TTCT - Nắng nóng khiến cơ thể dễ mắc bệnh hoặc các bệnh lý sẵn có trở lên nặng nề hơn. Ngay cả việc uống thuốc cũng có thể khiến cơ thể dễ bị tổn thương hơn do nhiệt. Điều hòa thân nhiệt là chức năng sống còn của cơ thể, được điều chỉnh bởi vùng dưới đồi - một cấu trúc não giúp điều phối quá trình sinh nhiệt và tỏa nhiệt, nhằm duy trì nhiệt độ không đổi, từ 36 độ C đến 37 độ C tại các mô và cơ quan. Nhiệt độ này đảm bảo điều kiện tối ưu cho các phản ứng sinh hóa diễn ra bình thường, từ đó cân bằng môi trường bên trong và bên ngoài tế bào, ngay cả khi thời tiết khắc nghiệt. Khi nhiệt độ cơ thể trên 40 độ C, có thể gây nguy hiểm tính mạng do phá vỡ sự cân bằng này.Người cao tuổi có khả năng cảm nhiệt và tỏa nhiệt kém hơn do chức năng nhiều vùng não bị suy giảm, tuyến mồ hôi xơ hóa và khả năng giãn mạch máu kém, khiến họ dễ mắc bệnh trong thời tiết nắng nóng. Mặt khác, họ thường mắc nhiều bệnh mạn tính đi kèm, khiến bệnh dễ trở nặng và buộc phải sử dụng nhiều loại thuốc.Không may là ngày càng nhiều nghiên cứu chỉ ra tác dụng phụ gây tăng thân nhiệt của một số nhóm thuốc kê đơn, khiến cơ thể người bệnh dễ bị tổn thương hơn do nắng nóng, ngay cả khi nhiệt độ chưa thực sự tăng quá cao.Tăng thân nhiệt do thuốcTạp chí Dược lâm sàng châu Âu hồi tháng 4-2023 đã công bố một nghiên cứu lớn, dựa trên dữ liệu cảnh báo dược ở châu lục này từ năm 1995 - 2022 về tác dụng phụ của một số nhóm thuốc liên quan đến nhiệt. Kết quả cho thấy có hơn 9 triệu trường hợp gặp phản ứng bất lợi, trong đó có 469 trường hợp ghi nhận "đột quỵ do nhiệt" và " kiệt sức do nhiệt".Trong số các nhóm thuốc được nghiên cứu thì nhóm thuốc điều trị hệ thần kinh, đáng chú ý là thuốc chống loạn thần, trầm cảm, thuốc điều trị động kinh chiếm 60,55%; thuốc chống ung thư và điều hòa miễn dịch chiếm 12,37%; thuốc tim mạch chiếm 7,46%... Đây đều là các nhóm thuốc kê đơn điều trị bệnh thường gặp với tỉ lệ người mắc bệnh ngày càng tăng cao.Ví dụ các loại thuốc chống loạn thần được kê đơn điều trị chứng rối loạn lưỡng cực, trầm cảm, mất ngủ..., thường tác động lên não và gây tăng thân nhiệt. Chúng gây ra chứng không dung nạp nhiệt, khiến người bệnh luôn cảm thấy nóng ở nhiệt độ mà hầu hết mọi người đều thấy thoải mái."Những loại thuốc điều trị rối loạn tăng động giảm chú ý, thuốc chống loạn thần làm tăng nhiệt độ của bạn bằng cách tác động lên vùng dưới đồi, vùng não chức năng để điều hòa nhiệt làm mát cơ thể" - tiến sĩ Jessica Pace thuộc Đại học New South Wales (Mỹ) cho biết.Ở chiều ngược lại, các đợt nắng nóng và nhiệt độ cao kéo dài cũng ảnh hưởng đến sức khỏe tâm thần. Một phân tích tổng hợp trên tạp chí Lancet hồi tháng 7-2023 cho biết ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy nhiệt độ ngoài trời xung quanh có thể ảnh hưởng đến sức khỏe tâm thần.Điều này đặc biệt đáng lo ngại trong bối cảnh biến đổi khí hậu, thông qua một số cơ chế: thay đổi sinh lý (như thay đổi lưu lượng máu), thay đổi nhận thức (do giấc ngủ bị gián đoạn ở nhiệt độ cao và ảnh hưởng đến khả năng kết nối chức năng của não), hoặc những thay đổi xã hội (như căng thẳng do kinh tế, nông nghiệp giảm sút). Kết quả khiến tỉ lệ nhập viện vì bệnh tâm thần gia tăng. Do đó, việc điều trị bệnh lý tâm thần bằng thuốc chống loạn thần là cần thiết, bất chấp tác dụng phụ tăng thân nhiệt của thuốc.Các nhóm thuốc tim mạch, điển hình là thuốc chẹn beta giao cảm - loại thuốc để điều trị huyết áp cao, đau thắt ngực, rối loạn nhịp tim, suy tim, ngăn ngừa chứng đau nửa đầu và thuốc kháng tiểu cầu - dự phòng tắc mạch máu do mảng xơ vữa động mạch, cũng gây tăng thân nhiệt do giảm khả năng "tỏa nhiệt"."Thuốc chẹn thụ thể beta có thể làm giảm nhịp tim và làm giảm lưu lượng máu đến da. Điều đó khiến mọi người dễ bị tổn thương hơn khi tiếp xúc với nhiệt. Điều tương tự cũng xảy ra với thuốc kháng tiểu cầu, như aspirin. Những người dùng thuốc này có thể tăng nhiệt độ cơ thể khi bị stress nhiệt thụ động, điều này sẽ khiến họ dễ bị tổn thương hơn" - tiến sĩ Kai Chen của Trường Y tế Công cộng Yale nói với Scientific American.Ngoài ra, một số loại thuốc (thuốc lợi tiểu điều trị suy tim hay thuốc nhuận tràng...) gây mất nước, hoặc thuốc làm giảm khả năng cảm nhận thấy khát, từ đó người bệnh sẽ uống ít nước hơn và nguy cơ mất nước tăng lên hay thuốc làm giảm khả năng bài tiết mồ hôi (thuốc chống dị ứng kháng histamin...), khiến cơ thể khó thoát nhiệt ra ngoài, làm tăng thân nhiệt.Bên cạnh đó, một số nhóm thuốc (thuốc trị mụn trứng cá, thuốc kháng sinh, huyết áp...) làm tăng nguy cơ bị cháy nắng hay khiến da nhạy cảm với ánh nắng mặt trời. Thông thường, các tế bào da khô và bong ra khi chúng chạm tới bề mặt da và khiến các tế bào da chết hoạt động như một rào cản chống lại ánh sáng mặt trời. Tuy nhiên, các loại thuốc trên có thể làm chậm quá trình đó và khiến da bị bỏng, thông qua phản ứng quang độc và phản ứng dị ứng ánh sáng. Điều quan trọng là "cả phản ứng quang độc và dị ứng ánh sáng đều gây tổn hại cho da do tiếp xúc với tia cực tím và có thể làm tăng nguy cơ phát triển ung thư da sau này" - tiến sĩ Pace nói với ABC News.Tuy nhiên, thực tế là lợi ích mà các nhóm thuốc trên mang lại cho bệnh nhân là vượt trội so với tác dụng phụ làm tăng thân nhiệt. Do vậy, để khắc phục người bệnh cần uống nhiều nước, điều chỉnh thời gian dùng thuốc: có thể không dùng thuốc vào những ngày phải ra ngoài nắng trong thời gian dài hoặc chuyển sang uống thuốc vào chiều tối.Khi các triệu chứng vượt quá ngưỡng chịu đựng, người bệnh cần thông báo đến bác sĩ để điều chỉnh thuốc, có thể giảm liều, chuyển loại thuốc khác cùng nhóm hoặc phối hợp thêm thuốc khác để giảm tác dụng phụ đó. Điều này sẽ giúp bảo vệ cơ thể trong những ngày nắng nóng kéo dài mà vẫn nhận được lợi ích từ thuốc điều trị.Thuốc "hỏng" do nhiệt độ caoNhiệt độ cao cũng làm giảm hiệu quả và độ an toàn của thuốc. Ví dụ thuốc điều trị tiểu đường Insulin nhạy cảm với ánh sáng mặt trời và nhiệt độ cao. Do vậy, thuốc thường được bảo quản trong tủ mát. Nhiệt độ môi trường tăng cao làm thay đổi tính chất vật lý của thuốc và khiến thuốc mất tác dụng điều trị.Hay nhiệt độ tăng quá cao làm giảm 1/3 lượng máu đến gan và thận - cơ quan có tác dụng chuyển hóa và đào thải thuốc, dẫn đến thuốc tích tụ lâu trong cơ thể và gây độc.Do vậy, thuốc cần được bảo quản trong điều kiện thích hợp, khi thấy thuốc thay đổi màu sắc, vỏ thuốc bị mềm, dính... cần loại bỏ và thay thế bằng viên thuốc mới.Hội đồng liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC) cho biết hiện tượng nóng lên toàn cầu khiến tần suất và cường độ xuất hiện các đợt nắng nóng tăng lên và sẽ tiếp tục tăng. Dự kiến sẽ gây ra 30.000 ca tử vong vào năm 2030 và 50.000-110.000 ca tử vong vào năm 2080, và được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) coi là một trong những hiện tượng khí hậu nguy hiểm nhất.Hiểu được tác dụng phụ tăng thân nhiệt của một số loại thuốc sẽ giúp bác sĩ tư vấn người bệnh dùng thuốc an toàn trong đợt nắng nóng và người bệnh giảm nguy cơ gặp biến chứng nặng do nhiệt.Người bệnh cũng cần chủ động chuẩn bị nước uống đầy đủ, mang theo quạt hoặc túi nước đá hay thường xuyên kiểm tra bảo quản thuốc... đó là những là cách đơn giản và hiệu quả để bảo vệ cơ thể trong những ngày nắng nóng.■ Cá thể hóa nhiệt độ cơ thểTừ lâu, chúng ta coi 37 độ C là nhiệt độ bình thường của cơ thể. Tuy nhiên, một nghiên cứu mới của các nhà khoa học Trường Y Đại học Stanford phát hiện: nhiệt độ cơ thể bình thường thay đổi ở mỗi người, tùy thuộc vào độ tuổi, giới tính, chiều cao, cân nặng, cùng nhiều yếu tố khác - và nhiệt độ này dao động suốt cả ngày.Đáng chú ý, các nhà khoa học đã phát hiện ra nhiệt độ cơ thể trung bình ở Mỹ đã giảm từ 98,6 F xuống khoảng 0,05 F mỗi thập niên kể từ thế kỷ 19 và ngày nay dao động gần 97,9 F (36,6 độ C), có thể là do sức khỏe tốt hơn và điều kiện sống tốt giúp giảm viêm nhiễm.Ứng dụng điều này, các nghiên cứu trong tương lai có thể xem xét các định nghĩa cá nhân về sốt và liệu nhiệt độ bình thường cao hơn hay thấp hơn liên tục có ảnh hưởng đến tuổi thọ hay không. Vùng dưới đồi hoạt động dựa trên hệ thống thần kinh tự trị - một phần của hệ thống thần kinh tự chủ, kiểm soát các chức năng quan trọng của cơ thể (thân nhiệt, nhịp tim, huyết áp, hô hấp...) thông qua các chất dẫn truyền thần kinh.Ví dụ, khi nhiệt độ môi trường tăng cao, não điều chỉnh thân nhiệt bằng cách giảm hoạt động trao đổi chất ở tế bào, giãn mạch máu ở da, cánh tay, bàn tay và mặt để tỏa nhiệt ra ngoài và tăng tiết mồ hôi để làm mát cơ thể. Do vậy, bất cứ loại thuốc nào tác động lên quá trình này đều gây ảnh hưởng đến sự điều nhiệt của cơ thể. Tags: Thuốc tây
Khách đông kín sân bay Tân Sơn Nhất, đứng nằm ngồi vật vã, xếp hàng dài vô tận CÔNG TRUNG 24/01/2025 Chen chúc, nhích từng chút để chờ làm thủ tục tại sân bay Tân Sơn Nhất. Bên trong nhà ga khan ghế ngồi, khách nằm vật vạ dưới đất để chờ hãng thông báo giờ bay mới sau nhiều giờ chậm chuyến (delay).
Vợ nam shipper xấu số ở Đà Nẵng: Quẫn trí, suy sụp nhưng muốn cảm ơn cả xã hội đã quan tâm THÁI BÁ DŨNG 25/01/2025 Vợ nam shipper xấu số ở Đà Nẵng nói tới thời điểm này, cả gia đình vẫn không ai tưởng tượng lại được quan tâm, giúp đỡ và chia sẻ như vậy.
Nguyên bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Quốc Triệu qua đời chiều 24-1 HỒNG HÀ 24/01/2025 Thông tin từ Bộ Y tế cho hay nguyên bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Quốc Triệu đã qua đời lúc hơn 17h chiều 24-1 tại Hà Nội.
Ùn ứ trên quốc lộ 1, xe cộ nhích từng chút thành vệt sáng dài giữa đêm NGUYỄN HOÀNG 24/01/2025 Khuya 24-1, tuyến quốc lộ 1 (đoạn qua thị xã Ninh Hòa, Khánh Hòa) ùn ứ kéo dài, xe cộ khó khăn nhích từng chút một.