TTCT - Học trò trưởng thành nhận thức, bước vào cuộc sống, trở thành những con người có ích chính là món quà quý giá nhất mà của thầy cô hằng mong đợi sau bao ngày "gieo hạt, vun trồng". Học trò cũ và mới tặng hoa chúc mừng thầy Lương Văn Thanh, giáo viên thể dục Trường THPT Thủ Thiêm, Q.2 TP.HCM nhân Ngày nhà giáo VN 20-11 - Ảnh tư liệu Từ thuở nào, người thầy đã được tôn vinh là: “Sứ giả trí tuệ của nhân loại”, “Kỹ sư tâm hồn” hay giản dị hơn “Không thầy đố mầy làm nên”... Và hình thành trong mỗi người, trong mỗi gia đình, dưới mỗi nếp nhà nét văn hóa truyền thống tốt đẹp - văn hóa “Tôn sư trọng đạo”. Tuy vậy thời gian gần đây, không ai khỏi chạnh lòng khi nghe đâu đó có thầy giáo xâm hại thân thể học trò; cô giáo lỡ tay làm trầy xước làn da trẻ thơ đã bị phụ huynh xông vào trường thể hiện hành vi lỗ mãng... Thi thoảng, một vài clip về cảnh học trò bạo lực được tung lên mạng xã hội gây ra hiệu ứng chỉ trích, đổ lỗi cho giáo dục, tạo tâm lý hoang mang, buồn chán trong không ít nhà giáo. Giáo dục là con đường thấm dần. Một cơ sở giáo dục, một ngôi trường đâu chỉ có vài học sinh, nhỏ thì vài chục, lớn hơn đến hàng trăm, còn đông nữa thì đến vài nghìn. Nên phải chấp nhận rằng sẽ có một vài trường hợp lệch chuẩn, trái khuôn. Sự ấy tất nhiên là buồn. Bởi con người vốn có lòng tự trọng, mà người thầy thì lòng tự trọng lại càng cao. Nhưng không vì thế mà nóng vội hoặc hờ hững, an phận. Bởi tất cả sự nóng vội hay an phận đều đi đến bế tắc và thất bại, mà nên cần mẫn uốn nắn, cắt tỉa hơn nữa. Kiên nhẫn rồi sẽ thành hình. Nghề thầy cần lắm sự nhẫn nại. Niềm vui của nghề thầy thật ra chẳng có gì là to tát, lớn lao. Đó là những cái mà hằng ngày ta hay làm, quen thấy. Nó có thể diễn ra ngay trên đường phố tấp nập, khi ta dừng xe vì một lý do nào đó hay tại một quán nhỏ ven đường, khi ta bước vào ăn bát phở, tô mì, vô tình gặp mẹ cha của cậu học trò đã ra trường, bạn chưa kịp nhớ ra thì phụ huynh đã mở lời “Chào thầy!”, “Thầy vẫn khỏe chứ?”, “Lâu nay thầy vẫn dạy ở trường mình hay đổi đi nơi khác?”... Những lời chào vồn vã, lời thăm hỏi chân tình ấy dù chỉ thoáng qua, nhưng chắc chắn đọng lại mãi trong tâm hồn bạn. Nó cũng sẽ âm thầm tỏa lan trong bạn, cho bạn động lực, nhiệt huyết, say mê. Bạn có thấy khi mỗi ngày đến lớp, bạn và ta đều gặp các em trên những con đường quen, trước cổng trường, nơi hành lang hay tại một phòng học, các em vui vẻ hỏi chào: “Em chào thầy!”, “Em chào cô!”, “Cô mặc chiếc áo này đẹp lắm!”, “Thầy hớt kiểu tóc nhìn ngộ quá đi, thầy ơi!”... Những lúc như thế, cả bạn và ta, dù có đang trong trạng thái bị áp lực công việc đến thế nào, cũng nên biết quên đi mà nở nụ cười chào lại các em, chắc chắn những căng thẳng từ cuộc sống theo đó vèo bay. Nghĩa tình thầy trò sẽ ấm áp hơn nếu ta và bạn đều biết vượt qua các rào cản vô hình về ranh giới thầy trò đã từ lâu ăn sâu vào cốt tủy người thầy, để ta ngày càng gần gũi các em hơn. Các em sẽ rất cởi mở nếu ngay trên đường phố, dưới sân trường, trước cửa lớp, trong tiết học hay bất cứ nơi nào ta luôn biết chủ động trò chuyện cùng các em một cách thoải mái nhất. Tại sao ta lại tiết kiệm tiếng cười khi mà nó làm cho tiết học thêm sôi động, cho khoảng cách thầy trò ngắn lại, cho nghĩa tình thêm bền lâu? Ở đâu cũng có giáo viên tốt, yêu thương và tận tâm với học trò... Ảnh tư liệu TT Nghề thầy là của mọi nhà. Hạnh phúc lớn nhất của nghề thầy là mỗi ngày được nhìn thấy khắp mọi vườn nhà đều xanh cây, tốt trái, được nghe đủ mọi ý kiến từ các bậc mẹ cha, nhất là từ chính bản thân các em trong từng tiết học, giờ chơi, hơn là tự nghe độc thoại của chính mình một khi các em đã hờ hững, quay lưng, khi chúng ta đã thờ ơ, phó mặc. Dĩ nhiên cũng có nhiều ý tưởng còn ngây ngô, thô mộc nhưng nếu biết khéo léo hợp tác, sửa chữa, các em sẽ tự điều chỉnh được mình để rồi hôm mai, hôm sau các em sẽ lớn hơn trong nói năng, ứng xử, học hành. Bởi vậy đừng bắt các em theo ta, mà nên gợi để các em theo mình, chỉ có như vậy các em mới nhanh chóng tự tin bước đi. Bạn say sưa truyền cho các em vốn kiến thức đã bao năm chắt chiu, tâm đắc là điều rất đáng quý, nhưng nếu quên truyền lửa để thôi thúc niềm hứng khởi cho các em tự lao đi tìm kiếm thì lại là một khiếm khuyết lớn. Vì không có hứng thú, con người ta chẳng còn động lực để vượt lên. Sự lớn dần trong nhận thức hằng ngày của các em, để rồi các em bước vào cuộc sống, trở thành những con người có ích có phải đó chính là món quà quý giá nhất mà mọi người thầy chúng ta hằng bao tháng năm gieo hạt, chăm bẵm vun trồng và khắc khoải ngóng trông đợi ngày quả chín? Tags: Thầy cô20-11Ngày 20-11Tôn sư trọng đạoNgày nhà giáo VN 20-11Ngày nhà giáo Việt Nam 20-11Chúc mừng 20-11
Trực tiếp: Tình hình giao thông cửa ngõ phía đông TP.HCM ngày 24-1 24/01/2025 Mời quý bạn đọc xem tình hình giao thông tại cửa ngõ phía đông TP.HCM ngày 24-1 (25 tháng Chạp). Nhiều gia đình bắt đầu về quê các tỉnh miền Trung, miền Bắc ăn Tết 2025, lượng xe di chuyển trên cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây - Phan Thiết.
Vì sao tuyển Việt Nam không còn mặn mà với sân Mỹ Đình? NGUYÊN KHÔI 24/01/2025 Thật khó tưởng tượng sân vận động quốc gia lại không phải là lựa chọn số 1 của đội tuyển Việt Nam. Nhưng điều đó lại đang đúng với sân Mỹ Đình (Hà Nội).
Giải mã nguyên nhân kẹt xe ở trạm thu phí cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây CHÂU TUẤN 24/01/2025 Mỗi ngày có tới 700 xe 'quên nạp tiền' để qua trạm thu phí cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, khiến tình trạng kẹt xe phức tạp hơn.
TikToker Nam 'Birthday' nhận sai: 'Tôi đã say rượu. Xin khoan hồng cho tôi' HỒNG QUANG 24/01/2025 Bùi Phương Nam cho rằng do đã say rượu, mất kiểm soát, không làm chủ được bản thân nên có hành động sai trái.