
Những chiếc xe tải chở hàng container tiến vào cảng để dỡ hàng tại cảng Los Angeles, khu San Pedro, bang California ngày 10-4- Ảnh: AFP
Sau đòn thuế quan 145% từ chính quyền của ông Trump, chuỗi cung ứng toàn cầu lao đao. Cảng Mỹ vắng bóng tàu hàng Trung Quốc, trong khi Bắc Kinh vừa công khai cứng rắn vừa lặng lẽ tìm giải pháp xuống thang.
"Không bao giờ quỳ gối" - Bắc Kinh đã tuyên bố dứt khoát như vậy trên truyền thông để bày tỏ quan điểm trước chính sách thuế quan của Washington.
Nhưng ở hậu trường, các nguồn tin truyền thông quốc tế cho biết Trung Quốc đang âm thầm miễn thuế nhiều mặt hàng Mỹ thiết yếu và để ngỏ cánh cửa đàm phán.
Khi lượng container hàng hóa từ Trung Quốc sang Mỹ sụt giảm mạnh, hai nền kinh tế hàng đầu thế giới dường như đang chơi trò "ai nhịn lâu hơn" trong lúc vẫn dò tìm lối ra.
Cú sốc chuỗi cung ứng
Tại cảng Thượng Hải, những tàu container khổng lồ đang nằm im lìm, không còn cảnh xếp dỡ nhộn nhịp. Các công ty vận tải bắt đầu sử dụng tàu nhỏ để chở lượng hàng ít ỏi còn lại.
Ông Ryan Peterson - CEO của Flexport, một công ty môi giới logistics - mô tả tình hình với Đài CNN: "Họ hủy nhiều chuyến đi. Họ nói: 'Chúng tôi không chạy tàu khi chỉ đầy một nửa. Cứ để nó ở đây'".
Số liệu từ Flexport cho thấy vận chuyển hàng từ Trung Quốc sang Mỹ đã giảm 60% trong tháng 4. Tình hình còn có thể xấu hơn khi ông Gene Seroka - giám đốc cảng Los Angeles, nơi tiếp nhận gần nửa lượng hàng nhập từ Trung Quốc - dự báo lượng hàng qua cảng sẽ giảm 35% so với năm ngoái.
Những chuyến hàng cuối cùng không bị đánh thuế 145% của Mỹ đang lần lượt cập cảng Mỹ. Nhưng từ tuần tới, mọi lô hàng xuất phát sau ngày 9-4 sẽ chịu mức thuế quan mới do Tổng thống Donald Trump ban hành.
Trung Quốc đã đáp trả bằng mức thuế quan 125% lên hàng hóa Mỹ. Ngân hàng JP Morgan cảnh báo lượng hàng nhập khẩu từ Trung Quốc có thể giảm tới 75-80%.
Trong báo cáo gửi khách hàng, JP Morgan nhận định: "Nếu không thể nhanh chóng thay thế bằng hàng từ quốc gia khác, cú sụp đổ này không chỉ đẩy giá tăng vọt mà còn gây gián đoạn nghiêm trọng chuỗi cung ứng".
Tờ Wall Street Journal cho biết tác động còn lan rộng tới cả thương mại điện tử. Theo dữ liệu chính thức, lượng hàng thương mại điện tử từ Trung Quốc sang Mỹ đã giảm 65% về khối lượng trong quý 1-2025. Các nền tảng như Temu và Shein đã bắt đầu điều chỉnh giá, có sản phẩm tăng tới 100%, theo công ty theo dõi giá Geekbi.
Tại Mỹ, lãnh đạo các chuỗi bán lẻ Walmart và Target đã cảnh báo Tổng thống Trump về nguy cơ thiếu hụt hàng hóa nếu chính sách thuế tiếp tục kéo dài.
Tuy chưa hình dung ra viễn cảnh kệ hàng trống rỗng, ông Gene Seroka vẫn lo ngại khi trao đổi với CNN: "Bạn có thể tìm thấy rất nhiều loại quần nhưng không phải đúng loại bạn cần. Và nếu có, giá sẽ cao hơn".
Còn ông Peterson từ Flexport thì thẳng thắn: "Nếu tình trạng này kéo dài vài tuần nữa, các nhà bán lẻ sẽ hết hàng tồn kho. Đến mùa hè, bạn sẽ thấy thiếu hàng và kệ trống".

Một phụ nữ mua sắm tại quầy giày dép trong cửa hàng bách hóa ở TP New York ngày 10-4. Mỹ nhập khẩu giày dép từ Trung Quốc nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào khác - Ảnh: AFP
Chiến thuật sau lời cứng rắn
Trên truyền thông, Bắc Kinh khẳng định "Không bao giờ quỳ gối" và ví hành động nhượng bộ Mỹ chẳng khác nào "uống thuốc độc để giải khát" như trích dẫn của tờ Guardian. Nhưng đằng sau đó, một chiến thuật mềm mỏng hơn đang được âm thầm triển khai.
Theo Reuters, Trung Quốc đã lập một "danh sách trắng" các mặt hàng Mỹ được miễn mức thuế đáp trả 125%, bao gồm dược phẩm, chip máy tính, động cơ máy bay và ethane. Danh sách này không được công bố rộng rãi; thay vào đó, các doanh nghiệp liên quan được chính quyền chủ động liên hệ để thông báo riêng.
Một đại diện công ty dược tại Trung Quốc cho biết đã được chính quyền khu Phố Đông, Thượng Hải thông báo về danh sách này hôm 28-4.
Tín hiệu đàm phán cũng bắt đầu hé lộ. Theo Guardian, tài khoản mạng xã hội Yuyuan Tantian - gắn với truyền thông nhà nước Trung Quốc - cho biết Mỹ đã chủ động liên hệ qua nhiều kênh để thảo luận về thuế quan.
Đài CNBC thông tin Bộ Thương mại Trung Quốc ngày 2-5 xác nhận các quan chức cấp cao Mỹ gần đây đã tiếp cận "nhiều lần qua các bên liên quan", bày tỏ mong muốn khởi động đàm phán. Tuy vậy Bắc Kinh nhấn mạnh Washington phải dỡ bỏ toàn bộ thuế quan đơn phương.
Nếu không, điều đó sẽ thể hiện "sự thiếu chân thành hoàn toàn" và "tiếp tục làm tổn hại lòng tin lẫn nhau".
Từ phía Mỹ, Tổng thống Trump hôm 29-4 nói ông tin rằng một thỏa thuận thương mại "không còn xa nữa" nhưng nhấn mạnh đó "phải là một thỏa thuận công bằng", theo Reuters. Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent cũng bày tỏ niềm tin rằng Trung Quốc "sẽ muốn đạt được một thỏa thuận".
Đài CNBC dẫn bình luận của ông Từ Thiên Thần (Tianchen Xu), chuyên gia kinh tế cấp cao của Economist Intelligence Unit, cho rằng cả Mỹ và Trung Quốc đều đang "chờ bên kia chớp mắt trước".
Ông cho rằng các cuộc đàm phán kỹ thuật có thể đang diễn ra hoặc sẽ bắt đầu sớm, nhằm đưa thuế quan về mức "ít tàn khốc hơn", khoảng 40-50%, trong vòng một đến hai quý tới. Thông tin này đã ngay lập tức tạo phản ứng tích cực trên thị trường.
Theo CNBC, đồng nhân dân tệ giao dịch ngoài Trung Quốc tăng 0,14%, đạt 7,2665 so với USD sau thông báo này vào ngày 2-5 trong khi thị trường nội địa Trung Quốc đóng cửa nghỉ lễ. Đây là dấu hiệu cho thấy giới tài chính đang kỳ vọng hai nền kinh tế lớn nhất thế giới có thể thoát khỏi cuộc đối đầu thuế quan đang gây chấn động toàn cầu.
Xây dựng thực lực từ xung đột
Cuộc chiến thuế quan không chỉ gây thiệt hại kinh tế mà còn thúc đẩy tái cấu trúc chuỗi cung ứng toàn cầu. Các hiệp định khu vực như Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực, do Trung Quốc hậu thuẫn và lấy ASEAN làm trung tâm, đang nổi lên như một mô hình hợp tác thay thế đáng tin cậy, theo trang The Conversation.
Trong khi xuất khẩu sang Mỹ giảm mạnh, báo Guardian trích dữ liệu chính thức từ Trung Quốc cho thấy xuất khẩu thương mại điện tử của nước này sang châu Âu tăng 28% trong quý 1-2025.
Giá cước vận chuyển từ Việt Nam đến bờ Tây nước Mỹ hiện đắt hơn từ Trung Quốc 200 USD/container - chênh lệch này gần như bằng 0 vào cuối tháng 3, theo báo Wall Street Journal. Dù vậy theo hãng vận tải Đức Hapag-Lloyd, số đơn hàng container từ Đông Nam Á chỉ mới tăng khoảng 25%, vẫn còn nhỏ so với lượng hàng khổng lồ vốn xuất phát từ Trung Quốc.
Việt Nam thành mắt xích chủ lực trong chuỗi cung ứng của Apple
Apple thông báo phần lớn sản phẩm bán tại Mỹ trong quý 2-2025 sẽ được sản xuất tại Ấn Độ (iPhone) và Việt Nam (iPad, Mac, Apple Watch, AirPods) nhằm giảm tác động từ mức thuế 145% do chính quyền ông Donald Trump áp lên hàng hóa Trung Quốc.
CEO Tim Cook cho biết thuế quan sẽ khiến chi phí tăng thêm 900 triệu USD trong quý này nhưng công ty vẫn kỳ vọng doanh thu tiếp tục tăng.
Trong khi Trung Quốc vẫn là trung tâm sản xuất chính cho thị trường ngoài Mỹ, Apple đang đa dạng hóa chuỗi cung ứng để giảm rủi ro địa chính trị. Trong quý kết thúc ngày 29-3, doanh thu Apple đạt 95,4 tỉ USD, tăng 5% so với cùng kỳ; riêng mảng iPhone tăng 1,9%.
Doanh số tại Trung Quốc sụt giảm do cạnh tranh gay gắt và thiếu đột phá về trí tuệ nhân tạo. Apple đang hỗ trợ nhà cung ứng nâng cấp máy móc và mở rộng sản xuất sang Thái Lan, nhằm củng cố vị thế trong bối cảnh chuỗi cung ứng toàn cầu biến động.
33%
Đợt leo thang thuế quan mới trong cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đang giáng đòn nặng lên ngành vận tải biển xuyên Thái Bình Dương. Theo báo Wall Street Journal, năm hãng tàu container lớn nhất thế giới báo cáo lượng đặt chỗ tuyến xuất khẩu từ Trung Quốc sang Mỹ đã giảm tới 33%.
Các tàu chở hàng siêu lớn (loại có sức chứa 18.000 container) đang bị thay thế bằng các tàu nhỏ hơn, chỉ chở tối đa khoảng 14.500 container. Giám đốc điều hành cảng Los Angeles - ông Gene Seroka - cho biết lượng container cập cảng tuần này dự kiến giảm 30,4% so với tuần trước. Đã có 17 chuyến tàu trong tháng 5 bị hủy.
Thống kê từ hải quan Mỹ cho thấy năm ngoái nước này nhập khoảng 11 triệu container từ Trung Quốc, chiếm 38% tổng lượng hàng nhập khẩu. Tuy nhiên ước tính của các hãng vận tải cho thấy mức thuế mới đã khiến khối lượng container sụt giảm ít nhất 300.000 đơn vị chỉ trong vài tuần đầu của cuộc chiến thuế quan.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận