
Thủ tướng Phạm Minh Chính: 'Thần tốc táo bạo' để đưa Việt Nam trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo - Ảnh: VGP
Sáng 20-4, Thủ tướng Phạm Minh Chính tham dự lễ khai mạc Ngày hội Khởi nghiệp quốc gia của học sinh, sinh viên lần thứ 7 năm 2025, diễn ra tại TP.HCM.
Nhiều kết quả tích cực về đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp
Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, vừa qua Bộ Chính trị đã ban hành nghị quyết 57-NQ/TW về đột phá phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.
Một nội dung giải pháp quan trọng được nghị quyết số 57 nêu là: "Có chính sách đủ mạnh khuyến khích tinh thần khởi nghiệp về khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, cùng với chính sách hỗ trợ khởi nghiệp và thu hút các doanh nghiệp trong và ngoài nước khởi nghiệp tại Việt Nam".
Thời gian qua, đất nước ta đã đạt được một số kết quả tích cực về sự phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, trong đó có vai trò của hoạt động khởi nghiệp. Năm 2024, Việt Nam thu hút 529 triệu USD vốn đầu tư mạo hiểm cho khởi nghiệp sáng tạo.
Kết quả của đề án 1665 (đề án hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025 - PV) không chỉ là những con số, mà đó còn là niềm tin, khát vọng, sự tự tin, tự lực, tự cường, tự hào dân tộc để chúng ta vươn lên, nhất là trong học sinh, sinh viên.
Khởi nghiệp chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế cạnh tranh
Tuy nhiên Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng cần nhìn thẳng vào sự thật, khởi nghiệp của chúng ta chưa tương xứng với tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh của thanh niên Việt Nam.
Nó chưa tương xứng với những giá trị cốt lõi của thanh niên Việt Nam. Đó là lòng yêu nước nồng nàn, là sự thông minh, sáng tạo, chăm chỉ, cần cù và chịu khó. Những giá trị cốt lõi này của thanh niên Việt Nam chưa được phát huy hết trong đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp.
"Những thành tựu đạt được rất đáng trân trọng, nhưng cần nhìn lại đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp của chúng ta chưa tương xứng với các giá trị đích thực, cốt lõi của thanh niên Việt Nam nên cần phải cố gắng hơn", ông Chính lưu ý.
Bên cạnh đó, Thủ tướng đánh giá ngày hội khởi nghiệp không chỉ là một sự kiện thường niên mà còn là nơi từng giấc mơ, khát vọng khởi nghiệp của học sinh, sinh viên, dù là nhỏ bé nhận được soi đường, dẫn dắt, nuôi nấng và chắp cánh.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tham quan các gian hàng trưng bày sản phẩm khởi nghiệp tại Ngày hội Khởi nghiệp quốc gia của học sinh, sinh viên lần thứ 7.
Đây là nơi hội tụ những trí thức trẻ đầy khát vọng, nơi kết nối giữa giáo dục doanh nghiệp và chính sách, nơi cùng nhau lan tỏa, tạo ra một hệ sinh thái, không gian khởi nghiệp phát triển bền vững. Nó còn là nơi kết nối giữa doanh nghiệp với học sinh, sinh viên, với nhà trường, với tổ chức thanh niên.
Tuy nhiên Thủ tướng đặt vấn đề: "Sản phẩm khởi nghiệp có bán được không, thu được bao nhiêu tiền? Sản phẩm phải lượng hóa ra được, phải mang lại giá trị thực. Sáng tạo rồi nhưng mà phải sản xuất được, thương mại hóa, phải có lợi ích thì mới phát triển được.
Do vậy, Thủ tướng chỉ đạo cần phải quan tâm đến thương mại hóa các sản phẩm khởi nghiệp của học sinh, sinh viên. Khi nghiên cứu ra sản phẩm rồi phải sản xuất, kinh doanh, nên cần phải có vốn. Nhà nước, ngân hàng phải hỗ trợ để sản xuất ra sản phẩm và thương mại hóa…
"Học sinh, sinh viên mình giỏi lắm, vấn đề là tạo ra phong trào, tạo xu thế để cho họ làm. Sinh viên, học sinh thì lấy đâu ra tiền, chỉ có trí tuệ, năng lực và đam mê, nên cần có cơ chế giúp đỡ họ. Khởi nghiệp ban đầu là rất quan trọng, cần phải hỗ trợ tạo điều kiện cho sinh viên, học sinh bằng cách tạo cơ chế chính sách về ưu tiên.
Từ đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp này mang lợi ích cho họ, cho gia đình, cho người dân, cho xã hội. Có như vậy phong trào đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp mới sống được, và góp phần làm cho đất nước phát triển", ông Chính nhấn mạnh.

Thủ tướng Phạm Minh Chính trao bằng khen cho các cá nhân, tập thể đã có thành tích xuất sắc trong hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp - Ảnh: TRẦN HUỲNH
Khởi nghiệp không có giới hạn với tinh thần thần tốc, táo bạo
Trao đổi với sinh viên, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhiều lần nhấn mạnh: "Không gian khởi nghiệp càng ngày càng phát triển tất cả các lĩnh vực, sinh viên - học sinh phải hăng hái sáng tạo. Khởi nghiệp không có giới hạn, với tinh thần là thần tốc, táo bạo".
Trên tinh thần đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị đối với các bộ, các ngành, các địa phương theo chức năng nhiệm vụ tiếp tục hoàn thiện cơ chế chính sách, đặc biệt về tài chính, về sở hữu trí tuệ, về kết hợp mô hình công tư, tạo điều kiện và hỗ trợ cho học sinh, sinh viên phát triển ý tưởng và đưa sản phẩm ra thị trường.
Thứ hai là phát triển các quỹ hỗ trợ khởi nghiệp sinh viên và nguồn xã hội hóa.
Thứ ba là xây dựng sàn giao dịch ý tưởng, mạng lưới cố vấn khởi nghiệp tại các địa phương và tại các trường học.
Đối với Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành liên quan phát triển các trung tâm hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp, không gian sáng tạo, các vườn ươm, tăng tốc khởi nghiệp trong nhà trường, đưa khởi nghiệp vào giảng dạy chính khóa.
Phát triển các phòng học thí nghiệm hiện đại, hỗ trợ nghiên cứu và thử nghiệm sản phẩm, khuyến khích giảng viên, sinh viên tham gia nghiên cứu khoa học, ứng dụng khoa học công nghệ ngay trong nhà trường và phát triển nền tảng đào tạo trực tuyến và tài nguyên số. Bổ sung chuyên đề khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo vào chương trình học tập của mỗi trường, kết nối doanh nghiệp và quỹ đầu tư khởi nghiệp…
Cần kết hợp ba nhà (nhà nước, nhà trường, nhà doanh nghiệp), phải tăng cường kết nối với học sinh, sinh viên, trong đó các doanh nghiệp phải tích cực đặt hàng, đầu tư và đồng hành cùng sinh viên, hỗ trợ thực hành, và thương mại hóa các ý tưởng, cùng nhà trường truyền cảm hứng, tạo động lực để dẫn dắt thế hệ trẻ khởi nghiệp.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận