TTCT - Tomas Tranströmer, nhà thơ Thụy Điển, đã chủ động sáng tác bằng một thứ ngôn ngữ sơ khai, để có thể chạm đến tâm hồn của những độc giả rất khác nhau về ngôn ngữ, văn hóa, tư tưởng và tầng lớp. Nhà thơ Thụy Điển Tomas Tranströmer1. Những vần thơ của Tomas Tranströmer (1931-2015), nhà thơ rất được độc giả Việt Nam yêu thích, vang lên tại Hà Nội trong tháng 10-2024, tại một hội thảo về văn học Thụy Điển, nhân kỷ niệm 55 năm quan hệ ngoại giao Thụy Điển - Việt Nam. Đó là những vần thơ mà, như lời nhận xét của Peter Englund (Viện Hàn lâm Thụy Điển) tại lễ trao giải Nobel văn học năm 2011 cho Tomas Tranströmer, đã mở rộng những giới hạn của ngôn ngữ con người, qua đó mở rộng giới hạn của tâm trí, để rồi biến thế giới của chúng ta thành một nơi "giàu có hơn và rộng lớn hơn".Đơn cử, chỉ bằng ba câu thơ dưới đây, ông đưa người đọc ra khỏi đời sống thường nhật, nhận ra sự sống, dù chỉ là những khoảnh khắc ngắn ngủi và cô độc tình cờ nảy sinh giữa ánh sáng và bóng đêm, vẫn kỳ vĩ:"Mặt trời trắng người chạy một mình, trên rặng núi xanh của cái chết".Dù tràn ngập những hình ảnh đặc trưng của thiên nhiên Thụy Điển, thơ Tranströmer vẫn làm rung động người đọc ở nhiều nền văn hóa, ngôn ngữ và hệ giá trị khác nhau. Một phần nguyên nhân rất giản đơn: vẻ đẹp, sự sống, cái chết, cái tôi… là những chủ đề phổ quát, là những gì mọi con người đều trải qua. Tranströmer đã viết về những chủ đề này bằng một thứ ngôn ngữ giản dị, có thể dễ dàng dịch sang nhiều thứ tiếng khác nhau, và được hiểu bởi những người đọc có xuất thân rất khác nhau.2. Nhưng vì sao Tranströmer lại tập trung vào những chủ đề phổ quát, lại chọn một thứ ngôn ngữ giản dị, và vì sao ngôn ngữ thô mộc này lại giúp ông thâm nhập các chủ đề phổ quát một cách trọn vẹn hơn hẳn đa số các nhà thơ?Sinh tại Stockholm năm 1931, được nuôi dưỡng bởi người mẹ là giáo viên, Tranströmer sớm thừa hưởng đức tin Kitô giáo từ gia đình, trở thành một cậu bé ngoan đạo. Khác biệt lớn nhất giữa Tranströmer và bạn bè cùng lứa là sự đa dạng của những lĩnh vực mà cậu đam mê theo đuổi. Năm 5 tuổi, cậu bắt đầu "vẽ không ngưng nghỉ", xin mẹ tham gia một lớp học mỹ thuật, và lấp đầy cuốn sổ của mình bằng tranh ký họa các loài cá, cua, sò, ốc và nhím biển tìm thấy ở Bảo tàng Lịch sử tự nhiên trong thành phố. Từ 11-15 tuổi, Tranströmer chuyển sang đam mê khoa học tự nhiên, tự xây dựng một bộ sưu tầm các mẫu côn trùng khô. Từ 14 tuổi, ông bắt đầu đam mê âm nhạc, và chơi piano từ đó cho đến cuối đời. Ông viết thơ sau đó vài năm, nhưng lại đăng ký học ngành tâm lý học ở bậc đại học, rồi tiếp tục đăng ký học mở rộng về lịch sử, tôn giáo và văn chương. Sau khi ra trường, ông kiếm sống bằng công việc của một nhà tâm lý học, tiếp tục viết thơ, dịch thơ và chơi đàn, ngay cả khi cơn đột quỵ vào năm 1990 khiến ông liệt nửa người và chỉ còn khả năng chơi bằng tay trái.Như vậy, bằng óc tò mò của một đứa trẻ, Tranströmer đã sớm khám phá thực tại xung quanh mình qua lăng kính của nhiều lĩnh vực khác nhau, bằng những ngôn ngữ chuyên môn khác nhau. Không ngạc nhiên, nếu ông sớm phải tìm cách dung hòa khác biệt giữa các góc nhìn và các ngôn ngữ đó. Nhu cầu dung hòa này càng lớn khi cả đức tin Kitô giáo lẫn diễn ngôn khoa học thuộc hệ hình hiện đại đều quan niệm rằng chỉ có một chân lý, một sự thật duy nhất, đang nằm đó để đợi được tìm ra. Năm 15 tuổi, Tomas Tranströmer đã trải qua cuộc khủng hoảng hiện sinh đầu tiên, khi kiến thức khoa học mà cậu theo đuổi một cách đầy đam mê ngày càng tỏ ra mâu thuẫn với đức tin Kitô giáo.Không lâu trước khi qua đời vào năm 2015, Tranströmer đã hồi tưởng về cuộc khủng hoảng này khi trả lời phỏng vấn tờ báo Na Uy Morgenbladet. Cuộc khủng hoảng đức tin đã đưa ông đến hai định hướng mới: vừa học tâm lý học để khám phá tâm hồn con người qua lăng kính khoa học, vừa dùng văn chương và âm nhạc để chạm đến cảm giác được hòa hợp, được kết nối, được thanh thản - những gì thường được gọi vắn tắt là "tính thiêng" - mà tôn giáo từng mang đến cho ông. Các sách giáo khoa văn học ở Việt Nam thường đánh đồng lối viết với việc sử dụng các biện pháp tu từ. Không nên áp dụng cách đọc và viết này để tiếp cận thơ Tranströmer - người đã nhấn mạnh rằng ngôn ngữ không phải là từ ngữ. Trong nhiều bài thơ của Tranströmer, một cái cây không phải là ẩn dụ của bất cứ thứ gì khác, mà chỉ là chính nó: một sinh vật đang dao động trong quan hệ với nắng, mưa, tuyết, gió, đất, để tạo nên các cung bậc của sự sống mà chính con người cũng có thể trải qua.Thay vì cố gắng giải mã hệ thống biểu tượng trong thơ Tranströmer, sẽ tốt hơn nếu chúng ta nhập vai những nhân vật mà ông mô tả, cho phép năng lượng tinh thần của mình lên, xuống, đi lang thang, hoặc đọng lại theo dẫn dắt của họ, rồi thưởng thức âm nhạc được tạo ra từ những đợt sóng dao động đó. Từ đó, Tranströmer trải qua một hành trình dài để tìm lại tính thiêng đã mất, thông qua các vùng giao thoa giữa các chuyên môn mà ông quan tâm. Trên hành trình này, ông đã viết những bài thơ mang tính phổ quát cao, vì chạm đến những điểm sâu thẳm trong con người thuộc nhiều nền văn hóa, giai cấp và chuyên môn khác nhau - nhưng lại thiếu tính thời sự và tinh thần đấu tranh chính trị, vì vậy đã có thời khiến ông bị phê phán trên chính quê hương Thụy Điển.Đọc thơ Tranströmer, ta dễ dàng bắt gặp những quan sát của một nhà tâm lý học về sự phân mảnh của cái tôi, sự lệ thuộc của ý thức vào ngoại cảnh, sự hiện hình của vô thức trong những giấc mơ, hay đôi khi là tác dụng của caffeine đối với trí não. Trong bài thơ "Expresso", như thể ông nói về sự gia tăng norepinephrine - chất dẫn truyền thần kinh liên quan đến phản ứng chiến đấu/bỏ chạy - khi mô tả cà phê: "Những giọt chắt lại quý giá, mang cùng sức mạnh như Có và Không".3. Lối viết của Tranströmer được ông mô tả một cách ngắn gọn trong diễn từ mà vợ ông đọc khi nhận giải Nobel, bằng bài thơ sau:"Chán đám người mang chữ, chữ không phải ngôn ngữTôi du hành đến hòn đảo phủ tuyết.Chốn hoang dã không có chữNhững trang giấy chưa viết trải dài khắp mọi phíaTôi lần theo vết chân nai trên tuyết trắngNgôn ngữ không phải chữ"[*]"Ngôn ngữ không phải chữ" là ngôn ngữ gì? Trong lý thuyết ký hiệu học của Charles Sanders Peirce, con người giao tiếp bằng ba loại ký hiệu, là icon (hình hiệu), index (chỉ hiệu) và symbol (biểu tượng). Icon là những ký hiệu trực tiếp bắt chước hình dáng, màu sắc hay âm thanh của những sự vật mà nó ám chỉ: chẳng hạn, nền trắng trong một bức tranh vẽ mùa đông bắt chước màu của tuyết.Index giống như một biển chỉ đường: dấu chân nai là index, vì nó chỉ hướng đến sự tồn tại của con nai trong không gian trước mặt, hoặc trong một mốc thời gian trước đó. Ví dụ về symbol là các chữ viết bằng ký tự alphabet, hoặc các từ trừu tượng như "Chúa", "dollar" hay "chủ nghĩa": chúng chỉ có ý nghĩa nhờ quy ước của con người. Tranströmer chạm đến tính thiêng phổ quát trong con người bằng cách không thờ ngẫu tượng và không gọi tên Chúa.Thay vào đó, ông sử dụng một thứ ngôn ngữ đặc biệt, mà tôi xin gọi một cách hình tượng là âm nhạc của sự sống. Đó là sự kết hợp giữa hai yếu tố: một bên là sự yên lặng của cái chết, như nền tuyết trắng, bên kia là những nốt nhạc của sự sống, như dấu chân nai. Những cặp đối lập tương ứng: sự sống - cái chết, động - tĩnh, ánh sáng - bóng tối… là xương sống của ngôn ngữ thơ Tranströmer. Và thiên nhiên liên tục hiện diện trong thơ ông không phải vì tình cờ: một mặt, nó là chất liệu cơ bản mà ông - cậu bé đến với khoa học bằng thú vui sưu tầm côn trùng - có thể tìm thấy trong ký ức tuổi thơ, mặt khác, thiên nhiên là cội nguồn tối hậu của cả sự sống lẫn cái chết.Trong Sáng Thế ký, sự sống là hơi thở mà Chúa thổi vào các sinh vật được nặn từ đất, hơi thở này trở về với Chúa khi sinh vật về với đất. Lắng nghe âm nhạc của sự sống và ghi nó lại thành tác phẩm là cách Tranströmer chọn để tiếp cận tính thiêng. Khi bước trong thiên nhiên - văn bản khổng lồ của sự sống đang liên tục tự viết lại - ông không cố hiểu mọi thứ bằng khái niệm và lý trí, mà thả lỏng để hòa vào nốt nhạc đang ngân lên trong một cái cây:"Người đàn ông nằm ngửa dưới những tán cây caothì cũng ở trên đó. Anh rẽ nhánh ra hàng ngàn cành câyđung đưa qua lại,ngồi trên một chiếc ghế phóng tách ra với tốc độ cực chậm".Ông để các mảnh sự sống hỗn loạn của mình tự do phóng chiếu vào một cảnh đẹp trong thiên nhiên, rồi để những nốt nhạc đẹp đang ngân lên tái lập trật tự:"Lúa tốt trên đồng, nhiều màu trong một dòng suối vàng.Những cái bóng bồn chồn trong đầu tôi bị kéo tới đó.Chúng muốn bò vào lúa mạch và hóa thành vàng".Khi hòa vào âm nhạc của sự sống quanh mình, Tranströmer chạm đến cảm giác hiệp thông (communion) mà ông gọi là một bài thơ. Bài thơ càng lớn lên, cái tôi của người viết càng nhỏ lại, nhưng đạt tới một sự trưởng thành mới:"Thật tuyệt vời, cảm thấy bài thơ mình lớn lêntrong khi bản thân thu bé lại.Nó lớn lên, chiếm lấy chỗ của tôi.Nó đẩy tôi ra.Nó quẳng tôi ra khỏi tổ.Bài thơ đã sẵn sàng".Đó là những bài thơ ôm ấp và nuôi dưỡng mọi người đọc, vì vậy nhiều người đọc đã chọn chúng làm chỗ nghỉ ngơi. Một đoàn người khác ngôn ngữ, văn hóa, giai cấp và hệ giá trị vẫn có thể cùng lần theo một dấu chân nai trên tuyết mà không sợ bị lạc đường. Tranströmer đã thành công trong việc tiếp cận thứ ngôn ngữ có trước khi tháp Babel được xây, và dùng nó để góp phần hàn gắn thế giới.■[*] Trừ đoạn thơ này được dịch bởi Cao Thu Cúc, phần còn lại của bài viết sử dụng bản dịch thơ của Nguyễn Huy Hoàng. Bạn đang đọc trong chuyên đề "Nobel văn chương Tiếp theo Tags: Tomas TranströmerVăn chương Thụy ĐiểnThi caTháp babelNhà thơ Thụy Điển
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh THÀNH CHUNG 23/01/2025 Sáng 23-1, Đoàn đại biểu lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã đặt vòng hoa, vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh, dâng hương tưởng niệm anh hùng liệt sĩ.
Đại gia gỗ Đỗ Xuân Lập bị bắt vì đánh bạc: Cơ ngơi nghìn tỉ, liên quan một công ty lớn trên sàn BÌNH KHÁNH 23/01/2025 Ông Đỗ Xuân Lập là chủ một công ty chế biến, xuất khẩu gỗ có doanh thu gần 1.000 tỉ đồng. Ngoài ra, ông Lập cũng là thành viên HĐQT độc lập của Công ty CP Phú Tài - một doanh nghiệp có doanh thu lên tới hơn 6.000 tỉ đồng năm 2024.
Nhóm nghi can đánh tử vong nam shipper ở Đà Nẵng khai gì? THÁI BÁ DŨNG 23/01/2025 Khai ban đầu với cơ quan điều tra, các nghi can trong nhóm phía người phụ nữ đặt hàng qua sàn Shopee nói do bức xúc nhất thời. Cả hai phía đều đã có nhậu từ trước.
Kẹt xe trên cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây từ 4h sáng, kéo dài ra cao tốc TP.HCM - Long Thành MINH HÒA 23/01/2025 Ngày 23-1, nhiều gia đình bắt đầu về quê các tỉnh miền Trung, miền Bắc ăn Tết 2025, lượng xe di chuyển lên cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây và TP.HCM - Long Thành tăng đột biến, gây kẹt xe kéo dài từ sáng sớm.