
Phó thủ tướng thường trực Nguyễn Hòa Bình trao quyết định đặc xá cho các phạm nhân tại trại giam A2 dịp 30-4 vừa qua - Ảnh: NGUYỄN HOÀNG
Mở rộng phạm vi, quy mô, điều kiện, diện đối tượng được đề nghị đặc xá dịp 2-9
Phó thủ tướng thường trực Nguyễn Hòa Bình vừa ký công điện số 108 ngày 16-7 về triển khai thực hiện công tác đặc xá năm 2025 (đợt 2).
Phó thủ tướng đề nghị Bộ Công an làm tốt chức năng chủ trì tham mưu cho Chính phủ và nhiệm vụ thường trực Hội đồng tư vấn đặc xá; có trách nhiệm trực tiếp chỉ đạo việc xét đề nghị đặc xá cho phạm nhân đang chấp hành án tại các trại giam, trại tạm giam do Bộ Công an quản lý;
Đôn đốc, hướng dẫn, kiểm tra các bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc nảy sinh, trường hợp vượt thẩm quyền báo cáo Hội đồng tư vấn đặc xá xem xét.
Bộ Quốc phòng có trách nhiệm trực tiếp chỉ đạo chặt chẽ việc xét đề nghị đặc xá cho phạm nhân đang chấp hành án tại các trại giam, trại tạm giam do Bộ Quốc phòng quản lý.
Tòa án nhân dân tối cao trực tiếp chỉ đạo, hướng dẫn Tòa án nhân dân, Tòa án quân sự các cấp chủ trì việc xét đề nghị đặc xá cho người đang được tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù.
Do tính chất, ý nghĩa rất đặc biệt của đợt đặc xá dịp 2-9 nên phạm vi, quy mô, điều kiện, diện đối tượng được mở rộng hơn.
Trước đó, tổng số người được đặc xá (đợt 30-4-2025) là 8.055 người, trong đó có 8.054 phạm nhân và 1 người đang được tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù.
Tỉ lệ tái phạm sau đặc xá thấp, đến nay mới ghi nhận 4 người được đặc xá đợt 30-4 có hành vi vi phạm pháp luật, chiếm tỉ lệ 0,05%, trong đó xử lý hình sự 3 người, xử lý hành chính 1 người.
Quy định mới về điều động nhà giáo từ 1-1-2026
Theo quy định của Luật Nhà giáo được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 9 sẽ có hiệu lực từ 1-1-2026, việc điều động nhà giáo được thực hiện trong các trường hợp sau:
- Bố trí nhà giáo do sắp xếp lại cơ sở giáo dục hoặc giải quyết tình trạng thừa, thiếu nhà giáo.
- Giải quyết chính sách đối với nhà giáo sau khi kết thúc thời gian được điều động đến công tác tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo và vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn;
- Hỗ trợ nâng cao chất lượng giảng dạy, giáo dục, quản lý của cơ sở giáo dục. Theo yêu cầu, nhiệm vụ chuyên môn của cơ quan quản lý giáo dục.

XEM TIN TỨC MỚI NHẤT VỀ GIÁ VÀNG HÔM NAY TẠI ĐÂY
Luật cũng quy định rõ nguyên tắc điều động nhà giáo. Theo đó, nhà giáo được điều động phải đáp ứng yêu cầu của vị trí việc làm sẽ đảm nhận. Công tác điều động nhà giáo phải được thực hiện công khai, minh bạch, khách quan, đúng quy định của pháp luật.
Cùng với đó, luật quy định cụ thể các trường hợp không thực hiện điều động bao gồm nhà giáo nữ đang mang thai hoặc nuôi con dưới 36 tháng tuổi. Nhà giáo có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.
Nhà giáo có vợ hoặc chồng đang được điều động, biệt phái hoặc cử làm nhiệm vụ ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo và vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.
TP.HCM phân chia phạm vi tiếp nhận, cung cấp máu sau sáp nhập

Đông đảo người dân đã đi hiến máu sau lời kêu gọi của các bệnh viện do thiếu máu điều trị trong dịp hè - Ảnh: TTO
Ngày 16-7, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Trần Thị Diệu Thúy ký văn bản gửi Sở Y tế TP, Hội Chữ thập đỏ TP, UBND các phường, xã và đặc khu, Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Truyền máu Huyết học về việc phân chia lại phạm vi tiếp nhận và cung cấp máu, chế phẩm.
Theo đó, UBND TP thống nhất việc Trung tâm Truyền máu thuộc Bệnh viện Chợ Rẫy tiếp tục tiếp nhận máu và cung cấp máu, chế phẩm cho khu vực 2 và khu vực 3 (Bình Dương cũ và Bà Rịa - Vũng Tàu cũ) từ ngày 1-7 đến ngày 31-12-2025.
Bệnh viện Chợ Rẫy sẽ ký hợp đồng tiếp nhận máu với Hội Chữ thập đỏ TP sau khi tổ chức này hoàn tất cơ cấu nhân sự.
Từ ngày 1-1-2026, Trung tâm Hiến máu nhân đạo TP và Bệnh viện Truyền máu Huyết học sẽ là đơn vị chủ lực đảm nhiệm việc tiếp nhận, cấp phát máu và chế phẩm máu cho toàn bộ các bệnh viện địa bàn TP.HCM mới.
Hội Chữ thập đỏ TP phối hợp Sở Y tế và các cơ sở tiếp nhận máu và các địa phương liên quan xây dựng kế hoạch vận động, tiếp nhận, cấp phát máu cho khu vực mở rộng (Bình Dương cũ và Bà Rịa - Vũng Tàu cũ) từ năm 2026.
Đưa cơ sở 2 của Bệnh viện Bạch Mai và Việt Đức vào hoạt động đúng kế hoạch
Chiều 16-7, Phó thủ tướng Lê Thành Long dẫn đầu đoàn công tác đã đi kiểm tra thực tế hiện trạng cũng như tiến độ xây dựng cơ sở 2 của Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức tại tỉnh Ninh Bình.
Theo báo cáo của Bộ Y tế, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ về hoàn thành xây dựng cơ sở 2 của Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức tại Hà Nam (nay là Ninh Bình) để đưa vào sử dụng trong năm 2025 (phấn đấu hoàn thành trước ngày 30-11), Bộ Y tế đã thường xuyên kiểm tra, đôn đốc tại công trường, bố trí vốn cho hai dự án là 2.458 tỉ đồng;
Tiến độ thi công các hạng mục xây lắp tại hai dự án, Bệnh viện Bạch Mai phấn đấu hoàn thành các gói thầu xây dựng trước ngày 15-8, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức phấn đấu hoàn thành trước ngày 15-9.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình Phạm Quang Ngọc, đầu tháng 6-2025, tỉnh đã khởi công hai dự án nhà ở xã hội từ nguồn ngân sách tỉnh (quy mô 600 căn hộ) với tổng mức đầu tư khoảng 430 tỉ đồng, dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2025, sẽ là nhà ở công vụ cho y bác sĩ.
Về chuẩn bị nguồn nhân lực, tỉnh Ninh Bình đã chỉ đạo Trường cao đẳng Y tế của tỉnh phối hợp với Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức để liên kết đào tạo nguồn nhân lực, sẵn sàng đáp ứng khi các bệnh viện đi vào hoạt động.
UBND tỉnh phối hợp với Bệnh viện Bạch Mai thực hiện thủ tục đầu tư xây dựng Trường đại học Y dược Bạch Mai tại Khu đại học Nam Cao; thực hiện thủ tục đầu tư dự án nhà ở xã hội quy mô hai tòa nhà cao 9 tầng để phục vụ nơi ở cho học sinh, sinh viên học tập tại các trường.

Tin tức chính trên Tuổi Trẻ nhật báo hôm nay 17-7. Để đọc Tuổi Trẻ báo in phiên bản E-paper, mời bạn đăng ký Tuổi Trẻ Sao TẠI ĐÂY

Tin tức thời tiết hôm nay 17-7 - Đồ họa: NGỌC THÀNH

Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận