TTCT - Thị trường tranh Đông Dương đang nóng bỏng với những giao dịch lên tới hàng triệu đôla, khiến nhiều người nhìn nhận đó là niềm tự hào của hội họa Việt Nam. Nhưng nó cũng bị phủ bóng xám với những thông tin sai lệch, nhập nhèm, những bức tranh giả mạo, làm nhiều nhà đầu tư, đấu giá và công chúng yêu tranh hoài nghi. “Phải cẩn trọng và có cách thẩm định tranh kỹ lưỡng, chất lượng, minh bạch hơn” - Ace Lê, một nhà nghiên cứu, giám tuyển, trò chuyện với Tuổi Trẻ Cuối Tuần về tình hình tranh Đông Dương trên thị trường đấu giá quốc tế. Giám tuyển Ace Le Với anh, thị trường tranh Đông Dương trên các sàn đấu giá quốc tế trong những năm gần đây có gì đặc biệt cần chú ý?Phân khúc nghệ thuật Đông Dương đang trải qua hơn hai thập kỷ tăng giá phi mã, liên tục tự phá kỷ lục trên các sàn quốc tế với nhiều tác phẩm đã vượt mức triệu đô, và trở thành một danh mục đầu tư sinh lợi tương đối cao. Tuy nhiên, sự thiếu vắng chuyên môn nghiên cứu văn hóa, lịch sử mỹ thuật Việt trong đội ngũ đấu giá quốc tế là một thực tế, dẫn tới nhiều lùm xùm về tính xác thực của tác phẩm và thông tin liên tiếp xảy ra ở mỗi mùa đấu giá. Theo tôi, đây là điều lo ngại, cần lưu ý đầu tiên. Ace Lê là một nhà nghiên cứu và giám tuyển nghệ thuật độc lập. Anh là thạc sĩ về nghiên cứu bảo tàng và thực hành giám tuyển, thạc sĩ báo chí và truyền thông tại Đại học công nghệ Nanyang, cử nhân quản trị kinh doanh tại Đại học Quốc gia Singapore. Anh là giám đốc sáng lập quỹ Lân Tinh - một tổ chức phi lợi nhuận với mục tiêu nghiên cứu, lưu trữ và triển lãm nghệ thuật Việt Nam giai đoạn hiện đại và đương đại, và là tổng biên tập tạp chí Art Republik Việt Nam, đồng sáng lập nhóm giám tuyển Of Limits tại Đông Nam Á.Thị trường tranh Đông Dương khởi sắc với những con số triệu đô. Theo anh, vì sao các tác phẩm đó lại thu hút các nhà đầu tư, nhà sưu tập tới vậy?Các tác phẩm Đông Dương luôn được ví như “blue chips” (cổ phiếu có giá trị), thu hút thanh khoản từ cả khối nhà sưu tập nội địa với mong muốn mang tranh về nước, lẫn khối nhà sưu tập trong khu vực, ở cả Đông Nam Á và nhóm đồng văn. Nhiều kinh viện nhìn xa trông rộng đã tìm mua từ sớm, như Bảo tàng Nghệ thuật quốc gia Singapore hay Bảo tàng Pasifika ở Bali (Indonesia), và giờ cũng không thể mua thêm được nhiều tác phẩm tốt nữa do giá đã tăng quá mức ngân sách họ có thể chịu được. Vậy nên phần lớn thanh khoản được lưu chuyển trong khối sưu tập tư nhân, với một số bộ sưu tập đã khá đồ sộ. Tôi cũng đã thấy một thế hệ nhà sưu tập trẻ, bên cạnh tiềm lực tài chính còn có chiến lược giám tuyển, với định vị tập trung và khả năng nghiên cứu, thẩm định kỹ càng. Đây là một tín hiệu rất đáng mừng khi họ bắt đầu có những hoạt động giới thiệu bộ sưu tập để công chúng có cơ hội thưởng lãm.Những họa sĩ có tác phẩm có giá cao tại thị trường đấu giá quốc tế nào mà anh biết?Đầu bảng giá hiện nay vẫn là các danh họa quen thuộc trong những khóa đầu Trường cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương như bộ tứ Paris Phổ - Thứ - Lựu - Đàm, Nguyễn Phan Chánh, Nguyễn Gia Trí, Lương Xuân Nhị... Điều này diễn ra đơn thuần là vì nghiên cứu của các chuyên gia đấu giá quốc tế suốt các thập kỷ vừa qua đều xoay quanh các họa sĩ này (do tài liệu tiếng Pháp viết về họ nhiều hơn), nên khối khách hàng đầu tiên tạo lập thị trường dựa trên những kiến thức nền tảng đó.Giờ đây, trong thế giới phẳng và các chuyên gia Việt bắt đầu tạo dựng được tiếng nói trong thị trường, sẽ có nhiều danh họa khác được nghiên cứu sâu, bài bản hơn, với nhiều thông tin mới hữu ích cho việc định giá độ quan trọng của các tác phẩm của họ trong dòng chảy nghệ thuật Việt. Ví dụ như trường hợp tiểu sử họa sĩ Trần Tấn Lộc vừa mới được nhà nghiên cứu Kevin Vương tìm tòi, xây dựng lại trong vài tuần qua, trước đó họa sĩ này gần như không được biết đến.Mức giá tác phẩm của họa sĩ Vũ Cao Đàm, Mai Trung Thứ, Lê Lựu và một số tác giả khác đã được gọi là “khủng” chưa?Thật ra kỷ lục 3 triệu USD cho bức Chân dung cô Phượng của họa sĩ Mai Thứ rất cao so với thị trường tranh Việt, nhưng vẫn là bình thường so với các danh họa hiện đại trong Đông Nam Á. Thị trường nghệ thuật của Việt Nam vẫn đi sau Indonesia hoặc Philippines về nhiều mặt, chứ chưa nói đến Singapore hay Trung Quốc. Tuy nhiên, với sự tham gia của người chơi trong khu vực và tốc độ giá ngày càng cao, tôi dự đoán rằng tranh Đông Dương sẽ còn tiếp tục tự phá kỷ lục giá.Bức tranh "Chân dung cô Phượng" của họa sĩ Mai Trung Thứ được bán với giá 3,1 triệu USD trong phiên đấu giá mang tên Beyond Legends: Modern Art Evening Sale của Sotheby’s Hong Kong ngày 18-4, là tác phẩm có giá công khai cao nhất của mỹ thuật Việt Nam hiện nay. Sự tự phá kỷ lục về giá đó có điều gì cần lưu ý?Khi tác phẩm nghệ thuật đã được nhìn như một công cụ đầu tư thì sự biến thiên về giá sẽ được định đoạt bởi rất nhiều thành phần tham gia thị trường. Không chỉ các nhà đấu giá mà các nhà sưu tập, quỹ đầu tư, những người môi giới, phòng tranh, thậm chí các bảo tàng, kinh viện và các bộ phận phục vụ cho họ như giám tuyển, nghiên cứu, dịch vụ... đều có những ích lợi nhất định trong việc giá tranh tăng. Giá tranh tăng để phản ánh tương xứng tầm quan trọng tương đối của nghệ thuật Việt Nam trong khu vực là điều tốt, nhưng tăng quá nhanh hoặc tăng bất chấp thông tin mập mờ sẽ dẫn tới nhiều hệ lụy, ví dụ nạn làm tranh giả.Theo anh, vì sao lại xảy ra hiện tượng này một cách đáng ngại như vậy?Công tác kiểm định của tuyệt đại đa số các sàn đấu giá hiện nay với tranh Đông Dương là tương đối sơ sài. Các sàn lớn như Christie’s, Sotheby’s and Bonhams có đủ kinh phí, sẽ thuê một chuyên gia riêng về tranh Việt, hoặc nhập vào phụ trách chung với mảng tranh Hiện đại của Đông Nam Á hoặc châu Á. Ở các sàn nhỏ hơn, một người sẽ phải phụ trách nhiều mảng hơn, bao gồm cả hội họa lẫn đồ cổ và các thứ đồ khác. Vấn đề là hầu hết các chuyên gia này đều không biết tiếng Việt và/hoặc không được đào tạo chính quy về nghiên cứu văn hóa Việt, dẫn tới nhiều lỗ hổng sai sót rất lớn khi đánh giá tác phẩm. Tôi đã viết khá kỹ, phân tích đơn cử những lỗi sai rất cơ bản của ông Jean-Francois Hubert, cố vấn cao cấp tại sàn Christie’s, trong những bài luận về tranh Đông Dương cho sàn này. Hoặc sơ sót của nhà Aguttes trong vụ việc nhận định sai tác phẩm của Trần Tấn Lộc, là do chuyên gia tiếng Trung của họ không đọc được chữ Nôm.Bức tranh chép lại bức "Lên đồng" của Nguyễn Phan Chánh, có chữ ký và mộc của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, vừa được đấu giá ngày 14-3-2022 và bán ở mức 105.000 euro, khoảng 3,3 tỉ đồng (chưa tính 30% phí) từ giá khởi điểm 8.000 euro. Kinh nghiệm để quan sát, chứng minh một tác phẩm hội họa Đông Dương là tranh gốc, theo anh, dựa vào yếu tố nào?Có ba yếu tố cơ bản: Giám định lai lịch, thị giác và pháp khoa. Giám định lai lịch đối chiếu các thông tin về lịch sử mua bán và sở hữu tranh với kho dữ liệu để định tính xác thực của tranh. Chuỗi thông tin hoàn hảo sẽ bao gồm đầy đủ từng giai đoạn chuyền tay tranh: thời gian, địa điểm, người bán, người mua; các bằng chứng liên quan như giấy chứng thực, hóa đơn mua bán, catalogue bán, poster/brochure đề cập tới tranh, các hình ảnh, video, bài báo hoặc cuốn sách có ghi chú về tranh, những dấu mộc và nhãn của gallery hoặc sàn đấu giá trên tranh hoặc khung. Đó là những bằng chứng “cứng” không thể chối cãi, ví dụ bức Chân dung cô Phượng của Mai Trung Thứ đã xuất hiện trong bức ảnh triển lãm của Trường cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương năm 1930, nên không ai có thể bàn cãi về tính xác thực của nó.Giám định thị giác là quá trình phân tích bút pháp và chữ ký trong tranh, so sánh chúng với hệ thống tác phẩm của nghệ sĩ để kết luận xem phong cách có nhất quán hay không. Điều này không dễ và yêu cầu người nghiên cứu phải có bề dày kiến thức và kinh nghiệm với không chỉ tác giả đó mà với cả giai đoạn lịch sử, văn hóa, nghệ thuật lúc đó. Các yếu tố thị giác cần để ý gồm: Cỡ tranh, chất liệu, đề tài, bố cục, màu sắc và thủ pháp nói chung. Riêng về chữ ký, có thể nói cho ta biết rất nhiều điều: Chữ ký tay hay đóng triện, năm sáng tác, có lưu bút đi kèm hay không.Giám định pháp khoa là quá trình nghiệm soi tranh và các chất liệu cấu thành tranh bằng nhiều liệu pháp khác nhau. Ở Việt Nam còn chưa có cơ quan nào có khả năng và thiết bị để cung cấp dịch vụ này cho thị trường, nhưng ở các bảo tàng lớn trên thế giới đều có bộ phận này. Ví dụ, người ta có thể phân tích hóa học một mẩu tiêu bản nhỏ để xét tuổi sơn mài, do đó phân biệt được tranh thật hay tranh mới chép.Anh có nghĩ rằng các nhà đấu giá, nhà sưu tập nên tìm tới khảo sát, nghe tư vấn của các nhà nghiên cứu Việt Nam như một điều kiện cần thiết?Tôi nghĩ là có, nhưng thực tế chưa nhiều. Thứ nhất là do số lượng chuyên gia nghiên cứu nghệ thuật Đông Dương còn rất ít. Thứ hai là do tài liệu nghiên cứu chưa được lưu trữ tập trung, còn tản mác lẻ tẻ, nhiều tài liệu chưa được dịch ra tiếng Việt. Thứ ba là do một số nhà sưu tập kín tiếng, chỉ giao lưu trong một nhóm riêng, hẹp. Tuy nhiên cả ba điều này đều đang thay đổi với nhiều tín hiệu tích cực. Đã đến lúc các nhà đấu giá ngoại nên tạm ngừng cuộc đua ráo riết chạy theo kỷ lục giá để lắng nghe những tiếng nói từ một nền văn hóa đã từng bị họ đô hộ, bây giờ quay trở lại nuôi sống họ trong một kỷ nguyên mới. Trong vụ việc mới nhất, tác phẩm Cô gái chải đầu của họa sĩ Trần Tấn Lộc thành của họa sĩ Trần Bình Lộc, bản chất của sự việc và thái độ xử lý của nhà đấu giá về vụ việc này ra sao?Về cơ bản, đây là một lỗi hệ thống diễn ra suốt một thập kỷ của nhiều nhà đấu giá, trong đó biểu hiện rõ nhất là phiên của nhà Aguttes. Nếu ngay từ khi nhận tranh, họ đã có nghi ngờ rằng bức Cô gái chải đầu không phải của Trần Bình Lộc, nhưng không biết tác giả chính thức là ai thì theo lẽ thường, luật đấu giá buộc họ phải ghi ít nhất là “Attributed to Trần Bình Lộc” (“Được cho là của Trần Bình Lộc”). Bức tranh "Cô gái chải đầu" gây tranh cãi được trưng bày trước phiên đấu giá tại văn phòng của nhà Aguttes. Ảnh: Sơn Ca Việc giữ nguyên mức giá khi biết có sự nhầm lẫn lại càng là biểu hiện của một động cơ tài chính mập mờ, không tôn trọng thị trường. Họ thậm chí còn đạo 90% nội dung của nhà nghiên cứu Kevin Vương viết để đưa vào catalogue không dẫn nguồn, không xin phép. Hành động này là chiếm đoạt kiến thức, nhân danh tinh thần “khai phá văn hóa” theo một lối suy nghĩ tân thực dân trịch thượng. Và nhà đấu giá này vẫn tiếp tục phát tán catalogue phiên bản in với thông tin sai lệch, không hề có đính chính nào được dán kèm. Các thông tin sai đã được lan truyền rất nhanh trên nhiều cổng thông tin đấu giá, ví dụ như Lot Art.Ảnh bức tranh “Cô gái chải đầu” (1932) của họa sĩ Trần Tấn Lộc in trong Catalogue của Aguttes tháng 3-2022 dưới tên họa sĩ Trần Bình Lộc. Nguồn: Phạm Lê Ngược lại, Asium, một nhà đấu giá khác, lại có thái độ hết sức cầu thị. Họ ngay lập tức công khai nhận lỗi sai và sửa ngay trong 24 tiếng kể từ khi được thông báo.Đặc biệt, có ít nhất 5 khách hàng người Việt đã rút ý định đấu giá tác phẩm này vì không tôn trọng cung cách làm việc ấy và không đồng ý với khung định giá của nhà Aguttes. Các nhà sưu tập đã có động thái cảm ơn Kevin Vương, vì nếu không có nghiên cứu của anh, có lẽ họ đã xuất tiền mua bức Cô gái chải đầu với giá 400.000 - 500.000 EUR theo giá thị trường của Trần Bình Lộc.Đây có lẽ là lần đầu tiên trong lịch sử đấu giá tranh Việt, có một sự tẩy chay thiết thực từ phía cộng đồng mua tranh vì lý do đạo đức nghề nghiệp. Đã đến lúc các nhà đấu giá ngoại nên tạm ngừng cuộc đua ráo riết chạy theo kỷ lục giá để lắng nghe những tiếng nói từ một nền văn hóa đã từng bị họ đô hộ, bây giờ quay trở lại nuôi sống họ trong một kỷ nguyên mới. Dù sao thì tệp khách hàng Việt Nam đang đóng một vai trò tương đối lớn trong danh mục của Aguttes và các nhà đấu giá bản địa ở Pháp nói chung, nên những ý kiến của cộng đồng thưởng lãm và nghiên cứu nghệ thuật của chúng ta cần được tôn trọng. Nghiên cứu của Kevin Vương cho biết họa sĩ Trần Tấn Lộc (1906 – 1968) quê ở Làng Lủ (thôn Kim Văn, xã Đại Kim, huyện Thanh Trì, Hà Nội), ông là một họa sĩ có tiếng ở đất Hà thành. Sau 4 năm được đào tạo chính quy, ông tốt nghiệp khoa trang trí Trường Bách nghệ (École Nationale de l’Artisanat) ở Hà Nội (thời bấy giờ chưa có Trường cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương). Sau năm 1954, ông là gương mặt nổi bật của ngành vẽ quảng cáo tại Công ty Mỹ thuật Hà Nội ở phố Tràng Tiền. Từ 1954 - 1960, ông tham gia Hợp tác xã Mỹ thuật Thủ Đô thuộc Sở Văn hóa thông tin Hà Nội cùng các họa sĩ Lê Năng Hiển, Zuy Nhất, Phạm Mậu, Thái Quang Trai, Trần Mai, Nguyễn Đình Huống. Tags: Mỹ thuật Đông DươngChân dung cô PhượngHọa sĩ Mai Trung ThứHọa sĩ Trần Tấn LộcBức tranh Cô gái chải tócKỷ lục đấu giá tranhGiám tuyển Ace LeNhà nghiên cứu Kevin Vuong
Xe không vào được bãi rác Đa Phước, nguy cơ rác TP.HCM hôm nay không được xử lý LÊ PHAN 23/01/2025 Tối 23-1, cả trăm xe rác không vào bãi rác Đa Phước được, gây ra ùn ứ kéo dài, nguy cơ rác thải TP.HCM hôm nay không được xử lý.
Bầu bổ sung ông Nguyễn Duy Ngọc vào Bộ Chính trị, làm chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương THÀNH CHUNG 23/01/2025 Ban Chấp hành Trung ương đã bầu bổ sung ông Nguyễn Duy Ngọc giữ chức ủy viên Bộ Chính trị, chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương.
Bầu bổ sung ông Trần Lưu Quang vào Ban Bí thư khóa XIII THÀNH CHUNG 23/01/2025 Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã bầu ông Trần Lưu Quang, ủy viên Trung ương Đảng, trưởng Ban Kinh tế Trung ương, giữ chức ủy viên Ban Bí thư khóa XIII.
Bắt bà 'Đậu Thanh Tâm' vì hành vi kêu gọi, kích động người dân phản đối nghị định 168 DANH TRỌNG 23/01/2025 Bà 'Đậu Thanh Tâm' bị bắt tạm giam với cáo buộc đăng tải một số video clip với thông tin bịa đặt kêu gọi, kích động người dân phản đối nghị định 168.