Tầm vóc của những điều gần gũi

TRẦN QUỐC TÂN 16/04/2025 14:42 GMT+7

TTCT - Một thế kỷ văn học qua danh sách 100 tác phẩm nổi bật của Der Spiegel.

Không gì hấp dẫn hơn một thư viện gồm toàn những cuốn sách chưa đọc. Đó là lý do mà các bản danh sách ra đời.

Đã có bao thế hệ người đọc từng háo hức đón nhận danh sách các tác phẩm nổi bật hay xuất sắc nhất thế kỷ, được tạp chí Time, nhật báo Le Monde, hay Nhà xuất bản Modern Library đề xuất. 

Tháng ba vừa qua, tạp chí Der Spiegel (Tấm gương) của Đức công bố danh sách 100 tác phẩm văn học nước ngoài đáng chú ý nhất, và qua đó, định hình lại ý tưởng về những gì được coi là "điển phạm".

tác phẩm văn học - Ảnh 1.

Trang bìa tạp chí Der Spiegel, số 15 năm 2025

Trải dài một thế kỷ sáng tác (từ năm 1925 đến 2025) danh sách này không chỉ tập hợp các kiệt tác mà còn đặt lại nền móng cho những cách phân loại văn học trước đây. Nó vượt ra khỏi sự sùng kính bất biến dành cho chủ nghĩa hiện đại phương Tây và những lược đồ quen thuộc theo quốc gia và vùng ngôn ngữ. 

Lựa chọn của Der Spiegel đề xuất một cách nhìn "hệ chuẩn" trong phạm vi toàn cầu, mang tính đối thoại sâu sắc với lịch sử - phản ánh một thế kỷ của đổ vỡ, kháng cự và những nỗ lực không ngừng để tưởng tượng lại thế giới.

Đáng chú ý không chỉ nằm ở những cuốn sách được chọn mà còn ở những tiếng nói được tôn vinh. Trái với thiên kiến "dĩ Âu vi trung" từ nhiều bản danh sách trước đây, Der Spiegel mở rộng hơn đến văn học châu Á, châu Phi, vùng Caribê, Trung Đông và Đông Âu - xem những khu vực này không phải ngoài rìa mà ở trung tâm của văn đàn. 

Ban giám khảo nhìn nhận Chinua Achebe kể câu chuyện của châu Phi từ bên trong, Ngũgĩ wa Thiong'o và Maryse Condé phê phán di sản thực dân, hay Han Kang, Adania Shibli và Lưu Từ Hân khám phá những giao điểm giữa chấn thương, tương lai và ký ức lịch sử tại châu Á.

 Truyện kể Mỹ Latin hiện diện mạnh mẽ qua García Márquez, Isabel Allende và Roberto Bolaño, trong khi Đông Âu hiện lên đầy sắc sảo qua tác phẩm của Imre Kertész, Mircea Cărtărescu, Olga Tokarczuk và Péter Nádas.

Đây không phải là một bài toán kiểm đếm đa dạng. Bản danh sách đặt trọng tâm vào sự tái định hướng giá trị văn học. Các tác giả không được lựa chọn như những "cây đại thụ" hay gương mặt tiêu biểu của từng nước; họ là những sự hiện diện cấp bách, có tính định hình. 

Văn chương trong vị thế này không phải là một thứ xa xỉ hay một cuộc truy cầu thẩm mỹ mà là một hình thức tồn tại, một cách thức phản kháng, một không gian để nhận thức và chuyển hóa. 

Bằng việc xây dựng danh sách này, Der Spiegel không đơn thuần liệt kê những cuốn sách quan trọng; họ vẽ lại bản đồ văn chương thế giới cho một thế kỷ đa âm và đầy rạn nứt.

Văn tuyển cho thời đại của đổ vỡ

Đặc điểm nổi bật trong tuyển chọn của Der Spiegel chính là sự đón nhận những vệt đứt gãy của tự sự. Nhiều tác phẩm hư cấu không chỉ phá vỡ lối kể chuyện truyền thống; chúng chất vấn tận gốc các giả định từng bảo chứng cho tính mạch lạc của văn chương. 

Tính phân mảnh ở đây không phải là một sở thích hình thức nhất thời; nó là sự từ chối việc làm phẳng trải nghiệm sống thành đường cong có thể dự đoán trước của cốt truyện.

Cách tân hình thức trong Finnegans Wake, với thứ ngôn ngữ mộng mị đầy náo loạn, đánh dấu một khoảnh khắc khởi nguyên trong dòng mạch này. Di sản của sự bất tuân mà James Joyce khởi xướng tiếp tục vang vọng, trong sự tự chiêm nghiệm huyền bí của Clarice Lispector, những mê cung siêu tiểu thuyết của Italo Calvino trong Nếu một đêm đông có người lữ khách, hay tự truyện được tối giản đến mức giọng kể gần như tan biến trong Kudos của Rachel Cusk.

tác phẩm văn học - Ảnh 2.

Sự phân rã thẩm mỹ ấy gắn bó mật thiết với những đứt gãy trong bản sắc, lịch sử và thể xác. Trong tác phẩm của Djuna Barnes, Nella Larsen hay Anne Carson, sự gián đoạn hình thức đi đôi với tính linh hoạt của giới. 

Ngôn ngữ trở nên bất ổn chính tại nơi mà bản sắc cũng vậy. Thay vì xem bản dạng giới và dị tính queer như một nội dung để kể, các tác giả này thấm đẫm chúng vào cấu trúc tự sự, tháo neo độc giả khỏi kỳ vọng cố định, thay thế quan hệ nhân quả bằng việc để cho cảm xúc trôi nổi.

Ở khía cạnh này, phân mảnh vừa là tấm gương, vừa là hành động nổi loạn: nó phản chiếu hỗn loạn nội tâm của những bản ngã bị đẩy ra ngoài lề, đồng thời chống lại sự khép kín gọn ghẽ vốn thường được kỳ vọng ở chúng. 

Dù là trong độc thoại nội tâm rời rạc của Fernando Pessoa trong Quyển sách của nỗi bất yên, việc tự xét đoán bản thân triền miên đến kiệt sức của Karl Ove Knausgård trong Cuộc đấu tranh của tôi, hay biên niên sử đau đớn về thân phận ngoài lề của Hanya Yanagihara trong Một chút sức sống, cái tôi đang tan rã không phải là thất bại của tự sự mà là đối tượng cấp bách nhất của nó.

Rốt cuộc, những tác phẩm này gợi ý rằng sự đứt gãy không phải là cái chết của ý nghĩa mà là sự tái sinh của nó. Bằng cách tháo dỡ các hình thức truyền thống, chúng mở ra không gian cho những câu chuyện từng bị kìm nén hoặc bóp méo. 

Chúng không chỉ quan tâm đến chuyện gì đã xảy ra, mà còn đến cách ta làm chứng, ai được lên tiếng, và lời nói cần mang hình hài gì khi chính ngôn ngữ đã mang những vết thương.

Lịch sử như tàn tích

Nếu có một đường dây xuyên suốt danh sách này, đó chính là sự dai dẳng của chấn thương đến từ lịch sử. Lịch sử không đơn thuần là bối cảnh hay trục thời gian; nó là một lực đẩy làm biến dạng đời sống, làm lung lay ký ức và bóp méo cấu trúc của hư cấu.

Ở đây ta không thấy những cuốn sách kể lại lịch sử từ khoảng cách an toàn; chúng là những văn bản thở cùng dư chấn của nó, run rẩy trước âm vang chưa khép lại của các thảm họa. 

Dù là qua sự minh bạch lạnh lùng trong lời chứng của Primo Levi về trại tập trung Auschwitz trong Có được là người, nét ngây thơ lạc hướng của cậu bé kể chuyện trong Không số phận của Imre Kertész, hay nỗi kinh hoàng lắp ghép nhiều mảnh trong 2666 của Roberto Bolaño, những tiểu thuyết này không thể hiện lịch sử như một tiến trình hay bài học được rút ra, mà như vết thương - mở toang, rỉ máu, vẫn còn đọc được trong thì hiện tại.

Điều kết nối những tác phẩm này không chỉ là mối bận tâm với thảm họa - chiến tranh, diệt chủng, chiếm đóng, độc tài - đó còn là sự từ chối việc tường thuật chấn thương thành một dòng mạch liền lạc hay có tính cứu rỗi.

tác phẩm văn học - Ảnh 3.
tác phẩm văn học - Ảnh 4.

Thương của Toni Morrison không chỉ là tiểu thuyết về di sản của chế độ nô lệ; nó chính là biểu hiện bằng hình thức văn chương của sự phân mảnh tinh thần và văn hóa mà di sản ấy để lại. Từng xúc cảm của người mẹ trẻ trong truyện được trộn từ thứ mực đen của đời sống. Ô nhục của J. M. Coetzee lấy bối cảnh Nam Phi thời hậu Apartheid. 

Cuốn tiểu thuyết theo chân David Lurie, một học giả mất chức vì bê bối tình dục, và cô con gái Lucy, người sống thầm lặng nơi nông trại hẻo lánh và bị xâm hại tàn nhẫn bởi một nhóm thanh niên da đen. Điều khiến Ô nhục trở nên ám ảnh không nằm ở các biến cố ấy mà ở phần hậu chấn: trong cơn lặng sau biến cố, nơi đạo lý trở nên mơ hồ, nơi nỗi xấu hổ tồn tại không gì chuộc lại được.

Những cuốn sách này không dạy ta lịch sử, cũng không phải là tượng đài tưởng niệm; chúng là địa chấn ký. Chúng cho thấy rằng văn học, thay vì chỉ đóng vai trò phản chiếu lịch sử, có lẽ chính là nơi vang vọng gần gũi nhất của lịch sử. Các tác giả không đặt câu hỏi làm sao văn học có thể tái hiện chấn thương, mà là làm thế nào văn học có thể cưu mang sự cận kề không thể chịu nổi ấy.

Những trang sách của họ không tìm kiếm sự đồng cảm thông qua kịch tính; chúng yêu cầu sự lặng im, sự chú tâm và nhập cuộc của người đọc trong hành trình ghi nhớ. Theo cách ấy, tiểu thuyết được định nghĩa lại: như một kho lưu giữ điều không thể nói, nơi lịch sử không khép lại mà tiếp tục mở ra, từ trang này sang trang khác, trong những cuộc đời vẫn còn đang tiếp diễn.

Vượt ra ngoài danh sách "cần đọc"

Phải chăng, không nên nhìn nhận danh sách điển phạm như những tuyên ngôn đắc thắng, mà ta nên đọc chúng bằng tâm thế khiêm nhường, thừa nhận rằng quyền năng bền bỉ nhất của văn chương nằm ở khả năng lắng nghe, lay động, và nâng niu những thanh âm mà lịch sử từng bỏ quên hoặc cố tình xóa nhòa?

Danh sách này không phải là tập hợp những cuốn sách hô hào và mang tính áp đặt. Nhiều cuốn trong đó thì thầm, ngập ngừng, và đầy day dứt. Chúng khước từ sự kết thúc trọn vẹn. Chúng không ràng buộc vào thế giới quan duy nhất hay một hình thức văn chương cố định. Nhờ thế, chúng mang đến một đối trọng cho tính giáo điều và ồn ào đang ngày càng chi phối văn hóa đương đại.

Những thanh âm đối kháng là dấu hiệu của một văn đàn không nhằm tạo đồng thuận mà hướng đến đối thoại và va chạm. Trong Kudos của Rachel Cusk, Meursault, cuộc tái điều tra của Kamel Daoud, hay Tiểu tiết của Adania Shibli, trung tâm kể chuyện tan biến. 

Cái "tôi" trở nên xốp rỗng, người kể gần như im lặng, và hành vi kể chuyện biến thành một bãi mìn đạo đức chực nổ tung bất cứ lúc nào. Những tiểu thuyết này không chỉ phá vỡ cốt truyện hay thể loại, mà còn đặt nghi vấn lên chính quyền năng kể chuyện. 

Ai có quyền lên tiếng? Điều gì được xem là sự thật? Chuyện gì xảy ra khi những câu hỏi ấy được để ngỏ, không có câu trả lời?

tác phẩm văn học - Ảnh 11.
tác phẩm văn học - Ảnh 12.
tác phẩm văn học - Ảnh 13.

Đặt bên cạnh nhau, một trăm cuốn sách không tạo nên một lời phán tối hậu, mà mở ra một đường chân trời đang dịch chuyển của giá trị văn chương - nơi ưu tiên dành cho những gì bên lề, lai ghép, và gãy vỡ. 

Văn học thế giới đương đại là văn học của tiếng vọng và khoảng hở, của thương tích và khả năng tái sinh. Không phải ngẫu nhiên khi nhiều tác phẩm trong danh sách xoay quanh những chủ đề như di cư, ly tán, những bản thể thứ hai hay các thế giới song song. Chúng đối thoại với một thế kỷ mà mặt đất dưới chân ta chưa từng vững chãi, nơi tự sự trở thành mảnh đất để ý nghĩa được đấu tranh, được thách thức và không ngừng kiến tạo lại.

Thay vì lập danh sách các tác phẩm biểu tượng, Der Spiegel đề xuất một cách tiếp cận mang tính thẩm thấu hơn. Họ không mời gọi độc giả chiêm ngưỡng, mà cần tham dự, không xem các tác phẩm như những cổ vật bất biến, mà như những cuộc đối thoại còn dang dở. 

Nếu các danh sách trước đây phản ánh thị hiếu khắt khe hay khẩu vị thẩm mỹ của tầng lớp ưu tú, hay những ai đặt niềm tin vững chãi vào các "cường quốc văn chương", danh sách văn học tiêu biểu của Der Spiegel cho thấy một điều gì đó gần gũi và cấp thiết hơn: nỗi bất an, trạng thái chênh vênh của thời đại, và nhu cầu lắng nghe sâu sắc.

Một danh sách văn chương, nếu thực sự có ý nghĩa, cần biết rằng các câu chuyện không cứu rỗi chúng ta, nhưng nếu được kể bằng sự chính xác và cẩn trọng, chúng có thể giúp ta nhìn ra những điều từng bị khuất lấp. Hoặc, ít nhất, lắng nghe những thanh âm mà trước đây ta chưa từng nghe thấy.

Ai làm nên danh sách này?

Danh sách của Der Spiegel được hình thành qua quá trình tuyển chọn công phu, với sự phối hợp giữa ban biên tập văn học của tạp chí và một hội đồng cố vấn. Bốn chuyên gia được mời bao gồm: Eva Horn (59 tuổi), giáo sư văn học và sinh thái tại Đại học Vienna, tác giả của nhiều công trình về tưởng tượng tương lai và biến đổi khí hậu; Michael Maar (64 tuổi), nhà văn và nhà phê bình từng đoạt giải Heinrich Mann của Viện Hàn lâm Nghệ thuật Berlin; Miryam Schellbach (36 tuổi), biên tập viên và nhà phê bình; và Peter Sloterdijk (77 tuổi), triết gia Đức, nổi bật với những tác phẩm phản biện về tính hiện đại, toàn cầu hóa và bản chất của con người trong xã hội đương đại.

Danh sách tập trung vào văn học quốc tế (ngoài khu vực Đức ngữ), được công bố nhân dịp Hội sách Leipzig 2025. Thách thức lớn nhất là lựa chọn giữa hàng nghìn tác phẩm thuộc nhiều ngôn ngữ, truyền thống và bối cảnh văn hóa khác nhau. Khoảng 30% tác phẩm đến từ Mỹ Latin, châu Phi, châu Á và Caribê, phản ánh một nỗ lực có ý thức nhằm mở rộng địa lý thẩm mỹ của văn chương thế giới.

Tái tưởng tượng triệt để

Danh sách 100 cuốn sách văn học của Spiegel nhấn mạnh một sự thật thường bị bỏ quên: tiểu thuyết có thể là một hình thức can thiệp vào trật tự hiện hữu. Các tác phẩm ở đây không né tránh đàn áp, hệ tư tưởng hay các cuộc nổi dậy; ngược lại, chúng bước thẳng vào cỗ máy quyền lực và bắt đầu tháo rời từng bánh răng, từng câu chữ.

Các vị quan chức của Simone de Beauvoir chất chứa khát vọng giải phóng cá nhân. Những đứa con của nửa đêm của Rushdie kết hợp huyền thoại với bi kịch chia cắt dân tộc.

Ngay cả trong giả tưởng và khoa học viễn tưởng, khát vọng chất vấn quyền lực vẫn trỗi dậy. Tam thể của Lưu Từ Hân đặt ra câu hỏi về xu hướng tự hủy của nhân loại. Điều bất thường của Le Tellier (giúp ông giành giải Goncourt năm 2020) là "vở kịch" về giám sát, sự lặp lại và khủng hoảng hiện sinh. Cuối tiểu thuyết xoay quanh những cuộc đời song song: hơn hai trăm hành khách trên một chuyến bay bất ngờ phát hiện ra họ có một bản sao y hệt. Hervé Le Tellier là thành viên nhóm OuLiPo - "xưởng văn chương tiềm năng" - nơi quy tụ những nhà văn tiên phong trong việc thử nghiệm hình thức và cấu trúc. Trong số những gương mặt tiêu biểu của nhóm, còn có Raymond Queneau và Italo Calvino có mặt trong danh sách của Spiegel.

Một trong những đặc điểm nổi bật nhất của văn học đương đại là sự chuyển động tinh tế giữa cái bao quát và cái gần gũi. Nhiều tiểu thuyết trong danh sách được định vị trong những không gian rất đỗi đời thường - nhà bếp, phòng bệnh, quán trọ ven đường - nhưng lại vang vọng như các huyền thoại. Ngược lại, cũng có tác phẩm bao trùm những vòng cung lịch sử khổng lồ, chỉ để quay trở lại, nhiều lần, với cơ thể con người và ranh giới của nó.

Từ địa ngục trở về (The year of magical thinking) của Joan Didion là một nghiên cứu về tang thương cá nhân nhưng mang âm sắc triết học. Rừng Na Uy của Haruki Murakami lần bước qua nỗi đau trưởng thành bằng tiết điệu trầm lặng và trữ tình. Fernando Pessoa chứa đựng cả một hệ hình bản thể học trong những giấc mơ lờ đờ giữa lòng Lisbon.

Còn các tác giả Đông Âu như Olga Tokarczuk với Những cuốn sách của Jacob, hay Péter Nádas với Chuyện kể song song, trải rộng tự sự trên nhiều thế kỷ và hệ tư tưởng, đặt niềm tin rằng dòng chảy lịch sử rồi sẽ đọng lại trong những cử chỉ con người nhỏ bé. Ngay cả những dự án đồ sộ như 2666 của Roberto Bolaño hay Bản đồ và vùng đất của Michel Houellebecq cũng xoay quanh những con người thầm lặng, đổ vỡ ở bên rìa các hệ thống vĩ mô.

Sự chuyển động giữa hai cấp độ - vi mô và vũ trụ, thể xác và địa chính trị - là một trong những dấu ấn đậm nét của văn học đương đại. Huyền thoại không tách biệt khỏi điều thường nhật; trái lại, nó trú ngụ trong chính hành động tiếp tục sống, nhớ lại, ăn sáng, hay kể một câu chuyện. Tất cả đều là hành vi chống lại sự lãng quên.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận