TTCT - Chính trường Thái Lan lại dậy sống ngay sau những bất ổn bùng phát ở miền nam đất nước. Ông Prayuth đã làm thủ tướng được đúng 8 năm. Ảnh: THE TIMESLoạt bom nổ hôm thứ tư tuần rồi 17-8 ở ba tỉnh cực nam Thái Lan làm dấy lại những câu hỏi về làn sóng bạo lực ly khai và vai trò trị an của quân đội. Thật tình cờ, đúng một tuần sau các vụ nổ là ngày Thủ tướng Prayuth Chan-o-Cha mãn hạn cầm quyền, theo phán quyết của Tòa Hiến pháp.17 vụ nổ, hầu hết ở các cửa hàng tiện lợi, và vụ đốt cây xăng ở ba tỉnh cực nam Pattani, Narathiwat và Yala đã khiến 1 người thiệt mạng và 7 người khác bị thương, gồm 1 thiếu niên 14 tuổi. Báo chí cho rằng các vụ tấn công là "có phối hợp" về các mặt: (1) thời gian để bớt gây thương vong; (2) thời điểm ngay trước khi ông Prayuth (có thể) mãn nhiệm sau 8 năm cầm quyền; (3) và trong bối cảnh đó, càng nổi lên vai trò "vãn hồi trật tự trị an" của các tướng lĩnh sẽ kế vị trong nội các mới.Miền nam không bình yênNếu quả thật đây là những vụ nổ mang màu sắc ly khai, thì đây là sự tiếp nối những vụ tấn công tương tự xảy ra vào sáng 17-3-2020, lúc đại dịch Covid-19 mới bắt đầu tấn công Thái Lan. Hôm đó, vụ nổ đầu tiên, theo tường trình của HRW cùng ngày, là một quả bom nhỏ trước trung tâm hành chính các tỉnh biên giới phía nam (SBPAC) ở tỉnh Yala, khi đang diễn ra cuộc họp chống Covid, không gây thương vong song lại lôi kéo báo chí, nhân viên an ninh và người hiếu kỳ đông đảo kéo tới..., để rồi quả bom thứ nhì đặt trong một xe bán tải đậu gần đó nổ, khiến ít nhất 25 người bị thương, làm hư hỏng tòa nhà, một số công xa và xe tư nhân.Theo HRW, vụ nổ kép mang dấu vết của nhóm ly khai Cách mạng quốc gia Barisan (BRN). Chiến thuật "đánh bom kép" từng được sử dụng trong vụ đánh bom trước đồn cảnh sát ở Surat Thani tháng 8-2016: hai vụ nổ cách nhau nửa giờ, đủ để đám đông tụ tập lại, hầu gây thương vong tối đa (BBC 12-8-2016). Trước nữa là vụ nổ đẫm máu ở đền thờ Erawan ngay giữa Bangkok năm 2015 khiến 20 người thiệt mạng và hơn 120 người bị thương (BBC 16-8-2015). Bấy giờ tướng Prayuth, mới nổi lên sau cú chính biến tháng 5-2014, vừa giành chiến thắng cuộc trưng cầu ý dân trước đấy một tuần, qua đó tăng cường quyền lực của giới quân nhân.Lẽ ra đại dịch Covid đã khiến các bên hưu chiến như tinh thần thông cáo ngày 3-4-2020 của BRN, trong đó nói họ sẽ ngưng các hoạt động thù địch để đối phó đại dịch. Song, theo Lowy Institute 6-5-2020, quân đội Thái loan báo "sẽ tiếp tục thực thi luật pháp", đặc biệt là khóa chặt biên giới với Malaysia, để chống dịch và ngăn phe ly khai di chuyển, nhất là trong giai đoạn tháng chay Ramadan của người Hồi giáo, năm 2020 là từ 24-4 tới 22-5. Trong thời gian diễn ra lễ Ramadan, an ninh Thái đã tấn công một ngôi nhà của phe BRN, giết chết 3 người với lý do họ có lệnh truy nã và đang chuẩn bị tấn công phá hoại.Ban thư ký trung ương BRN nhanh chóng lên án cuộc tấn công, dù họ đã công khai gia hạn lời kêu gọi các lực lượng an ninh tham gia lệnh ngừng bắn. 3 ngày sau, 2 lính bán quân sự Thái bị bắn. Họ là những nạn nhân mới nhất trong cuộc xung đột kéo dài 16 năm khiến hơn 7.000 người thiệt mạng ở miền nam Thái Lan. Theo Lowy Institute, các vụ xả súng lúc bấy giờ là phản ứng "ăn miếng trả miếng" với các cuộc truy quét quân nổi dậy. Cũng may là phong trào BRN đã tỏ rõ là họ không nhắm vào người nước ngoài, cố gây ít tổn thất, không thu hút phong trào thánh chiến Hồi giáo quốc tế Jihad, và ít khi hoạt động bên ngoài khu vực biên giới mà họ đòi ly khai, theo Lowy Institute.Tình hình vẫn không yên ổn suốt năm đầu đại dịch. Tình trạng khẩn cấp có hiệu lực ở các tỉnh Narathiwat, Pattani và Yala đến tận tháng 3-2021. Các vụ nổ súng và đánh bom bên đường, sử dụng điện thoại di động hoặc thiết bị điện tử khác để kích nổ thiết bị nổ tự chế từ bình gas hoặc bình chữa cháy, là kiểu tấn công phổ biến nhất, thường nhắm vào các đoàn xe và cơ sở hạ tầng của quân đội hoặc cảnh sát. Tuy nhiên, cũng có lúc mục tiêu bị nhắm tới là giáo viên, nhà sư và những người khác được phe nổi dậy coi là biểu tượng của "cơ sở nền tảng" cho Thái Lan. Đôi khi, mục tiêu là người Hồi giáo địa phương được cho là làm "chỉ điểm" cho chính quyền hoặc phản bội "chính nghĩa" ly khai.Những người "sốt ruột"Sự bất ổn có thể cảm nhận qua bài viết "Áp lực lên cao với nhiệm kỳ thủ tướng" của tờ Bangkok Post 21-8. Tờ báo cho biết thứ tư 23-8, Tòa án Hiến pháp Thái Lan sẽ nhóm để xem xét kiến nghị của phe đối lập yêu cầu tòa tuyên định nhiệm kỳ 8 năm của ông Prayuth chính thức kết thúc. Kiến nghị này đã nộp ở Hạ viện và chủ tịch Hạ viện, cựu thủ tướng đầy ảnh hưởng Chuan Leekpai đã chuyển lên tòa tối cao. Hội đồng bầu cử quốc gia cũng đang sửa soạn một kiến nghị tương tự.Câu hỏi về nhiệm kỳ của Thủ tướng Prayuth đang chia đôi chính giới Thái Lan: phe "sốt ruột" quy tụ 38 tổ chức chính trị lý luận rằng điều 158 hiến pháp ấn định tối đa hai nhiệm kỳ thủ tướng là 8 năm. Như thế, tính từ khi ông Prayuth nắm quyền sau cú chính biến năm 2014, được Quốc vương quá cố Bhumibol Adulyadej bổ nhiệm hôm 24-8 năm đó, thì đến 24-8 năm nay đã đủ, ông phải xuống. Tuy nhiên, phe "cứ từ từ" cho rằng do lẽ ông Prayuth được bổ nhiệm ngày 9-6-2019 sau bầu cử đúng hiến pháp "bổ sung", nên phải đến 2027 mới hết hạn 8 năm. Kết quả chính thức ngày 24-8: Tòa tuyên ông Prayuth bị đình chỉ chức thủ tướng.Thành ra, vấn đề là ông Prayuth sẽ "thôi" hay "chưa thôi". Trong "chính chị, chính em", không ai ngớ ngẩn tự bảo "ok, sẽ thôi" nhưng cũng khó nói càn kiểu "không thôi, làm gì nhau?" để rơi vào đối kháng không lối thoát. Ông Prayuth không trả lời trực tiếp, mà nói qua lời người phát ngôn Anucha Burapachaisri: "Tòa án hiến pháp sẽ có tiếng nói chung cuộc. Thủ tướng sẽ tuân thủ. Không ai đứng trên luật pháp. Thành ra, chúng ta hãy giữ niềm tin nơi luật pháp, vốn là cơ chế tối quan trọng với sự cùng tồn tại trong xã hội và để đất nước vẫn được bình an". (The Nation 23-8).Trong khi chờ đợi, các cuộc thăm dò giúp dư luận "xả xú páp" và các bên đánh giá tình hình: cuộc thăm dò thực hiện từ ngày 2 đến 4-8 với 1.342 người cho thấy có 64,25% ý kiến muốn ông Prayuth "thôi" (Bangkok Post 7-8). Một vấn đề nữa là ông Prayuth đang phải "tính toán" ngay với nội bộ giới tướng lĩnh mà ông xuất thân. 8 năm là dài với các chính khách đối lập dân sự. Song, chừng đó cũng có thể là quá dài cả với các viên tướng xung quanh ông Prayuth!Tháng 6 vừa rồi, quan sát tình hình chính trường Thái Lan sau khi Quốc hội nước này họp thông qua ngân sách, tờ Nikkei Asia của Nhật nhận xét: "Rạn nứt hình thành trong liên minh cầm quyền khi bắt đầu đếm ngược đến cuộc bầu cử tiếp theo"! Không biết có bao nhiêu tướng lĩnh đang "sốt ruột" nhưng từ hai năm qua đã xuất hiện những tiếng nói công khai hơn, đặc biệt là nhóm tướng tá được Quốc vương Rama X chọn chỉ huy lực lượng đặc biệt cận vệ hoàng gia 904, gồm hai trung đoàn trực tiếp dưới quyền quốc vương - giống như lữ đoàn liên binh phòng vệ phủ tổng thống ở miền Nam Việt Nam trước kia.Dân chúng Thái Lan có vẻ cũng đã chán ngán. Sau cuộc bầu cử địa phương ngày 22-5 vừa rồi, Nikkei mô tả ông thủ tướng: "Chiến thắng bầu cử của ứng viên có quan hệ với Thaksin làm rung chuyển Chính phủ Thái Lan. Các cử tri Bangkok đã biến Thủ tướng Prayuth Chan-ocha thành vịt què". Sự chán ngán còn được thể hiện qua việc hôm 22-8, ông Prayuth và tướng Chalermpol Srisawat bị sinh viên 6 trường đại học kiện ra tòa vì ban bố những quy định hạn chế việc tụ tập (Prachatai 22-8). Một hoạt động đối lập đơn lẻ thì dễ bẻ, song khi cùng lúc nổ ra nhiều lực đối kháng, phe cầm quyền đang thực sự gặp khó.Cũng thế, những vụ nổ ở miền nam có thể nhắc nhở vai trò giới tướng lĩnh, song câu hỏi đặt ra là những ông tướng nào là đáng nhắc nhất, ở đất nước mà tính đến tháng 9-2019, quân đội có quân số 360.000 người, song đếm được đến 1.700 ông tướng, tức bình quân cứ 212 binh sĩ có 1 ông tướng (New Mandala 25-9-2019)!■Năm nay, các lực lượng chính phủ và BRN đã kiềm chế bạo lực trong suốt tháng Ramadan (1-4 đến 1-5) khắp miền nam. Đầu tháng 4, tại cuộc hòa đàm ở Malaysia, hai bên nhất trí lệnh ngừng bắn kéo dài 40 ngày đến giữa tháng 5, bao gồm luôn lễ Phật đản (Banar News 21-8). Tuy nhiên, hy vọng hòa bình lâu dài tan biến sau vụ tấn công một đồn cảnh sát đường sông ở Tak Bai, con sông biên giới Thái Lan và Malaysia, ngay sau khi tháng Ramadan kết thúc. Tiếp theo là hàng loạt vụ nổ vừa rồi. Những biến cố này vô hình trung làm cho vai trò của quân đội khó giảm bớt, mà chỉ tăng thêm. Về phía chính quyền, quân đội Thái Lan tuyên bố đã tiêu diệt 64 thành viên BRN trong thời gian từ hưu chiến năm ngoái đến đầu tháng chay Ramadan năm nay (Benar News 21-8). Tags: Thái LanBạo lựcKhủng bốPrayuth Chan-ochaThủ tướng Thái LanQuân đội Thái Lan
Khách đông kín sân bay Tân Sơn Nhất, đứng nằm ngồi vật vã, xếp hàng dài vô tận CÔNG TRUNG 24/01/2025 Chen chúc, nhích từng chút để chờ làm thủ tục tại sân bay Tân Sơn Nhất. Bên trong nhà ga khan ghế ngồi, khách nằm vật vạ dưới đất để chờ hãng thông báo giờ bay mới sau nhiều giờ chậm chuyến (delay).
Vợ nam shipper xấu số ở Đà Nẵng: Quẫn trí, suy sụp nhưng muốn cám ơn cả xã hội đã quan tâm THÁI BÁ DŨNG 25/01/2025 Vợ nam shipper xấu số ở Đà Nẵng nói tới thời điểm này, cả gia đình vẫn không ai tưởng tượng lại được quan tâm, giúp đỡ và chia sẻ như vậy.
Nguyên bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Quốc Triệu qua đời chiều 24-1 HỒNG HÀ 24/01/2025 Thông tin từ Bộ Y tế cho hay nguyên bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Quốc Triệu đã qua đời lúc hơn 17h chiều 24-1 tại Hà Nội.
Ùn ứ trên quốc lộ 1, xe cộ nhích từng chút thành vệt sáng dài giữa đêm NGUYỄN HOÀNG 24/01/2025 Khuya 24-1, tuyến quốc lộ 1 (đoạn qua thị xã Ninh Hòa, Khánh Hòa) ùn ứ kéo dài, xe cộ khó khăn nhích từng chút một.