TTCT- Đúng một năm sau vụ chính biến bất thành ngày 15-7-2016, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan tỏ ra vững vàng khi cho cử hành trọng thể “ngày lễ của dân chủ và đoàn kết quốc gia”. Tuần hành ủng hộ ông Erdogan ở Thổ Nhĩ Kỳ một năm sau ngày đảo chính.-Ảnh: euobserver.com Trên thực tế, ông đang “đi dây” giữa các đồng minh cũ và mới, trong khi sự chống đối trong nước chưa hề giảm bớt. Lễ kỷ niệm chính thức bắt đầu sáng thứ bảy 15-7 ở Ankara với cuộc họp quốc hội hiện diện đầy đủ tất cả các bên, bao gồm phe đối lập ngay cả khi phe này không có quyền tự do ngôn luận. Nhật báo Pháp Libération tường thuật: “Trong vài ngày, thủ đô Thổ Nhĩ Kỳ trở thành thành phố của lá cờ đỏ, phấp phới nơi mặt tiền các tòa nhà công cộng và trung tâm thương mại. Video tuyên truyền của chính phủ được phát đi trong hơn một tuần trên truyền hình, lời chúc mừng của ông Erdogan được công ty viễn thông gửi tin nhắn cho các thuê bao... Đám đông hoan hỉ được hâm nóng bởi các khúc quân hành ca ngợi lòng yêu nước...”. Libération nhận xét: “Ngay cả trong trường hợp ngài tổng thống không cần đợi đến ngày 15-7 này để tự xem mình là “người được trời phái xuống” cho đất nước, thắng lợi của ông trước phe đảo chính cũng đã tạo nên huyền thoại của ông rồi”. Ngoài dân chúng Thổ Nhĩ Kỳ, thế giới còn được mời đến dự buổi lễ mừng “chiến thắng của nền dân chủ”. Khoảng 300 nhà báo nước ngoài được mời tới Ankara trong suốt bốn ngày từ Nga, Tunisia, Ai Cập, Sudan, Bosnia, Kyrgyzstan, và cả những nơi xa xôi như Bolivia, Argentina, Pakistan... Khoảng 40 nước có đại diện. Ít nhất là các nhà báo phương Tây, chỉ ba nhà báo châu Âu đến vì lời hứa sẽ được gặp tổng thống Erdogan, song trước đó vài giờ những cuộc gặp bị hủy bỏ. Lãnh đạo đảo chính từ nước ngoài? Sau vụ đảo chính, báo chí thế giới loan tin chính quyền Erdogan cáo buộc giáo sĩ Fethullah Gülen lưu vong bên Mỹ từ năm 1999 đã giật dây đảo chính, một tin “sét đánh ngang tai” không khỏi gây hoài nghi. Nhân một năm sau ngày vụ đảo chính bị đập tan, nghiên cứu mang tựa đề “Chứng cớ về sự can dự của Gülen trong âm mưu đảo chính ngày 15-7” đã được Trung tâm nghiên cứu chính sách của báo thân chính phủ Daily Sabah, trụ sở tại cả Istanbul và thủ đô Ankara, công bố. Nghiên cứu ghi nhận chi tiết có thể gây nghi vấn này và giải thích tại sao cáo buộc này không phải là hư cấu như người ta có thể nghĩ: “Đối với nhiều người trên thế giới, đây là lần đầu tiên họ nghe nói đến FETO (tức Phong trào Gülen), cho dù nhóm này đã được công chúng Thổ Nhĩ Kỳ biết đến từ mấy chục năm qua, và rằng chính phủ đã tiến hành những bước cần thiết để loại bỏ ảnh hưởng nguy hiểm của tổ chức này trong các định chế nhà nước... Hội đồng an ninh quốc gia từng khuyến cáo chính phủ tuyên bố FETO là một tổ chức khủng bố”. Điều này được xác nhận hôm 27-5-2016. Thậm chí từ trước khi quyết định đặt ngoài vòng pháp luật FETO, nhiều thành viên FETO đã bị chính quyền Ankara cáo buộc vô số tội danh, trong đó có việc nghe lén, ngụy tạo chứng cứ và đe dọa nhiều người. Tức 48 ngày trước cuộc đảo chính, ông Erdogan đã muốn “xử” FETO rồi, thành ra cáo buộc giáo sĩ lưu vong Gülen chủ sự cuộc đảo chính không phải vô cớ. Bằng chứng mà nghiên cứu nói trên đưa ra là những cung khai của các tướng, tá, viên chức bị bắt sau cuộc đảo chính hoặc được triệu ra làm nhân chứng trước tòa. Theo đó, FETO đã thành công trong việc xâm nhập nhiều vị trí trong chính phủ, kể cả lực lượng cảnh sát, quân đội, tư pháp, giáo dục, tài chính, truyền thông, hòng biến thành “một nhà nước trong nhà nước” với một “cấu trúc song song”. FETO đặc biệt hoạt động mạnh trong lĩnh vực giáo dục, từ các trường học đến ký túc xá dưới vỏ bọc giúp học sinh, sinh viên “tiếp cận Hồi giáo ôn hòa”. Nhờ đó, cơ sở của FETO đã phát triển đông đến hàng mấy trăm ngàn người. Nghiên cứu của Daily Sabah giải thích đó là lý do dẫn đến con số hàng trăm ngàn người bị bãi việc sau khi chính phủ tiến hành các biện pháp thanh lọc bộ máy nhà nước hậu đảo chính. Làm sao Gülen có thể chỉ đạo cả một chương trình như thế từ nước ngoài? Tất nhiên, không thể chỉ qua những trao đổi viễn thông hay trên mạng. Ngoài số tướng tá tổ chức đảo chính, chứng cứ trong nghiên cứu nêu tên năm giáo sĩ đã liên tục bay sang Mỹ trước đó gặp Gülen, chủ chốt là hai người: Adil Oksuz - một nhà thần học 50 tuổi, bị cáo buộc là một trong những “cái đầu” của cuộc đảo chính, và giáo sĩ Kemal Batmaz. Ông Adil Oksuz là giáo sĩ tuyên úy trong không quân, lực lượng khởi đầu vụ đảo chính, và là một trong vài thường dân bí ẩn có mặt trong căn cứ không quân Akina do quân đảo chính chiếm đóng. Nghiên cứu cho biết qua hồ sơ xuất cảnh, ông Adil Oksuz đã hơn 100 lần ra nước ngoài giai đoạn 2002-2016, chủ yếu là đi Mỹ. Khoảng một tháng trước đảo chính, ông cùng vợ và ba con đáp máy bay đi Mỹ, song đã một mình bay về từ New York trên chuyến bay TK003 của Hãng Turkish Airlines hôm 11-7, ngồi ghế 4G hạng thương gia. Ông đã cùng Kemal Batmaz đến gặp Gülen tại nhà ông này ở Pennsylvania (Mỹ), và cùng bay về trên chuyến TK003 song ông Kemal Batmaz ngồi ghế 27H hạng “tiết kiệm”. Cũng như ông Adil Oksuz, ông Kemal Batmaz thường xuyên ra nước ngoài, chủ yếu là đi Mỹ; riêng năm 2016 cho tới vụ đảo chính, ông này đã bốn lần sang Mỹ vào tháng 1, 3, 6 và 7, cùng ngày với ông kia. Theo cung khai của thiếu tướng Ibrahim Yildiz, giáo sĩ Adil Oksuz là nhân vật dân sự chủ chốt bàn bạc đảo chính với các tướng lãnh trong một biệt thự ở Ankara. Theo nghiên cứu đã nhắc, đến ngày 13-7 thì giáo sĩ Gülen đã “bật đèn xanh” cho đảo chính. Các giáo sĩ và tướng lãnh nêu trên nằm trong số khoảng 50.000 người bị bắt sau đảo chính, chưa kể hơn 110.000 người bị sa thải thành nhiều đợt suốt năm qua. Sáng thứ bảy 15-7, đúng một năm sau sự biến, thêm 7.000 người khác bị sa thải. Trả lời của FETO Trên trang web của mình, FETO, với tên chính thức là Phong trào Hizmet, đã trả lời các câu hỏi: “Có hay không một “cơ cấu song song” nằm vùng trong chính quyền? Có gì trong câu chuyện về những cáo buộc vô nghĩa “băng đảng khủng bố của Gulen?”...” Theo tổ chức này, “Phong trào Hizmet (còn gọi là Phong trào Gülen) đã hình thành các cơ sở giáo dục trong hơn 40 năm qua. Nhiều người đã hội nhập vào môi trường văn hóa và giáo dục này, đã đi tiếp con đường của họ vào trong vô số lĩnh vực xã hội... Một cách tự nhiên, một số đã có những vị trí xứng đáng trong lĩnh vực công. Một số người của phong trào có thể chọn làm việc ở lĩnh vực tư nhân, trong khi một số khác thì thích làm việc trong lĩnh vực công. Đây là một quyền bẩm sinh gắn liền với việc là một công dân, và điều đó không có nghĩa là một “hệ thống song song” đang được hình thành trong bộ máy nhà nước”. “Là tự nhiên khi bộ máy chính quyền có thể bao gồm những người được truyền cảm hứng bởi các giá trị phổ quát của Phong trào Hizmet. Những người này không thể bị đánh giá qua nhân thân, mà cần được đánh giá theo công việc của họ, phù hợp với luật pháp... Với kiểu lý luận không xác đáng (của chính quyền), bất kỳ ai trên thế giới cũng có thể bị thẩm vấn về việc họ đang thiết lập “cơ cấu song hành” trong chính phủ, trong khi điều cần xem xét là quy định của pháp luật. Nếu các cá nhân có hành vi phạm pháp, họ phải bị thẩm vấn dưới ánh sáng của các bằng chứng cụ thể”. Trang web của phong trào Hizmet tự biện minh: “Là một phong trào dân sự, Hizmet không bao giờ nhằm mục đích kiểm soát xã hội thông qua chính phủ. Hơn nữa, Hizmet cũng không cần phải tạo thành một “cấu trúc song song”, “tổ chức khủng bố” hoặc “băng đảng”, trái với một số cáo buộc không có căn cứ. Giờ đây khi tổ chức khủng bố PKK (Đảng Công nhân người Kurd, tổ chức vũ trang của người Kurd đòi độc lập và tự trị ở Thổ Nhĩ Kỳ) đang dần được tuyên bố vô tội, những từ ngữ “băng đảng” và “khủng bố” trước đây liên quan đến PKK đang bị gán cho Phong trào Hizmet”. Giữa hai làn đạn Thực hư thế nào chưa rõ, song mới hôm 13-7 vừa qua, đại sứ Mỹ tại Nhổ Nhĩ Kỳ John Bass tuyên bố: “Chúng tôi tiếp tục hỗ trợ các nỗ lực của Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ để đưa những người chịu trách nhiệm về các sự kiện khủng khiếp vào ngày 15-7 ra trước công lý” (báo Hurriyet 14-7-2017), một dấu hiệu cho thấy Mỹ vẫn đang thận trọng giải quyết câu chuyện Gülen, người mà họ chứa chấp, và Thổ Nhĩ Kỳ, đồng minh trọng điểm ở Trung Đông, theo cách thức riêng. Trước đó, đại sứ Thổ Nhĩ Kỳ tại Washington, Serdar Kiliç, tuyên bố ông “cảm nhận thấy ý muốn từ chính quyền Trump nhằm cho phép dẫn độ Fethullah Gülen về Thổ Nhĩ Kỳ”. Song, ông cũng than phiền rằng “theo ý kiến cá nhân tôi, quả thật là họ không hành động nhanh như dư luận Thổ Nhĩ Kỳ mong muốn” (CNN 14-7-2017). Việc Thổ Nhĩ Kỳ đòi dẫn độ giáo sĩ Gülen cùng chiều với việc dư luận Thổ Nhĩ Kỳ cho rằng Mỹ đứng sau vụ đảo chính này (New York Times 2-8-2016). Điều này cho thấy sự phức tạp của quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ với các cường quốc, và điều đó tác động đến cán cân quyền lực trong khu vực ra sao. Vị trí độc đáo của Thổ Nhĩ Kỳ, tiếp nối Á-Âu, với eo biển chiến lược Bosphorus, khiến đất nước này từng là tiền đồn của “thế giới tự do” suốt cuộc Chiến tranh lạnh, rồi giờ là của NATO trong cuộc đối đầu với Nga. Vụ một chiếc F-16 (sản xuất tại Mỹ) của không quân nước này bắn rơi một chiếc SU-24 của không quân Nga hôm 24-11-2015, do Thổ Nhĩ Kỳ cho rằng máy bay Nga đã vi phạm không phận của họ là hành động minh chứng cho sự phân cực ấy. Thế nhưng, Thổ Nhĩ Kỳ vẫn không quên đi dây. Ông Erdogan, từ chỗ “không có gì phải xin lỗi” (ngày 27-11-2015), tới chỗ “xin lỗi” (27-6-2016), rồi thì “khôi phục trọn vẹn quan hệ” (3-5-2017) với Nga cho thấy thái độ của Ankara có thể biến báo ra sao. Bàn cờ khu vực giáp ranh Á-Âu giờ đã thay đổi nhiều. Hôm 4-7, Thổ Nhĩ Kỳ loan báo sẽ mua hệ thống phòng không S-400 trị giá 2,5 tỉ USD của Nga. Quyết định “chưa từng thấy” này được trợ lý tổng thống Nga Vladimir Kozhin lạnh lùng xác nhận “Nga không thấy có vấn đề gì khi bán tên lửa này cho một nước thành viên NATO” và rằng “Nga sẽ không bán chịu”, song khiến Lầu Năm Góc bực dọc cảnh cáo “Thổ Nhĩ Kỳ sẽ gánh chịu hậu quả xấu nếu mua hệ thống phòng không S-400 của Nga” (Bloomberg 15-7). Dẫu sao thì Thổ Nhĩ Kỳ cũng không “qua cầu rút ván”. Tối 14-7 vừa qua, Bộ trưởng quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ Fikri Isik tuyên bố tại sứ quán Pháp ở Ankara nhân quốc khánh Pháp rằng Thổ Nhĩ Kỳ đã ký kết một thỏa thuận với hai thành viên NATO là Pháp và Ý trong việc phát triển hệ thống phòng thủ tên lửa của nước này. Trong bối cảnh đó, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cố “còn nước, còn tát” bằng một phát biểu hôm 15-7: “Nhân kỷ niệm lần thứ nhất vụ đảo chính ở Thổ Nhĩ Kỳ, tôi nhắc lại thông điệp mạnh mẽ của tôi rằng bất cứ âm mưu nào nhắm tới hủy hoại nền dân chủ ở bất kỳ một nước đồng minh nào của chúng tôi là không thể chấp nhận được... Ngay sau vụ đảo chính, tôi đã lên án mạnh mẽ và bày tỏ sự đoàn kết của NATO với đồng minh đáng quý Thổ Nhĩ Kỳ”. “Khá khen con tạo xoay vần”...■ Tags: Thổ Nhĩ KỳChính sách đi dâyThế đi dây
Phá sập đường dây lừa đảo xuyên biên giới chuyên giả danh công an, cán bộ thuế, lừa hơn 13.000 người HÀ QUÂN 25/01/2025 Theo cơ quan công an, băng nhóm người Việt lừa đảo ở Campuchia đã mạo danh công an, cán bộ điện lực, thuế... gọi điện đề nghị người dân cập nhật thông tin để chiếm quyền sử dụng điện thoại, tài khoản ngân hàng.
Vợ nam shipper xấu số ở Đà Nẵng: Quẫn trí, suy sụp nhưng muốn cảm ơn cả xã hội đã quan tâm THÁI BÁ DŨNG 25/01/2025 Vợ nam shipper xấu số ở Đà Nẵng nói tới thời điểm này, cả gia đình vẫn không ai tưởng tượng lại được quan tâm, giúp đỡ và chia sẻ như vậy.
Thời tiết hôm nay 25-1: Đêm nay không khí lạnh mạnh về Bắc Bộ, Nam Bộ vẫn nắng nóng LÊ PHAN 25/01/2025 Từ đêm nay, Bắc Bộ sẽ đón đợt không khí lạnh rất mạnh, trời chuyển mưa rét. Nam Bộ thời tiết ngày nắng, Trung Bộ nhiều mây.
Tin tức thể thao sáng 25-1: Djokovic úp mở chuyện giải nghệ trong năm nay ĐỨC KHUÊ 25/01/2025 Djokovic có thể không trở lại thi đấu ở Giải Úc mở rộng và úp mở chuyện giải nghệ; Kyle Walker rời Man City tới cuối mùa... là những tin tức thể thao chính sáng 25-1.