
Mạng xã hội đang rộ lên thông tin tiêu đen có thể chữa hoàn toàn bệnh tắc nghẽn tim - Ảnh: THIP
Thông tin này được bắt nguồn từ một video trên Instagram do tài khoản @cravekitchen26 đăng tải, khuyến nghị sử dụng hạt tiêu đen rang cùng bơ Ghee như một phương thuốc tại nhà giúp chữa tắc nghẽn tim.
Hơn nữa, bài đăng khẳng định hạt tiêu đen là chất làm loãng máu tự nhiên, có thể giúp mọi người ngừng sử dụng thuốc tây theo toa như Ecosprin.

Đoạn video được cho là khởi nguồn của thông tin trên - Ảnh: THIP
Tuy nhiên theo chuyên trang kiểm chứng tin y tế The Healthy Indian Project (THIP), các chuyên gia kiểm chứng cho biết thông tin này phần lớn là sai sự thật.
Bệnh tắc nghẽn tim là gì?
Tắc nghẽn tim, hay bệnh động mạch vành, là tình trạng bị xơ vữa động mạch, khi mảng bám - gồm chất béo, cholesterol và các chất khác - tích tụ bên trong động mạch. Khi mảng bám vỡ, cục máu đông được hình thành có thể dẫn đến đột quỵ, nhồi máu cơ tim.
Vì vậy bệnh nhân thường được kê đơn thuốc làm loãng máu để phòng ngừa biến chứng, trong đó có thuốc chống đông (anticoagulants) và thuốc chống kết tập tiểu cầu (antiplatelets). Những loại thuốc này phải được theo dõi sát sao bởi bác sĩ, không thể tự ý ngưng hoặc thay bằng mẹo dân gian.
Công dụng thật sự của tiêu đen
Trong y học cổ truyền Ấn Độ (Ayurveda) có ghi nhận lợi ích tổng thể của hạt tiêu đen trong tiêu hóa và chuyển hóa, đặc biệt khi kết hợp với bơ Ghee.
Bơ Ghee là một loại bơ được làm bằng cách thanh lọc bơ sữa thông thường để loại bỏ hết phần nước và các cặn sữa như lactose và casein, khiến nó chỉ còn lại thành phần chất béo nguyên chất. Đây là loại bơ tinh chế, tồn tại dưới dạng rắn ở nhiệt độ phòng và có màu vàng đậm đặc trưng.
Tuy nhiên, các văn bản Ayurvedic chính thống cũng không hề công nhận hạt tiêu đen rang bơ Ghee là phương thuốc điều trị tắc nghẽn động mạch.
Các vị thuốc thường được đề xuất hỗ trợ sức khỏe tim mạch bao gồm: nghệ, gừng, tỏi, arjuna và guggul - nhưng cũng chỉ mang tính bổ trợ, không thay thế hoàn toàn điều trị hiện đại.
Tiến sĩ P. Rammanohar, giám đốc nghiên cứu tại Trường Y học Ayurveda Amrita, khẳng định rằng không có bài thuốc nào - kể cả hiện đại hay cổ truyền - có thể làm tan hoàn toàn mảng xơ vữa ngay lập tức. Tất cả phương pháp điều trị đều cần thời gian, kỷ luật và giám sát y tế.
Ông cũng cảnh báo việc trì hoãn việc chăm sóc y tế hay ngưng sử dụng thuốc theo toa sau cơn đau tim vì tin vào bài thuốc lan truyền là hành động vô cùng nguy hiểm.
Tương tự, bác sĩ Anusha Dewan (Bệnh viện Jeevan Anmol, New Delhi) khuyến cáo không nên sử dụng các bài thuốc gia truyền để thay thế các liệu pháp đã được khoa học kiểm chứng.
Bà cho biết các mẹo dân gian không trải qua quy trình kiểm nghiệm nghiêm ngặt như thuốc, do đó không đảm bảo an toàn và hiệu quả trong điều trị các bệnh lý nghiêm trọng như cao huyết áp hay tắc nghẽn động mạch.
Phương pháp điều trị tắc nghẽn tim theo khoa học
Hiện nay, phác đồ điều trị tắc nghẽn tim được khuyến nghị gồm: thay đổi lối sống (ăn uống lành mạnh, vận động thường xuyên, bỏ thuốc lá, rượu bia), dùng thuốc (statin, thuốc chẹn beta, thuốc chống đông...) và can thiệp y khoa nếu cần thiết (đặt stent hoặc phẫu thuật bắc cầu).
Bác sĩ Mohit Bhagwati (chuyên khoa nội và tim mạch) nhấn mạnh không có thực phẩm nào làm tan mảng bám, nhưng chế độ ăn lành mạnh và thuốc như statin có thể ngăn chặn tiến triển bệnh, giảm nguy cơ vỡ mảng gây đột quỵ.
Tóm lại, các chuyên gia y tế khuyến cáo người dân không nên tin tưởng hay làm theo các mẹo chưa được kiểm chứng lan truyền trên mạng.
Bệnh tim là vấn đề nghiêm trọng, cần được chẩn đoán và điều trị bởi bác sĩ chuyên khoa tim mạch, tuyệt đối không tự ý thay thế thuốc bằng mẹo dân gian.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận