi, leo một tầng em ngồi nghỉ xíu rồi lại leo tiếp, tới nơi quạt một chút là vô lớp học bình thường thôi ạ".

Quen rồi! Cô gái nhỏ nhắn ấy nói một cách nhẹ tênh với việc leo cầu thang bằng tay đến lớp. Nhìn kỹ vào đôi tay của cô ở chỗ cầm ghế, những vết thương và dấu trầy xước vẫn còn đang đỏ ửng. Và chiếc ghế cũng nhẵn bóng đi sau mấy năm ròng thay đôi chân đưa cô đến lớp.

Hà đã đi học theo cách như vậy từ năm cấp II, cấp III, giờ là đại học và tương lai có thể sẽ vẫn còn tiếp tục.

"Cấp I, ba mẹ em đưa em đến tận cửa lớp, năm cấp II và cấp III thì đưa em tới gần lớp rồi em tự đi như vậy lên lớp học. Hồi đó thầy cô thương nên cũng ưu ái xếp lớp em ở tầng trệt cho em đỡ phải leo cao", Ngọc Hà tâm sự.

Ý chí của cô gái không chân

Để đạt được thành tích 12 năm liền học sinh giỏi, chỉ với hai chiếc ghế và đôi tay thôi là chưa đủ, quan trọng nhất với Hà vẫn là nghị lực phi thường. Nhớ lại bước ngoặt cuộc đời khi thi tốt nghiệp THPT, Hà cho biết gia đình đã rất đắn đo khi cô quyết định rời Long An lên TP.HCM học đại học.

"Gia đình em luôn muốn con ăn học tới nơi tới chốn, nhưng lúc em đậu vào ngành kế toán, ba mẹ cũng sợ con lên đây một mình sẽ nhiều khó khăn. Đến khi đưa em vào ký túc xá, thấy gần trường và an toàn nên ba mẹ mới đỡ lo", Hà chia sẻ.

Ngành kế toán đến với Hà không phải gượng ép để phù hợp với đôi chân khiếm khuyết, mà nó là ước mơ thật sự của cô.

"Từ nhỏ đến giờ em chưa bao giờ suy nghĩ bỏ cuộc hay than trách số phận. Em thích ngành này, em cũng thích học toán nên em thi vào để sau này trở thành người kế toán giỏi. Em nghĩ ba mẹ đã chấp nhận em rồi thì bản thân em chẳng có lý do gì để tự xem mình là gánh nặng cả", Hà tự tin nói.

Kiên cường là thế, song cũng có những đêm cô khóc thầm đến ướt cả gối, nhất là những ngày đầu lên thành phố học. Cô nhớ gia đình, nhớ bạn bè và nỗi sợ khi phải hòa nhập môi trường mới.

Lên TP.HCM hai năm, Hà chỉ biết ký túc xá và trường đại học. Chuyến đi xa nhất của cô là đến tham quan dinh Độc Lập bằng xe ba bánh.

Cô gái trẻ trải lòng đôi lúc cũng thẫn thờ khi thấy bạn bè đồng trang lứa tung tăng.

"Có lần lớp gom quỹ để đi làm thiện nguyện, phát quà cho các cô chú có hoàn cảnh khó khăn. Em rất thích hoạt động này, nhưng nhìn lại chân mình vầy sao đi được, thế là đành ngậm ngùi về phòng", Hà chùng giọng.

Hằng tháng gia đình gửi lên cho Hà 3 triệu để chi tiêu, nhưng cô không dùng hết bởi rất hiếm khi Hà đi chơi hay cà phê với các bạn. Một ngày của cô lặp đi lặp lại: ăn, đi học, học bài...

Đôi lúc giữa giảng đường tấp nập, cô sinh viên có cảm giác bơ vơ: "Nhất là lúc chọn môn học, có mấy môn em chọn lại không cùng phòng hoặc ca học với các bạn chơi chung với em, học trong lớp mới chỉ lủi thủi một mình".

Luôn được thầy cô và bạn bè quan tâm

Trên quãng đường vài trăm mét từ ký túc xá đến giảng đường, bạn bè Hà khi thấy cô dùng tay leo thang vẫn thường cầm cặp giúp và khích lệ "Cố lên nhé Hà!".

Chính sự quan tâm của bạn bè và thầy cô là thứ níu Hà ở lại với ước mơ đại học. Hiện cô đang ở ký túc xá với bảy bạn nữ và đều giúp đỡ Hà.

"Mấy bạn nhường giường thấp cho em, hỗ trợ em trong việc sinh hoạt thường ngày. Em cố gắng không làm phiền các bạn nhiều, em mất chân nhưng vẫn còn ý chí mà, làm được gì cho bản thân em sẽ tự làm", Hà khẳng định.

Trải lòng về sự thành công và hạnh phúc của cô, đó là chinh phục được giấc mơ cử nhân kế toán, tự nuôi bản thân và trở thành niềm tự hào của ba mẹ ở quê nhà.

Không dám nhận mình mạnh mẽ, Hà nói có chăng đó chỉ là sự lặp lại mà những người khiếm khuyết như cô đã trải qua đến quen thuộc. Hà mong không ai xem mình là gánh nặng, là người cần được giúp đỡ, cô chỉ muốn bước tiếp bằng chính đôi tay và ý chí của mình.

Cuộc đời dẫu có nghiệt ngã, cô gái khuyết chân ấy vẫn học giỏi 12 năm liền, đậu ngành học top của trường đại học và đã có kế hoạch chinh phục nhiều điều xa hơn thế.

'Tôi mất đôi chân nhưng vẫn còn ý chí' - Ảnh 3.

Cô Nhân Anh đánh giá rất cao nỗ lực của Hà và luôn sâu sát để kịp thời giúp đỡ

Là người sâu sát với Hà từ những ngày đầu đại học, cô Cao Thị Nhân Anh, giảng viên bộ môn kế toán Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, đánh giá những năm gần đây điểm đầu vào ngành khá cao, việc Hà đậu được cho thấy nỗ lực rất lớn.

Trực tiếp dạy Hà ba môn, cô Nhân Anh đánh giá xuyên suốt quá trình học Hà luôn cố gắng vượt lên chính mình. "Tôi thường điểm danh đầu và giữa giờ học, Hà rất hiếm khi vắng, trừ khi bạn bị ốm thôi. Dù mưa hay nắng, bạn luôn đi đúng giờ, thường giơ tay phát biểu", cô cho biết.

Nói về cơ hội nghề nghiệp của Hà, cô Nhân Anh khẳng định nếu Hà vẫn tiếp tục cố gắng, đạt thành tích cao trong 4 năm đại học thì khiếm khuyết ở chân không phải là trở ngại trên con đường chinh phục ước mơ trở thành người kế toán giỏi.

'Tôi mất đôi chân nhưng vẫn còn ý chí' - Ảnh 4.Đến trường trên đôi chân của mẹ

TT - Suốt bốn năm liền, hai anh em Ha Giá (12 tuổi) và Ka Chiểu (10 tuổi) đến trường trên đôi chân của người mẹ, bà Ka Ben (40 tuổi).

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên