31/03/2025 07:11 GMT+7

Thương nhớ đồng quê, thương nông dân mình lắm!

Tên bộ phim Thương nhớ đồng quê đã được lấy làm chủ đề cho tập 7 Thời gian ơi, kể chuyện. Đạo diễn Đặng Nhật Minh, NSND Thúy Hường chia sẻ kỷ niệm về bộ phim này.

Thương nhớ đồng quê - Ảnh 1.

Nghệ sĩ Thúy Hường vai Ngữ trong phim Thương nhớ đồng quê - Ảnh: Tư liệu

Tập 7 Thời gian ơi, kể chuyện gồm có ba chương: Bóng quê hương, Vị quê nhà, Tình quê. Nghệ sĩ Thúy Hường là khách mời bất ngờ. Chị xuất hiện ở chương đầu tiên. Còn đạo diễn Đặng Nhật Minh trò chuyện với khán giả qua clip.

Nông dân chịu thiệt thòi

Đạo diễn Đặng Nhật Minh kể rằng khi đọc truyện về làng quê của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp thấy rất điện ảnh. 

Khi viết đề cương phim xong, tình cờ một giám đốc xưởng phim ở miền Nam hỏi có kịch bản phim nào hay không, đạo diễn đưa ông ấy đọc thì ông ấy từ chối làm, lý do không có yếu tố kịch bản phim truyện.

Thương nhớ đồng quê, thương nông dân mình lắm! - Ảnh 2.

Nghệ sĩ Thúy Hường trong chương trình Thời gian ơi, kể chuyện - Ảnh: VTV

Hãng phim trong nước từ chối nhưng một hãng phim Nhật khi sang Việt Nam mời ông làm phim này. 

Năm 1995, nhân kỷ niệm 100 năm ra đời, đài NHK đã mời 5 đạo diễn của 5 nước châu Á, làm những bộ phim mới công chiếu tại Tokyo. Trong danh sách ấy có Thương nhớ đồng quê của đạo diễn Đặng Nhật Minh.

Thương nhớ đồng quê phát sóng đầu tiên năm 1995 trên VTV1 gây tiếng vang lớn. Sau đó, phim xuất hiện tại hơn 60 liên hoan phim trong và ngoài nước, thu về nhiều giải thưởng. 

Tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 11 đạo diễn Đặng Nhật Minh đoạt giải đạo diễn xuất sắc.

Thương nhớ đồng quê được xem là phim mang tính biểu tượng về hình ảnh làng quê Việt Nam. 

Không chỉ có cánh đồng lúa, máy xay xát lúa, chất đồng quê còn thể hiện qua nhiều con vật trong phim như trâu, gà, ếch và cuộc sống nông thôn bị xáo trộn khi đô thị hóa.

"Truyện của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp đưa ra phác thảo, chúng tôi phải đắp cho có da có thịt. Mối quan hệ anh Nhâm ở giữa, cùng với chị Ngữ - chị dâu và cô Duyên đi nước ngoài về được xây dựng. Sự giằng xé giữa ba người này thành câu chuyện", đạo diễn kể.

Đạo diễn Đặng Nhật Minh cũng bảo: "Tôi không sống ở làng quê nhưng tôi luôn suy nghĩ nông dân là người chịu thiệt thòi nhất. Tôi luôn muốn làm điều gì để cảm thông với họ.

Ra trận cũng là người nông dân, làm ra thóc gạo nuôi quân cũng là người nông dân. Thời bình nông dân cũng chịu thiệt thòi. Nhiều thanh niên bỏ làng ra đi kiếm sống, giống như chồng chị Ngữ trong phim".

"Ôi, cô Ngữ của Thương nhớ đồng quê đây rồi!"

Ở trong phim trường Thời gian ơi, kể chuyện, nghệ sĩ Thúy Hường xúc động theo dõi trích đoạn phim. Dù không học qua trường lớp diễn xuất nhưng chị được đạo diễn chọn vào vai nữ chính. Chị kể mối duyên vào vai chính trong phim cũng khá thú vị.

Thương nhớ đồng quê - Ảnh 3.

Chương trình Thời gian ơi, kể chuyện - Ảnh: VTV

Trong lần đến phòng thu âm để thu bài hát cho phim Cây bạch đàn vô danh, đạo diễn Thanh Vân có hỏi chị có thích đóng phim không để giới thiệu với đạo diễn. Chị bất ngờ vì thấy mình còn không biết đóng phim là như thế nào.

"Khi mời đạo diễn Đặng Nhật Minh đến nhà, theo phong tục Bắc Ninh tôi trang điểm, mặc trang phục đẹp để đón khách.

Đạo diễn đến, nhìn thấy tôi như vậy bộc lộ vẻ không vui. Ông bảo tôi đi rửa mặt. Khách đến chơi nhà sao lại nói như vậy? Tôi rất thắc mắc. Nhưng khi tôi rửa mặt, mặc trang phục nông dân vào, ông tới ôm tôi và bảo: "Ôi cô Ngữ của tôi đây rồi!".

Khi quay đến cảnh cắt lúa, cả làng ra xem diễn viên có biết cắt lúa thật không, rồi họ trầm trồ khen cắt còn giỏi hơn nông dân. Họ đâu biết tôi cũng là nông dân mà", nghệ sĩ Thúy Hường vui vẻ nhớ lại.

Ngoài câu chuyện về phim Thương nhớ đồng quê, tập 7 Thời gian ơi, kể chuyện còn kể những câu chuyện cảm động về quê hương trong ký ức của những khách mời: họa sĩ Thành Chương, nhà thơ Bằng Việt, nhiếp ảnh gia Bích Giếng, ca sĩ Ngọc Khuê, TikToker Minh Hồ, Harry Nista.

Hình bóng quê hương được nhắc trong tác phẩm hội họa, nhiếp ảnh thơ văn, thời trang, về những món ăn dân dã, mang dấu ấn tuổi thơ như kem mút, kẹo mạch nha, bỏng, bánh quê…

Và dĩ nhiên không thiếu những ký ức đẹp về ông bà, cha mẹ - những người quê luôn khiến ta thương nhớ.

Thương nhớ đồng quê, thương nông dân mình lắm! - Ảnh 7.Đời cát giúp Hồng Ánh có giải thưởng quốc tế đầu tiên: Cảnh khóc trên tàu quay đúng một lần

Xuất hiện trong tập 4 Thời gian ơi! Kể chuyện tối 16-3, Hồng Ánh bồi hồi nhớ về Đời cát, bộ phim mang đến cho chị bước ngoặt lớn trong sự nghiệp.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên